Đã 400 năm, kể từ ngày vị thiền sư Trung Quốc viên tịch ở Bắc Ninh, những bí mật tu hành của ngài vẫn còn vô vàn ẩn số…
Loạt bài bí ẩn tượng táng:
Kỳ 1: Hai thiền sư bất hoại ở chùa Đậu
Kỳ 2: Nhục thân thiền sư Như Trí tại chùa Tiêu 300 năm bất hoại
Kỳ 4: Thiền sư Từ Đạo Hạnh: Từ Lịch sử đến huyền thoại
Bí mật thiền sư người Trung Quốc trong chùa Phật Tích
>>> Chùa Phật Tích – cái nôi Phật giáo Việt Nam thời Lý
Đứng trên núi Tiêu Sơn (nơi có ngôi chùa Tiêu và nhục thân thiền sư Như Trí, mà bài trước đã nêu) phóng tầm mắt qua những làng mạc, thấy núi Tiên như một tảng đá của thiên đàng đánh rơi.
Xung quanh ngọi núi thuộc huyện Tiên Du (Bắc Ninh) này, có rất nhiều huyền thoại liên quan đến tiên giới, trong đó có chuyện Từ Thức gặp tiên, rồi chuyện chàng tiều phu vào rừng đốn củi Vương Chất gặp hai ông tiên chơi cờ trên núi.
Chùa Phật Tích trên núi Tiên (còn gọi là núi Lạn Kha, núi Phật Tích) xây dựng vào thời Lý, năm Thái Bình thứ 4 (1057) với rất nhiều tòa ngang, dãy dọc.
Tôi chợt rùng mình bởi vẻ đẹp huyền ảo đầy chất thiền của bức tượng Phật A-di-đà khổng lồ được tạc bằng đá màu xanh ngọc nguyên khối. Theo sử liệu, năm 1066, vua Lý Thánh Tông đã cho xây dựng một ngôi tháp cao đến nỗi đứng ở kinh thành Thăng Long vẫn nhìn thấy. Đến đời Trần, tháp đổ, lộ ra pho tượng tuyệt đẹp này. Khi ấy, toàn bộ pho tượng được dát vàng óng ánh.
>>> Tàn tích tòa tháp khổng lồ trong lòng đất chùa Phật Tích
Du khách đứng lại dưới những tán cây rợp bóng, ngắm 10 pho tượng thú gồm sư tử, voi, tê giác, trâu, ngựa mỗi loại hai con, đã gần ngàn năm tuổi. Những pho tượng đều được tạc bằng đá xanh nguyên khối.
Đứng trên đỉnh non Tiên, nhìn ra tứ phía, chỉ biết mượn mấy câu thơ của tác gia Nguyễn Trãi khi ông về thăm và vịnh cảnh chùa: “Bóng xế thuyền con buộc/ Vội lên lễ Phật đài/ Mây về giường sãi lạnh/ Hoa rụng suối hương trôi/ Chiều tối vượn kêu rộn/ Núi quang, trúc bóng dài/ Ở trong dường có ý/ Muốn nói bỗng quên rồi”.
Lạc giữa rừng tháp đá và gạch nung gồm 32 ngôi, phần lớn được dựng từ thế kỷ 17, nơi cất giữ xá lị của các nhà sư từng trụ trì chùa, tôi chợt như nghe đâu đây tiếng mõ kêu lốc cốc đều đặn vang ra từ các am tháp.
Chỉ có những am tháp, những linh vật bằng đá khổng lồ, pho tượng Phật nặng nhiều tấn cùng một số cổ vật khác đào được từ lòng đất trong những lần khai quật là những gì ít ỏi còn lại của một thời vàng son. Toàn bộ ngôi chùa đã bị ngọn lửa thiêu rụi vào năm 1947.
Thiền sư Chuyết Chuyết vẫn còn lý lịch rõ ràng, dù ông lạc sang đất này đã 400 năm. Ông sinh năm 1590, tại Tiệm Sơn (huyện Hải Trừng, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc), nay thuộc thành phố Dương Châu. Sư mang họ Lý, tên Thiên Tộ.
Truyền rằng, người mẹ nằm mộng thấy rốn mình mọc lên một bông sen, thời gian sau tự dưng có thai. Thai nhi kỳ lạ này nằm trong bụng mẹ tròn 3 năm mới ra đời.
