Tự tứ giải hạ, con đường trọng yếu của Phật môn. Sám hối lỗi lầm, công hạnh rạng ngời của Tăng lữ. Nhân lành giống tốt đã gieo trồng, hoa đẹp trái tươi sẽ thành tựu. Nếu không nhờ thuyền từ Giới Định, thì đâu hay đến bến Bồ đề.
Lễ Tự tứ, tịnh nghiệp đạo tràng an cư chùa Huệ Nghiêm
❇️ Ngày kết thúc hạ an cư, Tăng chúng mỗi vị tự phát lồ những tội mình đã phạm trong ba việc: thấy, nghe, nghi hoặc mình không nhớ mà người khác nêu tội mình ra để sám hối trước các vị Tăng khác, sám hối xong được thanh tịnh, tự sinh vui mừng gọi là Tự Tứ. Ngày này được gọi là Tăng tự tứ nhật (ngày chư Tăng tự tứ), Tăng thụ tuế nhật (ngày chư Tăng được thêm một tuổi đạo).
Ngoài ra vào ngày Tăng chúng tự tứ, hàng Phật tử tại gia thường sửa soạn trai nghi cúng dường Tam bảo để cầu phúc cho tổ tiên, cha mẹ nhiều đời nhờ công đức ấy được siêu thoát.
Mùa Vu lan báo hiếu lại về và cũng là mùa xá tội vong nhân. Chùa Tự Tâm – Tp. BMT – Chúng con thành kính đảnh lễ khánh tuế chư tôn thiền đức thân tâm thường lạc, phước huệ tròn đầy, đạo thọ miên trường. Kính chúc quý Phật tử gia đạo bình an, sở nguyện tuỳ tâm như ý. Nguyện cầu Đức Phật từ bi phóng quang che chở. Nguyện gương hiếu của Tôn giả Mục Kiền Liên bao phủ lòng người, để mọi người sống bình yên, dịch bệnh tiêu trừ, cha mẹ hiện tại được hạnh phúc trường thọ, cha mẹ quá cố được sanh về thế giới an lành của chư Phật, hữu tình vô tình đồng thành Phật đạo.
Ý nghĩa lễ Tự tứ
>>> Vì sao gọi Rằm Tháng 7 là “Ngày Tự Tứ” ?
Về thời gian an cư, thông thường phần nhiều lấy một hạ chín tuần (tức ba tháng) làm kỳ hạn. Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao quyển thượng phần 4, lấy ngày 16 tháng 4 là ngày đầu an cư, ngày 15 tháng 7 là ngày cuối cùng, ngày hôm sau là ngày Tự tứ; luật Ma ha tăng kỳ quyển 27, thì lấy ngày 15 tháng 7 làm ngày Tự tứ; Đại đường tây vực ký quyển 2, quyển 8, thì ghi thời kỳ an cư là từ ngày 16 tháng 5 đến ngày 15 tháng 8.
Về chủng loại an cư thì có hai thuyết:
* Một thuyết là tiền an cư, hậu an cư:
– Tiền an cư bắt đầu vào ngày 16 tháng 5,
– Hậu an cư bắt đầu vào ngày 16 tháng 6.
* Thuyết thứ hai là tiền an cư, trung an cư và hậu an cư:
– Tiền an cư bắt đầu vào ngày 16 tháng 4,
– Trung an cư bắt đầu vào ngày 17 tháng 4 đến ngày 15 tháng 5,
– Hậu an cư bắt đầu vào ngày 16 tháng 5.
