AN THỔ ĐỊA CHÂN NGÔN VÀ ĐỊA THẦN HỘ PHÁP
(Dṛḍhā-pṛthivī-devatā)
Xuất phát từ mong muốn hiểu rõ Ý nghĩa, xuất sứ của các thần chú và chủng tử, thệ nguyện của các Ngài… trong nghi thức Mật tông, CST NT tổng hợp thành tài liệu giúp những người có căn cơ chưa cao thêm Tín tâm, Tinh tấn và thu được lợi ích khi hành trì các nghi thức Mật giáo.
Hôm nay, BBT. Chùa Tự Tâm chia sẻ về Ngài ĐỊA THẦN và thần chú AN THỔ ĐỊA CHÂN NGÔN.
1. TÊN GỌI VÀ Ý NGHĨA CỦA ĐỊA THẦN
* Tên gọi:
Trong nhiều tài liệu Mật giáo có nhắc đến Ngài với tên gọi và sự tích khác nhau.
Ngài thường được gọi là Địa Thiên, tiếng Phạn là Pṛthivi hay Pṛthivī, dịch âm là Tỳ Lý Để Tỳ, Tất Lý Thể Vĩ, Tất Lý Thể Vi, Bát Lý Thể Phệ, …
Trong văn hóa dân gian của Ấn Độ, Trung quốc, VN… Ngài được gọi là Thần Kỳ (Thần đất).
Trong Lê Câu Phệ Đà (Ṛg-veda) ghi nhận vị Thần này là mẹ của chư Thần và tôn xưng là Địa Mẫu (Bhūmī) là vị Nữ Thần có đầy đủ Đức tốt đẹp (mỹ đức) như: sự vĩ đại, bền chắc, Tính chẳng bị diệt, nuôi dưỡng quần sinh, đất đai sinh sôi…
Người Ấn Độ thờ phượng Tôn này qua hình tượng Nữ Thần hay bà mẹ đỡ đầu và luôn xưng gọi bà qua các tên gọi Dhra, Dharti, Dhrithri với ý nghĩa là NGƯỜI BẢO HỘ CHO TẤT CẢ.
Theo Phật Giáo thì Địa Thiên được xem là một vị Bồ Tát (Bodhisatva) hoặc là vị Thần Hộ Pháp (Dharma-pāla-devatā), thường biết đến với tên gọi Kiên Lao Địa Thần (Dṛḍhā-pṛthivī-devatā).
* Về ý nhĩa: Tên gọi của Ngài mang ý ngĩa là BỀN CHẮC NHƯ ĐẠI ĐỊA, cho nên gọi là Kiên Lao Địa Thần. Lại xưng là Địa Thần Thiên, Kiên Lao Thần, Trì Địa Thần, Kiên Lao Địa Thiên, Địa Đa Đại Thần, Đại Địa Thần Nữ.
Trong Chư Thiên Bộ ghi nhận, Ngài là một trong 12 Thiên trưởng quản 8 phương. Đây là vị Thần cai quản Đại Địa, biểu thị cho Thể Tính của đất là bền chắc chẳng động hay giúp cho vạn vật cư trú, lại có tác dụng hay giữ gìn vạn vật.
* Trong phẩm 11, Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện giảng giải, H.T Tuyên hóa giảng:
Ở đây, “đất” bao hàm hai ý nghĩa. Ý thứ nhất của chữ “đất,” thì về mặt sự, đất có thể trưởng dưỡng vạn vật, muôn loài đều nương nhờ nơi đất mà sinh tồn; còn xét theo mặt lý, thì đất cũng có tứ đức—thường, lạc, tịnh, ngã.
1) THƯỜNG: Thế nào gọi là “thường”? “đất vĩnh viễn chẳng biến thiên” (Ðịa dĩ chế độ vi môn) — mãi mãi không dời đổi, do đó gọi là “thường” Vậy, thần đất có đức “thường”.
2) LẠC: “Đất có thể gánh vác vạn vật” (Ðịa năng phụ hà vạn vật) — muôn loài đều nhờ vào sức mạnh của đất mà được tồn tại; cho nên đây là đức “lạc” đất vô cùng vui sướng.
3) TỊNH: “Ðất sanh trưởng vạn vật” (Địa năng sanh trưởng vạn vật) — muôn vật đều do đất sanh ra và lúc sanh ra thì tất cả đều thanh tịnh, không ô nhiễm; đây là đức “tịnh”.
4) NGÃ: “Cái Nghĩa của đất thì vô cùng tự tại” (Ðịa nghĩa phi thường tự tại) — sự tự tại này thuộc về đức “ngã”.
