Thân thế và Nhân duyên thù thắng
Hòa thượng Hải Hiền (1900 – 2013), tục tánh Văn, tên Xuyên Hiền, tự Thanh Tuyển, quê quán trấn Thiếu Bái Tự, huyện Đường Hà, thành phố Nam Dương, tây nam tỉnh Hà Nam ngày nay, sinh ngày 19 tháng 8 (năm 1900) năm Quang Tự 26 cuối đời nhà Thanh. Ba mẹ và ông bà nội của Hòa thượng Hải Hiền đều là đệ tử Phật kiền thành, truyền thống gia đình vừa làm ruộng vừa dạy học, thích làm việc thiện, hay bố thí, được đồng hương gọi là đại thiện nhân. Hòa thượng Hải Hiền bản tánh thành thật chất phác, túc căn sâu dày, từ bé ăn chay theo mẹ, khi còn bé đã nổi tiếng trong thôn về hạnh hiếu.
Mẹ của Hòa thượng Hải Hiền, phu nhân Hoàng Thị, sinh vào năm thứ 10 Đồng Trị nhà Thanh (năm 1871), quê quán gia đình của mẹ đẻ là thôn Từ Viên, hương Chu Tập, huyện Xã Kỳ, thành phố Nam Dương tỉnh Hà Nam ngày nay, nằm ở phía tây nam của tỉnh Hà Nam. Tổ tiên đều là người nông dân an phận thật thà. Bởi vì ba mẹ đều là đệ tử Phật giáo kiền thành, cho nên từ nhỏ bà đoạn mặn ăn chay, quy y cửa Phật. Lúc 17 tuổi, gả vào Văn gia của trấn Thiếu Bái Tự huyện Đường Hà, chồng tên gọi Văn Tu Cần, lớn hơn Hoàng Thị 8 tuổi. Tổ tiên của Văn gia là gia đình có truyền thống học vấn, gia thế tài giỏi, đến đời của Tu Cần Công đã sa sút, gia cảnh thuộc bậc trung, nhưng nhiều đời Văn gia có truyền thống tốt, kế thừa tiếp nối việc kính phụng Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng), cho nên phụ nữ trẻ em trong chu vi vài chục dặm đều biết danh tiếng “thiện nhân” của ba mẹ Tu Cần Công.
Hoàng Thị và Tu Cần Công tuy là phu thê trẻ, lại có thể chí đồng đạo hợp, hai người tôn kính lẫn nhau, vô cùng đằm thắm. Vào năm bà Hoàng Thị xuất giá thì có một đứa con trai (anh cả của Hòa thượng Hải Hiền), ba năm sau lại sanh một đứa con gái (chị của Hòa thượng Hải Hiền). Đứa con trai thứ hai (anh hai của Hòa thượng Hải Hiền) ra đời sau đó không lâu, bà Hoàng Thị bị viêm tuyến nhũ cấp tính, tục gọi viêm tuyến sữa, không cách nào cho con trẻ bú sữa, không biết phải làm sao, hai vợ chồng đành phải đem con cái cho một gia đình thân thích nuôi nấng.
Lúc Hòa thượng Hải Hiền ra đời, bà Hoàng Thị 29 tuổi. Văn gia là đại gia tộc, vai vế trong anh em họ, Hòa thượng Hải Hiền xếp thứ bảy. Bà Hoàng Thị 35 tuổi lại sanh thêm một trai, tướng mạo vô cùng tuấn tú, xếp thứ tám trong anh em họ. Sau khi con nhỏ ra đời mấy tháng, một vị Đạo nhân vào trong nhà hóa duyên nói với bà Hoàng Thị, con trẻ tuy tướng mạo tuấn tú, nhưng lại không thể lớn lên ở Văn gia. Quả nhiên như lời Đạo nhân, đứa trẻ này người cứ ốm yếu nhiều bệnh, đi đứng lảo đảo cho đến 3 tuổi, bà Hoàng Thị tội nghiệp con trai, sau khi bàn bạc với chồng, đem cháu cho một người họ hàng không có con cái.
Thiên tai và cướp bóc nhiều năm, làm cho gia đình vốn không giàu có này nhanh chóng rơi vào cảnh khốn khó. Lại thêm lúc đó chị của Hòa thượng Hải Hiền mắc bệnh phổi khó hồi phục, càng làm cho gia đình vốn đã khó duy trì lại rơi vào cảnh khó khăn. Vì trị bệnh cho con gái, Tu Cần Công bán đi 7 mẫu đất khô cằn do ông cha để lại, cùng với đứa con trai lớn đi làm thuê cho một cửa tiệm gia công bông vải, cán bông, đánh bông cho người ta, năm đó Hòa thượng Hải Hiền chỉ mới 9 tuổi thì đi chăn trâu cho nhà giàu có để phụ cấp gia đình.
Vào năm Hòa thượng Hải Hiền 12 tuổi, Hà Nam đại hạn, không thu hoạch được mùa, cửa tiệm thuê cha con Tu Cần Công làm cũng bị buộc ngừng kinh doanh. Trước tình cảnh không cách nào khác, Tu Cần Công chỉ có thể đến bên cạnh Tùy Châu Hồ Bắc ăn xin để duy trì kế sinh của cả nhà, không ngờ gặp phải ác phỉ, bỏ mạng nơi đất khách, năm đó Tu Cần Công 48 tuổi. Lúc đó, Tu Cần Công đang trên đường xin ăn, gặp phải thổ phỉ cướp bóc và phóng hỏa đốt dân cư, Tu Cần Công bèn gánh nước đi chữa cháy, nhưng bị thổ phỉ quay trở lại kiểm tra thấy được, thổ phỉ bắt ông ấy đánh đến chết. Sau nhiều ngày, khi dân trong thôn chạy nạn quay trở lại thôn trang, nhìn thấy cảnh kinh người: chỉ thấy một xác chết đang đứng thẳng đờ ôm chặt một cây to, một đám chó đói ngồi trên đất vòng trong vòng ngoài vây lấy ông ấy. Dân chúng trong thôn vốn cho rằng những con chó đói này muốn tranh ăn người chết, bèn cùng nhau đến đuổi chó đói, không ngờ những con chó đói này bị đánh đến chảy nước mắt cũng không chịu tản ra. Lúc này mọi người mới biết, hóa ra đám chó này đang giữ xác ân nhân đã bảo vệ quê hương của họ! Người nhìn thấy không ai không khóc nức nở. Dân chúng trong thôn đem thi thể gởi về quê hương của ông, song an táng Tu Cần Công theo nghi thức trưởng bối.
