I. XÁ LỢI VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN MUÔN THUỞ
>>> Xá-lợi Phật
1. Bàng hoàng khi nghe chuyện xá-lợi giả
GNO – Gần đây, tôi nghe một số người thuật lại rằng khi Tăng Ni hay Phật tử qua đời khi mang đi hỏa táng, tại một số lò thiêu nhân viên có hỏi là muốn thiêu có xá-lợi hay không, và muốn bao nhiêu, xá-lợi kiểu nào họ đều có hết.
>>> Các nơi lưu giữ xá lợi của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Dù chưa biết thực hư việc này thế nào nhưng khi nghe như vậy, tôi rất đỗi bàng hoàng. Một nỗi buồn không diễn tả được xâm chiếm tâm hồn, cảm thấy người tu mình sao mà bị coi thường và xúc phạm quá. Bởi như vậy có khác gì họ nói rằng người tu giả dối, sính hư danh?
Chuyện xá-lợi phổ biến tràn lan tôi đã nghe lâu rồi. Và tôi cũng cho rằng trong đó phần lớn không phải là xá-lợi thật. Nhưng chuyện một số người làm ở lò thiêu cung ứng luôn dịch vụ xá-lợi thì sự suy thoái đã đi quá xa. Trước hết là suy thoái về đạo đức của những người sản xuất và cung cấp xá-lợi ở lò thiêu. Vì đồng tiền mà họ có thể làm giả ngay cả những điều thuộc lĩnh vực thiêng liêng tưởng chừng như bất khả xâm phạm.
Tuy nhiên không thể trách họ được, vì họ là dân làm ăn mà, cái nào có tiền, có lợi, có lời thì họ làm thôi. Nếu có trách là trách chính những người mong cầu có xá-lợi mà bất chấp tất cả. Có cầu thì mới có cung. Nếu ta không có nhu cầu về xá-lợi thì họ cung cấp cho ai? Chính vì chúng ta muốn có xá-lợi để chứng tỏ mình hay thầy của mình là bậc chân tu, tu chứng nên người ta mới có dịch vụ cung cấp xá-lợi để đánh vào cái tâm lý tham cầu không chân thật đó.
Xá-lợi của Đức Phật và một số Thánh tăng A-la-hán lưu lại sau khi trà tỳ là có thật. Tuy nhiên không phải vị Thánh tăng nào cũng lưu xá-lợi. Nếu vị Thánh tăng nào cũng có xá-lợi thì lẽ ra Ấn Độ phải sở hữu rất nhiều xá-lợi, vì thời Đức Phật, những người chứng quả A-la-hán rất nhiều, tối thiểu là 1.250 vị Thánh tăng thân cận Đức Phật. Nhưng chúng ta thấy rằng ở Bảo tàng Quốc gia Ấn Độ tại thủ đô Delhi hiện nay chỉ có vài viên xá-lợi được cho là của Đức Phật. Họ giữ gìn những viên xá-lợi ấy như là quốc bảo, không để lọt ra ngoài. Thế nhưng bên ngoài Ấn Độ thì ta thấy xá-lợi xuất hiện tràn lan. Thánh tăng A-la-hán ở đâu mà nhiều vậy?
Trước giờ cũng có một số giải thích về xá-lợi, nhưng thật sự mà nói thì không ai có thể biết một cách rõ ràng xá-lợi là gì cũng như nó được hình thành như thế nào? Người ta nói một cách chung chung rằng xá-lợi là kết tinh của giới định tuệ, là phần tro cốt còn lại sau khi hỏa táng hay nói một cách trừu tượng rằng những người chân tu hoặc những người tu chứng quả thì có xá-lợi. Tuy nhiên, có biết bao nhiêu người cũng tu hành được như vậy nhưng vẫn không có xá-lợi.
Trong Phật pháp có vô lượng pháp môn tu, và cách thức thực hành thì cũng vô cùng đa dạng. Vậy phương pháp nào hay cách thực hành nào sẽ cho ra xá-lợi? Do giới chăng? Do định chăng? Do tuệ chăng? Do sám hối, do tu từ tâm, do hành thiện, do khổ hạnh, hay do cái gì khác nữa? Rõ ràng không ai có thể biết được điều này. Vậy căn cứ vào xá-lợi để quyết định người đó tu hành như thế nào thì có chính xác không?
Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên quan trọng vấn đề xá-lợi và coi xá-lợi như là biểu hiện thành quả của sự tu hành. Điều quan trọng không phải là có xá-lợi hay không mà là chúng ta đã sống như thế nào và đã làm gì cho xã hội, giúp ích gì cho người khác. Người ta có thể lừa gạt được người khác một hai sự kiện nhưng không thể lừa gạt cả đời. Mình là người như thế nào mọi người xung quanh đều biết cả. Nếu những kẻ cả đời làm ác như Hitler hay Pol Pot mà có xá-lợi thì chắc cũng không ai tin rằng họ là bậc thánh. Cho nên thay vì mong cầu để lại xá-lợi nhục thân, tốt hơn ta nên để lại xá-lợi pháp thân, tức là những giá trị về mặt tinh thần, cho cuộc đời vậy.