Tuổi thơ của Lý Thiên Tộ cực kỳ đau khổ. Mẹ mất khi mới 5 tuổi, bé Thiên Tộ phải ở với chú. Dù còn nhỏ, cha mẹ mất sớm, cuộc sống nghèo khổ, song Thiên Tộ vẫn thông minh xuất chúng, học thông cả ngũ kinh tứ thư.
Tuy nhiên, người chú không nuôi nổi, nên năm Thiên Tộ 15 tuổi, ông gửi vào chùa Tiệm Sơn. Khi được chú dắt đến chùa, trưởng lão Tiệm Sơn hỏi: “Ngươi định tạo sự nghiệp gì mà tìm về cửa Phật?”, Thiên Tộ thưa: “Giúp vua cứu dân”.
Sau khi luận về công danh, trưởng lão Tiệm Sơn thấy cậu bé còn ham danh lợi, song rất thông minh, nên đồng ý cho Thiên Tộ xuất gia, rồi giữ lại chùa để truyền dạy cho tỉnh ngộ. Thiên Tộ có pháp danh Viên Văn.
Biết kiến thức Phật giáo của mình không đủ để dạy Viên Văn, hòa thượng chùa Tiệm Sơn đã gửi sư cho hòa thượng Tăng Đà Đà ở Nam Sơn.
Sau khi luận về Phật pháp, hòa thượng Đà Đà nói với tăng ni trong chùa: “Ngày khác ta sẽ nhường chỗ cho kẻ này, y sẽ bước khỏi đầu sào trăm trượng”. Biết rằng sư Viên Văn là một người xuất chúng, nên truyền hết yếu chỉ tâm tông cho sư.
Chỉ một thời gian ngắn theo hòa thượng Đà Đà, sư Viên Văn đã đắc pháp, đi giáo hóa mười phương. Danh tiếng của ngài vang danh khắp thiên hạ, khiến học giả đương thời đều kính trọng.
Năm 18 tuổi, sư Viên Văn sang Campuchia hoằng pháp ròng rã 16 năm, được quốc vương xứ này quan tâm đặc biệt.
Năm 1623, ngài sang vùng Quảng Nam thuyết pháp, nhận thiền thư Minh Hành làm đệ tử.
Đến năm 1633, ngài cùng đệ tử khất thực ra đến kinh thành Thăng Long. Sau khi yết kiến vua Lê và chúa Trịnh, ngài được mời về trụ trì chùa Khán Sơn ở Thăng Long để giảng dạy Phật pháp. Từ đó, ngài được gọi là Chuyết Công hoặc Chuyết Chuyết.
Sau đó khoảng một năm, hòa thượng Chuyết Chuyết đi về chùa Phật Tích, trụ trì tại ngôi chùa cổ này. Tuy nhiên, sau đó, chúa Trịnh Tráng cho trùng tu chùa Bút Tháp, nên lại mời sư về trụ trì, giảng đạo ở ngôi chùa này cho đến khi viên tịch.
Cũng như những thiền sư đã tu thành chính quả, biết mình sắp rời xa nhân thế, thiền sư Chuyết Chuyết gọi đệ tử đến bên dặn dò bằng mấy lời kệ: “Tre gầy thông vót nước rơi thơm/ Gió thoảng trăng non mát rờn rờn/ Nguyên Tây ai ở người nào biết/ Mỗi chiều chuông nổi đuổi hoàng hôn”. Lời kệ này được chép trong sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn.
Đọc xong lời kệ, các đệ tử thút thít khóc, thiền sư liền bảo: “Nếu ai động tâm khóc lóc thì không phải đệ tử của ta”. Nghe lời, các đệ tử nín thinh, ngồi gõ mõ tụng kinh. Tiếng kinh kệ vang lên đều đều. Thiền sư Chuyết Chuyết lặng lẽ bước vào tháp Báo Nghiêm, đệ tử bịt cửa tháp lại. Không gian yên lặng đến kỳ lạ, con chim không hót, con khỉ chẳng thấy kêu.
Ngày rằm tháng bảy năm Giáp Thân (1644), tiếng mõ ngừng vang từ tháp. Thiền sư Chuyết Chuyết viên tịch khi tròn 54 tuổi. Điều kỳ lạ là khi thiền sư mất, cả tháng trời khắp chùa có mùi hương thơm rất lạ. Đệ tử chân truyền là thiền sư Minh Hành đã dùng kỹ thuật tượng táng phổ biến thời bấy giờ để bó cốt thầy, rồi đặt ngài vào tháp Báo Nghiêm.
