ĐẠI SƯ KHƯƠNG TĂNG HỘI
Sơ tổ của Thiền tông Việt Nam
Phấn Tảo Y Lang
Bài này viết được là nhờ thu thập công trình nghiên cứu trong luận án Phó Tiến sĩ của Budden Gyoshi (Phật Điển Hành Tư): Buddhism in Vietnam, the Period of Introduction and Development (Murdoch University, 1979).
Trong bài viết có tính cách phổ quát này, ở giới hạn của trang báo, chúng tôi chỉ trình bày những phần căn bản trong tác phẩm vừa kể liên hệ đến người đầu tiên đặt nền móng cho Thiền tông Việt Nam là Đại sư Khương Tăng Hội. Quý vị thầy tổ và thiện tri thức có lưu tâm, muốn thảo luận hay nghiên cứu thêm chi tiết, chúng tôi sẵn sàng cung ứng tài liệu để làm sáng tỏ thêm vấn đề.
Phác họa chân dung ngài Khương Tăng Hội
Chúng ta có thể dựa theo Cao tăng truyện và các quyển Phật giáo sử sơ thời Trung Hoa để tóm tắt về tiểu sử Đại sư Khương Tăng Hội như sau:
Khương Tăng Hội sanh khoảng thập niên 180 hay 190 sau Tây lịch. Tổ tiên vốn người nước Khương Cư (Sogdian) thuộc miền Bắc Ấn Độ ngày nay. Cha mẹ là thương gia, thường vãng lai Giao Châu để buôn bán và sau cùng lập nghiệp luôn tại đây. Đại sư Khương Tăng Hội được sanh trưởng tại Giao Châu. Đến khoảng thập niên 200 sau Tây lịch, khi đại sư còn ở tuổi vị thành niên, song thân quá vãng. Sau thời gian để tang, đại sư bèn xuất gia tu học tại một trung tâm Phật giáo rất hưng thịnh và có quy củ tại vùng Bắc Ninh ngày nay (nay được xác chứng là Trung tâm Luy Lâu).
Khương Tăng Hội là người rất thông minh, có biện tài, chuyên trì giới luật, tinh làu Tam tạng Thánh điển, được Tăng chúng tại Trung tâm Phật giáo Luy Lâu vô cùng ngưỡng mộ. Đại sư còn tinh thông cả Tứ thư Ngũ kinh (Nho giáo), giỏi thiên văn, toán số, đồ thư, văn chương lưu loát, lại hay biện luận về chính trị. Nhưng sự nghiệp Tăng sĩ của Đại sư mới thật là quan trọng: đó là công đức viết lời tự cho kinh An ban thủ ý (Anapànasàtisutta), kinh điển căn bản của Phật giáo Nguyên thủy Nam tông, và viết bài giới thiệu Lục độ tập kinh, trong đó phần viết về Tứ niệm xứ, đạt đến được tinh hoa của tinh thần Thiền thời bấy giờ. Ngoài ra, Khương Tăng Hội còn viết lời tự cho Pháp cảnh kinh (do An Huyền và Nghiêm Phật Điều) dịch, và Đạo thọ kinh (do Chi Kiêm dịch), đều là những kinh thuộc Thiền quán Nam tông.
