Trong Ngũ Giáo, kinh Di Đà thuộc Đốn Giáo, “đốn” (頓) là đốn siêu (nhanh chóng vượt thoát). Không riêng gì Liên Trì đại sư có cách nhìn như vậy, mà Khuy Cơ đại sư của Pháp Tướng Duy Thức Tông cũng nhận định giống như thế. Ngài nói kinh này, pháp môn này viên đốn đến cùng cực. Vì sao? Vì có thể thành công trong bảy ngày.
Quý vị nghĩ xem: Pháp môn nào có thể thành Phật trong bảy ngày? Tìm không ra! Pháp môn này đúng là bảy ngày thành Phật, từ một ngày cho đến bảy ngày, kinh nói rất rõ ràng. Cũng có thể là chúng ta nghe rồi chẳng tin, thật sự là bảy ngày có thể thành tựu ư?
Trong Cao Tăng Truyện hay Vãng Sanh Truyện, quả thật có người niệm Phật bảy ngày bèn vãng sanh. Đời Tống, pháp sư Oánh Kha trong quá khứ chưa từng niệm Phật, mà cũng chẳng biết đến pháp môn này. Sau khi ông ta xuất gia, giới luật chẳng nghiêm, chẳng giữ Thanh Quy, tạo tội nghiệp rất nặng, nhưng ông ta có thiện căn. Nói “thiện căn” nghĩa là ông ta có thể tự giác, biết chính mình tương lai nhất định đọa địa ngục, biết địa ngục khổ sở, địa ngục đáng sợ, do vậy, thỉnh giáo đồng học: “Có cách nào để tương lai chẳng đọa địa ngục hay không?” Các đồng học bảo ông ta: “Chỉ có một biện pháp, niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Tây Phương Cực Lạc thế giới không có ba ác đạo, quyết định chẳng đọa địa ngục”.
Sau khi nghe xong, ông ta rất hoan hỷ, trở về liêu phòng đóng cửa niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ. Ông ta chẳng ăn, chẳng uống, cũng chẳng ngủ nghỉ, niệm Phật suốt ba ngày như thế, cảm A Di Đà Phật hiện thân. A Di Đà Phật bảo ông ta: “Thọ mạng của ông hãy còn mười năm nữa, hãy khéo tu tập trong mười năm ấy, đến khi thọ mạng đã hết, ta lại đến tiếp dẫn”. Ông ta bạch A Di Đà Phật: “Con căn tánh kém hèn rất nặng, không thể chống đỡ những dụ dỗ, mê hoặc. Hễ vừa bị bên ngoài dẫn dụ, con lại tạo tội. Nếu con sống thêm mười năm nữa, chẳng biết sẽ lại tạo bao nhiêu tội, thôi đi! Con không cần mười năm thọ mạng, nay con muốn theo Phật”. Ông ta thỉnh cầu A Di Đà Phật như vậy, A Di Đà Phật đúng là rất từ bi, bèn nói: “Được rồi! Ba ngày sau, ta sẽ đến tiếp dẫn ông”. Ông ta mở cửa phòng, bảo đại chúng: “Ba ngày sau A Di Đà Phật đến tiếp dẫn tôi vãng sanh”. Trong chùa chẳng có ai tin, hạng người như vậy làm sao có thể vãng sanh? Nhưng ông ta nói lời ấy hình như chẳng giả dối; hơn nữa, thời gian rất ngắn, ba ngày thôi ! Coi thử ngươi nói thật hay giả? Đến ngày thứ ba, ông ta thỉnh cầu đại chúng trợ niệm tiễn ông ta vãng sanh. Ông ta tắm rửa, thay y phục sạch sẽ xong, niệm xong kinh Di Đà, lại niệm Phật hiệu, Phật hiệu vừa niệm mấy câu bèn bảo mọi người: “Phật đến rồi, tôi phải theo Ngài ra đi”, ba ngày vãng sanh!
Do vậy, chẳng có một pháp môn nào nhanh bằng pháp môn này. Con người hiện thời vì sao không thành công? Con người hiện thời ngoài miệng nói muốn vãng sanh, nhưng trong tâm chẳng muốn đi, vẫn lưu luyến thế giới này.
Nếu chúng ta phát nguyện vào Phật Thất ở đây, phía trên treo một tấm biển: “Bảy ngày bảo đảm vãng sanh”, cũng chẳng có ai đến dự! Vừa trông thấy, họ bèn nói: “Thôi rồi! Bảy ngày phải chết, không đến đâu!” Con người hiện tại “miệng nói vậy, lòng chẳng nghĩ vậy”. Trước kia, lòng người ta thật sự muốn vãng sanh nên mới có thể thành công ! Vì thế, trong lịch sử, quả thật có những trường hợp như vậy, có những chuyện như thế. Cổ đức phán định [kinh A Di Đà] là Đốn Giáo, đốn đến cùng cực, đốn siêu! Chúng ta nên hiểu điều này.
Thảo luận về post