Một thời gian sau, thiền sư Minh Hành đưa nhục thân thiền sư Chuyết Công vào một ngôi chùa tận trong Thanh Hóa để tránh chiến tranh, binh đao. Rồi không rõ nguyên nhân gì, các đệ tử lại đưa về nhà thờ tổ của chùa Phật Tích, sau đó đưa vào tháp Báo Nghiêm.
Lịch sử của Phật giáo ghi rõ thông tin về cuộc đời tu hành và nhục thân của thiền sư Chuyết Chuyết như vậy.
Tháng 8 năm 1989 tượng nhục thân thiền sư Chuyết Chuyết được tìm thấy trên rừng mộ tháp, nhưng xương cốt còn tới 133 mảnh. Đống chất bồi làm tượng táng cũng cơ bản giống với chất bồi làm những pho tượng táng khác. Tuy nhiên, theo ý kiến của TS. Nguyễn Lân Cường, cách thức làm tượng táng thiền sư Chuyết Chuyết thì hoàn toàn khác.
Qua việc tìm thấy 7 đoạn dây đồng, TS. Nguyễn Lân Cường kết luận rằng, người ta đã không quét lớp bồi trực tiếp lên thân thể thiền sư Chuyết Chuyết, mà dùng dây đồng dựng khung xương rồi mới quét lớp bồi(?!).
TS. Nguyễn Lân Cường đã cùng họa sĩ sơn mài Đào Ngọc Hân, nhà điêu khắc Bùi Đình Quang, họa sĩ Nguyễn Đình Hiển bỏ nhiều tháng trời nghiên cứu, phục dựng thành công pho tượng táng thiền sư Chuyết Chuyết. Là nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam được theo học phương pháp phục chế lại mặt theo xương sọ của giáo sư M.M. Gheraximov, nên TS. Nguyễn Lân Cường dễ dàng phục dựng lại khuôn mặt của thiền sư Chuyết Chuyết giống hơn cả pho tượng táng mà các nghệ nhân đã dựng cách nay mấy trăm năm.
Điều đặc biệt, TS. Nguyễn Lân Cường đã không cần dùng những sợi đồng để dựng khung xương như cách làm của người xưa với di hài của thiền sư Chuyết Chuyết. Ông cùng nhóm phục dựng đã gắn xương vào đúng vị trí giải phẫu trên chất liệu bồi, rồi quét tiếp lớp bồi nữa như táng tượng bình thường.
Ngày hoàn thành pho tượng táng là ngày đặc biệt đáng nhớ với TS. Nguyễn Lân Cường và nhóm phục dựng. Hàng ngàn người đã đổ về chùa Phật Tích chen nhau chiêm ngưỡng nhục thân vị thiền sư đầy huyền thoại này.
Bí mật phía sau những pho tượng táng các thiền sư là gì? TS. Nguyễn Lân Cường đã trả lời khá đầy đủ trong công trình nghiên cứu để đời của ông: “Bí mật phía sau nhục thân của các vị thiền sư”. Tuy nhiên, những điều mà TS. Nguyễn Lân Cường trả lời chỉ là những lý giải mang tính chất khoa học thuần túy. TS. Nguyễn Lân Cường hiểu rằng, phía sau những nhục thân này là cả một thế giới bí ẩn cần tiếp tục nghiên cứu. – PHẠM DƯƠNG NGỌC
Hòa thượng Chuyết Công (1590 – 1644)
- Thiền sư người Trung Quốc đầu tiên tại Việt Nam
Căn cứ vào văn bia tại chùa Bút Tháp, sách Chuyết Công ngữ lục do Hòa thượng Minh Hành, ghi chép về thầy mình là Chuyết công Hòa thượng như sau:
Chuyết Công họ Lý, tên không rõ[1] (1590-1644), pháp hiệu là Viên Văn, người ta quen gọi ngài là Chuyết Công. Ngài sinh ngày 02/02 năm Canh Dần, niên hiệu Vạn Lịch, đời Minh, tại vùng Tiệm Sơn, Phúc Kiến[2], Trung Hoa. Bố của ngài tên Lý Nhược Lâm, mẹ họ Thái. Thủa thiếu thời ngài tên Tân Liên, lên 5 tuổi thì mẹ mất, lên 7 thì bố mất nốt. Ngài được bà thím họ Trầm nuôi dưỡng. Năm 15 tuổi xuất gia, ban đầu ngài tham thiền với trưởng lão tại chùa Tiệm Sơn, được ít lâu ngài cầu học với Hòa thượng Đà Đà. Tới năm 18 tuổi ngài bắt đầu vân du thuyết pháp.