Ngày đầu an cư gọi là kết hạ, ngày kết thúc viên mãn gọi là giải hạ, quá hạ, hạ kính, hạ mãn, hạ giải, an cư kính. Thời kỳ giữa kết hạ và giải hạ, gọi là bán hạ. Cứ theo luật Tứ phần quyển 43 Ca hi na y (Ca thi na) kiền độ chép, khi kết thúc an cư phải làm bốn việc là: tự tứ, giải giới, kết giới và thụ công đức y. Tức sau khi an cư đã viên mãn, đại chúng phải tự xét những hành vi của mình trong thời gian an cư, nếu có tội thì tự giải bày để cùng nhau sám hối, gọi là tự tứ; ngày tự tứ gọi là tự tứ nhật, Phật hoan hỉ nhật. Lại khi kết thúc an cư, phải giải trừ cái phạm vi đã được kết giới mà trong thời gian an cư không được ra khỏi, gọi là giải giới. Lại sau khi an cư đã viên mãn, các tỷ kheo, tỷ kheo ni được thêm một tuổi hạ gọi là Pháp lạp. Pháp lạp cũng gọi là hạ lạp, là tiêu chuẩn quy định thứ bậc lớn, nhỏ của người xuất gia..
Theo truyền thống Phật giáo Nam tông (Theravada), y cứ theo lịch Ấn Độ cổ đại, Vũ kỳ An cư (Vassavāsa) bắt đầu từ ngày 16 tháng 6 (tháng Āsālha) và kết thúc vào ngày 16 tháng 9 (tháng Āssina).
Nếu An cư được bắt đầu vào ngày 16 tháng 6 thì gọi là Tiền an cư (Purimikavassà), còn nếu như có duyên sự không thực hiện Tiền an cư được phải dời lại một tháng sau, tức bắt đầu từ ngày 16 tháng 7 và kết thúc vào ngày 16 tháng 10 thì gọi là Hậu an cư (Pacchimikāvassā). Phật giáo Việt Nam thường gọi là “An cư kiết hạ”, tức An cư trong ba tháng hạ theo truyền thống Phật giáo Bắc tông
Từ ngày 16 tháng 4 âm lịch, chư Tăng theo truyền thống Bắc tông (Đại thừa) bắt đầu kết túc An cư, cho đến hết ngày 15 tháng 7 âm lịch, làm lễ Tự tứ và giải hạ kết thúc mùa An cư.
Lễ Tự tứ (Pavāraṇā) là một ngày lễ quan trọng trong Phật giáo, đánh dấu sự kết thúc của ba tháng An cư. Pavāraṇā thường được dịch là Tự tứ, ý nghĩa chính thức và chủ yếu của từ Pavāraṇā là sự thỉnh cầu (pavāreti), sự yêu cầu hay nói cách khác là sự thỉnh tội, tức là thỉnh cầu chư Tăng chỉ lỗi, nhắc nhở, khuyên bảo bằng tâm từ do thấy, do nghe, do nghi để vị Tỳ-khưu đương sự thấy lỗi của mình mà sửa sai và hoàn thiện bản thân.
Pavāraṇā cũng có nghĩa là sự soi sáng, thức tỉnh cho nhau, cho khỏi phạm tội để làm gương cho nhau và cho kẻ hậu lai noi theo. Đức Phật dạy trong Luật tạng như sau: “Này các Tỳ-kheo, đối với các Tỳ-kheo đã sống qua mùa mưa (An cư), Ta cho phép thỉnh cầu dựa trên ba tình huống là do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ. Bằng cách ấy, các ngươi sẽ có được sự hòa thuận lẫn nhau, có được sự thoát ra khỏi tội, và có được sự hiểu rõ thêm về Luật.[1]
Trong khi Bố-tát gọi là trưởng tịnh, An cư là thúc liễm thân tâm thì Tự tứ là sự thỉnh cầu, sự thỉnh tội. Sự miên mật kỹ càng trong các nghi thức Phật giáo cho thấy tính logic, hỗ tương, phụ trợ nhau để hoàn thiện nếp sống phạm hạnh. Nếu không có Bố-tát thì không có An cư và cũng không có Tự tứ.
Bố-tát là đọc lại giới bổn mà mình đã thọ xem thử nửa tháng vừa qua mình có phạm tội gì không. Còn Tự tứ là lễ kết thúc sau ba tháng An cư, đến ngày chư Tăng mãn hạ, thực hiện một nghi lễ đối thú xưng tội với nhau.