Bài kệ trong kinh Kim cang, “Nhược dĩ sắc kiến ngã, Dĩ âm thanh cầu ngã, Thị nhân hành tà đạo, Bất năng kiến Như Lai”, phải chăng là một lời nhắc nhở về hiện tượng xá-lợi giả tràn lan hiện nay. Hữu Huệ / Báo Giác Ngộ số 1068
******
>>> Sri Lanka triển lãm xá-lợi Phật tại nơi công cộng
2. “Xá lợi tóc” có thật không?
Mấy bữa nay, bạn quen ngoài phía Bắc nhắn tin hỏi vụ “Xá lợi tóc” có thật không?
Thật, thật 100% nha quý vị. Có thật 100% một… loại cỏ, nhìn giống tóc, có thể nhúc nhích khi dính nước hoặc điều kiện thích hợp. Loại này có nhiều ở Myanmar, nơi được xem là đất Phật hiện nay. Đám người buôn thần bán thánh đem cỏ này về và nói là xá lợi tóc của Đức Phật.
Xá lợi, tiếng Pāli là sāri có nghĩa là xương cốt. Về phần xác thịt (sắc pháp), Đức Phật cũng là con người bằng xương bằng thịt, nên khi hoả táng Ngài, phần còn lại cũng là những mảnh xương, ống xương, răng… còn sót lại. Cái này trong kinh có nói. Lấy đâu ra, những viên tròn như viên bi, xanh, hồng, trắng, đỏ…
Tóc của Ngài cũng bị thiêu trong đó, còn đâu mà ra cả bó Xá lợi tóc để hàng triệu người đến đảnh lễ.
Sau khi Ngài đắc đạo quả dưới cây Bồ Đề, có 2 thương nhân người Myanmar đến đảnh lễ Ngài, được Ngài cho mấy sợi tóc. Hai người này, đem mấy cọng tóc đó về Myanmar để thờ, này được thờ trong bảo tháp chùa Shwedagon. Mấy cọng tóc đó bây giờ là quốc bảo của Myanmar. Tới gần còn không được, nói chi là đem đi vòng vòng làm tour lưu diễn.
Khi chưa đắc đạo, Bồ tát Siddhatta có cắt mái tóc để thệ quyết đi tu. Trong Kinh có nói Vua Trời Đế Thích lụm số tóc này đem về cung trời Đao Lợi. Không biết vị nào đã lên cung trời Đao Lợi để đem số tóc đó về cho thiên hạ đảnh lễ?
Nếu anh em thấy chi tiết này phong thần quá, không tin, thử suy luận thế này. Lúc đó Ngài một mình với anh nài ngựa, cắt tóc rồi quăng, ai ở đó biết Ngài sẽ thành Phật để lưu giữ mái tóc đó. Sau khi cắt tóc quăng đi, sáu năm sau Ngài mới thành Phật, lúc đó ai biết Ngài cắt tóc chỗ nào để quay lại tìm lại số tóc đó đem về là tour lưu diễn. Giả sử biết chỗ, sau 6 năm, nắm tóc đó có còn ở đó để mà lụm hay không?
Không thể nào nói là thờ “linh lắm”. Thì tôi hỏi, nếu như bên Thái Lan có nhiều vị sư cho phật tử cái tượng phật nói “linh lắm, linh lắm”. Đem thờ là phát tài. Nếu Phật tử nó bình tĩnh hỏi lại: “Sao sư không để lại xài?” Thì khi ổng nói phát mà thực ra ổng đưa cho mình là để chờ mình cúng cái bao thơ, hiểu không ? Các vị thấy có kỳ không?
Hoặc có cái này tôi thắc mắc sao Phật tử hiền quá, Đức Phật trong kinh ngài cao một thước tám, tiếng Pali gọi là 18 cái usapha, 1 usapha là 1 tấc mà 18 cái là 1 mét 8. Khi Ngài tịch rồi, thiêu ngài xá lợi tối đa là 5kg. Tối đa 5kg là nhiều lắm, chứ một người mét tám mà làm gì được 5kg, nhưng mà tôi tặng không thêm mấy kg nữa đó. Thì tôi hỏi, 5kg đó mà đem chia ra thì làm gì tới tay mấy người tào lao như mình? Trong kinh nói, lúc chia xá lợi là Đế Thích dòm chăm bẵm. Lúc cái ông chia xá lợi ổng thấy cái răng được quá, ổng lấy cái răng ổng nhét vào tóc, tóc ổng dài mà, rồi ổng chia tiếp.
Đức Đế Thích thấy vậy, mới lấy cái răng của ổng đem đi mất. Ông kia chia xong rờ tóc thấy mất cái răng. Điều đó cho thấy rằng, Đế Thích vàng ngọc không màng nhưng mà rất là quan tâm xá lợi của Đức Phật, bởi vì đó là tinh hoa của 20 A-tăng-kỳ. Có hiểu không? Chưa hết.
