Dù tại gia hay xuất gia, chúng ta đến với đạo Phật nhưng chỉ biết những hình thức cúng kiếng, lễ lạy, cầu nguyện mà không chịu tìm hiểu xem Ðức Phật dạy những gì để áp dụng trong cuộc sống hằng ngày, tìm hiểu xem đâu là chánh pháp, điều gì là Chánh kiến thì khổ đau vẫn hoàn đau khổ.
Theo đạo Phật như thế thì không lợi lạc gì bao nhiêu và… có khác chi bao người không biết đến Phật Pháp?
Một người tu còn cần phải có ít nhất những đức tính sau đây:
1. Biết làm phước, bố thí: Có những người học (đọc) nhiều kinh sách, hiểu biết giáo lý, nói đạo rất hay, nhưng không biết làm phước, bố thí, mà lại keo kiệt, bỏn sẻn, bo bo bám chặt vào tài sản, tiền bạc của mình.
2. Nói lời ái ngữ: Có người theo học đạo lâu năm mà không giữ gìn khẩu nghiệp, ăn nói xả láng, chê bai, chỉ trích, vu khống, bịa đặt, phỉ báng kẻ khác.
3. Từ, Bi, Hỷ, Xả: Thiếu 4 đức tính này thì chưa phải là kẻ tu hành.
4. Khiêm cung và lễ độ: Càng tu thì cái ngã phải nhỏ dần và biết cung kính tôn trọng kẻ khác, nhất là các bậc trưởng thượng.
Nếu chưa có những đức tính này thì có thể nói là chưa biết tu, hoặc tu chưa đủ để chuyển hóa tâm tánh. Hãy tự xét lại, nhìn lại mình xem, mình đã tu tập đến đâu để dừng lại sửa ngay sơ sót, nếu chỉ tu trên hình thức suông, không quan xét lại mình, có khi uổng phí một kiếp người may mắn biết Phật Pháp.
– Phật Pháp thì bao la nhưng hãy bắt đầu thực tập từ những gì căn bản nhất. Điều căn bản mà chưa làm được thì dẫu biết những triết lý cao siêu cũng chỉ là đang diễn tả về những chiếc bánh vẽ thật hay mà không nếm được hương vị thật của chiếc bánh:
– Trì giới cho ta một tâm thức an lành.
– Nhẫn nhục cho ta sự khiêm tốn, nhẫn nại.
– Tinh tấn để từ bỏ mọi dính mắc, biếng lười.
– Bố thí để buông xả sự bo bo, tham luyến.
– Thiền định để thấy rõ bản ngã, cái tôi là gốc rễ của mọi buộc ràng, đau khổ.
– Trí tuệ để chiếu rọi và xua tan bóng tối si mê…
”Mừng cho ai biết trở về
Từ nơi Chánh Niệm Bồ Đề nở hoa…”
—————————————
Nam mô Phật
Thảo luận về post