Vậy, thường, lạc, tịnh, ngã là bốn đức tánh của thần đất.
Ý nghĩa thứ hai của chữ “đất” là nói về phương diện “pháp”. Lúc Ðức Phật thuyết Kinh Ðịa Tạng phẩm thứ mười một này, thì thần đất phát nguyện sẽ ủng hộ tất cả những người trì niệm danh hiệu của Ðịa Tạng Bồ Tát cũng như những người trì tụng Kinh Ðịa Tạng và hết thảy chúng sanh có thiện căn; cho nên đây gọi là “Phẩm Ðịa Thần Hộ Pháp,” phẩm thứ mười một.
2. XUẤT XỨ TRONG KINH ĐIỂN
Trong các Kinh, Luận như:
– Kim Quang Minh Tối Thắng Vương, quyển 8;
– Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm, quyển 9 ;
– Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện, phẩm Địa Thần Hộ Pháp;
– Đại Nhật Kinh Sớ, quyển 4
– Kim Quang Minh Tối Thắng Vương sớ,
– Kiên lao Địa thần nghi quỹ;
…
đều có nhắc đến Ngài.
* Trong phẩm 11, Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện giảng giải, H.T Tuyên hóa giảng:
” Có rất nhiều vị thần đất. Khi Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết Kinh A Hàm, Thần Ðất Kiên Lao hiện thân đến nghe Pháp, nhưng vị thần đất này rất kiêu căng ngạo mạn. Kiêu căng ngạo mạn như thế nào? Thần đất nói: “Khắp cả vũ trụ này chỉ có một mình thần đất ta đây mà thôi; ngoài ta ra, chẳng có vị thần nào khác nữa!”
Thế nhưng, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni bảo: “Chẳng phải chỉ có một mình thần đất ông thôi đâu, mà còn có thần nước, thần lửa, thần gió nữa!”
Vị thần đất nghe vậy liền sanh lòng “đại ngã mạn” vô cùng kiêu ngạo nói rằng: “Làm sao có thể có thần nào khác nữa được? Tất cả mọi sự trên thế gian này đều là do thần đất tôi đây gánh vác cả, bọn họ đều không phải là thần linh!
Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni phải giảng giải cặn kẽ—thần nước thì ra sao, thần lửa thì như thế nào, thần gió ra làm sao — rồi lại dùng nhiều phương pháp nữa mới thuyết phục được thần đất. Về sau, vị thần đất này quy y Tam Bảo, từ bỏ thói kiêu căng ngã mạn”.
* Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện, phẩm Địa Thần Hộ Pháp nói rằng:
“Đức Phật bảo Kiên Lao Địa Thần: “Ông có Đại Thần Lực mà ít có chư Thần theo kịp. Tại sao thế? Vì đất đai ở Diêm Phù (Jambu-dvīpa) đều mong ông hộ giúp, cho đến cỏ cây, cát đá, lúa, mè, tre trúc, lau sậy, gạo thóc, vật báu… đều từ đất mà có, hết thảy đều do sức của ngươi. Ông lại thường khen ngợi việc lợi ích của Địa Tạng Bồ Tát (Kṣiti-garbha-bodhisatva). So với Địa Thần bình thường thì Công Đức cùng với Thần Thông của ông nhiều hơn gấp trăm ngàn lần” .
* Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm, quyển 9 ghi chép rằng: “Khi Đức Phật Đà mới thành Đạo thì vị Địa Thần này vì chứng minh cho nên từ dưới đất hiện ra, khom mình cung kính, nâng cái bình bảy báu chứa đầy hương hoa, cúng dường Đức Thế Tôn” .
* Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương nói rằng:
“Lúc ấy, thần đất Kiên lao liền ở trong đại chúng đứng dậy khỏi chỗ ngồi, chắp tay cung kính bạch Đức Phật.
Bạch Đức Thế Tôn! Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này, hoặc ở đời hiện tại, hoặc ở đời vị lai, hoặc ở nơi thành ấp, xóng làng, cung vua lầu quán và nơi A-lan-nhã, núi rừng, đầm ao vắng lặng có kinh vương này truyền bá. Bạch Đức Thế Tôn! Con sẽ hướng về nơi đó cúng dường cung kính, ủng hộ lưu thông”.
* Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh Sớ giải thích:
” Tiếng Phạn là Kiên lao, nghĩa là địa, tức là thần đất Kiên lao. Hoặc lại do thần có khả năng làm cho mặt đất vững chắc nên gọi là thần đất Kiên lao, cũng thuộc về y chủ thích. Có khả năng giữ vững mặt đất là công dụng của Thần.”