Phạm Thiên thượng giới một tòa,
xương vai bên tả cùng là tam y,
đền thờ cao vợi cực kỳ
chúng con lễ bái thiên uy tháp này”
Phạm Thiên là mấy ông mà ăn rồi cứ ở vậy không à, hít thở để cười như Làng Mai. Vậy mà người ta còn làm một cái tháp “Phạm Thiên thượng giới một tòa” để “Xương vai bên tả cùng là tam y.” Phạm Thiên còn phải thờ một miếng xương vai. Đức Phật có hai vai, một mảnh bên vai trái với bộ tam y của Đức Phật Phạm Thiên còn thờ. Điều đó cho thấy rằng, Phạm Thiên Đế Thích không màng tiền bạc, đúng không? Và họ lại rất quan tâm tới xá lợi. Vậy thì em xin hỏi các bố, 5kg ấy họ có để yên cho mình giữ không ?
Tu hành cái kiểu cà chớn của mình thì mình “có cửa” không? Nói kiểu Việt Nam của mình là “có cửa” không? Năm kí lô mà chia cho vô lượng vũ trụ thì các vị nghĩ coi các vị có thể nào có được không? Đó là cái vô lý thứ nhất.
Cái vô lý thứ hai, nếu đúng là xương của Phật, tăng ni nào lại dám cầm tặng cho thí chủ? Tôi xin các vị ngồi yên lại suy nghĩ coi. Tôi không có ý bôi bác. Nếu cái ông sư đó mà ổng tin Phật, ổng tin Phật như là tôi tin, tức là tin qua nền tảng giáo lý, thì ổng nên ngồi nghĩ kỹ lại đi. Cái mảnh gì đó, mảnh “something”, tôi không biết kêu là mảnh gì nữa, cái mảnh mà ổng đưa người ta, có phải xá lợi không? Nếu mà đúng là xương của Đức Thích Ca Mâu Ni, tứ sanh từ phụ, thiên nhân chi đạo sư, nếu ổng biết vậy, theo quý vị, vàng tấn có đổi được cái miếng đó không? Quý vị có hiểu tôi nói gì không? Vàng tấn chứ tôi không nói vàng ký. Vàng tấn, nghĩa là 26 cây 6 lượng là được 1kg, mà tôi cho cả tấn, thì liệu có đổi được mảnh nhỏ đó không? Không thể nào. Vậy mà mấy bố gặp ai mấy bố cũng cho một cái tháp.
Ngộ lắm. Ở Băng Cốc có cái tiệm chuyên bán xá lợi. Đặc biệt trong đó cung cấp xá lợi của những vị mà vốn không để lại xá lợi! Ví dụ như Ngài Rahula, Ngài tịch trên cõi trời. Không biết họ liên lạc email điện thoại tin nhắn gì không biết mà làm sao Ngài tịch trên đó mà “ship” được xá lợi về đây cho bán. Rồi thí dụ thứ hai là ngài Bakula. Ngài trước khi tịch đã chú nguyện: “Khi ta sống không có học trò, không đệ tử, khi ta chết ta cũng không muốn để lại xá lợi cho đời.” Ngài chú nguyện xong là Ngài nhập thiền Ngài tịch, thì khi Ngài tắt thở xong tự có lửa thiêu, thiêu nát xá lợi không để lại dấu vết, tan mất như một làn khói. Vậy mà bên Thái Lan vẫn có xá lợi của Ngài. Họ dò tìm trong không khí thu gom được hay sao?
Rồi tới xá lợi Tây Tạng. Tây Tạng hay tổ chức những cuộc triển lãm xá lợi gì đâu mà tròn tròn đủ thứ màu. Bà con vô thấy là cứ xì xụp lạy. Tôi không hiểu được. Cái đầu này là để đội nón hay để suy nghĩ? Đa phần dùng cái này là để đội nón thôi. Các vị có thấy xá lợi đó hay không? Có thấy Tây Tạng mà họ có những triển lãm không? Các vị coi thấy mấy viên tròn tròn mà đủ màu đó không? Rồi người ta quỳ xuống người ta lấy nguyên cái đó để trên đầu mà lạy – mà trời ơi, nhiều nhất là mấy chủ tiệm nail! Chắc vài bữa nữa tui cũng làm vài ký đem về Kalama quá. Khủng khiếp. Chuyện như vậy mà họ vẫn tin được.
Cái đó là chuyện đáng để mình suy nghĩ.
