>>> NHỮNG LỜI PHẬT DẠY VỀ CÔNG ƠN CHA MẸ TRONG KINH TẠNG
>>> Về tác giả của bài thơ “Mất Mẹ” trong truyện “Bông Hồng Cài Áo” của Thiền sư Nhất Hạnh.
Đức Phật trong lúc du hành gặp một đống xương khô, ngài liền đảnh lễ sát đất. Đệ tử của Phật là ngài Anan ngạc nhiên hỏi Phật vì lý do gì mà lễ đống xương khô ấy. Đức Phật dạy rằng, đống xương khô này hoặc tổ tông kiếp trước, hoặc là cha mẹ nhiều đời của ta nên ta chí thành kính lễ.
>>> HÌNH ẢNH VỀ VU LAN – MÙA HIẾU HẠNH
10 điều ân đức mẹ cha
Một là ân thai mang giữ gìn: Vì sự nghiệp lực nhân duyên, nên nay ký thác thai mẹ. Lâu ngày khổ sở, chín tháng cưu mang, nặng nhọc như đội núi, đi đứng sợ gió mưa, quần áo không sửa soạn, trang điểm còn kể chi.
Hai là ân sinh sản khổ sở: Qua tháng thứ mười, gần ngày sản nạn, đêm đêm như bịnh nặng, ngày ngày tợ hoàng hôn, khiếp hãi sầu khổ lệ sầu tuôn rơi, bôn ba nghĩ ngợi, chỉ sợ tử thần không dung tánh mạng.
Ba là ân sinh rồi vui mừng quên tất cả: Trong khi sinh đẻ, gan ruột từ mẫu tuồng như xé rách đau đớn mê man, máu huyết dầm dề. Nhưng nghe con an toàn thì vui mừng quên tất cả. Song vui đó lại buồn đó, thống khổ triệt can trường.
Bốn là ân nuốt đắng nhổ ngọt: Tình thương cha mẹ thật thâm hậu, thương mến có bao giờ nhạt phai. Nhổ ngọt không tiếc nuối, nuốt đắng nào phiền hà. Thương mến càng sâu đậm, bi sầu càng tăng thêm. Miễn sao con no ấm, đói khát mẹ nào từ.
Năm là ân nhường khô nằm ướt: Mẹ nằm chỗ ướt át, nâng con chỗ ấm khô. Đôi vú no đói khát, hai tay che gió sương. Yêu thương quên ngủ nghỉ, sủng ái hết giá lạnh. Chỉ mong con yên ổn, mẹ hiền không cầu an.
Sáu là ân bú mớm nuôi nấng: Mẹ hiền ân hơn đất, cha “nghiêm đức” quá trời, che chở ân cao dày, cha mẹ nào tính toán. Không hiềm không mắt mũi, không ghét què chân tay. Con sinh từ bụng mẹ, con đổi dạ thương ai!
Bảy là ân tắm rửa săn sóc: Không nghĩ phận mình chỉ lo con bệnh tật, cho nên hết lòng tắm rửa và săn sóc. Áo quần lo cho con, rách rưới mẹ đành chịu. Thân con được kín đáo là lòng mẹ ấm áp.
Tám là ân xa cách thương nhớ: Chết mà từ biệt đã đành khó nhẫn nại, sống mà biệt ly, lại càng rất nhớ thương. Con đi đường xa cách, lòng mẹ bóng theo hình. Ngày đêm không hả dạ, tối sớm nào tạm quên. Khóc như khóc vượn nhớ con, thương nhớ nát can trường.
Chín là ân vì con mà mẹ làm ác: Lao khổ đủ muôn bề, bữa ăn vẫn khó kiếm, vì muốn con no ấm, việc ác mẹ khó xa. Nuôi khôn lớn, lo hôn nhân, lo cơm áo, sợ cơ hàn. Kho nấu các sinh vật, cũng vì ngon miệng con.
