Cỗ Tết Nhà Chùa
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
LTS: Vài năm trước, chúng tôi ra Hà Nội vào dịp tết, tình cờ được bạn đạo tặng bài thơ “Cỗ Tết Nhà Chùa” của Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ:
Nhà Chùa tết nhất nghĩ mà vui
Lộc Phật ban cho đủ mọi mùi
Giò thủ Lăng nghiêm, Viên giác bánh
Chè Ba-la-mật, Pháp hoa xôi
Kìa mâm Bảo tích, bày trăm vị
Nọ đũa Kim cương sắp bốn đôi
Chiếu giải luật nghi nhà trượng thất
Bạn cao Tăng đạo thỉnh lên ngồi.
Nhân Xuân mới, theo ý thơ, chúng tôi viết vài dòng chia sẻ cùng thân hữu gần xa…
Xưa, dân Việt sống dựa vào nghề nông, chủ yếu là làm lúa nước, nên mang tính thời vụ cao; lúc thì bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, có khi ăn chơi cả tháng (tháng giêng là tháng ăn chơi…). Mà, công việc canh nông của người dân Việt xưa, với công cụ lao động thô sơ, lối canh tác cổ truyền, nên phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện khí hậu, thiên nhiên – ông Trời. Thế nên, lúc kết thúc một chu kỳ vận hành của trời đất, cũng là thời điểm bắt đầu một chu kỳ mới – Tết Nguyên đán, người nông dân sau một năm làm mùa, tỏ lòng biết ơn đến các đấng thần linh – ông Trời, bằng mâm cỗ cúng ngày Tết. Điều này mang đậm tính nhân văn, thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Đồng thời, cỗ cúng Tết cũng thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà tổ tiên và các bậc tiền nhân.
Mâm cỗ ngày Tết đối với người Việt Nam không chỉ đơn thuần là những món ăn, mà hàm chứa trong đó cả truyền thống văn hóa nông nghiệp lúa nước, một nghệ thuật ẩm thực tinh túy, thậm chí mang ý nghĩa của triết lý nhân sinh.
Mâm cỗ Tết truyền thống của người dân miền Bắc thường có bánh chưng, thịt nấu đông, măng hầm hoặc nấu miến, nem thính, giò chả các loại (đi kèm có rau diếp rau mùi), dưa hành, các món xào, canh và cơm gạo mới. Cỗ Tết của người miền Trung cũng có canh, món xào, món kho; nhưng khác miền Bắc ở bánh tét, dưa món, nem chua. Người dân miền Nam thì luôn luôn có món kho bằng nước dừa, canh khổ qua (mướp đắng), các món gỏi và cũng không thể thiếu bánh tét.
Ngày nay, theo đà phát triển của nền kinh tế, lằn ranh giới giữa nông thôn và thành thị đã rút ngắn. Bên cạnh đó, sự giao lưu với các dòng văn hóa phương Tây, đã làm mâm cỗ tết của người Việt có nhiều thay đổi về thực đơn theo xu hướng tinh, giản, chú trọng “chơi” hơn “ăn”, nhưng ý nghĩa, nét truyền thống của mâm cỗ ngày tết vẫn không thay đổi.
Nhà chùa, vào những dịp lễ hay giỗ Tổ cũng chuẩn bị cơm cỗ cúng, ngày Tết lại càng không thể thiếu. Bởi lẽ, ngày Tết, làm cơm cúng, đã thành cách sống, là truyền thống, là văn hóa Tết của người Việt, không phân biệt giới nào. Cỗ Tết nhà chùa cũng phong phú, đủ món theo văn hóa vùng miền. Về phương diện vật chất, bánh, trái, xôi, chè không thể thiếu; giò chả các loại, cùng canh, kho, xào, gỏi các món, dâng lên cúng Phật, cùng chư Tổ, cũng như các bậc tiền nhân vào dịp đầu năm.
Các món trong mâm cỗ tết nhà chùa, dưới cách nhìn của một cao tăng đương thời, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì không dừng lại ở phương diện vật chất, mà các “món ăn” đó là những giáo lý tu học, là các pháp môn viên đốn liễu nghĩa của Phật Đà để lại. Nhằm nhắc nhở người học Phật, đừng quá đam mê vào sắc vị, mà quên đi những điều mình cần phải làm. Với các “món”:
“Giò Thủ Lăng Nghiêm, Viên Giác bánh
Chè Ba-la-mật, Pháp hoa xôi”.