Tự tứ là nhằm mục đích xây dựng tăng đoàn có một đời sống cao khiết, thanh tịnh và an lạc thực sự. Bởi vì tăng đoàn là một tập thể sống hòa hợp, vô ngã, đeo đuổi một mục đích tối thượng là giác ngộ và giải thoát. Muốn thực sự giải thoát và giác ngộ thì phải nỗ lực đoạn trừ tận gốc ngã chấp và ba độc tham, sân si. Vậy nên 3 tháng an cư là khoảng thời gian lý tưởng nhất để tu tập dẹp trừ các chướng ngại ấy.
Tự tứ mang một ý nghĩa khích lệ, cổ vũ và thông cảm hơn là nhằm mục đích trách phạt hay chế tài. Vả lại đặc tính của Tăng đoàn là nhất trí, thanh tịnh và hòa hợp thế nên người xuất gia ngoài trách nhiệm nỗ lực tu học, hoàn chỉnh nhân cách của mình còn có trách nhiệm bảo vệ thanh danh cho tập thể, trong tinh thần xây dựng, thương yêu, nâng đỡ.
Duyên Khởi
Duyên khởi pháp Tự tứ theo Luật tạng được ghi nhận lại bằng việc nhóm Tỳ-kheo ở Kiều-tát-la (Kosala) thảo luận với nhau làm cách nào để có được sự thanh tịnh và hòa hợp trong suốt mùa an cư. Các vị ấy đã quyết định im lặng không nói chuyện với nhau, chỉ ra những dấu hiệu khi có việc cần. Sau mùa an cư khi về vấn an Đức Phật, Ngài đã quở trách “cùng nhau như ngoại đạo thọ pháp câm” này. Ngài dạy Tăng chúng phải “cùng nhau dạy bảo, cùng nhau trao đổi, giác ngộ cho nhau…”.
Tuy nhiên, nhóm Lục quần Tỳ-kheo lại dựa vào điều này mà họ cử tội các Tỳ-kheo thanh tịnh. Đức Phật không cho phép sự cử tội tùy tiện như vậy. Nếu muốn cử tội vị nào đó thì phải nói cho biết để vị ấy “cầu thính”, hay vấn thính – xin được nghe, rồi mới được cử tội. Và người vấn thính hay còn gọi là người thọ Tự tứ phải là người đủ 5 pháp: biết thời chứ không phải phi thời, như thật chứ không hư dối, có lợi ích chứ không phải không lợi ích, dịu dàng từ tốn chứ không phải thô lỗ, từ tâm chứ không sân hận. Đức Phật quy định như vậy nhằm mục đích không vì sự giận hờn, hiềm khích hay sân hận mà cử tội người khác. Điều này giúp cho sự hòa hợp chúng được xuyên suốt, không tạo sự bất mãn, bất hòa trong tập thể đại chúng.
Cách thức Tự tứ đúng pháp
Nếu như việc thuyết giới số lượng Tăng yêu cầu tối thiểu là 4 vị Tỳ-kheo, thì Tự tứ phải có ít nhất 5 vị Tỳ-kheo. Lý do là vì khi một Tỳ-kheo bạch Tự tứ, tức vị ấy nhờ Tăng chỉ cho mình những khiếm khuyết trong thời gian sống chung 3 tháng an cư; vì là Tăng nên túc số phải 4 vị Tỳ-kheo. Trường hợp chỉ có từ 2 – 4 vị Tỳ-kheo có mặt buổi tự tứ ấy, thì chỉ được phép đối thú Tự tứ. Hoặc giả chỉ có 1 vị Tỳ-kheo thì chỉ được thực hiện tâm niệm Tự tứ. Như vậy trường hợp khi Tự tứ có từ 4 vị trở xuống thì không tác pháp tiền phương tiện, chỉ hướng vào nhau đối thú Tự tứ hoặc tâm niệm Tự tứ bằng cách nói 3 lần: “Hôm nay chúng Tăng Tự tứ, con Tỳ-kheo tên là… cũng thanh tịnh Tự tứ”.