Ban đầu ngài theo thuyền lái buôn sang bên Chiêm, hoằng pháp khoảng 16 năm, được Quốc vương, và giới quý tộc nước này tán dương nức nở. Vào khoảng năm 1623 ngài về cố quận Phúc Kiến, Trung Quốc. Cũng trong năm này, ngài viễn du tới đất Quảng Nam, xứ Thuận Hóa thuộc Đàng Trong, nước Việt ta, được các chúa Nguyễn tiếp đãi nhiệt thành, ở lại nơi này thuyết pháp khoảng 7-8 năm, cũng trong khoảng thời gian này ngài gặp Tại Tại, và nhận là đệ tử, người sau này sẽ thành Thiền sư Minh Hành. Tới năm 1630, ngài cùng với đệ tử Minh Hành lại viễn du ra Đàng Ngoài, trên đường có ghé thuyết pháp tại chùa Trạch Lâm (Thanh Hóa), rồi sau ra thành Thăng Long, khất thực được vài tháng, ngài và đệ tử được vua Lê, chúa Trịnh, cùng các vương công, quý tộc kính trọng mời về trụ trì chùa Khán Sơn[3] (Thăng Long). Tới năm 1634 ngài tới trụ trì chùa Phật Tích thuộc Bắc Ninh cho tới năm 1642.
Trong giai đoạn này của lịch sử, các vương hầu, khanh tướng, quý tộc, xuất gia đi tu rất nhiều, nên chúa Trịnh Tráng đã cho trùng tu lại Ninh Phúc tự (chùa Bút Tháp), tới năm 1642 trùng tu xong, ngài được chúa Trịnh mời về trụ trì chùa Bút Tháp. Vào ngày 15/07 năm Giáp Thân, 1644, niên hiệu Phúc Thái (triều Lê) ngài viên tịch tại chùa Bút Tháp . Trước khi tịch, ngài truyền y bát cho đệ tử Minh Hành, ủy thác trách nhiệm trụ trì chùa Bút Tháp. Nhục thân của ngài được Thiền sư Minh Hành cất giữ nghiêm cẩn tại nhà thờ Tổ chùa Bút Tháp, đồng thời kêu gọi Phật tử cúng dưỡng vật phẩm để xây dựng tháp Báo Nghiêm để thờ vọng. Khoảng năm 1645-1672, do chiến tranh li loạn, nhục thân của ngài được đưa về cất giữ tại chùa Trạch Lâm ở Thanh Hóa. Sau đó không rõ vào khoảng thời gian nào, nhục thân của ngài lại được đưa trở về tháp Báo Nghiêm tại chùa Bút Tháp. Sau này, có lẽ theo quan niệm “lá rụng về cội”, nhục thân của ngài lại được đưa về nhà thờ Tổ chùa Phật Tích.
- Thuyết pháp
Trong quyển 3 sách Chuyết Công ngữ lục có tiêu đề Chuyết Chuyết tổ sư ngữ lục hoặc vấn, đệ của ngài là Minh Hành ghi lại 64 vấn đề mà Chuyết Công đối thoại với ba vị quan chức tước công của nhà Trịnh. Đó là Dũng Lễ công, Trưởng giám Tư lễ Thái Bảo,Tuấn Quận công và Cổn Quận công.
Đầu tiên là những vấn đề do Dũng Lễ công nêu ra và nội dung trả lời của Chuyết Công.
- Dũng Lễ công hỏi rằng: “Trong tam giáo Nho, Đạo, Thích, giáo nào là tôn quí?”.
- Chuyết Công đáp rằng: “Nho giáo có tam cương ngũ thường, úy thiên, trung thứ,… Đạo giáo có tam nguyên ngũ khí, tu tâm luyện tính, vận khí thông thần, Thích giáo có tam qui ngũ giới, minh tâm kiến tính. Với Nho gia, quả dục là chính nhân quân tử; Đạo gia, vận khí là trường sinh bất lão; Thích gia, vô tâm là bất sinh bất diệt (…). Nho như tinh tú, Đạo như mặt trăng, Thích như mặt trời (…). Nho lấy kinh bang tế thế để tề gia trị quốc, bình thiên hạ; Đạo giáo lấy luyện thân để chính khảm ly, trường sinh bất lão; Thích giáo lấy minh tâm để viên quang phổ chiếu, tịch diệt làm vui. Tam giáo đều được sinh ra từ một tâm mà có sai biệt chút ít. Người trí tự nghĩ đều là tốt cả”.
