Công án: “Con chó của Ngài Triệu Châu”.
Kính thưa Thầy! Con may mắn đọc được công án: con chó của Ngài Triệu Châu. Lúc đó con không hiểu vì sao ngài Triệu Châu lại nói con chó không có Phật tánh (vô), trong khi đức Phật lại nói rằng tất cả hữu tình đều có Phật tánh. Nhưng suy nghĩ lại con giật mình vì thấy chẳng khác. Dù là người chăng nữa, bị vô minh che mờ mà tạo nghiệp thì cũng là nhân làm vô minh dày thêm, che khuất Phật tánh. Vậy dù có Phật tánh mà không nhận ra thì cũng như không có (vô).
Nghĩ về chữ “vô” trong công án của Ngài Triệu Châu thì chữ “vô” không phải đối lập với “hữu” mà chính là vô phân biệt. Chìa khóa của công án này có phải hướng đến phá bỏ chấp ngã, xem giữa có và không, hữu hình và vô hình… đều chẳng khác? Giống như khi đối diện giữa cái sống và cái chết thì đều bình đẵng như nhau, không tham ái cũng không chán ghét bên nào. Đó chính là Phật tánh, là chữ “vô” mà Ngài Triệu Châu ám chỉ? Xin bạch Hòa thượng hoan hỷ chỉ dạy cho con.
Trả lời: Con hiểu như vậy là đúng. Triệu Châu thấy nhiều người nghe “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh” thì cái ngã của họ liền chấp “có” và gán cho tánh ấy là “thường” là “lạc”… để rồi sinh ra thường kiến, hữu kiến, v.v… Triệu Châu nói “vô” chính là để phá cái tà kiến ấy đang hình thành trong tâm trí người hỏi.
Cốt tử của thiền là trực chỉ nhân tâm và kiến tánh. Vì căn cơ trực chỉ kiến tánh quá hiếm hoi nên đành phải vận dụng ra phương tiện tam công án hay khán thoại đầu để đợi thời cơ ngàn năm một thuở!
Nhưng khi đã lập ra phương tiện thì phải có cứu cánh. có thời gian, có nhân quả. Và thế là nói đốn hóa ra thành tiệm.
Thực ra, người hạ thủ công phu đúng đắn thì đã thấy cứu cánh ngay nơi phương tiện, nếu không muốn nói phương tiện chính là cứu cánh. Tiếc thay, phần đông lại tưởng ra cứu cánh trước – như là “cái tôi sẽ trở thành” – rồi mới sử dụng phương tiện để đạt đến cứu cánh tưởng tượng đó. Thế là luân hồi bất đoạn, sinh tử triền miên.
Thế mà có người vẫn ngộ, nhưng chỉ ngộ(1) được cái sở tư kiến, sở tư dục của mình mà thôi! Mới hay:
Thoại đầu vô nhất tưởng
Do lai tướng khởi sinh
Bất tri vân già tưởng
Hoàn ngộ(2) tướng vô minh.
Được giảng từ câu chuyện:
Sư hỏi một thiền sinh:
– Ngươi đang làm gì đó?
– Dạ, con đang khán thoại đầu.
– Sao không khán tự tánh mà lại khán thoại đầu?
– Dạ, con chưa thấy tự tánh làm sao khán được?
Sư nói:
– Người căn cơ bậc thượng chỉ khán tự tánh chứ không khán thoại đầu.
Thiền sinh thưa:
– Bạch Thầy, con căn cơ chậm lụt xin Thầy chỉ dạy.
Sư hỏi:
– Ngươi khán thoại đầu để làm gì?
– Dạ, để thấy tự tánh.
– Tự tánh sinh từ thoại đầu hay tánh tự nó có?
– Dạ, tự nó có.
– Vậy ngươi nhớ cho kỹ, đừng để thoại đầu sinh ra tự tánh nhé.