Trường hợp túc số Tăng đủ 5 vị trở lên thì phải tác pháp tiền phương tiện, tức Tăng tác pháp yết-ma Tự tứ. Sau khi tác pháp tiền phương tiện thì việc Tự tứ cũng chia thành hai trường hợp: cá nhân Tự tứ và tập thể Tự tứ. Điều này giống như tác pháp thọ an cư là Thượng tọa Tự tứ và Đại chúng Tự tứ.
Trong luật Tứ phần có đề cập, vì một số các Tỳ-kheo nghĩ Đức Phật cho phép Tự tứ nên các vị ấy đồng loạt Tự tứ, gây nên sự ồn ào. Việc này trình lên Đức Phật. Ngài dạy không nên đồng loạt Tự tứ, chỉ nên Tự tứ từng người một. Và thứ lớp Tự tứ phải thực hiện bắt đầu từ hàng thượng tọa dần xuống tới hàng hạ tọa. Đây là trường hợp cá nhân Tự tứ.
Với Tự tứ tập thể là mỗi một lần 3 vị Tỳ-kheo tác bạch Tự tứ. Không được vượt qua con số này, chỉ giới hạn 3 người, vì Tăng Tự tứ với Tăng không được coi là đúng pháp. Trường hợp thọ Tự tứ tập thể, Tăng có thể sai nhiều Tỳ-kheo bậc Thượng tọa làm “Tự tứ nhân”, người nhận Tự tứ. Các vị Thượng tọa Tự tứ cá nhân trước, sau đó làm người nhận Tự tứ cho tập thể đại chúng.
Trong trường hợp nạn duyên bức bách – những điều kiện xã hội bắt buộc ngoài ý muốn, không đủ thời gian để cho số đông Tự tứ thì có thể Tự tứ bằng cách bạch vắn tắt, tức là thay vì bạch 3 lần thì chỉ bạch 1-2 lần. Tuy nhiên, theo luật ghi nhận, điều này chỉ được áp dụng khi có nạn duyên bức bách và phải cân nhắc khi thực hiện, không thể tùy tiện khai triển.
Đối tượng hướng đến Tự tứ phải là cùng chúng. Tỳ-kheo đối trước Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni đối trước Tỳ-kheo-ni. Không được có sự lẫn lộn.
Về thời gian Tự tứ được Đức Phật dạy ghi lại trong luật Ngũ phần: chúng Tỳ-kheo được Phật cho phépTự tứ nên ngày nào cũng Tự tứ. Hoặc hai ngày, ba ngày cho đến năm, bảy ngày một lần Tự tứ. Phật dạy không nên Tự tứ như vậy; chỉ nên Tự tứ một lần vào ngày cuối cùng của 3 tháng hạ.
Theo luật, mỗi Tỳ-kheo phải tự mình đối trước Tăng để thỉnh cầu Tăng chỉ dạy cho những khiếm khuyết mà có thể trong 3 tháng an cư mình đã phạm. Hầu hết các bộ luật truyền đến Trung Hoa đều thống nhất việc sai người nhận Tự tứ.
Các vị đồng phẩm hạnh khi đứng ra cử tội phải hội đủ 5 đức tính:
1. Nói đúng lúc, không nói phi thời;
2. Nói thành thật, không nói giả dối;
3. Vì lợi ích, không phải vì tổn hại;
4. Vì từ tâm, chứ không có ác ý;
5. Nói năng nhã nhặn, không nói thô lỗ.
Đồng thời vị đồng phẩm hạnh này cũng phải hội tụ 5 đức tính:
1. Không thiên vị;
2. Không giận dữ;
3. Không si mê;
4. Không khiếp sợ;
5. Biết ai Tự tứ rồi, ai chưa Tự tứ.
Đó là những điều kiện, nguyên tắc do luật định để đảm bảo cho sự Tự tứ đạt đến kết quả tốt nhất. Ngoài ra còn một số điều luật quy định khác trong Luật Tứ Phần, quyển 38, Đ22.
Pháp Thức
Tăng có thể sai nhiều vị làm người nhận Tự tứ, nhưng mỗi lần Yết-ma sai người nhận Tự tứ chỉ được phép tối đa 3 vị.