Mười là ân thương mến trọn đời: Ân đức của cha mẹ cao sâu hơn trời đất. Hy sinh hết tất cả, vẫn thấy chưa vừa lòng. Mẹ già hơn trăm tuổi, còn thương con tám mươi. Ân ái có đoạn, chỉ hơi thở cuối cùng.
Đức Phật dạy về con cái chớ có bất hiếu với cha mẹ
Ăn nói hỗn hào với cha mẹ, xấc xược với anh em chú bác bà con… Không tuân theo lời dạy của cha mẹ, thầy bạn và các bậc trưởng thượng trong gia tộc. Theo bạn bè xấu ác, từ bỏ gia đình đi hoang, gây tạo tội lỗi làm cho cha mẹ, bà con buồn khổ.
Không lo học tập, xao lãng nghề nghiệp, không tạo dựng được một đời sống vững chắc, làm cha mẹ lo lắng. Không phụng sự cha mẹ về vật chất, không an ủi về mặt tinh thần, coi thường cha mẹ, coi trọng vợ con.
Báo hiếu với cha mẹ bằng cách nào?
Vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, cắt da đến xương, nghiền xương thấu tủy, máu đổ thịt rơi cũng không đáp được công ơn cha mẹ. Giả như có ai gặp lúc đói khát, phá hoại thân thể, cung phụng cha mẹ cũng không đáp được công ơn cha mẹ. Vì cha mẹ mà trăm kiếp nghìn đời, đâm tròng con mắt, cắt hết tâm can, trăm nghìn dao sắc xuất nhập toàn thân cũng không trả nổi công ơn cha mẹ. Dù vì cha mẹ, đốt thân làm đèn cúng dường chư Phật cũng không đáp được công ơn cha mẹ.
Là đệ tử Phật, với nhận thức sâu sắc về công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ vô bờ bến, chúng ta phải thể hiện thành việc vui vẻ phụng dưỡng cha mẹ. Chăm lo cho cha mẹ bằng tất cả niềm thương yêu tôn kính mới thể hiện đúng nghĩa hiếu hạnh theo tinh thần Phật dạy, chứ không phải chỉ nấu cho xong bát cơm chén cháo cho cha mẹ là đủ.
Đối với những người con vì hoàn cảnh phải sống xa cha mẹ, không được trực tiếp chăm sóc cha mẹ, thì cũng phải có tâm hiếu là nhớ nghĩ đến cha mẹ và phụng dưỡng cha mẹ bằng tiền bạc, chỗ ở, thuốc men, chăm sóc tinh thần cho cha mẹ.
Đức Phật đã báo hiếu cho cha mẹ bằng cách nào?
Đức Phật dạy chúng ta tâm hiếu, hạnh hiếu và Ngài đã thể hiện điều này một cách sâu sắc nhất trong cuộc đời Ngài.
Đức Phật nói: “Này A Nan, việc Hiếu không phải ta không làm. Lúc ta thành đạo, về thăm hoàng cung, ta đã thuyết pháp cho hoàng cung nghe. Và vua Tịnh Phạn đã chứng quả Tu đà hoàn, bà Ma ha Ba Xà Ba Đề đã quy y Tam bảo. Như vậy, hạnh Hiếu ta đã đền xong”.
Tấm gương sáng của Đức Phật về hạnh hiếu nói trên là bài học thiết yếu giúp chúng ta nhận ra phương cách báo hiếu tốt nhất đối với cha mẹ mình. Thật vậy, nếu cha mẹ còn hiện tiền, chúng ta nên tìm cách cho cha mẹ được quy y Tam bảo, kính tín Tam bảo là chúng ta đã giúp cho cha mẹ thoát khỏi ba đường ác, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Ngoài ra, cha mẹ đã quy y Tam bảo, chúng ta nên thường xuyên nhắc nhở cha mẹ không làm việc ác, tạo điều kiện cho cha mẹ làm việc thiện, nhất là hỗ trợ cha mẹ trong việc thường xuyên nghe pháp, cúng dường, tụng kinh, niệm Phật.
Nguyên Phong
Thảo luận về post