Trong hai bài tự cho An ban thủ ý và Pháp cảnh kinh, Đại sư Khương Tăng Hội có nhắc đến ba vị thầy mà Phật Điển Hành Tư đã chứng minh chính là An Thế Cao, An Huyền và Nghiêm Phật Điều. An Thế Cao là người đã dịch kinh An ban thủ ý từ Phạn ngữ ra Hán văn. An Huyền và Nghiêm Phật Điều đồng dịch Pháp cảnh kinh. An Thế Cao lại được xem là vị Tăng sĩ đầu tiên trong lịch sử Phật giáo sơ thời Trung Hoa, và cũng là Sơ tổ Thiền Nam tông tại đây. Giáo sư Thang Dụng Đồng, trong sách Hán Ngụy lưỡng tần Nam Bắc triều Phật giáo sử, đã thẩm định rằng ảnh hưởng Thiền học của An Thế Cao nằm ở vùng Bắc phương của Phật giáo Trung Hoa, tức là từ dòng Dương Tử giang trở lên. Sau này, ta có câu “Nam Năng Bắc Tú” cũng chính là dùng để chỉ địa bàn ảnh hưởng phía Nam và Bắc của Trung Hoa, lấy dòng sông Dương Tử làm giới hạn. (Trong kiếm hiệp của Kim Dung, cũng có câu “Nam Mộ Dung, Bắc Kiều Phong”).
Erick Zurcher trong quyển The Buddhist Conquest of China cũng theo đó mà viết rằng “An Shihkao’s influence continued the Meditation tradition of Northern Buddhism”; như thế ta nên hiểu Northern Buddhism ở đây là Bắc phương của Phật giáo Trung Hoa, chứ không phải là Bắc tông hay Đại thừa.
Kinh An ban thủ ý (Anapànasàtisutta) là quyển kinh căn bản về Thiền quán của Phật giáo Nam tông mà qua hơn hai ngàn năm, từ thế hệ này đến thế hệ khác, chư Tăng các nước Phật giáo Nguyên thủy như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan v.v… đều thực tập hành trì làm nền tảng cho đời sống tịnh tu. Ngày nay, tại các nước Âu Mỹ, các thiền sư Nam tông xiển dương hai phương pháp Samatha (dừng chỉ loạn tâm) và Vipassana (quán sát tự tánh) là dựa trên ý chỉ của kinh này và kinh Tứ niệm xứ. Trí Giả đại sư của Thiên Thai tông, viết luận Đại thừa Chỉ Quán làm nền tảng thực tập Thiền quán cho Đại thừa nói chung và tông Pháp Hoa nói riêng cũng là dựa trên ý chỉ của Samatha (Chỉ) và Vipassana (Quán) này. An ban thủ ý kinh được dịch ra Việt ngữ và gọi là kinh Quán niệm hơi thở,1 cũng vậy. Ta có thể nói kinh này là nền tảng căn bản chung cho tiến trình thực tập Thiền quán, siêu việt cả Nam và Bắc tông, bao gồm mọi hệ phái chú trọng về pháp hành trong Phật giáo.
Nói tóm lại, qua công đức viết bài tự cho kinh An ban thủ ý, quyển kinh Thiền căn bản của Phật giáo Nguyên thủy, và viết bài giới thiệu Lục độ tập kinh, mà địa vị của Đại sư Khương Tăng Hội trong Thiền học Phật giáo Việt Nam không còn có ai có thể phủ nhận được nữa. Địa vị đó là: Đại sư Khương Tăng Hội chính là Sơ tổ của Thiền tông Việt Nam, tức thuộc Quán tông (pháp hành). Ở đây, chúng ta cũng cần điều chỉnh một nhầm lẫn trong Đại Nam Thiền uyển truyền đăng tập lục (còn gọi là Thiền uyển tập anh, viết tắt là ĐNTU) khi ghi rằng Đại sư Thông Biện (mất năm 1134) trả lời Thái hậu Phù Thánh Cảm Linh Nhân là Khương Tăng Hội thuộc Giáo tông (pháp học). Thiền tông của Đại sư Khương Tăng Hội ở đây cần được hiểu là vào sơ thời trước khi được phát triển thành một tông phái lớn sau đời Đại sư Huệ Năng (638-713). Thật ra, chính Thần Hội (đệ tử lớn của Huệ Năng) mới là người vận động để Huệ Năng được chính thức thừa nhận và sắc tứ là Lục tổ vào năm 815, giành lại ngôi vị mà trước đó, Đại sưThần Tú (mất năm 705) đã một thời được xem như là người thừa kế Ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Chính nhờ Thần Hội mà Thiền tông mới được hệ thống hóa và phát triển thành năm hệ phái tại Trung Hoa, rồi truyền sang Nhật Bổn, Hàn Quốc và Việt Nam, mà nổi tiếng nhất là hai phái Lâm Tế và Tào Động, với đặc trưng là những phương pháp đánh, hét, thoại đầu, công án v.v… Nhưng căn bản thì hành giả vẫn phải ngồi thiền, theo dõi, đếm hay quán sát hơi thở như An ban thủ ý chỉ dạy.