…
3. CHỦNG TỬ VÀ THẦN CHÚ
A. Trong Kim Cương Giới Man Đa La (Vajra-dhātu-maṇḍala), tại Thành Thân Hội (Karma) thì Địa Thiên là một trong bốn vị Hộ Pháp của vòng Kim Cương, đại biểu cho Đức đặc biệt của Địa Đại (Pṛthivi-dhātu) là hay sinh ra, nâng đội vạn vật.
*Tôn Hình: Thân màu thịt trắng, hiện hình Thiên Nữ, đầu đội mặt trăng lưỡi liềm, khoác áo Yết Ma
*Chữ chủng tử là: A ( ) hay PṚ ( )
* Tam Muội Gia Hình là: Hoa sen, Hiền Bình
* Chân Ngôn là:
NAMAḤ SAMANTA BUDDHĀNĀṂ_ PṚTHIVYE SVĀHĀ.
Hoặc: OṂ _ PṚTHIVĪYE SVĀHĀ
B. Trong Thai Tạng Giới Man Đa La (Garbha-dhātu-maṇḍala) tại phương Đông của Ngoại Viện Kim Cương Bộ thì Địa Thiên có thân màu thịt đỏ, đội mão báu, tay trái cầm cái bát, trong bát có hoa tươi. Hướng lòng bàn tay phải ra bên ngoài để trước ngực. Ngồi trên toà hình tròn.
* Chữ chủng tử là: PṚ (坰), hay RO (刎)
* Tam Muội Gia Hình là: Cái bát.
* Chân Ngôn là:
NAMAḤ SAMANTA BUDDHĀNĀṂ_ PṚTHIVĪYE SVĀHĀ
4. CÁC BÀI CHÚ AN THỔ ĐỊA CHÂN NGÔN
A-Hán Việt:
Nam mô tam mãn đa, một đà nẫm. Án, Độ-Rô Độ-Rô, Địa-Vỹ, Ta-Bà-Ha.
B-Phạn âm:
1-An Thổ Địa Chân Ngôn ( Phật giáo Tây Tạng):
NAMAḤ SAMANTA BUDDHĀNĀṂ_ OṂ DHURU DHURU DEVĪ SVĀHĀ
(NA-MẮC SA-MĂN-TÁ BÚT-ĐA-NĂM: OM ĐU-RU ĐU-RU ĐÊ-VI SOA-HA).
2-An Thổ Địa Chân Ngôn (Theo Kinh điển Mật Giáo):
NAMAḤ SAMANTA BUDDHĀNĀṂ_ PṚTHIVYE SVĀHĀ.
(NA-MẮC SA-MĂN-TÁ BÚT-ĐA-NĂM: OM PỜ-RỜ THI-VI-SÊ SOA-HA)
3-An Thiên Địa Chân Ngôn (Theo Kinh Chuẩn Đề):
NA-MẮC SA-MĂN-TÁ BÚT-ĐA-NĂM: OM PỜ-RẬT THI-VI-DÊ SOA-HA.
4- An Thiên Địa Chân Ngôn (theo Tạp chí nhiên đăng-CS Huyền thanh dịch)
NAMAḤ SAMANTA BUDDHĀNĀṂ_ OṂ DHURU DHURU DEVĪ SVĀHĀ
(NA-MẮC SA-MĂN-TÁ BÚT-ĐA-NĂM: OM ĐU-RU ĐU-RU ĐÊ-VI SOA-HA)
5-Kiên Lao Địa Thần Chân Ngôn:
TADYATHĀ: CIRI CIRI, CURU CURU, KURU KURU, KUṬU KUṬU, TOṬU TOṬU, VAHA VAHA, VAŚA VAŚA SVĀHĀ.
(Tát da tha, chi ri, chi ri, chu ru, chu ru, ku ru, ku ru, ku tu, ku tu, tô tu, tô tu, Va ha, va ha, va sa, va sa, soa ha).
5. LỢI ÍCH KHI TRÌ TỤNG THẦN CHÚ
Theo Liên Sinh Hoạt Phật, trì tụng thần chú này có thể dùng cải biến vận mạng:
– Có người trì An Thổ Địa Chân Ngôn thời da dẻ bị bệnh tật đã lâu rất khó chữa trị, đều được khỏi.
– Có người, khuôn mặt có My Khí một đời nghèo khó, do lâu dài trì An Thổ Địa Chân Ngôn được ánh sáng Phước chiếu mệnh, nên mạng vận sửa đổi hoàn toàn, chuyển nghèo thành giàu có.