Theo như Đức Phật dạy về pháp thức Tự tứ thì các Thượng tọa lớn tác pháp Tự tứ trước, theo thứ lớp từ lớn đến nhỏ tính theo hạ lạp (hoặc thời gian thọ giới). Tiếp đến Yết-ma sai Tự tứ nhân (người nhận Tự tứ), rồi đại chúng Tự tứ. Theo truyền thống Bắc tông thì đại chúng Tự tứ thường mỗi lần 3 vị cho một lần tác pháp. Điều này cũng giống như tác pháp thọ an cư.
Khi bạch Tự tứ, hàng Thượng tọa có thể đứng hoặc quỳ. Nếu Thượng tọa là người nhận Tự tứ đứng thì đại chúng có thể đứng hoặc quỳ; nhưng nếu Thượng tọa quỳ thì tất cả đại chúng phải quỳ để tác phápTự tứ.
Theo nguyên tắc sau thời gian an cư 3 tháng thì đại chúng Tỳ-kheo hòa hợp tác pháp Tự tứ. Tuy nhiên nếu có duyên sự đặc biệt cần thay đổi thời gian Tự tứ hay đình chỉ Tự tứ, thì phải tập hợp chư Tăng để tác pháp Yết-ma thay đổi hay đình chỉ Tự tứ. Có hai trường hợp thay đổi, đình chỉ Tự tứ: đại chúng an cư đang có nhiều lợi lạc và muốn kéo dài sự lợi lạc đó thêm một thời gian, tối đa không quá 1 tháng; hoặc Tăng chưa được thanh tịnh và hòa hợp, có thể do tranh chấp giữa những vị trong cùng trú xứ an cư, do có khách Tăng đến trú xứ an cư. Đây là hai trường hợp trong luật gọi là Triển hạn Tự tứ để tiến tu và Triển hạn Tự tứ do phá Tăng.
Với trường hợp Triển hạn Tự tứ do phá Tăng, nếu đến ngày cuối của thời hạn dời ngày Tự tứ là 1 tháng mà vẫn chưa thể Tự tứ thì có thể dời thời hạn thêm 15 ngày nữa. Nếu sau thời hạn đó mà Tăng vẫn chưa hòa hợp hay Tỳ-kheo khách chưa đi thì phải y theo luật cưỡng bức những Tỳ-kheo ưa tranh cãi, thiếu sự hòa hợp Tự tứ. Nếu không cưỡng bức các Tỳ-kheo đó thì đại chúng Tỳ-kheo thanh tịnh phải ra khỏi cương giới của trú xứ an cư, kết tiểu giới để Tự tứ.
Trường hợp khi Tự tứ sắp diễn ra mà có Tỳ-kheo bệnh, không đến được thì Đức Phật “cho phép gửi Tự tứ, cho phép chúc thọ Tự tứ”. Người bệnh chỉ cần nói với một Tỳ-kheo khác: “Tôi gửi Tự tứ cho thầy” hoặc “Xin thầy nói Tự tứ giùm tôi”. Nếu không nói được thì có thể ra dấu hiệu.
Sau khi An cư và Tự tứ xong, theo luật thì Tăng có 4 phận sự phải làm: giải cương giới an cư, kết lại cương giới cũ cho trú xứ, thọ y công đức (thọ y Kathina) và phân chia bình đẳng lợi dưỡng. Với việc phân chia lợi dưỡng luật quy định các Tỳ-kheo dù tiền an cư hay hậu an cư, Tỳ-kheo hay Sa-di tập sự đều được phân chia lợi dưỡng đồng đều và bình đẳng như nhau. Chỉ có Tỳ-kheo phá hạ không như pháp thì không được hưởng quyền lợi bình đẳng trong sự phân chia lợi dưỡng.
Tự tứ là một biểu hiện rõ nét của sự hòa hợp giáo đoàn mà Đức Phật đặt ra. Đây là yếu tố và cũng là điều kiện để Tăng-già được tồn tại, thể hiện tinh thần mà Ngài đã chủ trương “tụ tập và giải tán trong tinh thần hòa hợp” trong các sinh hoạt của Tăng đoàn. Tinh thần hòa hợp nhất trí là sinh mạng cho sự tồn tại của đoàn thể Tăng-già và cũng là sinh mạng của Phật pháp. Vì thế, chư Tăng phải thực hiện một cách nghiêm túc như pháp những điều luật do Phật chế định.