Những câu khác, Dũng Lễ công hỏi chuyện Phật pháp, ngài Trưởng giám Tư lễ Thái Bảo, Tuấn Quận công hỏi Chuyết Công nhiều vấn đề. Hầu hết đều xoay quanh nhân sinh quan, nhân cách con người, phẩm hạnh của kẻ xuất gia.
Cũng có những câu có ý mách qué, xúc phạm, như: “Thiên triều nước lớn không ở, vì cớ gì lại đến nước nhỏ?”, “Cầm thú còn biết ơn bố mẹ, vì cớ gì lại xả bỏ thân ân xuất gia, như vậy chẳng phải là bất hiếu lắm sao?”, “Tu hành sao không ở núi sâu mà lại vào thành thị để giáo hóa đàn bà con gái là như thế nào?”. Ngài Quận công này còn hỏi: “Thích Ca là như thế nào?”… Toàn là những câu dễ gây tự ái cho người bị hỏi hoặc như là sự xúc phạm đối với nhà tu hành Phật giáo. Nhưng bằng sự hiểu biết sâu rộng nhiều lĩnh vực, sự từng trải, và tâm thế của người xuất gia tu hành, Chuyết Công đều bình tĩnh trả lời rành mạch, hòa nhã.
Trưởng giám Cổn Quận công hỏi ngài những nội dung về lai lịch Đức Phật và các vị Bồ tát, về các vị cao tăng Việt Nam như: Tuệ Trung thượng sĩ, Giác Hoàng Điều Ngự, Huyền Quang, Không Lộ, Giác Hải, Đạo Hạnh… , thảy đều được Chuyết Công trả lời trôi chảy, rành mạch.
Chuyết Công ngữ lục không cho chúng ta biết những cuộc trao đổi trên giữa ngài với các vị quan chức diễn ra vào năm nào. Nhưng chắc chắn là khi ngài mới đặt chân lên đất Thăng Long và trước khi Dũng Quận công tôn ngài làm tổ sư và các vị hoàng phi cung tần, quận chúa thành kính, ngưỡng mộ nghe ngài thuyết giảng và quy y đạo Phật. Điều đó chứng tỏ rằng Chuyết Công có vị trí rất quan trọng trong đời sống tinh thần thời Lê-Trịnh ở Việt Nam.
Ngoài Chuyết Công ngữ lục, sách Thiền uyển kế đăng lục cũng cho chúng ta biết, Chuyết Công là vị tăng sĩ Trung Hoa đầu tiên truyền thiền phái Lâm Tế vào Việt Nam, đã từng trụ trì và thuyết giảng đạo Phật ở nhiều ngôi chùa nổi tiếng ở nước ta. Và có thể ngài là vị thiền sư đầu tiên đưa ra cách bài trí tượng trong chùa ở miền Bắc Việt Nam, mô phỏng theo cách bài trí của chùa Trung Hoa Hán truyền mà trước đó chưa có.
- Đóng góp của Hòa thượng Chuyết Công
Căn cứ theo Chuyết Công ngữ lục, bước đầu có thể nói rằng:
- Chuyết Công là vị tăng sĩ người Trung Quốc, tuổi trẻ có chí lớn, từng học Nho và có vốn tri thức rộng; sang Việt Nam, đã đặt chân lên vùng Quảng Nam, Thuận Hóa rồi ra kinh đô Thăng Long và vùng Kinh Bắc. Ngài là vị tăng sĩ có uy tín với giới quý tộc, có ảnh hưởng lớn đến giới tăng sĩ và tín đồ Phật tử đương thời. Về mặt xã hội, thế kỷ XVI – XVII, Nho giáo được nhà nước phong kiến Việt Nam quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi nên phát triển rất mạnh, vì vậy dấu ấn Nho giáo trong mỗi tăng sĩ Phật giáo Việt Nam là rất rõ. Là người Trung Quốc, nơi phát tích của Nho giáo, lại từng cư trú ở Việt Nam nhiều năm, Chuyết Công cũng không nằm ngoài đặc điểm chung đó. Điều này thể hiện rõ trong nội dung trả lời những câu hỏi của ba vị quan chức nhà Trịnh mà ở phần trên chúng tôi đã dẫn ra.