Trích: Vi Tiếu
Tác giả: Viên Minh
Thiền sư Triệu Châu
Triệu Châu Tòng Thẩm (zh. zhàozhōu cóngshěn/ chao-chou ts’ung-shen 趙州從諗, ja. jōshū jūshin) 778-897 là một vị Thiền sư Trung Quốc, môn đệ thượng thủ của Nam Tuyền Phổ Nguyện. Thiền sư Nhật Bản Đạo Nguyên Hi Huyền—nổi tiếng là khó tính trong việc đánh giá mức giác ngộ của các Thiền sư—cũng công nhận Triệu Châu là “Đức Phật thân mến.” Sư có 13 truyền nhân nhưng không mấy ai được gần bằng Sư và dòng này thất truyền chỉ sau vài thế hệ.
Cuộc đời Triệu Châu cho thấy điều mà các Thiền sư hay nhấn mạnh rằng, kiến tính chỉ là bước đầu của việc tu học thiền. Triệu Châu đã kiến tính từ năm 18 tuổi nhưng sau đó còn học Thiền 40 năm với Nam Tuyền. Sau khi Nam Tuyền qua đời, Sư vân du đọ sức với các Thiền sư khác trong những pháp chiến. Tương truyền rằng Sư đã tìm gặp khoảng 80 Thiền sư, phần lớn là những môn đệ đắc pháp của Mã Tổ (thầy của Nam Tuyền) để vấn đạo. Đến năm 80 tuổi Sư mới chịu dừng chân tại viện Quan Âm, Triệu Châu. Nơi đây Sư tuỳ cơ dạy học trò và thọ đến 120 tuổi.
Triệu Châu có một cách dạy học trò rất độc đáo. Thường Sư nói rất nhỏ, rất nhẹ nhàng, trả lời ngắn gọn và đơn giản các câu hỏi của thiền sinh. Tuy thế các câu trả lời đó lại có sức mạnh phi thường, cắt đứt vô minh và chấp trước của người hỏi như một lưỡi kiếm bén. Nhiều Công án Thiền nổi tiếng xuất phát từ những giai thoại của Sư với các đệ tử, như công án thứ nhất trong tập Vô môn quan:
Cơ duyên ngộ đạo của Sư được ghi trong Triệu Châu Chân Tế Thiền sư ngữ lục : Sư hỏi Nam Tuyền: “Thế nào là Đạo?”Nam Tuyền đáp: “Tâm bình thường là Đạo”.Sư hỏi: “Có thể hướng đến được không?”Nam Tuyền đáp: “Nghĩ tìm đến là trái.”Sư lại hỏi: “Chẳng nghĩ suy thì làm sao biết Đạo?”Nam Tuyền đáp: “Đạo chẳng thuộc về hiểu biết hay không hiểu biết. Biết là vọng giác (khái niệm), không biết là vô kí (vô minh). Nếu thật đạt Đạo thì không còn nghi ngờ, [Đạo] như hư không thênh thang rộng rãi, đâu thể cưỡng nói là phải là quấy.”Sư nhân nghe lời này lập tức ngộ được huyền chỉ, tâm sư sáng như trăng tròn.
Sư ngộ đạo, sau đi thụ giới tại Tung Nhạc. Thụ giới xong, Sư lại đến Nam Tuyền và lưu lại đây 40 năm. Có nhiều pháp thoại giữa Sư và Nam Tuyền được ghi lại trong thời gian này.
Một vị tăng hỏi Sư: “Con chó có Phật tính chăng?” Sư đáp: “Không!” (vô 無)
Kể từ lúc công án trở thành một phương pháp dạy Thiền thì công án “Triệu Châu cẩu tử” nói trên đã giúp vô số thiền sinh kiến tính và vẫn được sử dụng đến ngày nay. Các Thiền sư sau này rất quý trọng những lời nói của Sư.
Trích từ nguồn: http://vi.wikipedia.org
Vô-Môn Huệ Khai đã viết những lời này trong phần giới thiệu của cổ kinh.
“Thiền không có cửa. Chủ đích của lời Phật dạy là để giác ngộ kẽ khác. Vì vậy mà Thiền phải không có cửa.
“Đại đạo không có cổng,
Ngàn lối đi vào nó.
Khi ai đi qua được cửa không này
Thì thong dong giữa đất trời.“
(ST)
Thảo luận về post