Đầu tiên các vị Trưởng lão, Hòa thượng được đại chúng cung cử gọi là Tự tứ nhơn. Thông thường, một đại chúng lớn thì có ba vị làm Tự tứ nhơn. Họ sẽ đối thú nhau xưng tội cầu thỉnh vị kia chỉ tội để sám hối cho được thanh tịnh. Sau đó ba vị Tự tứ nhơn này sẽ lần lượt đi đến mọi người trong đại chúng để chư Tăng thú tội, nếu có thì sám hối. Và lần lượt ba vị một thú tội cho đến khi nào hết thì thôi.
Luật tạng quy định, trong kỳ lễ Pavāraṇā có nhiều vị, không nên đọc Pavāraṇā chung cùng nhau, phải đọc mỗi vị 3 bận, trừ ra có duyên cớ như: thí chủ đương bố thí, Tỳ-kheo đương nghe pháp, đêm gần tàn hành Pavāraṇā, mỗi vị 3 bận không kịp, hoặc 10 điều nguy hiểm không thể hành Pavāraṇā, mỗi vị đọc 3 bận không kịp, thì đọc mỗi vị 2 bận, nếu mỗi vị đọc 2 bận không kịp, thì đọc mỗi vị 1 bận, nếu mỗi vị đọc 1 bận không kịp, thì đọc chung cùng nhau với những vị đã nhập hạ chung một kỳ, nhưng phải tụng tuyên ngôn trước như vầy: Bạch Đại đức Tăng, xin Tăng nghe tôi trình, ấy là điều nguy hiểm đến phạm hạnh, nếu Tăng Pavāraṇā 3 bận chắc không kịp, điều nguy hiểm đến phạm hạnh ấy ắt sẽ phát sanh lên không sai. Nếu Tăng sự vừa đến Tăng rồi, Tăng nên Pavāraṇā (2 bận), (1 bận) cho Tỳ-kheo nhập hạ chung một kỳ nhau đều Pavāraṇā chung cùng nhau (samànavassikà Pavāraṇā).[2]
Theo tinh thần của Phật giáo, lễ Tự tứ hay thỉnh cầu vị khác chỉ lỗi của mình là một cách kiểm điểm lại bản thân. Từ những hành động do thân, đến những lời nói phát ra từ miệng, thậm chí là những suy nghĩ từ ý, nếu thấy những lời chỉ dạy đó là đúng sự thật, phải thành khẩn sám hối để được thanh tịnh. Nhờ vậy, mọi thành viên trong Tăng đoàn đều trở nên hoàn thiện, xứng đáng là bậc phước điền của nhân thiên.
Lễ Tự tứ, là hình thức thú lỗi lẫn nhau, vì trong thời gian an cư chắc chắn ít nhiều có những lỗi lầm do thấy, do nghe, do nghi nên thú lỗi với chư Tăng trước khi từ giã lên đường hành đạo.
Nghi lễ bắt đầu với việc chư Tăng nhập hạ chung mặc y phục chỉnh tề, lễ bái Tam bảo, ngồi chồm hổm với nhau theo thứ tự hạ lạp, lớn hạ đọc trước nhỏ hạ đọc sau: “Kính bạch quý ngài, trong ba tháng An cư, tôi xin làm lễ Tự tứ với chư Tăng, nếu quý ngài có thấy, nghe, hoặc nghi những điều gì đối với tôi, xin quý ngài hãy từ bi chỉ bảo, để tôi hành theo cho được sự lợi ích” (bạch lần thứ nhì, lần thứ ba).[3]
Văn bản tiếng Hán (phiên âm) như sau: “Đại đức nhất tâm niệm. Kim nhật chúng Tăng Tự tứ, ngã Tỳ-kheo… diệc Tự tứ. Nhược hữu kiến – văn – nghi tội, nguyện Đại đức ai mẫn ngữ ngã, nhược hữu kiến tội, đương như pháp sám hối”. Nghĩa: Đại đức nhất tâm niệm. Hôm nay chúng Tăng Tự tứ. Tôi/con Tỳ-kheo… cũng Tự tứ. Nếu có tội được thấy, được nghe và được nghi, nguyện Đại đức thương tưởng chỉ giáo cho tôi. Nếu tôi thấy có tội, sẽ như pháp sám hối (nói ba lần). Người nhận Tự tứ đáp: Thiện. Người Tự tứ đáp: Nhĩ. (Đại Chính 22, tr.837a).
