Sách có tên gốc là “Phật Tổ Đồng Tham Tập” do thiền sư Đạo Nguyên biên soạn vào thời Tống, Song Hào Lý Việt Dũng dịch Việt
Cảnh Đức truyền đăng lục (zh. jǐngdé chuándēng-lù/ chingte ch’uan-teng-lu 景德傳燈錄, ja. keitoku-dentōroku), cũng được gọi tắt là Truyền Đăng lục, là tác phẩm lịch sử cổ nhất của Thiền tông Trung Quốc, được một vị Thiền sư thuộc tông Pháp Nhãn là Đạo Nguyên, môn đệ của Quốc sư Thiên Thai Đức Thiều, biên soạn vào năm Cảnh Đức, đời Tống Nhân Tông (1004). Bộ sách này nói về cơ duyên của chư tổ cho đến Thiền sư Pháp Nhãn Văn Ích (885-958).
Cảnh Đức truyền đăng lục gồm 30 quyển, vốn có tựa đề là Phật Tổ Đồng Tham tập, được xếp vào Đại Chính Tân Tu Đại tạng kinh, tập 51, số 2076. Sách này sưu tập ghi chép về hành trạng, cơ duyên v.v. của 1701 vị, bắt đầu từ Phật đời quá khứ đến các vị Tổ thuộc đời thứ 51 của Ngũ gia tông phái. Trong đó, 951 vị có phụ thêm ngữ lục. Vì bộ sách này được vua sắc chỉ nhập tạng vào niên hiệu Cảnh Đức thứ 1 (1004) nên đặt tên là Cảnh Đức. Về pháp hệ truyền thừa giữa thầy và trò nối nhau không dứt giống như lửa của ngọn đèn có năng lực phá trừ tối tăm, nối nhau liên tục nên gọi là Truyền Đăng. Đầu quyển có bài tựa do Dương Ức soạn. Nội dung toàn sách nói về sự truyền pháp Thiền như sau:
Quyển 1, 2: Bảy đức Phật đời quá khứ và Tổ Ma-ha-ca-diếp (摩訶迦葉) truyền xuống đến Tổ thứ 27 là Bát-nhã-đa-la (般若多羅).
Quyển 3: Năm vị Tổ Trung Quốc: Bồ-đề-đạt-ma (菩提達摩), Huệ Khả (慧可), Tăng Xán (僧璨), Đạo Tín(道信), Hoằng Nhẫn (弘忍).
Quyển 4: Pháp hệ chi nhánh của Tứ tổ Đạo Tín (道信) và Ngũ tổ Hoằng Nhẫn như: Ngưu Đầu Thiền(牛頭禪), Bắc Tông Thiền (北宗禪), Tịnh Chúng Tông (淨眾宗) v.v. và truyện ký của các vị: Ngưu Đầu Pháp Dung (牛頭法融), Thần Tú (神秀), Phổ Tịch (普寂) v.v.
Quyển 5: Lục tổ Huệ Năng (慧能) và pháp hệ của sư.
Quyển 6: Mã Tổ Đạo Nhất (馬祖道一) và Bách Trượng Hoài Hải (百丈懷海).
Quyển 7: Nga Hồ Đại Nghĩa (鵝湖大義) và Ma Cốc Bảo Triệt (麻谷寶徹).
Quyển 8: Gồm 54 vị như: Nam Tuyền Phổ Nguyện (南泉普願)…
Quyển 9: Gồm 30 vị nối pháp Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải (百丈懷海)…
Quyển 10: Gồm các vị nối pháp Thiền sư Nam Tuyền như: Triệu Châu Tòng Thẩm (趙州從諗)…
Quyển 11: Các đệ tử nối pháp của Thiền sư Quy Sơn Linh Hựu (溈山靈祐), Tổ của Quy Ngưỡng tông(溈仰宗).
Quyển 12: Lâm Tế Nghĩa Huyền (臨濟義玄), vị Tổ của Lâm Tế tông (臨濟宗).
Quyển 13: Pháp hệ của Hà Trạch tông (荷澤宗). Truyện ký về hai vị Trừng Quán (澄觀) và Tông Mật (宗密) thuộc Hoa Nghiêm tông (華嚴宗).
Quyển 14: Thạch Đầu Hi Thiên (石頭希遷) và pháp hệ.
Quyển 15: Động Sơn Lương Giới (洞山良价).
Quyển 16: Các đệ tử nối pháp của Thiền sư Đức Sơn Tuyên Giám (德山宣鑒).
Quyển 17: Pháp hệ của Tào Động tông (曹洞宗).
Quyển 18, 19: Pháp hệ của Thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn (雪峰義存).
Quyển 20: Pháp hệ của Thiền sư Tào Sơn Bản Tịch (曹山本寂).
Quyển 21: Pháp hệ của Thiền sư Huyền Sa Sư Bị (玄沙師備).
Quyển 22, 23: Pháp hệ của Vân Môn tông (雲門宗).
Quyển 24, 25, 26: Pháp hệ của Pháp Nhãn tông (法眼宗).
Quyển 27: Các Thiền sư nổi tiếng không thuộc bất cứ tông phái nào.
Quyển 28: Các ngữ lục đặc biệt của 11 vị Thiền sư như: Nam Dương Huệ Trung (南陽慧忠), Hà Trạch Thần Hội (荷澤神會) v.v…
Quyển 29 tựa đề là Tán tụng kệ thi gồm tất cả kệ tụng của 17 vị như: Bạch Cư Dị (白居易)…
Quyển 30 tựa đề là Minh ký châm ca (銘記箴歌) gồm tất cả 13 loại: Toạ thiền châm (坐禪箴), Chứng Đạo ca (證道歌)…
Sách này có một bản khắc lại: Tư Giám Trùng San (思鑒重刊), khắc lại vào đời nhà Nam Tống, năm 1134. Hi Vị Trùng San (希渭重刊), khắc lại vào đời nhà Nguyên, năm 1316. Quyển Đăng lục này là tư liệu căn bản để nghiên cứu sử Thiền tông Trung Quốc, rất nhiều công án được nhắc đến lần đầu ở đây.