Các vị nghĩ coi, Đức Phật khả kính như vậy mà ngài mất rồi để lại, tôi cho tối đa, 5kg thì làm sao mà tới tay mình? Mà trong kinh ghi rõ, Phạm Thiên, Đế Thích mà còn đem về từng mảnh để thờ, thì hãy tự hỏi 5kg đó chia làm sao mà tới được tay mình? Ngày xưa các ngài A-la-hán còn thì người ta còn nể mặt. Ngày nay tu kiểu như mình thì chư thiên họ liệu có để cho mình không? Các vị có biết không? Kích thước chiều cao của mình, trọng lượng của mình là bao nhiêu, nhà mình ở là bao nhiêu, trong mắt chư thiên mình như là một bầy mối vậy đó. Mà họ thờ Phật, họ rất kính Phật, họ có đành lòng họ thấy xá lợi của Thế Tôn nằm nguyên trong cái ổ mối không? Chỉ trừ ra các vị A-la–hán còn. Khi các vị A-la–hán còn thì Phạm Thiên, Chư Thiên họ nhìn cái trú xứ của A-la–hán họ không thấy thấp bé như trú xứ bình thường.
Ở đâu có người đức độ ở thì Phạm Thiên, Chư Thiên họ nhìn chỗ ở đó nó không có dơ bẩn và thấp bé như chỗ ở của người tầm thường. Mặc dù trong mắt người bình thường thì nó rất bình thường, nhưng trong mắt Chư thiên Phạm Thiên thì chỗ đó nó không thấp bé mà nó là núi. Nó là núi cao, nó là đại dương, là chỗ ở của La hán. Trong mắt của Chư Thiên, Phạm Thiên nó khả kính như vậy. Nhưng một khi không còn A-la-hán thì chỗ đó đối với Chư Thiên Phạm Thiên là một cái bãi rác, một cái vũng sình, một cái bụi rậm, một bụi cỏ dại thôi. Thử hỏi xá lợi của Đức Phật mà nằm một cái chỗ bụi rậm như vậy thì Chư Thiên họ có đành lòng không? Họ đi kiếm từng viên để họ thờ, mà bây giờ họ gặp xá lợi của Thế Tôn trong đám bụi cỏ đó? Không, tôi không tin. Với những gì tôi đọc tôi tôi hiểu về Đức Phật, chuyện đó là không có. Vậy mà hôm nay có nhiều người hì hục đi tin cái đó. Tôi biết tôi nói cái này rất là dễ va chạm với những vị đang tuyên truyền về xá lợi, đang kêu gọi xây tháp. Riêng tôi, tôi không tin chuyện đó – và dĩ nhiên tôi chịu trách nhiệm với những gì tôi đang nói.
Tôi nói để mình thấy có những thứ negative và positive. Đó là xá lợi có hai: Xá lợi sắc thân và Xá lợi pháp thân. Xá lợi sắc thân là xương, di cốt của Đức Phật, của A-la-hán. Còn cái xá lợi Pháp thân chính là lời dạy, là kinh điển. Mà đa phần bà con mình chỉ thích xá lợi sắc thân. Vì sao? Vì sờ được, thấy được, và không làm mình nhức đầu, chỉ cần cắm đầu lạy là… “phước báu mênh mông”. Còn cái xá lợi pháp thân thì nhức đầu quá. “Lâu lâu ổng về ổng đem cho một mớ mà ngồi rang chiên tùm lum nhức đầu quá.”
>>> Lễ Hội ESALA PEHERA (Rước xá lợi Răng Phật) tại Srilanka
3. Xá lợi Pháp thân mới thực sự là linh hồn của Phật giáo.
Xá lợi Pháp thân mới thực sự là linh hồn của Phật giáo. Nếu không có bộ Tam tạng mà chỉ toàn xá lợi không thôi thì hôm nay các vị tu là tu cái gì? Nếu mà không có giáo lý mà toàn là mấy cái tháp thôi, thì bây giờ vô chùa “Thưa thầy, chồng con chết, ba con chết, vợ con chết bây giờ con khổ quá, con phải làm sao?” “Lạy cái tháp đi con”. Tại vì không có giáo pháp, chỉ có cái tháp đó thôi.
Nói một cách khác. Toàn bộ nền y học và dược khoa dẹp hết. Chỉ cần chụp hình mấy viên thuốc thôi, Vậy có thể chữa bệnh được không? Chụp hình mấy ông bác sĩ thôi, bác sĩ nổi tiếng, chụp xong làm hình đeo trên cổ, không cần thuốc men, không cần mổ xẻ, không cần trị liệu, không cần gì hết, cứ việc làm mấy cái hình thôi. Có được không?
Xá lợi chỉ là hình bóng của Đức Phật, rất mờ nhạt. Phải nói rất là mờ nhạt. Tôi nói quý vị nghe mà hết hồn: Bức tượng phật đẹp nhất trên thế giới nằm ở đâu? Bức tượng giống Đức Phật nhất nằm ở đâu? Bức tượng đẹp nhất, giống Phật nhất nằm ở đâu? Hình ảnh đẹp nhất của Đức Phật, giống nhất của Đức Phật là ở những người có trí tuệ, có chánh niệm, có từ bi. Người ta nhìn mấy người đó, người ta nhân lên một ngàn lần, là hình dung ra Đức Phật. Tôi nói thật, mấy cái tượng mà quý vị nói đẹp thế này đẹp thế kia, nếu tôi chỉ nhìn mấy cái đó mà tôi không học giáo lý, không học phật pháp gì hết, thì nhiều lắm tôi nói “Ông này đẹp trai thiệt”. Hết. Nhưng mà nhờ tôi nhìn những tăng ni, những phật tử, tôi thấy họ có từ bi, có trí tuệ, có thiền định, có nhẫn nại, có chịu đựng, có tha thứ, mà họ lại là những người tu Phật, tôi sẽ nói “Đệ tử mà còn dễ thương như vậy thì ông Sư phụ còn tới cỡ nào nữa!”