Đây là phương pháp hành trì chân chính, căn bản duy nhất, mà ngay chính Thái tử Sĩ Đạt Ta khi chưa giác ngộ cũng đã phải trải qua một thời gian 49 ngày dưới cội bồ-đề, mới có thể thực chứng, giác ngộ, thành Phật. Còn những cách đánh, hét, thoại đầu, công án, biện giải v.v… đều là những kỹ thuật được sử dụng vào giây phút chót, sau một quá trình thực tập Chỉ Quán, để đập phá cánh cửa chướng ngại cuối cùng cho hành giả bừng ngộ; không có quá trình này thì những kỹ thuật đó cũng chỉ vô dụng mà thôi.
Nghiên cứu lịch sử sẽ giúp nhận thức bản sắc, tính đặc thù của Phật giáo VN để kế thừa và phát triển
Ngày nay, chúng ta cứ ca tụng tánh thể uyên nguyên mà Đại sư Huệ Năng đã thực chứng và cho là đốn ngộ, quên rằng suốt trọn cuộc đời chúng ta vẫn còn là phải hành trì từng bước tiệm tu theo phương pháp của Đại sư Thần Tú mà thôi. Vì thế, chúng ta cần phải nghiêm chỉnh chấp nhận rằng thực tập Thiền quán phải bắt đầu bằng bước thứ nhất, là quán sát, đếm, theo dõi… hơi thở để tịnh tâm và chánh niệm (Chỉ và Quán = Định) rồi mới có thể thấy rõ tự tánh vạn pháp (Tuệ) để đạt được giác ngộ. Có nghĩa là bất kỳ thời nào và ở đâu, An ban thủ ý hay Quán niệm hơi thở hoặc Chỉ Quán cũng vẫn là nền tảng căn bản độc nhất mà hành giả phải hành trì, nếu muốn đi theo con đường Đức Phật đã đi qua. Do đó, tôn xưng Đại sư Khương Tăng Hội chính là tôn xưng giáo pháp Thiền quán mà chính Đức Phật đã chỉ dạy cho hậu thế chúng ta (Như Lai Thiền), là trở lại cội nguồn căn bản mà Thiền Bắc tông (Tổ Sư Thiền) vì chạy theo ngọn lá xum xuê phất phơ trước gió đã đánh mất đi gốc rễ khô khan nhưng vững chắc trên mặt đất.
Cũng chỉ vì quên mất đi cội nguồn như thế, cho nên chúng ta mới chạy theo đuổi bắt ảo ảnh, nào là tôn xưng Tổ Bồ Đề Đạt Ma, Tổ Huệ Năng, rồi cả Tỳ Ni Đa Lưu Chi… Đây là một việc làm không mang được lợi ích gì trong việc đi tìm một sắc thái đặc biệt cho Phật giáo Việt Nam (vấn đề này chúng tôi sẽ đề cập trong các nghiên cứu khác).
