Lợi ích lớn nhất của việc phóng sinh (phóng sanh) chính là: nuôi dưỡng lòng từ bằng cách ban tặng sự sống cho những con vật sắp bị giết. Ngoài ra, phóng sinh còn giúp kéo dài tuổi thọ, giảm đi tật bệnh. Tuy nhiên, phóng sinh không có nghĩa là thảy đại con vật gì để mưu cầu phước. Đó không phải là phương pháp phóng sinh đúng cách.
>>> NGHI THỨC PHÓNG SANH – CHÙA TỰ TÂM SOẠN TẬP
- Phóng sinh có ý nghĩa gì?
Vào những ngày lễ Tết, những ngày lễ lớn của Phật giáo (rằm tháng Giêng, tháng Bảy, tháng Mười) hình ảnh người người tay xách nách mang xô, chậu, lồng chứa những con cá, con chim, con rùa,… để phóng sinh đã trở thành nét đẹp trong văn hóa Việt Nam nói chung và của Phật giáo nói riêng. Đó là hành động đẹp bởi nó thể hiện lòng yêu thương loài vật, yêu thiên nhiên, là một hành động rất thánh thiện: Ban tặng sự sống.
Hình ảnh thái tử Tất Đạt Đa ôm con chim bị thương vào lòng khi bị Đề Bà Đạt Đa bắn cùng lý lẽ biện bạch hùng hồn trước nhà vua và đại thần để giành lấy quyền chăm sóc con chim:
Thói thường những kẻ thương yêu nhau mới ở chung với nhau, còn những kẻ ghét bỏ nhau thì không bao giờ sống chung với nhau. Em có ý dữ, muốn bắn giết con chim, như vậy em và con chim là những kẻ thù ghét nhau, làm sao con chim có thể ở chung với em đựơc. Trong khi đó, anh cứu con chim, anh săn sóc vết thương cho nó, anh sưởi ấm cho nó, và anh đang đi kiếm thức ăn cho nó… Vậy anh và chim là những kẻ biết thương yêu nhau, anh và chim có thể ở chung với nhau… Như anh đã nói, con chim cần anh chứ không cần em.
Điều đó cho thấy đạo Phật rất xem trọng sự sống của tất cả loài chúng sanh. Không chỉ có con người mà bất kỳ con vật, cây cỏ,… Bởi Phật dạy rằng: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Đó là điều khác biệt và tuyệt vời chỉ có ở đạo Phật: TỪ BI KHÔNG PHÂN BIỆT.
2. Phóng sinh có lợi ích gì?
– Luận Đại Trí độ dạy: “Trong tất cả các Tội ác, tội Sát sinh là Nặng nhất. Trong tất cả các Công đức, không Giết hại là Công đức Lớn nhất”.
– Phóng sinh là phương pháp dễ dàng nhất để Tiêu trừ Nghiệp chướng, lại đơn giản dễ làm. Chỉ cần phát tâm tùy thời, tùy chỗ, một người hay nhiều người, nhiều tiền hay ít tiền đều có thể Phóng sinh. Khi bạn phóng sanh cá, cũng nên phóng sanh cái tham, cái sân, cái si mê chất chứa trong tâm mình. Chuyển hóa nó thành Từ bi & Trí tuệ, nhằm cảm hóa người thân trong gia đình cùng những người xung quanh thấy được sự nhiệm mầu của việc ứng dụng chánh Pháp.
Bởi lẽ, Tự thân mình đã tạo biết bao nghiệp giết hại, chẳng tránh khỏi phải khủng hoảng, xấu hổ, thật không đất dung chứa! Sao có thể không tự mình kịp thời Sám hối, cố gắng Phóng sinh, hầu mong đền trả nợ nần trong muôn một! Việc Phóng sinh có thể trưởng dưỡng tấm lòng Từ bi của mình. Nên khởi lòng bi mẫn Phóng sinh, xem sinh mạng của loài vật như sinh mạng của chính mình. Được vậy thì sẽ chẳng cuồng vọng, điên đảo nữa; sẽ chẳng tạo nghiệp giết hại nữa; sẽ chẳng thiếu món nợ sát sinh nữa; nên chẳng phải luân hồi thọ báo nữa.
– Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Chúng sinh thương yêu nhất là sinh mạng; Chư Phật thương yêu nhất là Chúng sinh. Cứu được thân mạng Chúng sinh thì thành tựu được Tâm nguyện của Chư Phật”.
– Kinh Phạm Võng dạy: “Phật tử không được tự mình giết hại, dạy người giết hại, dùng phương tiện giết hại, tán thành việc giết hại, hoặc thấy người khác giết hại mà vui mừng tán thành. Tất cả các loài có sự sống, có sinh mạng, đều không được giết hại. Bồ Tát phải luôn phát khởi, gìn giữ tâm Từ bi, hiếu thuận, dùng phương tiện mà Cứu mạng, Bảo vệ cho tất cả Chúng sinh”.
– Vua Lương-Võ-Đế hỏi Thiền-sư Chí-Công rằng: “Công đức Phóng sinh như thế nào?”
Thiền-sư đáp rằng: “Công đức Phóng sinh không thể hạn lượng. Trong Kinh dạy rằng: Muôn loài chúng sinh đều có Tánh Phật, chỉ vì Mê vọng nhân duyên nên khiến cho thăng trầm khác biệt. Cho đến Sinh tử Luân hồi trở thành quyến thuộc với nhau, thay đầu đổi mặt chẳng nhìn ra nhau được nữa. Nếu phát được tâm Hỷ xả, khởi niệm Từ bi, người chuộc mạng Phóng sinh thì đời này Ít bệnh Sống lâu, tương lai Chứng được quả Bồ-Đề.”
– Đại sư Hàn-Sơn hỏi ngài Thập-Đắc: “Phóng sinh có thể thành Phật được chăng?”
Đáp rằng: “Chư Phật vô tâm, duy chỉ lấy Từ-bi làm tâm. Người có thể cứu cái khổ của sinh mạng tức là thành tựu Tâm nguyện của Chư Phật. Cho nên, sinh một niệm Từ bi, cứu sống một sinh mạng tức là Tâm nguyện của Bồ-Tát Quán-Thế-Âm vậy. Ngày ngày làm việc Phóng sinh thì Tâm Từ bi cũng ngày ngày tăng trưởng, mãi mãi không ngừng, niệm niệm đều chảy vào biển lớn Đại Từ bi của Đức Quán-Thế-Âm. Khi ấy, tâm ta tức là tâm Phật, sao lại chẳng Thành Phật?”
Công đức phóng sinh rộng lớn vô biên, không thể tính đếm. Nay xin nói đại lược như sau:
1. Không có nạn đao binh, tránh được tai họa chiến tranh tàn sát.
2. Sống lâu, mạnh khỏe, ít bệnh tật.
3. Tránh được thiên tai, dịch họa, không gặp các tai nạn.
4. Con cháu đông đúc, đời đời xương thạnh, nối dõi không ngừng.
5. Chỗ mong cầu được toại nguyện.
6. Công việc làm ăn phát triển, hưng thạnh, gặp nhiều thuận lợi.
7. Hợp lòng trời, thuận tánh Phật, loài vật cảm ơn, chư Phật hoan hỷ.
8. Giải trừ oán hận, các điều ác tiêu diệt, không lo buồn, sầu não.
9. Vui hưởng an lành, quanh năm đều được an ổn.
10. Tái sinh về cõi trời, hưởng phước vô cùng. Nếu có tu Tịnh độ thì được vãng sinh về thế giới Tây phương Cực Lạc.
* Phóng sinh là giúp những chúng sanh thoát khỏi ngưỡng cửa sinh tử, ban tặng sự sống, xóa đi những nỗi sợ, lo lắng của chúng. Phóng sinh là một hành động rất thiết yếu của người Phật tử bởi nó sẽ giúp chúng ta nuôi dưỡng từ tâm, biết thương yêu, chăm sóc những chúng sanh đau khổ, yếu thế. Từ tâm là một trong những nhân tố đạt được quả vị Thánh.
* Phóng sinh là một việc làm thể hiện lòng Từ bi bình đẳng, mục đích phóng sinh là để đánh thức tâm Bồ đề của chúng sinh (con vật) trước khi phóng sinh.