Năm ấy, Trung Quốc lâm vào thời kỳ Dân Quốc hỗn chiến của quân phiệt chính quyền Bắc Dương. Cha qua đời không lâu, anh cả của Hòa thượng Hải Hiền bị bắt đi lính, hai anh em ly biệt 24 năm.
Tiếp đó, trong gia đình thân thích nhận anh hai của Hòa thượng Hải Hiền làm con nuôi xảy ra biến cố, không thể không đem đứa trẻ đã nuôi lớn 15 tuổi lại gởi về Văn gia. Anh hai sức khỏe yếu nhiều bệnh, cho nên việc anh ấy trở về càng làm tăng thêm gánh nặng trong gia đình, điều may mắn là bệnh tình của chị gái cuối cùng trị lành, và xuất giá vào năm sau đó.
Mẹ của Hòa thượng Hải Hiền khéo tay, nữ công gia chánh làm rất giỏi. Trong nhà không có ruộng đất, bà Hoàng Thị đành phải dựa vào may vá, giặt và hồ quần áo, có được chút tiền công ít ỏi để chống đỡ gia đình bị thiệt hại nghiêm trọng này. Bà Hoàng Thị thường xuyên thức trắng đêm thêu khăn tay dùng lau mồ hôi, làm giầy thêu hoa, sau đó đem đi bán đổi lương thực ăn. Hòa thượng Hải Hiền nhìn thấy mẹ quá vất vả, thế là giấu mẹ len lén ra ngoài xin ăn, cho rằng dùng cách này để giảm nhẹ gánh nặng cho mẹ. Sau hơn ba tháng, cuối cùng bị mẹ phát hiện, mẹ ôm chầm lấy con trai khóc một hồi, không cho Ngài ra ngoài xin ăn nữa.
Trên đường Chu Tập một ông chủ tiệm cơm họ Thôi sau khi nghe nói hạnh hiếu của Hòa thượng Hải Hiền, rất cảm động, thế là đích thân đến tận nhà thăm hỏi, mời Hải Hiền mới 13 tuổi vào tiệm làm công. Từ đó tình cảnh trong nhà dần thấy chuyển biến tốt đẹp. Hòa thượng Hải Hiền ở tiệm cơm liên tục làm đến năm 18 tuổi, năm đó, trên chân ông mọc mụn độc, suýt nữa vì thế mà mất mạng.
Thời thiếu niên đã xảy ra số việc bên người, có tác dụng thúc giục mạnh mẽ Ngài kiên định, không thay đổi bước vào con đường xuất gia những ngày tháng sau này.
Theo lời đồn, vào năm Hòa thượng Hải Hiền 18 tuổi, chân của Hòa thượng mọc mụn độc, lỡ loét mảng to, rất nặng, mẹ cầu thầy tìm thuốc khắp nơi cho Ngài, đều không có cách cứu được Ngài. Sau cùng Ngài hiểu rằng, đây là bệnh nghiệp chướng, Ngài hiểu được nhân quả báo ứng, than oán rằng: “Diệu dược nan y oan nghiệp bệnh.” Thế là vứt bỏ thuốc men, chuyển lại cầu Quán Âm Bồ Tát.
Dân gian Trung Quốc, không ai không biết Quán Thế Âm Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn, có cầu có ứng, vì thế Ngài một lòng rất chân thành xưng niệm Thánh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát. Sau khi niệm hơn một tháng, mụn độc tự nhiên khỏi. Đây là cảm ứng! Cho nên Ngài đối với Quán Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn tin sâu không nghi, lại càng tin chắc Bồ Tát thật sự từ bi, tuyệt đối không có vọng ngữ, niệm Phật, niệm Quán Thế Âm Bồ Tát thật có thể giải quyết vấn đề.
Danh hiệu công đức bất khả tư nghì, niệm lực bất khả tư nghì. Thế nhưng tại sao có người niệm thì không linh, Ngài niệm thì linh vậy? Đó là vì ý niệm của Ngài thuần, Ngài chuyên tâm, không có vọng tưởng và tạp niệm nhiều như thế. Nếu là một lòng chuyên niệm, niệm niệm đều sẽ linh nghiệm. Hòa thượng Hải Hiền bản tính thật thà, nghe lời, thật làm, có tâm chân thành, tâm thanh tịnh và tâm cung kính, đầy đủ những điều kiện này, Ngài niệm thì hữu hiệu. Là lòng tin và niệm của Ngài đã trị khỏi bệnh cho chính mình.
Từ đó, Hòa thượng Hải Hiền biết rằng, đường sanh tử hiểm, tử sanh là việc lớn, thế là Ngài sanh khởi tâm xuất ly. Năm Ngài 19 tuổi, anh ba 22 tuổi vì bệnh mất sớm, điều này khiến cho Hòa thượng Hải Hiền kiên định đến cùng quyết tâm xuất gia tu hành.
Năm 1920, Hòa thượng Hải Hiền 20 tuổi, tại Thiền tự Vân Đài trên đỉnh Thái Bạch núi Đồng Bách, nằm ở nơi giao tiếp Hà Nam và Hồ Bắc, xuất gia với lão Hòa thượng Truyền Giới. Lão Hòa thượng Truyền Giới xuống tóc cho Ngài, ban cho Pháp danh là Hải Hiền, tự Tánh Thành. Lúc 23 tuổi, đến chùa Vinh Bảo ở Hồ Bắc thọ cụ túc giới (Tỳ kheo giới
Là một vị Đại đức của hệ phái Bạch Vân tông Lâm Tế, Hòa thượng Truyền Giới lại không có truyền thụ Hải Hiền đả tọa tham thiền, cũng không có dạy Ngài giảng kinh thuyết Pháp, duy chỉ truyền sáu chữ hồng danh “Nam Mô A Di Đà Phật”, dặn Ngài niệm liên tục. Lời khuyên dạy của thầy, Hòa thượng Hải Hiền cả đời phụng hành.
