Có những người chỉ thích đọc tụng, học tập kinh điển cả ngày mà không dụng công hành trì để thực chứng đạo pháp, cũng như thể có sấm sét mà lại không có mưa, không đạt được lợi ích nào cả…
————————————
Trong Tăng Chi Bộ Kinh (AN 4.102), Phật có một thí dụ (tóm tắt):
Ví như trong hư không bỗng có đám mây, có sấm nhưng không mưa.
Cũng trên hư không có mây, không sấm có mưa.
Lại có khi hiện có mây, có sấm có mưa.
Có khi hiện không mây, không sấm không mưa.
Phật hợp pháp:
– Hiện có mây có sấm không mưa, là dụ cho người nói được không làm được.
– Hiện có mây không sấm có mưa, dụ cho người không nói được mà làm được.
– Hiện có mây có sấm có mưa, dụ cho người nói được làm được.
– Hiện không mây không sấm không mưa, dụ cho người không nói được cũng không làm được.
Trong hàng Sa Môn cũng có bốn:
1. Người có học giáo lý, đọc tụng giới nhưng không thực hành.
2. Người không thuộc giáo lý nhưng đối với pháp Tứ Ðế biết Khổ như thật, biết Tập như thật.v.v…
3. Người đối kinh điển thông suốt, thực hành chân thật.
4. Người không thông suốt kinh điển cũng không thực hành.
————————————–
Bình giảng:
Bài kinh này Phật nêu lên bốn hạng người trong giới xuất gia của Ngài để chúng ta xét lại coi mình thuộc hạng nào.
Nếu thuộc hạng người thứ nhất, thì chỉ có học suông vô bổ, như nói thức ăn mà bụng vẫn đói.
Hạng người thứ hai tuy không thuộc giáo lý nhưng gắng thực hành theo lời Phật dạy, mặc dù không quán triệt được giáo lý nhưng về mặc tự tu, tự độ họ vẫn có phần.
Hạng người thứ ba là hạng người ưu việt nhất, họ thông thuộc giáo lý lại thực hành theo lời Phật dạy, người này đủ điều kiện tự độ và độ tha, tự giác giác tha.
Hạng người rốt sau là hạng người vô phước nhất, đã không thông hiểu kinh điển lại không thực hành. Họ như chiếc xuồng lủng đáy, đẩy xuống nước liền chìm, người này không dự được một chút phần trong Phật pháp.
Vậy chúng ta hãy học theo hạng người thứ ba vừa thông suốt kinh điển, vừa thực hành chơn thật, như thế mới xứng đáng bậc phước điền của Nhân Thiên.
_______________________
Hòa thượng Thích Thanh Từ
Thảo luận về post