Kinh Phạm Võng dạy rằng: “Người Phật tử nếu lấy tâm từ mà làm việc phóng sinh thì thấy tất cả người nam đều là cha mình, tất cả người nữ đều là mẹ mình. Vì mình trải qua nhiều đời đều do đó mà sinh ra, nên chúng sinh trong sáu đường đều là cha mẹ của mình.
Chúng ta đã tạo sát nghiệp nặng nề từ nhiều đời nhiều kiếp đến nay. Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: “Nếu ác nghiệp này có hình tướng thì cho đến cùng tận hư không cũng không dung chứa hết.” Chúng ta ngay trong kiếp này tạo nghiệp giết hại chúng sinh quả thật đã không thể tính đếm được, huống chi là đã tạo trong nhiều đời nhiều kiếp!
Kinh Dược Sư Lưu Ly bổn nguyện công đức dạy rằng: “Cứu thả các sinh mạng được tiêu trừ bệnh tật, thoát khỏi các tai nạn.” Người phóng sinh tu phước, cứu giúp muôn loài thoát khỏi khổ ách thì bản thân không gặp các tai nạn.
3. Phóng sanh đúng cách
Ngày nay, phóng sanh dường như đang mất đi nét đẹp và ý nghĩa thực thụ của nó. Khi việc phóng sanh len lỏi sự vụ lợi, mong cầu và mê tín bên trong. Nếu phóng sanh không đúng cách chúng ta sẽ không nhận được phước báu trọn vẹn của hành động thiện lành này và còn hơn thế nữa sẽ vô tình gây ra nghiệp sát. Như vậy, để việc phóng sanh có ý nghĩa và đúng pháp, chúng ta cần lưu ý những điều sau:
1. Không nên quá nặng hình thức
Chúng ta thường thấy một số Phật tử mua chim, cá để phóng sanh. Nhưng họ không thả liền mà đem vô chùa chờ quý thầy làm lễ chú nguyện rồi mới thả. Có đôi khi quý thầy bận việc không làm lễ liền thì nhốt trong lồng qua đêm hay đến ngày hôm sau, đợi đến khi làm lễ thì mới thả.
** Phóng sinh là cơ hội để con vật có điều kiện quy y Tam Bảo và sám hối nghiệp chướng, việc làm tốt trong Đạo Phật, thể hiện lòng Đại từ Đại bi nên trong nghi thức phóng sinh có lễ quy y, sám hối cho con vật trước khi phóng sinh. Nhưng chúng ta cũng không nên quá chấp vào hình thức, tiến hành những nghi lễ rườm rà, câu nệ. Khi phóng sinh, thao tác phải nhanh nhẹn, rốt ráo; nghi lễ ngắn gọn nhưng đủ sức tế độ; không nên nặng phần hình thức, tránh cho các sinh vật phải chịu kéo dài nỗi khổ sợ hãi, ngột ngạt, tù túng vì bị giam cầm; có khi chúng phải mất mạng trước khi được ta phóng thích.
2. Không nên đặt nặng về số lượng
Trong những lễ lớn hay những dịp cầu an đầu năm hay cầu siêu, chúng ta thấy một số Phật tử gọi điện thoại đến chỗ bán chim, bán cá, bán lươn phóng sanh để đặt số lượng mua để phóng sanh. Hay có trường hợp thay vì mua 5 kg cá lớn thì người ta khăng khăng lấy số tiền đó để mua cho được 20kg cá nhỏ để phóng sanh và nghĩ rằng với số lượng phóng sanh càng nhiều thì công đức càng lớn.
Chúng ta cần phải hiểu rằng, phóng sanh xuất phát từ lòng từ bi, lòng từ tâm, thương xót khi gặp một con vật bị nạn, mình ra tay cứu thoát, hoặc nhìn thấy một hoặc nhiều con vật sắp bị giết, mình bỏ tiền ra mua để cứu sống chúng. Cứu chúng sanh trong thời điểm này mới đúng nghĩa của việc phóng sanh. Do đó, việc gọi điện thoại đặt mua chúng sanh ở các trại cá, chim,.. vô tình chúng ta sẽ khiến những loài vật bị săn bắt nhiều hơn để đáp ứng cho “nhu cầu phóng sanh” của mình; làm như thế đôi khi không thấy phước mà còn mang thêm tội !.