Sau khi xuất gia, Hòa thượng Hải Hiền trước sau thường trú ở chùa Phổ Hóa, chùa Vân Đài, chùa Tháp Viện trên núi Đồng Bách, năm 1976 sau khi “Văn Cách” kết thúc, nhiều vị cư sĩ nghênh thỉnh Ngài đến chùa Lai Phật huyện Xã Kỳ ở dưới núi chủ trì chánh pháp, khoảng năm 1981, Hòa thượng Hải Hiền thường trú chùa Lai Phật, đến tận năm 2013 vãng sanh
Sư phụ của Hòa thượng Hải Hiền chỉ dạy Ngài một câu “Nam Mô A Di Đà Phật”, dặn dò Ngài niệm liên tục. Hải Hiền thật sự vui vẻ tiếp nhận. Ngài không có trái lời thầy, không nghịch đạo, tuân thủ lời dạy dỗ của thầy, một câu “A Di Đà Phật” từ sáng đến tối, một câu tiếp nối một câu không gián đoạn, cả đời không thay đổi. Sau khi minh tâm kiến tánh cái gì cũng biết, thế nhưng không nói. Nếu có người hỏi Ngài, Ngài cười mà không đáp, không thừa nhận cũng không phủ nhận.
Hòa thượng Hải Hiền từ năm 20 tuổi xuất gia đến 81 tuổi trước khi đến chùa Lai Phật thường trú, liên tục sống trên núi Đồng Bách. Bấy giờ do đường núi gập ghềnh, chùa chiền lại xa xôi, nơi hẻo lánh ít người đến, cho nên chùa chiền rất ít có sự cúng dường của cư sĩ và bá tánh, sinh sống hoàn toàn dựa vào bản thân lao động cày cấy.
Hòa thượng Hải Hiền vô cùng cần mẫn, làm công việc gì cũng không tiếc công sức, gánh nước, rửa rau, nấu cơm, rửa chén, chùi nồi, việc nào cũng giành làm, Hòa thượng cố gắng hết sức không để thầy và các huynh đệ nhúng tay vào, trong tâm luôn nghĩ rằng để họ có nhiều thời gian hơn nữa để tu tập. Chùa chiền trên trên dưới dưới, trong trong ngoài ngoài, bao gồm nhà vệ sinh, Hòa thượng Hải Hiền đều sửa sang, quét dọn thật sạch sẽ, đặt mình vào trong công việc, cảm thấy thoải mái vui vẻ; quần áo và đồ dùng hằng ngày của thầy và các huynh đệ, các dụng cụ nhà Phật, pháp khí và phẩm vật trang trí, Hòa thượng cũng có thể kịp thời rửa sạch và sắp xếp, không để bị dính bùn nhơ. Lúc đó, Pháp sư Truyền Giới thầy của Hải Hiền thường nói với các đệ tử: “Hải Hiền là tu Phật ở trong đời sống thực tế đấy, điều này hiếm có nhất!”
Trong thời gian hai năm từ 1940 đến 1942, Hòa thượng Hải Hiền đã từng cùng với Pháp sư Hải Mặc, Pháp sư Hải Viên và Pháp sư Thể Quang cao Tăng Thiền môn, kết nhà tranh cộng tu ở chùa Tháp Viện núi Đồng Bách.
Mẹ của lão Hòa thượng Hải Hiền, một vị cư sĩ tại gia, giống như lão Hòa thượng, không có đi học, không biết chữ, chỉ là một câu “A Di Đà Phật”, niệm cả một đời. Bà 87 tuổi vãng sanh, biết trước ngày giờ, không có đau bệnh, tự hành hóa tha
Ngài mỗi ngày ba giờ thức dậy, sau khi thức dậy thắp hương, lạy Phật, niệm Phật, nhiễu Phật – Đây chính là thời khóa sáng của Ngài, sau đó thì bắt đầu một ngày lao động. Học Phật 92 năm, có thể ngày ngày như thế, quả thật là rất vất vả.
Một đời này Ngài đều chịu khổ, lúc 12 tuổi, quê nhà đại hạn, nông dân không có thu hoạch, cha đành phải đi ra ăn xin, trên đường đi bị thổ phỉ đánh chết, chính Ngài cũng từng đi ăn xin. Ngài biết bây giờ chịu khổ cực một chút, lẽ đương nhiên, “có thể chịu khổ mới có thể hết khổ”. Cho nên, Ngài dũng mãnh tinh tấn.
Thích Ca Mâu Ni Phật trước khi nhập diệt, tôn giả A-nan xin hỏi Phật: Phật tại thế chúng con nương Phật làm thầy, Phật không còn tại thế chúng con nương ai làm thầy vậy? Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói hai câu: “Lấy giới làm thầy, lấy khổ làm thầy.”
Cuộc sống bần hàn, khiến cho chúng ta có tâm xuất ly. Một người tu hành, không thể trì giới, không thể chịu khổ, là không thể vượt thoát lục đạo luân hồi.
Lấy người niệm Phật mà nói, mục tiêu là cầu sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Cho nên một người tu đạo, bất luận tại gia, xuất gia, cuộc sống có thể bần hàn – tốt nhất.
Trong cuộc sống của lão Hòa thượng Hải Hiền không cần người chăm sóc, tự mình chăm sóc chính mình, cả đời Ngài chấp nhận chịu khổ, đặc biệt có thể chịu khổ, Ngài nói với các cư sĩ đến chùa niệm Phật: “Chư vị đến đây phải có thể chịu khổ, có thể chịu khổ mới có thể hết khổ.”
Lão Hòa thượng một đời chưa từng hưởng thụ qua. Một năm trước khi Ngài vãng sanh, mấy vị cư sĩ Nam Dương phỏng vấn lão Hòa thượng một lần. Mọi người rất hứng thú đối với những việc từng trải của lão Hòa thượng, đã hỏi rất nhiều câu hỏi. Lão Hòa thượng nói với họ, năm xưa Ngài đã chăn qua trâu, cày qua ruộng, làm việc chân tay…còn ở núi Đồng Bách đã khai khẩn 14 núi hoang. “Chư vị nghĩ tôi hưởng thụ à?” Lão Hòa thượng cười hỏi ngược lại. Không đợi cư sĩ trả lời, Ngài lại nói tiếp: “Tôi không có hưởng thụ đâu!”