Cho nên bức tượng Phật đẹp nhất không phải ở đâu xa mà chính là ở những người tu phật đàng hoàng, thêm chữ “đàng hoàng”, có gạch dưới. Tôi lạy mấy ông cao tăng tôi thích hơn lạy một bức tượng đẹp. Tôi lạy mấy ông cao tăng mà tôi quý, tôi thấy sung sướng hơn lạy một bức tượng đẹp. Đó là riêng tôi.
Vừa rồi tôi có gặp Ngài Sukinhda, 30 năm không nằm. Tôi ở đó 7 ngày mà tôi đến thăm ngài 3 lần. Ngài ở trên núi, tôi ở dưới phố, không gần, tôi phải đi xe hơi lên. Khi đảnh lễ ngài, tôi thấy cái phong cách của ngài rất khiêm cung từ tốn. Ngài nói tiếng Miến điện cho ông sư kia (ổng nói tiếng Mỹ), mà giọng nói của ngài êm đềm. Khi tôi lạy Ngài tôi lấy cái trán tôi chạm vô cái bàn chân ngài mà nó mát lạnh một vùng vậy. Chứ có cái tượng phật nào tôi làm được chuyện đó đâu.
Các vị biết tôi từng đến lạy cái tượng Phật bằng vàng 5 tấn ở chùa Traimit ở trung tâm Băng–cốc. Tôi nói thật, tôi nhìn cái tượng đó tôi chỉ nhớ tới vàng thôi. Tôi từng tới gặp tượng Phật ngọc ở bên Thái. Tôi nhìn tôi chỉ nghĩ “cái tượng này bao nhiêu tiền” thôi. Các vị nói tôi tham tôi chịu. Tại vì, đối với tôi, cái đó nó vô hồn. Trong khi đó, cảm giác khi tôi mở ra phần kinh điển, chú giải, Tam tạng, tôi phải nói là cảm xúc tôi trào dâng nhiều hơn.
Tôi xin nhắc lại một lần nữa là “Xá lợi” là xương người. Mình đừng có thêu dệt riết nó banh chành Đạo Phật. Xá lợi là xương người, Phật để lại bao nhiêu thì chia nhau mà thờ. Và, cho tôi nói cái này. Nếu xá lợi mà có thể “đẻ” ra như vậy việc gì phải chia? Cứ để tập trung một chỗ vậy là bữa nay nó lên một núi rồi. Mà tại sao phải chia? Là vì nó không có khả năng đẻ, do đó mới phải chia. Quý vị hiểu tôi nói không? Quý quá. “Phạm thiên thượng giới một tòa, xương vai bên tả cùng là tam y.” Quý đến mức người ta thờ cái phần nào người ta nhớ phần đó. Chứ nó nhiều quá như bèo cám người ta đâu có cần ghi rõ là bèo đó ở đâu ra.
Nếu xá lợi mà có khả năng đẻ ra như vậy thì khỏi chia. Còn gì đâu là quý đâu. Và nếu nói xá lợi có thể sanh ra như vậy đó thì nó không còn linh nữa. Nó phải có giới hạn thì nó mới linh. Còn đàng này lại nói “nếu có đức tin nhiều nó sẽ ra”. Nói vậy thì cả thế giới này sẽ có một lúc đầy xá lợi hết! Nếu mà cứ “thờ là ra, thờ là ra” vậy thì mai mốt tôi làm toilet ở đâu? Khi các vị nói xá lợi cứ tràn ra như vậy thì tôi xin nói thiệt, tôi xin quý vị bớt tu đi. Bởi vì quý vị tu nhiều quá mai mốt xá lợi nó đầy mặt đất thì tui ở đâu?