** Công đức phóng sanh nhiều hay ít không phụ thuộc hẳn vào số lượng loài vật phóng sanh mà chủ yếu phụ thuộc vào tâm rộng mở của người phóng sanh như thế nào? Nếu một người phóng sanh rất nhiều cá nhưng không có lòng từ, phóng sanh chỉ theo phong trào hay để thể hiện hoặc vì mưu cầu lợi lộc nào đó họ sẽ không có tình yêu thương với loài vật bởi đó không phải là mục đích của việc họ phát tâm phóng sanh. Ngược lại, một người phóng sanh vì tình thương yêu loài vật, cảm thông trước khi đau đớn, khổ sở khi bị giam cầm, cắt cổ, lột da mà khởi tâm xót thương rồi chuộc mạng chúng để phóng sanh thì thật quý biết bao. Đó mới đúng là tâm phóng sanh đúng Chánh pháp.
3. Đừng sợ người khác bắt
Nhiều người cho rằng: Phóng sanh rồi người khác bắt lại cũng vậy. Đây là ý nghĩ rất tiêu cực gây cản trở sự khởi phát của tâm từ bi.
Lão Pháp sư Viên Nhân dạy rằng: “Nhân quả báo ứng như bóng theo hình. Sát sinh tự có ác báo của sát sinh. Phóng sinh tự có thiện báo của phóng sinh. Đừng nên để ý đến sự phê bình, hủy báng của kẻ khác. Chúng ta thực hành thiện nghiệp của mình, kẻ khác tạo ác nghiệp của chính họ. Mai sau quả báo hiện tiền, thiện ác nhân quả báo ứng tuyệt đối không bao giờ sai được.”
** Mỗi loài chúng sanh có một biệt nghiệp khác nhau. Có thể trong số hàng trăm con vật chúng ta phóng sanh sẽ có những con vật bị câu, bị bắt, bị chích điện, bị giăng bẫy rồi giết hại, đó là do thọ mạng loài súc sinh của chúng đã mãn nên phải chuyển kiếp. Không ai quyết định đến biệt nghiệp của chúng. Vì lẽ đó mà ý niệm sợ phóng sanh rồi sẽ bị bắt không nên khởi niệm trong tâm mà phải có cái nhìn theo hướng tích cực: Chúng sanh sắp chết thì ban cho chúng thêm một cơ hội sống. Còn việc sống được hay không, sống bao lâu còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác nữa.
– Người Phóng sinh có Công đức của việc Phóng sinh. Kẻ bắt giết có tội lỗi của việc bắt giết. Chúng ta là người tạo Công đức của chính mình, người khác bắt giết gây ra tội lỗi của chính họ. Mọi việc trong thế gian đều tương đối tồn tại: Có thiện tất có ác. Nhân quả báo ứng mảy may không sai lệch. Đã tạo nghiệp giết hại ắt phải gặp quả báo bị giết hại. Ngày nay tuy có tạm thời được ăn sung mặc sướng, nhưng tương lai đến lúc thọ nhận quả báo e rằng chẳng có lúc được ngừng nghỉ, vả lại còn để họa lây đến con cháu đời sau.
4. Nên tìm hiểu về môi trường sống của loài vật.
Mỗi loài động vật có môi trường sống thích hợp. Phóng sanh là ban tặng sự sống nên chúng ta phải tìm hiểu rõ về môi trường sống của loài vật để đưa chúng đến nơi phù hợp và an toàn. Nếu không khéo vấn đề này chúng ta sẽ vô tình khiến cuộc sống mới của chúng khó khăn hơn và nguy hiểm đến tính mạng. Chẳng hạn phóng sanh cá, không nên thả chúng ở gần những nơi thường câu cá hay những ao hồ ô nhiễm.
5. Không nên xem ngày tháng phóng sanh.
Vì mê tín, vì mưu cầu riêng mà không ít người có quan điểm phóng sinh phải coi ngày tốt xấu, phải chờ dịp lễ lớn phóng sinh mới có phước đức nhiều. Phóng sinh là việc làm từ tâm, nên khi nhìn thấy những loài vật tội nghiệp tâm phát khởi chúng ta phải nên hành động ngay. Đừng nên phân lượng lớn nhỏ, ít nhiều vì các loại lươn, cá, ốc, thú rừng,… bị săn bắt phục vụ cho người ăn thịt lúc nào, ngày nào cũng có, mà thời lượng nào thì sự nguy cấp cũng đều như nhau, tùy vào khả năng từ một, hai con đến muôn ngàn con cũng phải lập tức cứu thoát chúng – càng nhanh càng tốt, mà chẳng cầu được ai biết đến.