– Có người trì An Thổ Địa Chân Ngôn trọn mười năm chẳng mang thai, lại có con.
– Có người trì An Thổ Địa Chân Ngôn mà một đời mạnh khỏe không có bệnh.
– Có người trì An Thổ Địa Chân Ngôn được nhân duyên tốt, trên sắc mặt (hoặc gò má) của người ấy hiện ánh sáng màu hồng.
– Có người trì An Thổ Địa Chân Ngôn, mọi việc xưa nay chẳng thuận lợi, cuối cùng mỗi mỗi loại đều thuận lợi, không có một việc nào chẳng như ý.
– Có người trì An Thổ Địa Chân Ngôn, trong sự khen thưởng lớn, quay trở lại mách bảo cho Đại Gia một bí mật ấy. Bí Mật ấy xưa nay chẳng thể nói, chỉ cần nhẫn chịu chẳng trụ, chẳng đắc được, chẳng nói… anh chị chỉ cốt yếu thường trì An Thổ Địa Chân Ngôn, đầy đủ “Lạp Tư Duy Gia Tư” gắng sức thì anh chị gặp được sự đặc biệt như ý.
Liên Sinh Hoạt Phật đề xướng trì tụng thần chú này lâu dài. Chỉ cần trực tiếp niệm An Thổ Địa Chân Ngôn thì sự cải biến mạng vận ấy liền thay đổi trực tiếp. Một lòng phụng trì thì ánh sáng Phước của Địa Thần chiếu mạng, ắt có thể cải vận. Điều ấy là chân thật vậy.
Trong Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương, Ngài Kiên lao địa thần bạch Phật rằng:
“Con có một bài minh chú có năng lực lợi ích Nhân Thiên, an lạc tất cả. Nam tử nữ nhân nào, hay bốn bộ đệ tử của đức Thế tôn, muốn được đích thân nhìn thấy chân thân của con, thì phải chí tâm mà trì minh chú ấy. Thì tùy sở nguyện mà toại ý cả. Là như nguyện được đồ dùng để sống, nguyện được tài sản, nguyện được vàng ngọc, nguyện được kho tàng ẩn trong lòng đất, nguyện được những khả năng thần kỳ, nguyện được thuốc thần để trường sinh hay trị liệu mọi bịnh, nguyện chiến thắng thù địch, nguyện chế ngự các thứ luận thuyết.
Hãy dọn một tịnh thất mà thiết đạo tràng, tắm mình mẩy, mặc đồ sạch, ngồi nệm cỏ. Hãy đối trước hình tượng Phật có xá lợi, hay trước chùa tháp Phật có xá lợi, mà đốt hương, rải hoa, hiến dâng ẩm thực. Lấy ngày tám tháng trăng sáng, hoặc là ngày sao Bố sái mà tụng minh chú triệu thỉnh con (…)
Bạch đức Thế tôn, minh chú này, nếu có ai trong bốn bộ đệ tử Thế tôn tụng được một trăm tám biến mà triệu thỉnh con, thì con sẽ đến tức khắc…”
6. ĐÔI ĐIỀU CHIA SẺ:
– Do kinh sách ghi khác nhau, nên các thần chú này bạn nên được Thầy truyền dạy, sau đó, trí tâm thực hành theo đúng pháp tất sẽ được lợi ích.
– Khi trì tụng thần chú nào cũng nên làm theo đúng lời Ngài Địa thần chỉ bảo như trong kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh Sớ đã thuyết. Có 8 điều cần nhớ:
1. Đều sửa sang tịnh thất, thiết lập đàn tràng.
2. Tắm gội thân thể sạch sẽ.
3. Ở chỗ ngồi.
4. Nghi lễ đối trước tôn tượng.
5. Đầy đủ vật dụng cúng dường.
6. Thời gian tụng chú vào ngày mùng tám trăng sáng.
7. Trước khi tụng chú, phải tụng chú Hộ thân và chú Triệu thỉnh.
8. Người tụng chú cần TÂM TRÍ THÀNH.
Chúc mọi người tín tâm, tinh tấn và an lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật
Tổng hợp & Biên Tập
BBT. Chùa Tự Tâm – Chuatutam.net
Tài liệu tham khảo:
– Kim Quang Minh Tối Thắng Vương;
– Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm.
– Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện
– Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện giảng giải (H.T Tuyên hóa).
– Đại Nhật Kinh Sớ
– Kim Quang Minh Tối Thắng Vương sớ,
– Kiên lao Địa thần nghi quỹ;
– Chư Thiên hộ pháp Bộ;
– Mật tạng Bộ.
Thảo luận về post