VĂN TẾ THẬP LOẠI CHÚNG SINH.
Sự phân chia các loại cô hồn chúng ta cần nhắc đến đó chính là theo “Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh” của đại thi hào Nguyễn Du.
Văn tế thập loại chúng sinh còn được gọi là Văn chiêu hồn hay Văn tế chiêu hồn là một bài văn tế bằng chữ Nôm soạn vào đầu thế kỷ 19. Tác phẩm được coi là một sáng tác xuất sắc của thi hào Nguyễn Du.
Tác phẩm được làm theo thể song thất lục bát, gồm 184 câu thơ chữ Nôm, có thể chia bài văn thành bốn phần.
Phần một (20 câu): tả cảnh một chiều thu tháng Bảy mưa dầm buồn bã, khiến nhà thơ chạnh lòng thương đến các chúng sinh đang lạnh lẽo, bơ vơ nơi cõi âm mà lập đàn cầu siêu…
Phần hai (116 câu): nêu rõ tên và nguyên nhân thiệt mạng của mười loại cô hồn.
Phần ba (20 câu): miêu tả cảnh sống thê lương thảm thiết của các cô hồn.
Phần cuối (28 câu): lời thỉnh cầu phép Phật nhiệm mầu giúp cho các loài cô hồn được giải thoát. Cuối cùng là lời mời các cô hồn tới nhận phần lễ cúng để “siêu thăng thượng đài”
Tuy tác phẩm mang tên là “Văn tế thập loại chúng sinh” nhưng kỳ thực, thống kê trong tác phẩm chúng ta cũng thấy có 13 loại cô hồn được kể lại theo thứ tự như sau:
1. Vương giả.
2. Công nương.
3. Quan văn.
4. Quan võ.
5. Thương nhân.
6. Trí thức.
7. Ngư phủ.
8. Nông dân.
9. Chiến sĩ.
10. Kỷ nữ.
11. Hành khất.
12. Tù nhân.
13. Tiểu nhi.
So sánh giữa tác phẩm Văn tế thập loại chúng sanh và các bản khoa văn Chẩn tế của Phật giáo, chúng ta thấy được một vài điểm trùng khớp thú vị. Thứ tự các loại cô hồn có dị biệt nhau trong hai văn bản, tuy nhiên đại đa số các loại cô hồn đều tương đồng. Điểm đặc biệt đáng chú ý khi so sánh và đối chiếu hai tác phẩm, đó chính là việc Nguyễn Du đã không liệt kê người xuất gia và các hàng đạo sĩ vào các loại cô hồn. Từ đặc điểm này, chúng ta có thể đặt giả thiết cho rằng, theo quan điểm của Nguyễn Du, những bậc xuất gia với công phu tu tập chắc chắn sẽ sinh về nơi an lạc, hạnh phúc. Điều này phần nào phản ánh được cách nhìn trân quý của ông về Phật giáo nói riêng và về Tam giáo nói chung vào thời điểm bấy giờ.
Cũng có giả thuyết cho rằng, Nguyễn Du không am tường một số thuật ngữ chuyên môn trong khoa nghi Phật giáo, ví dụ như: “Hoàng hoa thúy trúc, không đàm bí mật chơn thuyên; Bạch cổ lê nô, đồ diễn khổ không diệu đạo”,… nên đã bỏ qua không liệt hàng xuất gia vào mười hai loại cô hồn. Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân của người viết, Nguyễn Du là đại thi hào, là danh nhân văn hóa Thế Giới, hơn nữa vốn Hán học của ông vô cùng uyên thâm; từ đó, chúng ta có thể mạnh dạn kết luật rằng, giả thiết này hoàn toàn không có tính thuyết phục và tính xác thực.
THẬP GIỚI CÔ HỒN QUỐC NGỮ VĂN
Theo Lê Mạnh Thát, Thập giới cô hồn quốc ngữ văn là một tác phẩm của vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497) sáng tác còn được biết dưới tên Phật kinh Thập giới. Đây là áng văn Nôm cổ gồm đoạn mở đầu và 10 đoạn nói về 10 giới cô hồn:
1. Thiền tăng.
2. Đạo sĩ.
3. Quan liêu.
4. Nho sĩ.
5. Thiên văn – địa lý.
6. Lương y.
7. Tướng quân.
8. Hoa nương.
9. Thương cổ.
10. Đãng tử.
Mỗi đoạn có một bài tán và kết thúc bằng bài kệ tám câu.
Có giả thiết cho rằng, tác phẩm này của Lương Thế Vinh sáng tác và vì sáng tác tác phẩm Thập giới cô hồn quốc ngữ văn nên Lương Thế Vinh đã không được ghi tên trong văn miếu đức Khổng Tử. Tuy nhiên, Thiền sư Nhất Hạnh cho rằng Lương Thế Vinh không viết bài này vì bài kệ của đoạn về Thiền tăng có giọng đùa bỡn, không phù hợp với một người có nhiều cảm tình với Phật giáo như Lương Thế Vinh.
Sự phân chia mười loại cô hồn trong tác phẩm này có thể nói cũng được thoát thai trên tinh thần Phật giáo và sử dụng chất liệu của Phật giáo. Tuy nhiên, tác phẩm chỉ có giá trị về mặt ngôn ngữ học và văn học. Việc ứng dụng vào nghi lễ thì hoàn toàn không có giá trị so với tác phẩm Văn tế Thập loại chúng sinh của tác giả Nguyễn Du. Xin được giới liệu sơ lược để anh chị em có cái nhìn khái quát chung.
ĐÔI LỜI TỔNG KẾT.
Trên đây, chúng tôi đã giới thiệu sơ lược, khái quát vài nét về cô hồn là gì và cách phân chia cô hồn qua các tác phẩm văn học: Du già diệm khẩu thí thực khoa nghi, Văn tế thập loại chúng sinh và Thập giới cô hồn quốc ngữ văn.
Nếu nhìn các danh từ và các sự phân loại trên dưới con mắt của việc “thống kê tổng hợp”, chúng ta sẽ chỉ phân định và phân loại các dạng cô hồn theo hình thức và vốn dĩ hình thức đó cũng chẳng cần phân định.
Việc nhìn nhận các loại cô hồn chỉ thực sự có ý nghĩa khi chúng ta nhận chân được, cô hồn mang ẩn nghĩa là gì? Khi nào chúng ta vướng mắc nơi chấp thủ, tăm tối do mất định hướng, cô đơn do không có bạn đồng tu, không nơi nương tựa vì xa rời ba ngôi cao quý,… đó chính là chính chúng ta đã trở thành một loại cô hồn, cho dù, sự sống vẫn còn đang tiếp diễn.
Trai đàn Chẩn tế – Giải oan bạt độ được kiến tạo, không chỉ là một cơ hội để chúng ta thực tập Tứ vô lượng tâm hướng đến các cảnh giới tối tăm, đau khổ. Mà còn là cơ hội để chúng ta thực tập Giải đi nỗi niềm oan khiên, thù hận; Bạt độ – chỉ ra con đường tỉnh thức cần đi và Chẩn tế – bố thí Pháp thực ngon ngọt vi diệu tối thắng cho chính bản thân chúng ta.
Có quán niệm và có thực tập như vậy, mới thực sự đúng theo tinh thần “Sự Lý Viên Dung” của Phật giáo.
TUỆ QUÝ – PHƯỚC CHÂU
Thảo luận về post