Ngài Anan hỏi Đức Phật “Bạch Thế Tôn, khi Thế Tôn tịch rồi, chúng con tỷ kheo sẽ làm gì với di hài Thế Tôn?” Đức Phật nói: “Này, Anan, chuyện đó hãy để cho cư sĩ. Chuyện mà thờ lạy cái này của Như Lai hãy để cho đám cư sĩ. Còn các ngươi chỉ có con số 37 thôi: Ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo, tứ niệm xứ, tứ như ý túc, tứ chánh cần. Chỉ có 37 cái này thôi. Còn cái chuyện mà xá lợi một ký hai ký giao lại cho cái đám có tóc.” Không phải cho phép mà ngài giao. Chữ “giao” với chữ “cho phép” nó khác nhau. Thí dụ: Tôi đưa cái chìa khóa tôi nói “Cô lên chánh điện cô mở cửa dùm”. Nghe vậy là nói “Vậy là sư cho phép con giữ chìa khóa”. Đâu phải! Tôi đâu có cho phép, mà là tui giao. Giao khác cho phép chớ. Nó ác một chỗ là phật tử mình bị một cái chứng tâm bệnh rất là nặng mà thuật ngữ y học nó kêu “chứng sợ kinh cắn”. Nghĩa là không dám coi kinh. Và coi Tăng ni giống như là thần. Họ ban cho cái gì bèn đội cái đó về. Tăng ni không ban cho thì về không có dám coi kinh. Những điều tôi nói đều có hết trong kinh. Không phải sư giảng mà trong kinh ghi. Mà không có dám đọc. Cái vụ xá lợi đó là trong kinh này, tôi cho địa chỉ luôn đây. Kinh Đại Bát Niết Bàn phần cuối ghi chuyện xá lợi chia ra làm sao rất rõ. Sư Toại Khanh – Giác Nguyên chia sẻ
II. Xá Lợi Phật – Được Xem Là Quốc Bảo
Truyền thống phụng thờ Xá Lợi Phật đã hình thành và phổ biến rộng rãi từ rất sớm, nếu không nói là ngay sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn. Ngày nay, Xá Lợi Phật được coi như một tín ngưỡng thờ cúng linh thiêng của các tầng lớp tăng ni, phật tử trên khắp thế giới.
Hiện nay, tín ngưỡng thờ Xá Lợi Phật đã trở thành mọt nét tín ngưỡng linh thiêng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Những không phải ai cũng hiểu Xá Lợi Phật có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với Phật giáo. Cùng PYS Travel tìm hiểu kỹ hơn câu chuyện về Xá Lợi Phật nhé.
1. Xá Lợi là gì?
Xá Lợi là phiên âm của từ śarīra trong tiếng Phạn. Theo sự khảo cứu của Schopen, một giáo sư chuyên về các thể loại minh văn Phật giáo, từ này xuất hiện trong ngữ cảnh Phật giáo khi ở hình thức số ít có nghĩa là ‘thân thể’ (cả sống cũng như đã chết); ở hình thức số nhiều nghĩa là ‘di cốt’ (phần xương còn sót lại sau khi thiêu). Từ Xá Lợi mà chúng ta đề cập đến ở đây mang nghĩa thứ hai này. Ngoài ra, trong Phạn ngữ, dhātu cũng thường được dùng để chỉ cho xá-lợi với ý nghĩa cái chết kèm theo hỏa thiêu sẽ trả một cơ thể trở về các thành phần của nó.
Theo đó, nói đến Xá Lợi Phật là nói đến truyền thống phụng thờ phần tinh thể còn lưu lại sau khi trà-tỳ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói riêng, của các Bậc Giác ngộ, trong đó có các bậc cao tăng đắc đạo, nói chung. Truyền thống phụng thờ Xá Lợi Phật của Phật đã hình thành và phổ biến rộng rãi từ rất sớm, nếu không nói là ngay sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn. Sự kiện Đức Phật nhập Niết-bàn được ghi lại trong nhiều kinh điển trong đó có đoạn mô tả cuộc đối thoại giữa Đức Phật và Tôn giả A-nan về vấn đề hậu sự của Ngài.
Cũng cần nói thêm, tín ngưỡng thờ Xá Lợi Phật còn có nguồn gốc xa hơn, mặc dù chưa chính thức, đó là khi Đức Phật tặng tám sợi tóc cho hai thương nhân Trapuṣa và Bhallika sau khi mới thành đạo chưa lâu để làm vật kỷ niệm. Hai thương nhân này đã trở thành hai vị đệ tử tại gia đầu tiên của Đức Phật.
2. Câu chuyện về Xá Lợi Phật
Ban đầu, theo như lời Đức Phật dạy, tháp xá-lợi được xây dựng nơi công cộng cho dân chúng lễ bái. Người xuất gia hầu như ít có mối liên hệ với việc tín phụng tháp xá-lợi bởi điều này đã được Đức Phật nhắc nhở trong lời di huấn cuối cùng rằng không nên quan tâm đến việc thờ cúng Xá Lợi Phật mà hãy chuyên tâm cho việc tu tập 3. Về sau, vì vấn đề chăm sóc bảo vệ nền tháp Xá Lợi được tích hợp vào khuôn viên các tự viện. Do lượng Xá Lợi có hạn, những nơi muốn dựng tháp mà không có Xá Lợi, người ta dùng các bài kệ tụng như một loại Xá Lợi pháp thân thay cho Xá Lợi sinh thân để tôn trí trong tháp.