Lão Hòa thượng ngày thường có cơ hội thì sẽ nhắc nhở mọi người: “Niệm Phật tu hành phải có thể chịu khổ, lấy khổ làm thầy, lấy giới làm thầy, không thể mưu cầu cúng dường, hưởng thụ.” Ngài nói giọng Hà Nam một cách rất hình tượng: “Chịu khổ nha, mặc vá nha; muốn làm Hòa thượng, phải làm bà nương.” Lão Hòa thượng nói “phải làm bà nương”, ý là phải biết hầu hạ người.
Lão Hòa thượng Hải Hiền một đời thích làm việc thiện, thuận tiện cho mọi người, đời sống của bản thân lại vô cùng tiết kiệm, đệ tử của Ngài Pháp sư Ấn Vinh thậm chí một dạo có chút cảm giác sư phụ của cô quá keo kiệt. Ngài không có tâm tham, từng chút một đều là cúng dường cho đại chúng, cúng dường người khác, không hưởng một mình. Tiền người khác cúng dường Ngài, Ngài dùng vào việc in kinh, phóng sanh, dùng vào việc giúp người khác xây đạo tràng, cả đời Ngài giúp người khác xây dựng được 11 đạo tràng! Đệ tử bên ngoài mời Ngài đi, lúc lão Hòa thượng rời khỏi, sẽ để chùa lại toàn bộ tiền cúng dường của cư sĩ, tự mình không lấy một xu tiền. Tài trợ trường học và đạo tràng địa phương mua giống cây, Ngài cũng đặc biệt hào phóng. Mà bản thân Ngài thì sao? Ngoài mấy chiếc áo ra, cái gì cũng không có. Cho nên Ngài nói, ở trong ngôi chùa nhỏ này của chính mình, ăn là ăn cực, mặc là mặc vá.
Hòa thượng Hải Hiền tuy không biết chữ, khi nói chuyện lại thường thường diệu ngữ liên châu, thường hay để người nghe cảm thấy bất ngờ lớn.
Một lần, lão Hòa thượng Hải Hiền và một vị Pháp sư đang đào khoai sọ trong mảnh đất hoang được khai khẩn ở phía đông chùa Thiên Phật, Pháp sư đào ra bên ngoài, lão Hòa thượng bóc đất sét trên khoai sọ.
Hai vị cư sĩ nhìn thấy bèn đi đến giúp đỡ. Bởi vì trời hơi trở lạnh rồi, nước mũi lão Hòa thượng chảy ra rất dài. Hai vị cư sĩ nói: “Sư phụ, đưa Ngài ít giấy lau lấy nước mũi nha.”
Lão Hòa thượng nói: “Mặc kệ việc đó của hắn.”
Hai người đều cười. Một cư sĩ hỏi Ngài: “Sư phụ, Ngài nói ‘Mặc kệ việc đó của hắn’, vậy là việc của ai thế?”
Lão Hòa thượng nói: “Không biết.”
Mọi người đều cười vang.
Sau khi đào xong khoai sọ về đến chùa, lão Hòa thượng toàn thân trên dưới đều là đất sét. Một vị cư sĩ nói: “Ngài cởi áo ra đi, con giặt cho Ngài nha.” Lão Hòa thượng cởi áo ra, vị cư sĩ đó đón lấy áo nói: “Nhìn này, áo mới mặc vào hôm nay, lại làm ra thế này rồi.”
Lão Hòa thượng nói: “Đây không phải của tôi.”
“Vừa từ trên người Ngài cởi ra, không phải của Ngài là của ai chứ?” Lão Hòa thượng lại nói một câu: “Không biết.”
Vị Pháp sư này lúc bấy giờ không thể lý giải những lời này của lão Hòa thượng, Ngài thậm chí cảm thấy những đối đáp này rất buồn cười. Mãi đến sau khi lão Hòa thượng vãng sanh, Ngài mới biết lão Hòa thượng vốn không phải là một người hồ đồ! Ngược lại, trí huệ, đức năng của lão Hòa thượng bất khả tư nghì.
Thật sự ứng với câu nói mà Pháp sư Diễn Cường nói lão Hòa thượng Hải Hiền:
“Phàm phu chúng ta đây cũng nhận không ra áo diệu của chân Phật đâu!”
Lão Hòa thượng Hải Hiền không biết chữ, cho nên tâm địa thanh thanh tịnh, không có tạp niệm, không có vọng tưởng. Sư phụ của Ngài dạy Ngài niệm một câu “Nam Mô A Di Đà Phật”, một câu Phật hiệu này là thượng thượng thiền, là tổng cương yếu của Như Lai giáo học. Sư phụ căn dặn Ngài phải luôn niệm, đây chính là giới luật cho Ngài, Ngài thật sự thọ trì, không chuyển hướng, tiếp tục niệm mãi.
Công việc mà lão Hòa thượng Hải Hiền một đời làm là việc tay chân nặng nhọc; Đại sư Lục tổ Huệ Năng tám tháng trong đạo tràng của Ngũ tổ, Ngũ tổ phân công việc cho Ngài là giã gạo bổ củi, cũng là việc tay chân nặng nhọc: Công phu mà các Ngài dùng là như nhau, đều là đang tu thiền định. Đại sư Huệ Năng là định tâm ở chỗ không khởi tâm, không động niệm, đây không phải người bình thường có thể làm được; công phu mà lão Hòa thượng Hải Hiền dụng là một câu Phật hiệu, ở trong tất cả thời, tất cả xứ, tất cả cảnh duyên, tâm định trên câu Phật hiệu.