6. Những vấn đề tiêu cực về phóng sinh
Hiện tượng phóng sinh hiện nay đang bị xã hội lên án vì sự thiếu biết.
Vào những ngày lễ Tết, dạo khắp những ngôi chùa rất dễ dàng chứng kiến sự tấp nập của người mua kẻ bán chim phóng sinh. Và cảnh tượng thương tâm xảy ra khi những con chim bay không nổi, phải sà xuống đất và bị giẫm đập, bị mèo ăn hay bị bắt lại bỏ vào lồng tiếp tục vòng quay mua – bán – bắt. Được biết những con chim này thường bị cắt cánh và rất yếu nên không bay xa. Do đó, chúng rất dễ bị kẻ bán bắt lại nhiều lần cho đến khi nào kiệt sức. Vì vậy, chúng ta cần phải có trí tuệ, chánh kiến, nhận định sáng suốt trước khi chọn vật phóng sinh để không tiếp tay cho những kẻ mưu lợi xấu và gián tiếp làm tổn thương đến loài vật. Vả lại, các loại chim người ta bắt để bán đa phần là chim én, chim nhỏ con và rất hôi, không ai ăn chúng cả. Kể cả các loại chim khác, như: chim sẻ… quý vị cũng không nên mua chúng, vì có cung thì có cầu thì vô hình chung chúng ta đã tiếp tay cho những hành động bất thiện; nếu có lựa chọn thì hãy mua cá, lươn, ốc, thú rừng,… bị săn bắt phục vụ cho người ăn uống.
Ngoài ra, nhiều người còn phóng sinh rắn ở gần khu dân cư, phóng sinh rùa tai đỏ – được thế giới xếp vào loài độc hại và có thể gây bệnh thương hàn, làm ô nhiễm môi trường vào tạo sự sợ hãi cho người khác. Thiết nghĩ lòng từ bi cần phải có trí tuệ để việc thiện được viên mãn.
7. Những điều cần lưu ý khi phóng sinh
Phóng sinh phải phát xuất từ lòng từ bi. Vì nếu không như vậy, việc phóng sinh tuy có tốt, nhưng hiệu quả lại rất hạn chế.
Phóng sinh bằng cái tâm chứ đừng theo phong trào, làm việc bằng chánh kiến chứ không chạy theo số đông.
Phóng sinh là tự do, không phân lượng lớn nhỏ, ít nhiều, không chọn ngày giờ tốt xấu, không nên chờ dịp này hay dịp khác,….
Khi phóng sinh cần thực hiện âm thầm, chọn nơi vắng vẻ càng tốt để tránh lòng tham của những người săn bắt, tạo thêm nghiệp chướng cho họ mà chính chúng ta cũng bị giảm phần công đức.
Tóm lại, Phóng sinh, không cần phải khói hương nghi ngút. Không cần đến 1 thời kinh dài cả tiếng. Không cần phải nhiều thầy cúng thì phóng đó mới nhiều phước. Hãy phóng sinh vì lòng từ. Đừng phóng sinh vì hình thức và danh dự.
Chỉ cần lòng từ bi và lời chú nguyện: “Mong ngươi được tự do. Mong ngươi được hạnh phúc”. Vừa niệm Phật vừa thả là được rồi.
Tất cả mọi loài chúng sanh đều ham sống sợ chết, không có gì quý hơn sinh mạng của mỗi chúng sanh. Chúng ta phóng sanh tức là trực tiếp giải cứu sinh mạng cho chúng sanh, vì giải cứu sinh mạng cho chúng sanh tức là giúp chúng sanh giữ lại được cái giá trị cao cả nhất, đáng trân quý nhất. Phóng sinh đúng cách là điều cần quan tâm để chúng ta thực hiện trọn vẹn lòng từ bi của mình để nhận được công đức trọn vẹn, giúp chúng sanh có cuộc sống mới bình an. Chúc đại chúng tu tập tinh tấn, đạt được phúc lạc & bình yên trong chánh Pháp./.
Nam Mô Phật.
Thảo luận về post