Nghi thức tuy đơn giản nhưng rất thâm thúy và đầy đạo vị của những người xuất gia sống đời phạm hạnh. Giống như cánh đại bàng tự do giữa bầu trời thênh thang, sư tử oai hùng tự tại giữa cánh rừng đại ngàn, bậc xuất gia cũng tự do ung dung trong nội tâm; trước khi nhập hạ cũng diễn ra trong niệm đoàn kết, kết thúc cũng thể hiện lục hòa bằng hình thức Tự tứ.
Sau lễ Tự tứ, chư Tăng lại bắt đầu lên đường làm nhiệm vụ của sứ giả Như Lai, hoằng truyền Phật pháp cứu độ chúng sinh.Truyền thống An cư và Tự tứ trong Phật giáo diễn ra hàng năm. Nơi nào có trú xứ chư Tăng thì nơi đó có pháp An cư và Tự tứ. Đây có thể nói là một nét đẹp truyền thống được người xuất gia đệ tử Phật giữ gìn qua bao thế hệ. Không vì bất cứ lý do gì mà hủy bỏ nghi lễ quan trọng này.
Ngoài sự thú tội, sám hối làm cho hành giả được thanh tịnh, nghi thức Tự tứ còn làm tăng trưởng lòng tin trong sạch cho hàng nam nữ cư sĩ Phật tử. Hiếm có một tôn giáo hay tổ chức nào có nghi lễ ý nghĩa và tuyệt đẹp như vậy.
Hình ảnh quý Tăng (Ni) đối thú nhau để xưng tội cầu sám hối nếu thấy, nghe, nghi thì như pháp sám hối toát lên sự trang nghiêm, linh thiêng, mầu nhiệm. Nghi lễ này cũng đồng thời đánh dấu một chặng đường tu học của hành giả An cư trong ba tháng miên mật hành trì giới, định, tuệ để tấn tu đạo nghiệp.
Sau lễ Tự tứ mọi người đều tăng trưởng hạ lạp, tức thêm một tuổi đạo. Đây là niềm vui lớn nhất của người xuất gia học đạo.
Thông qua mỗi mùa An cư, Tự tứ các hành giả tự thân cảm nhận được năng lực tu học của mình. Phước đức tăng trưởng, đạo nghiệp viên dung đó là ý nghĩa thiêng liêng và cao quý nhất của nghi thức Tự tứ.
Pháp chế Tự tứ, nếu được đại chúng thực hành chí thành, đúng mức thì đó thật là nguồn năng lực lớn lao để củng cố tinh thần hòa hợp thanh tịnh của Tăng-già; trưởng dưỡng tâm Bồ-đề ngày càng lớn mạnh, bền chắc; giúp cho sự nghiệp nhiếp hóa chúng sinh thành tựu viên mãn. Chư vị thiện nam tín nữ cũng nương nhờ uy đức rộng lớn như biển của Đại Tăng mà tâm linh thăng tiến; nhờ tu học Phật pháp mà trí tuệ phát triển; nhờ thành tâm tu hạnh bố thí cúng dường mà phước đức sâu dày, duyên lành đối với Phật pháp sẽ kết chặt vững bền mãi mãi về sau.
_____________________________________________
[1] Luật tạng, Đại phẩm, chương IV, đoạn 14;
[2] Tự tứ (www.budsas.org);
[3] Pavāraṇā, theo Wikipedia.
BBT CHÙA TỰ TÂM
Thảo luận về post