Lão Hòa thượng Hải Hiền hết sức xem trọng trì giới. Ngài thường nói: “Không được phép khai trai phá giới.” Mẹ của Ngài sau khi sống 27 năm trên núi với Ngài, đề xuất muốn trở về sống quê nhà, lão Hòa Thượng bèn đưa mẹ cùng trở về quê hương. Trong thời gian “Văn Cách” ở đội lao động sản xuất, lão Hòa thượng không có cách nào khác, chỉ có thể ăn rau cạnh nồi trong lúc ăn tập thể, lần này lão Hòa thượng đưa mẹ trở về quê, tự mình mang theo một cái nồi, bởi vì Ngài và mẹ đều ăn chay. Ngài giải thích: “Chúng ta sao có thể ăn cơm người ta? Không được phép khai trai phá giới.”
Lão Hòa thượng Hải Hiền nói đạo dưỡng sinh của Ngài là “trì giới niệm Phật”. Trì giới là dưỡng thân, niệm Phật là dưỡng tâm: Chúng ta làm tốt ngũ giới, thập thiện mà Phật Pháp nói, chính là dưỡng thân, trong tâm chỉ có A Di Đà Phật, tâm này chính là tốt trong tốt. Ngũ giới cũng chính là ngũ thường mà lão Tổ tông của Trung Quốc đã dạy – nhân, nghĩa, lễ, trí, tín; không sát sanh là nhân, không trộm cắp là nghĩa, không tà dâm là lễ, không vọng ngữ là tín, không uống rượu là trí. Tâm thì sao? Tâm phải thanh tịnh, niệm Phật có thể giúp tâm thanh tịnh, có thể làm cho tâm chuyên nhất, ngoài câu Phật hiệu này ra, không có vọng tưởng, không có tạp niệm, thân tâm thanh tịnh, tự nhiên khỏe mạnh.
Lão Hòa thượng Hải Hiền cả đời không phạm giới, thật đã làm được trì giới niệm Phật. Ngài chịu cực khổ, có thể chịu đựng, nhẫn nhục ba la mật trong lục độ đã làm đến nơi đến chốn. Cả đời lấy giới làm thầy, lấy khổ làm thầy, không tranh với người, không cầu với đời. Không có người chăm sóc Ngài, Ngài tự mình chăm sóc chính mình. Cuộc sống tuy gian khổ, thế nhưng lúc nào đối người tiếp vật Ngài đều là nét mặt rạng rỡ, vui vẻ thân thiện – điều vui mừng này của Ngài là thật, là từ trong nội tâm sanh ra. Ở thế gian này chịu hết đau khổ cũng có thể không khởi tâm động niệm, đây thật là công phu.
Lão Hòa thượng Hải Hiền, thật sự là trì giới tinh nghiêm. Ngài không có chấp vào tướng trì giới, nhưng tâm địa Ngài thanh tịnh bình đẳng, đó chính là giới thành tựu.
Tâm của lão Hòa thượng Hải Hiền là thanh tịnh, một chút không bị nhiễm. Ngài có công phu nhẫn nại, có thể không so đo với người. Lão Hòa thượng trụ thế 112 năm, xuất gia 92 năm, Ngài một đời này, hành Bồ Tát đạo, bất luận gặp phải khó khăn kiểu gì, uất ức ra làm sao, bị sỉ nhục như thế nào, cả thảy Ngài có thể nhẫn nhục hết, như không hề có việc đó, không để trong tâm, trong tâm của Ngài chỉ có một câu “A Di Đà Phật”, đây là chánh tri chánh kiến. Có phẩm hạnh như vậy của Ngài, nhất định có thể có thành tựu. Những uất ức và oan uổng mà Ngài chịu, đều là tích lũy vô lượng công đức
Ngài đối với tất cả người, việc, vật không có tâm phân biệt, không có tâm chấp trước, trong tâm rõ rõ ràng ràng, biết được tất cả đều là tự tánh biến hiện ra, có gì không tốt? Huống hồ trong Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tất cả chúng sanh vốn dĩ là Phật”, “tất cả chúng sanh đều có trí huệ đức tướng Như Lai”, nói như vậy, thì càng không thể xem thường người khác, khinh thường người khác rồi. Vì vậy, trong cuộc sống bồi dưỡng đức tính khiêm tốn của mình, không kiêu căng, đối với mọi người cũng tôn kính, đối với mọi người cũng hoan hỷ, tâm thanh tịnh bình đẳng mới có thể hiện tiền.
Khi giảng kinh Pháp sư Tịnh Không nói, theo phán đoán của Ngài, sau khi Lão Hòa thượng Hải Hiền xuất gia lúc 20 tuổi, niệm Phật ba năm, thì có thể đạt được công phu thành phiến. Đạt được công phu thành phiến, thì chắc chắn có thể vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, khẳng định thấy Phật, đây là mục tiêu của người học Tịnh tông. Nếu như lúc này vẫn còn thọ mạng, bản thân không cần nữa, cầu Phật đưa Ngài đến Thế giới Cực Lạc, không thành vấn đề; nếu như niệm thêm ba năm nữa, Ngài nhất định được sự nhất tâm bất loạn; thêm cái ba hay năm năm nữa, Ngài có thể đạt đến lý nhất tâm bất loạn, đây là cảnh giới cao nhất rồi. Vì vậy Pháp sư Tịnh Không chắc rằng, tất cả những gì lão Hòa thượng Hải Hiền chứng đắc được, là cùng một cảnh giới với đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh mà Thiền tông thường nói. Chứng được địa vị này, vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, Ngài đã báo tên vãng sanh, cũng tức là vãng sanh thượng bối thượng sanh trong tam bối cửu phẩm. Đây là thành tựu lớn, bất khả tư nghì!
Hòa thượng Hải Hiền 20 tuổi xuất gia, sư phụ của Ngài là người rất giỏi, sư phụ Ngài biết được đệ tử này lão thật, nghe lời, thật làm, cho nên dạy cho Ngài một câu “A Di Đà Phật”, nói với Ngài niệm niệm liên tục, thì Ngài thật sự không ngừng niệm 92 năm rồi.
Có người từng hỏi Hòa thượng Hải Hiền: “Ngài xuất gia thế độ rồi, sư phụ không dạy gì cho Ngài hết, chỉ dạy Ngài niệm ‘A Di Đà Phật’, phải không?”
