Có người tu lâu năm, đạt được thần thông, bèn lên Thiên đường gõ cửa Thượng đế.
Thượng đế hỏi ‘Ai đó ?’.
Người kia đáp : ‘Tôi đây’.
Thượng đế hỏi : Tôi là ai ?
Người kia đáp : Tôi là tôi.
Thượng đế bảo : Nếu tôi là tôi và ông là ông thì ở đây không có chỗ cho hai người cùng ở, hãy về đi. Người kia trở về tu nữa.
Lần sau, khi gõ cửa Thiên đường và Thượng đế hỏi : Ai đó ?
– Tôi. Tôi là ai ? thì người kia đáp : Tôi là Ngài.
Thượng đế mới bảo: ‘hãy vào!’.
Cho nên khi chúng ta không phân biệt tôi, anh, khi chúng ta không chấp cái ‘ta’thì bao nhiêu người cũng như một, đều sống chung với nhau, hòa thuận vui vẻ.
Đứa bé mới ra đời chưa biết gì đến một tuổi cha mẹ mới đặt cho một cái tên, có khi một cái tên rất xấu xa, và dần dần nó chấp chặt cái tên đó là mình, một khi có ai gọi cái tên ấy mà tán thán, khen ngợi thì nó lại thấy sung sướng, phấn khởi.
Sau này khi lớn lên, khi nghe người khác xưng hô với mình thiếu lịch sự thì lại phiền muộn. Vì một cái tên bông lông, không đâu mà mình cứ đau khổ, sống chết luân hồi triền miên với nó ?
Nếu tin hiểu được lời Phật dạy : ‘Vạn pháp đều như hóa như huyễn’ thì ta không bao giờ đau khổ nữa, không phiền muộn nữa.
Cái danh xưng là giả tạm, (danh xưng như huyễn vô ngã) cái thân là giả hợp, nếu chúng ta hiểu được như vậy, tất chúng ta an lạc, giải thoát.
Chúng ta lễ Phật là để cảm ân đức Phật đã giáo hóa chúng ta, đã bày chế ra bao nhiêu pháp môn phương tiện hầu dẫn dắt chúng ta đến Niết bàn, đến giải thoát. Phá trừ ngã chấp là giáo lý cao quý nhất mà đức Phật dạy cho chúng ta.
Thảo luận về post