Thiền không phải là một tôn giáo, một học thuyết hay một quan niệm thuộc về tri thức. Thiền cũng không phải là nền triết học với những hệ thống luận lý mang tính chủ quan của vỏ não; cũng không phải là ngành khoa học với những cơ cấu lập trình và máy móc phức tạp.
Thiền chỉ là một danh từ tạm dùng để chỉ một tâm thái thường trực, bất biến và phi thời – không. Bản chất của thiền nằm ngoài mọi cặp phạm trù mâu thuẩn xung đột thuộc duy lý chủ quan bởi suy tưởng lý luận. Chúng ta có thể đạt đến trạng thái này bằng thể nghiệm tâm linh với bản chứng tự tâm, chứ không qua suy luận của bộ óc. Đây chính là công việc của đạo học, chứ không ở nơi triết học. Danh từ Thiền cũng chỉ là tiếng rỗng tuếch, không liên hệ gì đến tâm thái tịch nhiên vắng lặng, an tĩnh và tự do tuyệt đối của tâm hồn. Tâm thái này không hình thù, không tên gọi, nên từ trong bản chất nó xa lìa tướng danh tự, tướng nói năng, tướng tâm duyên. Nó bình đẳng tuyệt đối với mọi pháp.
Vì vậy cho nên, chúng ta hãy nghe lại cõi lòng như nó đang là, mà quên hết những tự ngôn tự ngữ của dòng thức, quên hết mọi tìm tòi học hỏi của vọng tâm.
Y hệt như ngón tay dùng để chỉ mặt trăng, những lời nói thuộc kinh điển chỉ được tạm dùng để diễn tả cái lẽ thực bất biến nơi tự tâm, nên hãy quên nó sau khi cảm nhận thực tại.
Đừng bao giờ để kinh điển, giáo điều đánh lừa mình với những văn phong hoa mỹ, hay trở thành nhà tù giam hãm tâm thái tự do tĩnh lặng tuyệt đối của mình.
Tham thiền đòi hỏi có một tự giác cao độ và thường trực, y hệt như mèo rình chuột khi nào bắt được chuột mới thôi. Và mỗi khi tỏ ngộ tâm thái tĩnh lặng phi thời – không thì chính sự tỏ ngộ ấy sẽ soi sáng, hướng dẫn chúng ta trong mọi hành vi của sự sống. Chính sự tỏ ngộ ấy mà chúng ta trực nhận ra rằng, cái tâm thái tĩnh lặng và an nghỉ tuyệt đối ấy chính là niết bàn, cũng chính là thiền. Vì vậy cho nên, thiền không có bắt đầu và kết thúc.
Ngược lại, khi chưa tỏ ngộ, chưa nhận ra bản tính tịch nhiên vắng lặng chiếu soi nơi mình, thì chưa thật sự tham thiền, chưa biết thiền là gì và vẫn còn đứng ngoài ngưỡng cửa thiền. Mọi hành vi tạo tác của chúng ta dầu có tinh vi khôn khéo đến đâu, thì cũng chỉ là sự cân nhắc tính toán dọ dẫm của ý thức mà thôi, nên không thể tránh khỏi vụng về dại dột lầm lẫn và đưa đến Xung đột. Khi tỏ ngộ được tâm thái tự do, an nghỉ tuyệt đối của tự tâm, thì khi ấy cuộc sống mới tràn đầy ý nghĩa, và mọi động thái luôn được soi sáng. Một tầm nhìn mới về nhân sinh và vũ trụ được mở ra; thấy cõi đời không là biển khổ nữa, mà là một bức họa lung linh mầu nhiệm, một bản hợp tấu tuyệt vời. Chúng ta không nhìn đời bằng ánh mắt hoang vu, mà bằng đôi mắt bình đẳng và tràn đầy yêu thương chân thật.
Mỗi khi cánh cửa thiền rộng mở thì bậc thầy lui bước. Lúc này hành giả tự mình cất bước độc hành trên lộ trình giải thoát, mà không còn ai can thiệp vào nữa. Tuy nhiên vẫn còn có những cuộc chiến đấu, nhưng dù phải chiến đấu mình vẫn được soi sáng bởi tĩnh thức nội tại và không bao giờ bị lạc hướng bởi đã có một lần kinh nghiệm tỏ ngộ trạng thái thanh tịnh bản nhiên của tự tâm.
Khi lọt vào cửa thiền thì chúng ta sẽ trở thành con người mới với nhãn quan mới, tức sống đồng nhất với chân lý. Sự tỏ ngộ không nhất thiết là lời khai thị của bậc tôn sư, mà lắm lúc chỉ cần một tiếng suối reo, một cơn gió thoảng, một chiếc lá lìa cành, hay một nhánh cây khô gãy. Khi ấy hành giả như người ngủ mê chợt giật mình tỉnh giấc, lập tức vụt thoát khỏi cơn mộng dài. Hành giả đã tỏ ngộ và thân chứng chân lý, đã trực nhận ra tâm thái tự do sống động và bất biến nơi mình, mình là vũ trụ, vũ trụ là mình. Ngay phút dây tỉnh thức ấy, hành giả không còn chiến đấu nữa và đã yên nghỉ trọn vẹn trong tâm thái tự do và bình lặng tuyệt đối của mình. Một cơ duyên chuyển hóa toàn diện đã xảy ra, đưa tâm thái đồng nhất với vũ trụ.
Như vậy, trước cuộc khởi hành diệu vợi, hành giả đã có bản đồ và kim chỉ nam trong tay. Hành giả đã nhận ra lộ trình và nơi đến. Hành giả đã có kinh nghiệm là bấy lâu nay tự đào xới tâm hồn mình bằng nhiều phương tiện và nay đã quá mệt mỏi vì những phương tiện ấy. Hành giả đã trực nhận ra sự dại dột trong việc dửng dưng dùng phương tiện ấy để dày xéo tâm hồn mình. Bây giờ hành giả đã tỉnh thức sang ngang, mà không trụ lại trên bất cứ cây cầu nào, cho dù cây cầu ấy tân kỳ đẹp đẽ đến đâu. Giờ đây hành giả không còn gì để làm, để nói cho dù chỉ một lời thôi. Bản thể sống động bao hàm hiện hữu với tuệ giác thực tại tuyệt vời. Chân lý hiện hữu uyên nguyên nơi mỗi chúng ta như hơi thở với không gian, như bầu trời chứa đầy trăng sao huyền nhiệm. Hành giả đã thân chứng chân lý bằng tâm thanh tịnh bản nhiên, mà không qua trung gian của dòng thức phân biệt nào, nên không còn bị ảo giác và kiến thức đánh lừa nữa.
Thảo luận về post