Trong Phí Nhàn Ca, Đại sư Hám Sơn từng nhắc nhở:
Tụng kinh việc dễ, nghĩa khó thông
Tụng không hiểu nghĩa, luống uổng công
Hiểu được không làm, thêm phí sức
Tu mù luyện quáng, cũng bằng không.
Như vậy, ý nghĩa và mục đích của việc tụng Kinh là nghe lại những lời đức Phật đã giảng dạy, tư duy để hiểu rõ nghĩa lý kinh điển, và cuối cùng là chân thực tu tập dựa trên chỗ tin hiểu này. Nói khác đi, đây là quá trình tu tập qua văn-tư-tu, tức nghe Pháp, tư duy nghĩa lý và y giáo phụng hành.
Lúc ngồi tụng kinh, Phật tử phải quán tưởng rằng mình đang ngồi nghe Pháp trước đức Phật và trong đại chúng như thuở đức Phật còn tại thế.
Nhờ sự sửa soạn thân tâm trang nghiêm như vậy, tâm chí thành của hành giả sẽ sinh khởi. Có tâm chí thành này, người Phật tử tụng kinh mới được công đức lớn, cũng như có thể “thâm nhập nghĩa kinh tạng, trí tuệ sâu như biển” như bài kệ Tự Quy Y Pháp đã nói. Cho nên, Đại sư Ấn Quang bảo: “Một phần thành tâm, sẽ được một phần công đức, mười phần thành tâm, sẽ được mười phần công đức.”
Khi tụng kinh, có thể tụng lớn tiếng theo âm điệu của nhịp mõ hồi chuông để giúp sự nhiếp tâm. Tiếng chuông thức tỉnh chúng ta quay về với hiện tại khi tâm đang lang thang ở quá khứ hay tương lai. Tiếng mõ đánh tan hôn trầm phiền não và âm thanh quấy nhiễu bên ngoài. Nhờ đó, hành giả có thể chuyên chú nơi lời kinh tiếng kệ và nghĩa lý chứa đựng trong kinh điển. Tụng kinh có chuông mõ ngoài ý nghĩa giúp nhiếp tâm, còn có nghĩa nhiếp chúng. Khi tụng cùng đại chúng, tiếng chuông mõ giúp mọi người có thể tụng nhịp nhàng, hòa hợp với nhau. Nhờ vậy, đại chúng sinh tâm hoan hỷ. Nếu chưa biết sử dụng chuông mõ hay không tiện dùng vì một hoàn cảnh nào đó, người Phật tử có thể đọc tụng thầm hay ra tiếng mà không cần chuông mõ. Nếu ở nhà không có bàn Phật, người Phật tử có thể tụng kinh bất cứ nơi đâu thuận tiện, miễn là chọn nơi giúp mình chuyên tâm tụng kinh tốt nhất trong điều kiện cho phép. Chỉ cần người Phật tử thành tâm, quán tưởng mình đang ngồi trước chư Phật, thì dù tụng kinh ở chỗ nào cũng có công đức bình đẳng như nhau.
Điều cốt yếu nhất của việc tụng kinh là hiểu nghĩa. Nghĩa có hai là Pháp nghĩa và ngữ nghĩa. Ngữ nghĩa là ý nghĩa ở bề mặt ngôn ngữ. Nói rõ hơn, ngữ nghĩa là nghĩa lý kinh điển qua công đức phiên dịch của bao thế hệ đi trước và hiện nay, những người chuyển ngữ từ Sanskrit, Pali, Hán văn… ra ngôn ngữ mà mình hiểu được. Song tuy đã hiểu kinh điển trên phương diện ngôn ngữ, người đọc tụng chưa chắc đã rõ nghĩa lý sâu xa mà kinh điển muốn truyền tải. Nghĩa lý sâu xa này gọi là Pháp nghĩa. Để hiểu Pháp nghĩa, người tụng kinh cần phải nghe giảng, đọc luận giải, tham hỏi thiện tri thức và tự mình khéo tư duy… mới có thể thấu đạt được. Cho nên, bài Kệ Khai Kinh nhắc nhở người Phật tử về tầm quan trọng của Pháp nghĩa:
Vô thượng thậm thâm: Pháp nhiệm mầu
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu
Con nay thấy nghe được thọ trì
Nguyện hiểu chân nghĩa, Phật ý sâu.
Vì vậy, khi tụng kinh, người Phật tử miệng đọc lời Phật dạy, tai lắng nghe tiếng kinh, tâm tư duy nghĩa lý và tùy thời quán xét lại mình như đang đích thân nghe đức Phật thuyết Pháp. Làm được như vậy, người Phật tử lần lần sẽ nhất tâm, trí tuệ tăng trưởng, nhất định có ngày khai ngộ. Lại nữa, nhờ nhân duyên trì tụng đúng như pháp này, dù không mong cầu nhưng nghiệp chướng tự nhiên tiêu trừ, phước đức tăng trưởng, được những sự lợi ích thực không thể nghĩ bàn.