Đọc hai câu thơ trên, chúng ta có thể thắc mắc, tại sao trong mâm cỗ có bao nhiêu món, Hòa Thượng nêu ra có bốn; và tạng kinh rất nhiều mà Ngài chỉ đưa vào thơ: Thủ Lăng Nghiêm, Viên Giác, Ba-la-mật, Pháp Hoa. Một sự ngẫu nhiên trong ý thơ, hay đó là thể hiện suy nghiệm của bậc tu hành…
Trong kỹ thuật làm các món giò, giai đoạn bó (gói) yêu cầu phải khéo léo tỷ mỷ (nếu không dùng khuôn), lỏng hay chặt tay, đều khiến giò sẽ không tròn đều, khi cắt thành miếng có thể mất đi sự hấp dẫn; hoặc có thể giò sẽ hỏng. Thực hành giáo lý của đức Phật, khi trị tâm, nếu chúng ta căng quá sẽ gây mệt mỏi, thậm chí tinh thần có thể trở nên không bình thường, và ngược lại nếu dụng công không đủ, tránh sao khỏi phiền não khởi lên. Mà kinh Thủ Lăng Nghiêm, với nội dung triển khai sâu giáo lý về bản Tâm và các cảnh giới có thể tu chứng trong Thiền định, cùng với phần tuyên thuyết Đà-la-ni (dhāraṇī – thần chú). Và, trong kinh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng không kém của việc giữ giới. Mà, giới là khuôn thước, là chuẩn mực của người tu; học Phật mà thiếu giới thì chánh định và trí tuệ giải thoát sao thành. Với món “giò Thủ Lăng Nghiêm”, người học đạo cần giữ giới, hiểu rõ ràng về nghiệp, cũng như cần thông hiểu 50 “tâm giới” mà người tu tập có thể gặp phải trong quá trình hành thiền, để không kẹt, đủ tỉnh giác vượt qua và tiến tu.
Viên Giác bánh, món “bánh” chỉ thẳng tâm Viên Giác sẵn đủ bình đẳng giữa Phật và chúng sanh. Hay nói cách khác, mỗi người đều có tâm Viên Giác bình đẳng cùng chư Phật không khác. Khác nhau ở chỗ, chúng ta tuy sẵn có, nhưng do chạy theo trần cảnh mà quên tánh giác, nên còn mãi chịu trầm luân trong sinh tử luân hồi. Dùng “món bánh” Viên Giác, chúng ta thấy, chúng sanh đa bệnh, trình độ sai khác, phước mỏng nghiệp dầy, nên Phật đã từ bi rộng nói nhiều phương tiện tu hành, chỉ bày cặn kẽ những bệnh cần trừ diệt. Nếu chúng ta phát khởi lòng tinh tấn y theo lời Phật dạy mà hành trì, thì sớm muộn cũng viên thành đạo quả.
“Xôi” Pháp hoa chan chứa tâm hạnh của chư Phật và chư Đại Bồ-Tát, trải dài những con đường phương tiện giáo hóa thênh thang, ngõ hầu đưa chúng sanh từ phàm đến thánh, từ tam thừa Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát đến quả vị nhứt thừa vô thượng Phật quả. Với món “xôi” Pháp hoa, chúng ta thấy không phương tiện độ sanh nào mà không được chỉ dạy, không cửa pháp môn giải thoát rốt ráo nào mà không rộng mở, không cảnh giới Phật nào mầu nhiệm thiện duyên với chúng sanh cõi ta bà này mà không ảnh hiện, không hạnh nguyện giáo hóa độ sanh nào của Phật và Bồ tát mà không thể đạt ba la mật.
Chè là một món ăn thường được dùng làm món tráng miệng trong ẩm thực Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia khác. Là một món nước, và là món ngọt. Vì thế, nhắc đến chè, chúng ta cảm nhận được sự thanh mát, ngọt ngào. Đến đây, chúng ta đã thấy sự sâu sắc, công phu dụng tâm của bậc cao tăng khi dùng “chè Ba-la-mật”. Ba-la-mật, tiếng Phạn là Paramita, chữ Hán gọi là “đáo bỉ ngạn”; với nghĩa là vượt sang bờ bên kia của đại dương khổ đau. Tức là, chúng ta dùng các món giò Thủ Lăng Nghiêm, bánh Viên Giác…, y theo các pháp môn được dạy trong đó mà tu trì, sẽ đạt được trí tuệ giải thoát, đạo hạnh hoàn thiện; ấy là “thuyền” để đáo bỉ ngạn. Ba-la-mật cũng dùng để chỉ những phẩm tính của Bồ tát trên đường tu tập, hành đạo – lục độ Ba-la-mật.
Cỗ tết nhà chùa quả thật chẳng kém phần phong phú, “lộc Phật ban cho cũng đủ mùi”, các món đã bầy biện đủ đầy, đầu xuân năm mới “thưởng thức” thôi!.
Tỳ kheo Nguyên Các
Nguồn: Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Thảo luận về post