Hòa thượng Hải Hiền bình tĩnh đáp lại: “Chỉ dạy niệm Phật”
Cư sĩ lại hỏi: “Ngài đã từng giảng kinh chưa?”
“Tôi giảng kinh chưa? Tôi chưa từng giảng. Tôi không học qua bất cứ thứ gì, chỉ niệm ‛A Di Đà Phật‘. Tôi chưa từng đi học một ngày, không biết đến một chữ. Sau khi lên núi thế độ, thì sư phụ dạy tôi chỉ niệm ‘A Di Đà Phật’, nói tôi hiểu rõ rồi thì không được nói, không có khua tay múa chân.”
Những gì sư phụ dặn dò Hòa thượng Hải Hiền, Ngài làm được rồi, loại biểu pháp này chính là cho người hiện đại chúng ta xem. Nếu như sau khi khai ngộ nói cho người khác biết, mọi người sẽ nói quý vị ăn nói lung tung, nói lời mê hoặc chúng, cho nên lão Hòa thượng Truyền Giới nói với Ngài “không được nói”, chỉ cần lão thật làm tốt việc của chính mình là được rồi.
Vì vậy, khi mọi người hỏi lão Hòa thượng niệm Phật có cảnh giới nào, lão Hòa thượng cười mà không trả lời – thực ra biểu hiện của Ngài đã trả lời rồi.
Lần nói chuyện này là thời gian 4 tháng trước khi lão Hòa thượng Hải Hiền vãng sanh, nhiều cư sĩ ở niệm Phật đường Nghĩa Ô Nam Dương rất nghiêm túc chuẩn bị mấy câu hỏi để thỉnh giáo lão Hòa thượng.
Lão Hòa thượng Hải Hiền nói với họ: “Bây giờ tôi đã hơn 100 tuổi rồi, phải vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, Lão Phật Gia là cội nguồn của lão Hòa thượng tôi! Tôi đã cầu xin Lão Phật Gia mấy lần rồi, phải theo Ngài đi, nhưng Lão Phật Gia không dạy tôi đi theo Ngài, nói tôi tu rất tốt, kêu tôi sống thêm hai năm, làm tấm gương cho mọi người xem – dạy tôi ở thế gian biểu Pháp”. “Lão Phật Gia” mà Ngài nói chính là A Di Đà Phật.
Trong suốt cuộc đời của lão Hòa thượng Hải Hiền, đã trải qua rất nhiều chuyện, nhưng trong bất cứ tình huống nào, Ngài cũng có thể không chịu sự quấy nhiễu, không bị ảnh hưởng, một câu Phật hiệu niệm đến cùng, dùng cách nói của người bạn Ngài là lão Hòa thượng Diễn Cường, chính là “một câu ‛A Di Đà Phật‘, niệm cả đời không được chuyển hướng”!
Lão Hòa thượng Hải Hiền không biết chữ, chưa từng tụng kinh, cũng chưa từng nghe người khác giảng kinh, niệm một câu Phật hiệu 92 năm. Ngài niệm Phật hầu như không nghỉ ngơi, chỉ cần khi còn thức thì niệm Phật. Công việc của Ngài là làm ruộng, hằng ngày Ngài làm ruộng, nhưng câu Phật hiệu trong tâm không gián đoạn. Niệm Phật không trở ngại công việc, công việc không trở ngại niệm Phật, đây là tấm gương tốt của người học Tịnh tông cầu sanh Tịnh độ.
Ngài nói cho chúng ta biết một sự thật: Thế giới Tây Phương Cực Lạc trên kinh điển nói, thật sự có! Ngài đã gặp A Di Đà Phật, Ngài cầu Phật đưa Ngài đến Thế giới Cực Lạc, A Di Đà Phật không tiếp dẫn Ngài đi, nói với Ngài, Ngài nên tiếp tục ở thế gian biểu Pháp. Ý nghĩa của biểu Pháp là làm một tấm gương xuất sắc, để mọi người nhìn thấy sanh khởi tín tâm, phát nguyện cầu sanh Tây Phương. Đây là phương thức Ngài phổ độ chúng sanh.
Tại sao chúng ta có thể vãng sanh? Tại sao có thể đến được Thế giới Cực Lạc làm Phật? Bởi vì chúng ta vốn dĩ là Phật, tự tánh của chúng sanh và tự tánh của Phật là một không hai, chỉ là chúng ta mê rồi, không biết được sự thật này, chúng ta tùy thuận phiền não, trở thành bộ dạng như hiện nay ― làm một chúng sanh khổ não trong lục đạo luân hồi. Nếu như chúng ta tùy thuận viên giáo xứng tánh Như Lai, vậy thì đến Thế giới Cực Lạc làm Phật rồi.
Ngày 17 tháng 1 năm 2013, mùng 6 tháng chạp năm Nhâm Thìn, lão hòa thượng Hải Hiền 112 tuổi thân không đau bệnh, an tường thị tịch.
Lão Hòa thượng biết trước ngày giờ, tuy rằng Ngài không nói ra rõ ràng, nhưng vẫn để lộ chút tin tức với lão hộ pháp cư sĩ Hoàng của chùa Lai Phật. Mười mấy ngày trước khi lão Hòa thượng vãng sanh, nói với cư sĩ Hoàng: “Hai hôm nay Lão Phật Gia lại dặn dò tôi, kêu tôi lập tức phải đi. Không quá một tháng thì tôi đi rồi.” Ngài không nói là ngày nào, thực ra Ngài đã biết, chỉ là Ngài không nói. Có cư sĩ tình nguyện trợ niệm cho Ngài, Ngài không cần, nói “Tôi tự mình đi được”, Ngài không để người khác trợ niệm là sợ người khác chướng ngại Ngài, lâm chung sợ nhất không giữ được chánh niệm.
“Một ngày không làm, một ngày không ăn”, lão Hòa thượng thật sự có trách nhiệm, buổi tối phải đến Thế giới Cực Lạc rồi, ban ngày vẫn làm việc cả ngày, lợi ích chúng sanh. Không ai ngờ rằng Ngài sẽ vãng sanh, thân thể sức khỏe của Ngài còn rất tốt, đầu óc sáng suốt, không có chút hồ đồ.