Câu chuyện về Xá Lợi Phật là một câu chuyện linh thiêng, đầy ý nghĩa (Ảnh: sưu tầm)
Sự thay đổi về nơi dựng tháp cũng nói lên rằng tín ngưỡng thờ xá-lợi dần dần đi từ dân gian vào tự viện, được tích hợp vào đời sống của giới xuất gia chứ không còn là hoạt động riêng rẽ của giới tại gia nữa. Kết quả, ngày nay, phần lớn các tự viện Phật giáo, Nam truyền cũng như Bắc truyền, đều có tháp trong khuôn viên dùng cho việc thờ cúng Xá Lợi Phật, kinh tượng, hoặc mộ phần.
3. Địa điểm cất giữ Xá Lợi Phật thật tại Ấn Độ
3.1. Bảo tàng Quốc gia thủ đô Delhi
Viện bảo tàng Quốc gia New Delhi hiện trưng bày 200.000 hiện vật Ấn Độ và ngoại quốc, trải dài 5.000 năm di sản văn hoá Ấn Độ. Các bộ sưu tập trong viện bảo tàng gồm Phật Giáo, Ấn Độ giáo và Kỳ-na-giáo, rất đa dạng và phong phú gồm các cổ vật được khai quật trên toàn nước Ấn Độ cũng như các đồ vật đã được tạo tác bởi các nghệ nhân.
Đối với cộng đồng thế giới chiêm bái Phật Tích thì khu vực quan trọng nhất của Viện bảo tàng Quốc gia New Delhi là phòng trưng bày Xá Lợi thật của Đức Phật được khai quật tại làng Piprahwa, huyện Siddharth Nagar, tiểu bang Uttar Pradesh. Nó không chỉ là quốc bảo mà còn là một bảo vật quý giá của nhân loại, được các phái đoàn quốc tế đến chiêm bái, thiền hành, niệm Phật hoặc tĩnh tâm.
3.2. Vesali
Vesali thuộc quận Vaishali, mạn Đông tiểu bang Bihar, phía Bắc giáp với những ngọn đồi vùng Nepal, phía Tây là dòng sông Gandar. Vesali hiện tại được xác định là ngôi làng Basrah. Vào thời Đức Phật, Vesali là một thành phố lớn, dân chúng đông đúc, rất thịnh vượng và phát triển. Kinh thành như được mô tả là gồm có ba vòng, được bố trí tháp canh tại những lối vào rất kiên cố. Bấy giờ Vesali là vùng đất có sự hiện diện của nhiều tôn giáo, đặc biệt trong đó có Bà-la-môn và Kỳ-na giáo. Đức Phật sau khi xuất gia, đã gặp hai vị đạo sư Alara Kalama và Udraka Ramputra ở đây và đã tu học theo pháp môn của hai vị này, nhưng sau đó nhận thấy pháp môn của họ không đưa đến giải thoát thực sự nên đã từ bỏ ra đi.
Sau khi Đức Phật diệt độ, những người Licchavi ở Vesali đã đến vương quốc của dòng tộc Malla để thỉnh một phần Xá Lợi của Ngài. Họ cho dựng tháp để tôn thờ xá-lợi, và ngôi tháp này đã được ngài Huyền Trang nhắc đến trong ký sự của mình khi đến chiêm bái nơi đây.
Vesali cũng là nơi đã cất giữ y bát của Đức Phật. Khi Đức Phật rời nơi này để đến nhập diệt ở Kusinagar, những người Licchavi và dân chúng sụt sùi rơi lệ đi theo Ngài. Đức Phật vì không muốn họ đi theo nên đã trao bình bát và khuyên họ hãy trở lại Vesali. Thần dân Vesali đã mang lấy y bát của Thế Tôn và quay trở lại kinh thành. Và Xá Lợi Phật đã được lưu giữ tại Vaishali đến tận bây giờ.
4. Giá trị của Xá Lợi Phật cho đến ngày nay
Xá Lợi Phật xưa ít khi được phổ biến vì là gia bảo hay quốc bảo nên được giữ gìn rất cẩn trọng. Tuy nhiên, hiện nay qua nhiều cuộc binh biến thay thiên đổi địa của các nhân chủ, thiên chủ nên Xá Lợi Phật gần như đã bị mai một một cách có hệ thống. Ngoài Xá Lợi Phật thật trên đất Ấn Độ, còn lại các quốc gia khác như Srilanka, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia… đều là “Xá Lợi niềm tin”.
5. Xá lợi nhị vị đại đệ tử của đức Phật
Xá lợi (Sàrìrikadhàtu) của nhị vị đại đệ tử của đức Phật là Trí Tuệ Đệ Nhất – Xá Lợi Phất (sāriputta) và Thần Thông Đệ Nhất – Đại Mục Kiền Liên (Mahāmoggallāna) được tôn trí cho công chúng chiêm bái mỗi năm một lần tại Thánh địa Sanchi. Tại Tu viện Chetiyagiri Vihara, Sanchi, quận Raisen, bang Madhya Pradesh, Ấn Độ.