Ngày nay người Phật tử Việt Nam tụng kinh chủ yếu bằng âm chữ Hán, ngay ngữ nghĩa cũng không hiểu, thì làm sao có thế thâm nhập Pháp nghĩa? Cho nên, người Phật tử Việt Nam phải tụng kinh chữ Việt là bước đầu quan trọng trong việc tu học. Nếu chỉ bằng niềm tin tụng kinh để cầu phước mà không cần hiểu nghĩa, người Phật tử không những làm trái với lời đức Phật dạy, mà còn đánh mất lợi ích vô giá của việc tụng kinh là khai ngộ và giải thoát.
Thuở đức Phật còn tại thế, các Tỳ-kheo nghe Pháp xong, ghi nhớ và thường xuyên tụng đọc lại lời dạy của đức Phật. Mỗi lần các đệ tử đọc tụng (bằng trí nhớ), các vậy ấy lại tư duy nghĩa lý và thiền quán về tính vô thường, vô ngã nơi thân tâm mình. Nhờ vậy, các vị này mới có thể chứng quả giải thoát. Cho nên, đức Phật từng bảo: “Các Tỳ Kheo nên thường tụ họp tụng kinh, Chánh pháp có thể tồn tại lâu dài.”. Như vậy, tụng kinh đã có từ thời đức Phật và ý nghĩa của việc tụng kinh là ôn lại Pháp và Nghĩa mà đức Phật đã dạy để quán chiếu tu tập. Trong lịch sử hoằng truyền Phật Pháp, cũng có rất nhiều vị đại đức, cao tăng nhờ tụng kinh được ngộ Đạo. Ví dụ, Tổ Trí Giả tụng kinh Pháp Hoa đến phẩm Dược Sư Bản Sự liền khai ngộ, từ đó dứt sạch nghi ngờ, biện tài vô ngại, trở thành tổ sư khai sáng tông Thiên Thai ở Trung Quốc. Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn khuyên người tụng kinh Kim Cương có thể thấy tánh (ngộ đạo), Lục Tổ Huệ Năng nhờ nghe tụng kinh Kim Cương được khai ngộ. Cho nên, dù thiền tông hay giáo tông, đều y cứ kinh điển tu hành, và tụng kinh là một trong những pháp môn tu tập quan trọng. Tại sao thời đức Phật còn tại thế, khi nghe Pháp xong có nhiều người được chứng quả? Tại sao Đại sư Trí Giả nhờ tụng kinh được khai ngộ, còn ngày nay thì không? Đó là người xưa khi nghe Pháp hay tụng kinh đều vận dụng tâm chí thành tha thiết để lắng nghe và tư duy nghĩa lý. Nhờ tâm chí thành nên thành tựu pháp chỉ, hay định tâm; nhờ tâm tư duy quán chiếu nên thành tựu pháp quán hay tuệ giác. Tụng kinh và nghe Pháp với tâm tương ưng chỉ quán hay định tuệ như vậy, đương nhiên sẽ được giác ngộ, giải thoát. Vì lẽ, chỉ và quán là nhân của định và tuệ; định và tuệ là nhân của giải thoát và giác ngộ. Nhân tu và quả chứng không bao giờ sai chạy. Người Phật tử muốn tăng trưởng trí tuệ, giảm bớt phiền não khổ đau phải thực hành văn-tư-tu. Sau mỗi thời kinh, Phật tử nên ngồi quán chiếu lại mình theo những lời đức Phật đã dạy trong kinh. Đó là con đường thiền quán của Phật giáo. Tư duy về vô thường, khổ không, vô ngã để hiểu đúng lời đức Phật dạy và xác định niềm tin kiên cố của mình nơi Chánh Pháp. Đây là phương cách xây dựng chánh kiến. Dùng chánh kiến vô thường, khổ, không, vô ngã này quán xét trở lại thân và tâm của mình để lần lần tháo gỡ những mê lầm, chấp trước. Đây là phát triển chánh trí. Vô thường chúng ta học trong kinh là cái thấy của đức Phật, còn vô thường mà chúng ta quán chiếu trở lại mình, cho đến một ngày chúng ta thấy đúng như sự thật, thuật ngữ Phật giáo gọi là yathabutham hay như thị tri kiến (seeing things as they really are), là cái thấy của chính mình. Đây gọi là khai ngộ, mục tiêu cứu cánh của người học Phật. Bút giả dịch và soạn ra nghi thức huân tu này nhằm giúp người Phật tử tại gia có phương tiện và kim chỉ nam để tu tập hàng ngày. Xin mọi người đọc kinh như đọc lại chính con người mình, như đang tự soi xét và sửa mình trước tấm gương tuệ giác của chư Phật.
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật
Sakya Minh-Quang kính bút.
Thảo luận về post