Lão Hòa thượng Hải Hiền 20 tuổi xuất gia, sư phụ chỉ dạy Ngài một câu “A Di Đà Phật”, dạy Ngài phải luôn niệm, Ngài lão thật, nghe lời, thật làm, câu Phật hiệu này đã niệm 92 năm. Câu tục ngữ “Thiện thủy thiện chung” này chúng ta đã nghe nói, nhưng chưa từng thấy qua – người đã có thể thiện thủy lại còn có thể thiện chung không nhiều, không ngờ chúng ta nhìn thấy ở lão Hòa thượng này rồi.
Pháp sư Ấn Chí, Ấn Hàm, Ấn Không, Ấn Vinh, Ấn Bảo đệ tử của lão Hòa thượng Hải Hiền dẫn đầu các tứ chúng đệ tử nghe tin đổ về thủ linh lão Hòa thượng bảy ngày, niệm Phật không gián đoạn.
Ngày thứ ba sau khi lão Hòa thượng viên tịch, có đệ tử về đến mở chiếc chăn vãng sanh để chiêm ngưỡng dung nhan của lão Hòa thượng, kinh ngạc phát hiện rằng: gương mặt của Ngài mỉm cười, làn môi hồng tươi, lông mày, râu và tóc lại chuyển từ trắng sang đen – lông mày của Ngài toàn bộ chuyển sang màu đen, trước khi vãng sanh râu của Ngài trắng hoàn toàn bây giờ một phần ba râu chuyển sang màu đen, tóc cũng đen một nửa. Một tuần sau khi lão Hòa thượng viên tịch thân thể của Ngài vẫn mềm mại, thoại tướng hy hữu.
Nhưng mà, thoại tướng thù thắng nhất không sánh bằng tự tại vãng sanh! Có ai lại không cầu có thể trong một đời này không có bệnh khổ, không có già khổ, không có chết khổ chứ?
Những điều vi diệu trong cuộc đời của cố Hòa thượng
Hòa thượng Hải Hiền 20 tuổi xuất gia, sư phụ chỉ dạy Ngài một câu “A Di Đà Phật”. Dạy Ngài phải luôn niệm, Ngài lão thật, nghe lời, thật làm, câu Phật hiệu này đã niệm 92 năm.
Lão Hòa thượng Truyền Giới – sư phụ của Hòa thượng Hải Hiền – sau khi thế độ cho Ngài xong, nói với Ngài một câu: “‘Nam Mô A Di Đà Phật’, phải luôn niệm như vậy.” Sau đó lại bổ sung một câu: “Hiểu rõ rồi thì không được nói lung tung, không được khua tay múa chân.” Câu “hiểu rõ rồi” này của lão Hòa thượng Truyền Giới là có ý gì? Là chỉ khai ngộ. Khai ngộ rồi thì cái gì cũng biết, nhưng mà không được nói. Hòa thượng Hải hiền nghe lời, Ngài thật làm, thật sự có trí tuệ, thật sự có thần thông, mà lại không để lộ chút gì, vết tích cũng không có.
Nếu như một người tâm địa thanh tịnh, một vọng niệm cũng không sanh, thì đối mặt với cảnh giới bên ngoài cái gì cũng hiểu rõ, không những hiểu rõ cảnh giới trước mắt, đối với cảnh giới của quá khứ và vị lai thảy đều hiểu rõ, đây chính là cái gọi là thần thông hiện tiền. Thần thông là dựa vào phương pháp tu thiền định mà được tác dụng là vô ngại tự tại, siêu vượt nhân gian.
Lão Hòa thượng có trí tuệ, có người nói Ngài có thần thông, nhưng lão Hòa thượng một chút cũng không tiết lộ. Pháp sư Ấn Chí nói, lão Hòa thượng không cho rằng mình có thần thông.
Rốt cuộc lão Hòa thượng có thần thông hay không? Cho dù thần thông của Ngài hiện ra, mọi người cũng không biết. Nếu có người hỏi Ngài, Ngài không thừa nhận! Đây là gọi lão thật, hà tất phải cho người khác biết? Đến khi mọi người đều biết, Ngài đã vãng sanh Thế giới Cực Lạc rồi.
Sau khi lão Hòa thượng vãng sanh, Pháp sư Ấn Chí đã nghĩ lại những việc của sư phụ khiến cho bản thân không thấu suốt.
Pháp sư Ấn Chí xuất gia không lâu, lúc đó phía trước tự viện vẫn là một vườn cải, bây giờ vườn cải đó đã trồng một hàng hoa tươi. Cải trong vườn trồng được rất tốt, nhưng mà bởi vì nhiều ngày không có mưa, cộng thêm nhiệt độ cao trong nhiều ngày liền, lá cải bị nắng chiếu đến khô héo. Những người trong thôn phơi lúa mì ở trước cửa tự viện nói là trên tivi dự báo, vài ngày gần đây sẽ không có mưa. Buổi chiều ngày hôm đó, đột nhiên lão Hòa thượng kêu pháp sư Ấn Chí, Ấn Vinh cùng nhau đào cái cống thoát nước ở vườn rau.
Pháp sư Ấn Chí nói: “Sư phụ, trời còn hạn lâu, sắp hạn chết rồi, đào cái gì thoát nước vậy?”
Lão Hòa thượng chỉ trả lời nhẹ nhàng, đơn giản: “Con đào đi.”
Pháp sư Ấn Vinh cũng không hiểu, trong lòng nghĩ: Trời nóng như vậy, lại hạn không có mưa, còn đào cống thoát nước gì chứ?
Pháp sư Ấn Chí không biết làm sao mà nói: “Sư phụ kêu đào, vậy thì đào đi.” Tuy rằng pháp sư Ấn Chí cảm thấy rất miễn cưỡng, nhưng mà không muốn làm cho lão Hòa thượng giận, nên cũng làm theo. Vậy là mọi người đều cầm lấy cái xẻng bắt đầu đào. Những người nông dân bên cạnh nhìn thấy còn cười pháp sư Ấn Vinh quá ngốc, lại đi nghe lời nói nhảm của lão Hòa thượng.