Nhân đây mời bạn đọc xem lời cuối của sách để hình dung phần nào ý chỉ cùng tâm huyết của người xưa muốn nhắn gởi hàng hậu bối:
CẢNH ĐỨC TRUYỀN ĐĂNG LỤC HẬU TỰ
景 德 傳 燈 錄 後 序
Sách Truyền Đăng Lục khắc in và lưu hành đã lâu lắm rồi. Từ binh lửa nổi lên đến nay, bản gỗ đã thành tro bụi. Người mộ Thiền tông đều lo sợ không còn sách ấy. Có tăng Tư Giám, người Vụ Châu, lê giày gai tìm đạo đã 30 năm rồi, những muốn mọi người cùng ngộ diệu tâm Niết-bàn, nên nghĩ rộng quyên tiền của để khắc in lại sách ấy. Tăng tục tán thán, giúp đỡ thành toàn. Có người nói:
– Pháp tự tâm không hình, chẳng từ nơi người khác mà đắc. Từ lúc sơ Tổ Thích-ca Mâu-ni giáng hạ, chẳng có một Tổ sư nào không mặc khế mà tự chứng được. Cho nên Tổ sư Đạt-ma mới chỉ thẳng, chẳng lập văn tự, chỉ chín năm nhìn vách ở Thiếu Lâm mà thôi. Tuy nhị Tổ Huệ Khả đứng ở trong tuyết sâu chặt tay, nhưng Đạt-ma cũng chẳng nói một lời nào, để tránh đi cái nhầm lẫn của tri kiến, cho nên nhị Tổ mới đắc chánh tri kiến, khoát nhiên đại tỉnh ngộ. Thế thì nhị Tổ cũng chẳng theo ngôn cú của Đạt-ma mà ngộ nhập, chỉ là tự chứng vậy. Thế nên Bách Trượng cuốn chiếu, Tuyết Phong đá cầu, Lỗ Tổ nhìn vách, Thạch Củng buông tên, Đạo Ngô múa hốt, Ô Khòa rứt thổi sợi vải, Câu Chi đưa ngón tay… bậc cổ đức khai thị người như thế rất nhiều. Ấy là không tại chỗ lời lẽ vậy. Lời lẽ là như thế, huống chi là chữ nghĩa. Tâm tông (Thiền tông) cần ở tự tham, lời lẽ của Tổ sư đối với ta có dính gì đâu ?
Tôi nói: Không phải vậy. Tâm pháp tuy nói là không hình, nhưng lan rộng khắp nơi. Trúc biếc ấy chân như, hoa vàng là Bát-nhã. Giun ếch phát cơ, đàn sáo truyền tâm. Cho tới tường vách gạch ngói, chẳng không là thuyết pháp. Cho nên Linh Vân thấy hoa đào mà ngộ đạo, Huyền Sa do nghe tiếng én mà ngộ bàn sâu thật tướng. Thế thì sơn hà đại địa đều là cửa ngộ nhập. Ai không phải qua con đường ấy, huống là làm sáng lời lẽ tâm tông, huống tái làm trong sáng văn tự tâm tông. Nếu cả hai đối với tâm tông chẳng là gì cả, thì tại sao Tiên Phước Cổ nhờ đọc Vân Môn lục mà tỉnh ngộ. Hoàng Long vì sao đọc lời lẽ của Đa Phước mà ngộ. Bởi lời lẽ rỗng rang, chữ nghĩa tánh không, cũng là đạo ấy vậy. Nếu lời lẽ mà thấy được tánh tướng không tịch, thì đó cũng là nhất siêu mà trực nhập vậy. Tôi vốn biết sách này lưu bố, khiến người phát được tâm địa rất đông. Vả lại công việc mộ duyên của Tư Giám, người dân thường họ Chu trong huyện Ninh Hải nói rằng: ‘Đất nhà chúng tôi có cây lê to đã ba đời rồi. Luôn các năm gần đây, cả nhà tôi đều nằm mộng thấy trên cây ấy có lầu gác, đình miếu, có rất nhiều tăng nhân tới lui trong đó, nên luôn nghi ngờ, giờ hiểu ra là san khắc bộ lục ấy, liền đốn bỏ để làm bản gỗ, lại khuyến khích Tư Giám đem về nhà gọi người đến khắc bản. Khi đã khắc, họ Chu mộng thấy sáu vị tăng yêu cầu cho xem phần đã khắc xong. Chu hỏi Tư Giám rằng: ‘Đấy là tăng nào vậy?’. Giám đáp: ‘Đó là Tổ sư sáu đời được truyền y bát đặc biệt đến đây để chứng minh cho công việc đấy’.
Than ôi, sách này dùng làm một công việc lớn, tức phải cảm phát điềm lành để phấn phát tâm kẻ ngủ mê, cho nên tôi cũng liệt kê vô đây, ngỏ hầu người xem biết rằng đó không phải là cơ duyên nhỏ, để kiên định lòng tin của họ.
Ngày thượng nguyên năm thứ tư niên hiệu Thiệu Hưng tại am Đẳng Từ, thiện nam tử Tuy Dương Lưu Phỉ trọng kính đề lời hậu tự.
Nội Dung sách gồm 30 quyển được nhà xuất bản Hồng Đức in thành 3 tập:
Cảnh Đức Truyền Đăng Lục (景 德 傳 燈 錄) quyển 1
Thảo luận về post