Tỳ kheo : Dịch là “Khất sĩ, bố ma, phá ác”, ba ý nghĩa.
1. Khất sĩ : Tức là trên thì xin pháp của chư Phật, để nuôi dưỡng pháp thân, dưới thì xin cơm của đàn na tín thí, để nuôi dưỡng huệ mạng. Người xin của thế gian chỉ xin cơm áo, chẳng xin pháp, chẳng phải là khất sĩ. Khất thực có gì tốt ? Khất thực là cho chúng sinh có cơ hội trồng phước. Chúng sinh cúng dường Tam Bảo, mới đắc được phước đức. Nếu chẳng cúng dường Tam Bảo, thì phước đức sẽ cạn mỏng đi. Một số người chẳng hiểu trồng phước đức, cho nên Tỳ Kheo đi khất thực, khiến cho họ trồng phước đức, sinh tâm bố thí cúng dường, đây là đối với thí chủ mà nói. Ðối với bản thân Tỳ Kheo mà nói, thì có thể diệt trừ tâm tham của mình. Mỗi ngày xin được gì thì ăn cái đó, tuyệt đối chẳng có tâm phân biệt. Khất thực phải thứ lớp mà khất, không thể bỏ nghèo tìm giàu, càng không thể bỏ hèn tìm sang, đều xem như nhau, bình đẳng để cho chúng sinh đến gieo phước điền. Phật giáo chủ trương bình đẳng, ai ai cũng đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật, đây là tinh thần bình đẳng.
2. Bố ma : Có người xuất gia tu đạo, thì thiên ma chẳng vui. Tại sao ? Vì chúng bớt đi một quyến thuộc. Khi vị Tỳ Kheo thọ giới cụ túc, thì có tam sư thất chứng. Tam sư tức là Ðắc Giới Hòa Thượng, Yết Ma Hòa Thượng, Giáo Thọ Hòa Thượng. Thất chứng là bảy vị luật sư đến làm chứng minh. Mười vị đại biểu cho mười phương chư Phật, truyền thọ giới pháp của Phật.
– Lúc đó, Yết Ma Hòa Thượng hỏi giới tử: ‘’Ông đã phát bồ đề tâm chưa’’?
– Giới tử đáp: ‘’Ðã phát bồ đề tâm‘’.
– Lại hỏi: ‘’Có phải là đại trượng phu không‘’?
– Ðáp: ‘’Là đại trượng phu‘’.
Sau khi vấn đáp, thì Ðịa hành dạ xoa truyền báo cho Không hành dạ xoa, Không hành dạ xoa đem tin này về báo cáo cho Ma Vương nói : ‘’Hiện tại ở nhân gian lại có một chúng sinh xuất gia làm Tỳ Kheo‘’. Nói lời này xong, thì cung điện của ma vương chấn động, ma vương sinh tâm sợ hãi.
3. Phá ác : Tức là phá trừ tất cả phiền não. Phá được phiền não thì bồ đề mới hiện.
Vì Tỳ kheo có ba nghĩa cho nên không dịch. Thời xưa dịch kinh có năm quy định không phiên dịch :
1. Bí mật không dịch, như Chú ngữ.
2. Tôn trọng không dịch, như Bát nhã, bồ đề.
3. Thuận cổ không dịch, như A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề.
4. Ða hàm không dịch, như Tỳ kheo.
5. Thử phương vô bất dịch, như quả Án Ma La.
HT TUYÊN HÓA
Thảo luận về post