Tiểu sử của Đại sư Khương Tăng Hội cho biết rằng tuy gốc người Khương Cư (Sogdian) nhưng được sanh trưởng tại vùng Bắc Ninh, đến tuổi trưởng thành xuất gia tu học tại một đạo tràng (Trung tâm Luy Lâu) ở đây; và cũng chính nơi đây mà Đại sư thành danh với bài tự cho kinh An ban thủ ý cũng như các công trình viết lách khác; bởi vì khi chống tích trượng sang Ngô năm 247 Tây lịch thì Đại sư đã hơn 50 tuổi rồi. Điều này chứng tỏ rằng Phật giáo đã có mặt tại Việt Nam trước thời Khương Tăng Hội rất lâu, và đạo tràng nơi Khương Tăng Hội tu hành lại được xác chứng là sớm nhất, sớm hơn cả hai Trung tâm Lạc Dương và Bành Thành của Trung Hoa; cả ba là những trung tâm Phật giáo đầu tiên tại phía Đông của Ấn Độ. Do đó, tôn xưng Đại sư Khương Tăng Hội là Sơ tổ của Phật giáo Việt Nam nói chung còn có nghĩa là thẩm định một lần quyết chắc rằng Phật giáo Việt Nam ngay từ lúc đầu đã không vay mượn và nợ nần ơn nghĩa gì với Phật giáo Trung Hoa cả. Thật ra, chính Trung Hoa, miền Nam Kiến Nghiệp của nhà Ngô mới thật là chịu ơn giáo hóa của Đại sư Khương Tăng Hội khi Đại sư chống tích trượng sang đó hành đạo vào năm 247 Tây lịch.
Ở vào buổi sơ thời, khi dân cư di chuyển khắp nơi để lập nghiệp, cũng như tổ tiên chúng ta nguyên là Bách Việt, ta lại có được một vị Tăng với cái tên vỏn vẹn là Hội, tuy gốc người Khương Cư, nhưng sanh tại Việt Nam và lớn lên cũng như thành danh tại Việt Nam, thì Đại sư phải được nhìn nhận là người Việt Nam và đã mang lại một hãnh diện lớn lao cho đất nước Việt Nam.
Đại sư Thông Biện lại còn trình bày với Thái hậu Cảm Linh Nhân là: “Hiện nay (tức vào năm 1096), truyền thừa của dòng Vô Ngôn Thông là Thiền sư Mai Viên và Nhan Quảng Trí; truyền thừa của dòng Khương Tăng Hội là Lôi Hà Trạch…”. Như thế chứng minh rằng Khương Tăng Hội đã có truyền thừa và dòng thiền đó vẫn còn hiện diện và sinh hoạt mạnh mẽ cho đến cuối thế kỷ thứ XI. Nhờ vào những lời này mà Thông Biện mới được tấn phong làm quốc sư; cho nên những gì ngài trình bày đều phải được trân trọng và chấp nhận là đúng. Do vậy, qua lời nói của Quốc sư Thông Biện, ta đã có chứng cứ là dòng Thiền Khương Tăng Hội vẫn còn hiện diện và hoạt động mạnh cho đến thế kỷ thứ XI; sau đó vì thiếu tài liệu do những biến cố lịch sử khắc nghiệt, cho nên ta không còn nghe nói đến nữa; nhưng điều đó cũng không có nghĩa là dòng truyền thừa Khương Tăng Hội đã bị mai một.
Việc nghiên cứu về vị Sơ tổ Thiền Việt Nam nói riêng và lịch sử Phật giáo dân tộc nói chung là rất cần thiết. Vì chỉ khi hiểu đúng về quá khứ của mình, xác định được bản sắc văn hóa của dân tộc mình qua lịch sử của Phật giáo tại Việt Nam, chúng ta mới có thể có tự tin trong đối thoại và hội nhập với nền Phật giáo toàn cầu, mà hiện nay đang được Tây phương chú ý nghiên cứu trong vài thập niên qua.
Phấn Tảo Y Lang
Source : http://giacngo.vn/lichsu/2013/07/20/33520A/
Xem thêm video clip
Hòa Thượng Thích Thanh Từ giảng về Thiền Sư Khương Tăng Hội (18 phút):
Thảo luận về post