Không ngờ chiều ngày thứ nhất đào xong cái cống thoát nước, chiều ngày thứ hai thì mưa như trút nước, liên tục mưa mấy tiếng đồng hồ. May mà đã làm việc phòng bị xong, vườn rau và tự viện mới không bị tích nước.
Trời đang hạn hán, nhất định để mọi người đào cống thoát nước, kết quả ngày thứ hai thật sự đã mưa xuống. Pháp sư Ấn Chí bội phục lão Hòa thượng tận đáy lòng! Ngài cảm thấy lão Hòa thượng thật sự rất tài ba, kinh nghiệm phong phú, bất kể làm việc gì cũng rất là tinh thông. Lần này pháp sư Ấn Chí là thực lòng tin phục, không còn giống như những lần trước nữa. Pháp sư Ấn Vinh đối việc này vẫn còn chút không thấu, nhưng trong lòng cũng đã tăng thêm bội phục đối với lão Hòa thượng.
Mùa hè năm 2012, có vài người lạ đến chùa Viên Minh, họ hy vọng có thể ở đây trọ lại tự viện (tức là ngủ qua đêm). Lúc đó lão Hòa thượng Hải Hiền cũng ở chùa Viên Minh. Những vị đó nghe nói trong tự viện có vị cao Tăng hơn trăm tuổi, đều muốn đi bái kiến. Lúc này lão Hòa thượng đang nằm trên giường nghỉ ngơi, nhìn thấy có khách đến Ngài cũng không ngồi dậy.
Nếu như thường ngày, lão Hòa thượng nhất định rất hoan hỷ mà ngồi dậy chào hỏi khách, không ngờ lần này thái độ của Ngài rất lạnh nhạt. Ngài nằm ở đó không động đậy, miệng nói chuyện từ tốn: “Tuổi tác tôi đã lớn rồi, tự viện này chỉ có một người là Ấn Vinh, mà còn là nữ chúng, cho nên chỗ này của chúng tôi không hiếu khách, không thể qua đêm.”
Việc làm của lão Hòa thượng làm cho Pháp sư Ấn Vinh vô cùng kinh ngạc, Ngài thật sự không hiểu vì sao hôm nay lão Hòa thượng lại có thái độ khác thường như vậy. Sau đó vị cư sĩ biết rõ tình hình nói với pháp sư Ấn Vinh, những người đó là người truyền bá tà giáo.
Ngoài chùa Viên Minh có miếng đất trống, ở đó trồng một ít rau cải và hoa màu, có khi có người đi đường không cẩn thận giẫm lên mầm cải. Pháp sư Ấn Vinh muốn lấp lại con đường đó, đúng lúc bên cạnh đó có hai trục lăn lúa để không, nên Ngài qua đó đẩy nó. Nhưng trục lăn lúa quá nặng, làm chân Ngài cũng trượt mấy lần, trục lăn lúa vẫn bất động. Sau khi lão Hòa thượng Hải Hiền nhìn thấy, đi qua đó, chỉ thấy Ngài khom lưng xuống, vừa ra sức thì đã dịch chuyển được trục lăn lúa đến bên đường. Sư phụ làm sao có được sức lực lớn như vậy?
Tất cả những cử động của lão Hòa thượng đều làm Ngài thấy khó hiểu, pháp sư Ấn Vinh thật sự không biết phải làm sao cho đúng. Ngài và Pháp sư Ấn Chí như nhau, thật sự không cho rằng lão Hòa thượng có thần thông, Ngài chỉ cảm thấy lão Hòa thượng có kinh nghiệm phong phú, trong lòng vô cùng bội phục.
Còn có một lần, lão Hòa thượng lại có thể giúp đỡ cư sĩ Hoàng tránh khỏi tai họa lao tù. Cư sĩ Hoàng hộ trì pháp sư Ấn Sanh nhiều năm. Một ngày của 20 năm trước, cư sĩ Hoàng đến chùa Lai Phật thăm lão Hòa thượng Hải Hiền, lão Hòa thượng giữ cư sĩ Hoàng ở tự viện một đêm, nhưng cư sĩ Hoàng từ chối, nói không thể ở, cư sĩ Hoàng phải về nhà gấp để đưa cháu đi lính. Lão Hòa thượng nói: “Nó cũng đâu phải là con nít trong nhà, lại không mất được, cậu cứ đòi đưa nó đi làm gì?” Lão Hòa thượng bất luận thế nào cũng ngăn cản không để cư sĩ Hoàng đi, đây là lần duy nhất trong đời người lão Hòa thượng ngăn cản người khác.
Thì ra huyện Đồng Bách xuất hiện một án giết người, hung thủ có quen biết với cư sĩ Hoàng, hôm đó chạy đến nhà của cư sĩ Hoàng trốn, thấy không có cư sĩ Hoàng ở nhà, thì đi qua nhà của Chi Thư. Ngày thứ hai, cục công an bắt được hung thủ, Chi Thư là người chứa chấp tội phạm cũng bị bắt, phạt hết tám ngàn, còn phải ngồi tù một năm. Nếu như cư sĩ Hoàng ở nhà, hậu quả không cần nói cũng biết.
Còn có mấy lần là bản thân lão Hòa thượng gần với nguy hiểm, cuối cùng cũng là chuyển nguy thành an. Sau khi lão Hòa thượng vãng sanh, có lần pháp sư Diễn Cường nói với pháp sư Ấn Vinh: “Cô không biết những cửa ải mà Ngài đã trải qua! Phàm phu chúng ta đây cũng không nhìn ra áo diệu của chân Phật đâu!”
Những điểm mà lão Hòa thượng Hải Hiền hơn người khác chính là lão thật, nghe lời, thật làm, vì vậy Ngài thành tựu rất nhanh. Dựa vào một câu Phật hiệu được lý nhất tâm bất loạn, cho nên điều gì Ngài cũng biết, nhưng mà Ngài không nói. Tại sao không nói? Không có ai nghe hiểu được, không có ai làm được giống Ngài. Vì vậy, Ngài hoàn toàn biểu diễn trong sinh hoạt thường ngày, người biết nhìn có thể nhìn thấy được, người không biết nhìn nói với Ngài cũng vô dụng, chỉ rước phiền phức cho chính mình.
Thảo luận về post