- Khi trình bày vấn đề, nhằm thuyết phục người đối thoại, Chuyết Công thường dùng phương pháp so sánh. Chẳng hạn như về vấn đề phát đại nguyện, ngài nói: “Có giới mà không nguyện cũng như có xe mà không có người cầm cương”. Về việc thụ trì ngũ giới: “Có qui y mà không thụ giới giống như có nhà mà không có người ở, có nước mà không có vua”. Ngài cũng còn so sánh nội dung của một số khái niệm của Khổng Tử với nội dung của một số khái niệm của Thích Ca Mâu Ni Phật. Trong lập luận, Chuyết Công còn sử dụng thế mạnh của tư duy truyền thống là thiết lập mối quan hệ kéo theo khi trình bày quan điểm của mình. Chẳng hạn, ngài nói: “Không vọng động, động khiến cho thế giới khởi; không rơi vào hư không, rơi vào hư không thì khó cứu được người”…
Cả hai phương pháp trên, chúng ta đều thấy Phật Thích Ca đã sử dụng rất đặc địa trong kinh Tứ thập nhị chương, kinh Pháp cú, kinh Diệu pháp liên hoa,… Đương nhiên, để thực hiện có hiệu quả các phương pháp này, người trình bày phải vừa có thao tác tư duy tốt, vừa phải có kiến thức rộng. Ở Chuyết Công, chúng ta thấy ngài hội đủ cả hai yếu tố này.
- Qua Chuyết Công ngữ lục, ta thấy ở thời kỳ này (thế kỷ XVII) các quan chức triều Lê – Trịnh có nhiều người tỏ ra rất quan tâm đến Phật giáo, đến Phật học, cụ thể là quan tâm tìm hiểu lịch sử đức Phật Thích Ca và các vị Bồ tát, các vị cao tăng; quan tâm đến giáo lý nhà Phật, đến mối quan hệ giữa đạo Phật với các đạo khác, đến tín ngưỡng thờ cúng Phật, Thánh,… Điều đó nói lên rằng, vào thời kỳ này, tín ngưỡng Phật giáo không phải chỉ phát triển ở các làng quê với tín đồ là nông dân, mà trong cả Triều đình, họ cũng bị ảnh hưởng bởi văn hóa Phật giáo, và giáo lý Phật giáo cũng tác động đến họ với mức độ đáng kể. Có hiện tượng này, chắc chắn phải có vai trò rất lớn của Chuyết Công.
- Đọc Chuyết Công ngữ lụccủa Minh Hành, đọc Lý hoặc luận của Mâu Tử và đọc 6 bức thư trao đổi của Lý Miễu với Đạo Cao, Pháp Minh (in lại trong Hoằng minh tập), ta thấy nội dung được đề cập, cách thể hiện, đối tượng trao đổi,… của các văn bản này là tương đối giống nhau, mặc dù thời điểm xuất hiện của chúng cách xa nhau đến hơn 10 thế kỷ. Phải chăng, từ khi đức Phật Thích Ca xuất thế cho đến thế kỷ XVII, phương pháp tư duy, cách thao tác tư duy, cách truyền đạo và hành đạo của Phật giáo là tuân theo một chuẩn mực nhất định. Nếu giả định này là đúng thì Chuyết Công là người có công lớn trong việc duy trì truyền thống tốt đẹp đó đến giữa thế kỷ XVII.
——————————————
Tài liệu tham khảo:
- Văn bia Hiến Thụy am Báo Nghiêm tháp bi ký
- Chuyết Công ngữ lục
- Thiền Uyển kế đăng lục
- Mâu Tử: Lý Hoặc luận
- Hoằng Minh tập
Chú thích:
[1] Trong sách Tang thương ngẫu lục Phạm Đình Hổ có chép Hòa thượng Chuyết Chuyết tên là Thiên Tộ. Ở đây chúng tôi không dám chắc chắn, nên bỏ ngỏ.
[2] Nay là huyện Hải Trừng, thành Chương Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc.
[3] Thuộc phường Ngọc Hà ngày nay
BBT CHÙA TỰ TÂM (TH)
Thảo luận về post