Theo tờ Hindustan Times cho biết: “Rất ít người biết rằng chìa khóa để vào căn phòng, nơi tôn trí Xá lợi, được bảo vệ nghiêm ngặt bởi lãnh đạo quận Raisen và đại diện văn phòng hội Maha Bohdhi. Trước đây, Xá lợi chỉ được trưng bày vào ngày Chủ nhật, nhưng đặc biệt ngày nay nhiều người mộ đạo đã đến đây nên ban tổ chức đã quyết định trưng bày thêm vào ngày thứ Bảy”.
Tiến sĩ Narayan Vyas, nhà khảo cổ học nói: “Năm 1851, nhà khảo cổ học người Anh Alexander Cunningham (1814-1893) đã tìm thấy hai chiếc hộp bằng đá sa thạch màu xám, bên trong bảo tháp ở Sanchi, nơi ông khai quật một quần thể kiến trúc Phật giáo thời đại đế Asoka, vị minh quân thánh triết hộ pháp an dân thế kỷ thứ 3 trước kỷ nguyên Tây lịch.
Xá lợi để trong hai hòm bằng đá màu xám, trên có khắc chữ Phạn ngữ (sāriputta và Mahāmoggallāna). Hòm hình vuông, mỗi chiều độ 45 phân, nắp dày độ 15 phân. Trong hòm bằng đá đặt về hướng Nam, còn một hòm nữa bằng đá trắng, rộng 15 phân, cao 75 phân. Bề mặt là một cái cóng bằng đất đen, đường kính 2 phân, dày nửa phân, cái cóng ấy đã bị vỡ.
Bên cạnh hai chiếc hòm có hai miếng gỗ trầm. Trong hòm chỉ có một chiếc xương của ngài Trí Tuệ Đệ Nhất – Xá Lợi Phất dài độ 25 ly và 7 hạt ngọc trai, 3 viên ngọc và một viên pha lê. Trong chiếc hòm đặt về phương Bắc, cũng có một cái hòm bằng đá nhỏ hơn hòm trước. Khi mới mở bề mặt trắng trông như phấn. Nhưng sau làn phấn đó mất đi và màu cũng như hòm kia. Ở trong có hai cái xương của ngài Thần Thông Đệ Nhất – Đại Mục Kiền Liên. Phương hướng đặt hai hòm đó cũng không phải là không có ý nghĩa.
Những viên Xá lợi đựng trong bảo tháp nhị vị đại đệ tử của đức Phật là Trí Tuệ Đệ Nhất – Xá Lợi Phất và Thần Thông Đệ Nhất – Đại Mục Kiền Liên đã được mang sang Vương quốc Anh và được đặt trong Bảo tàng Victoria và Albert, thủ đô London. Hội Phật giáo Maha Bodhi và Jawahar Lal Nehru đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc cung thỉnh Xá lợi trở về quê hương Ấn Độ. Hội Phật giáo Maha Bodhi yêu cầu chính phủ vương quốc Anh trả lại Xá lợi cho Ấn Độ, từ năm 1937 sau nhiều năm vận động và đấu tranh để Xá lợi được bàn giao lại cho Ấn Độ vào năm 1947”.
Năm 1939, Hội Phật giáo Maha Boddhi ở Calcuta, thủ phủ của bang Tây Bengal, Ấn Độ có điều đình với chính phủ vương quốc Anh để xin cung thỉnh Xá lợi của nhị vị đại đệ tử của đức Phật đang được trưng bày tại bảo tàng Victoria và Albert, thủ đô London. Sau đó vì chiến tranh không tiện cho việc đón rước Xá lợi và đành phải hoãn lại.
Năm 1945, Hội Phật giáo Maha Boddhi tiếp tục can thiệp lại, chính phủ vương quốc Anh bằng lòng trao trả Xá lợi của nhị vị Thánh tăng cho Ấn Độ. Nhân dân vương quốc Sri Lanka sùng kính Phật pháp, nên Xá lợi của nhị vị đại đệ tử của đức Phật là Trí Tuệ Đệ Nhất – Xá Lợi Phất và Thần Thông Đệ Nhất – Đại Mục Kiền Liên được cung thỉnh đưa sang quốc đảo Phật giáo Sri Lanka cho dân chúng nước này chiêm bái trước khi rước về tôn trí phụng thờ tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ. (Nguồn: HT Media Syndication)
Dù chúng ta có nhận định Xá Lợi thật hay Xá Lợi niềm tin cũng là Xá Lợi Phật hay của các vị Cao tăng, cũng đem lại sự tín ngưỡng đầy tâm huyết của những người con Phật. Hiện nay, họ quyết tâm dựng xây một nền văn hóa Phật giáo trong đó tôn thờ Xá Lợi Phật khắp năm châu bốn biển, thờ Xá Lợi Phật khắp nơi… Đó là sự tín ngưỡng Đức Phật vì Đạo pháp của Ngài đã từng được đem đến khắp trong nhân gian để cứu khổ muôn loài.
BBT. CHÙA TỰ TÂM tổng hợp
Thảo luận về post