Tưởng niệm 100 năm ngày đức Tăng Cang Từ Trí viên tịch (2/7 âm lịch)
(Tăng Cang có nghĩa là: (僧綱): tên gọi một chức tăng quan chuyên giám sát quy luật của tăng ni cũng như quản lý ngôi chùa lớn nổi tiếng. Ở Trung Quốc một số danh xưng khác được dùng như Sa Môn Thống (沙門統), Tăng Thống (僧統), Tăng Chánh (僧正), Tăng Chủ (僧主), v.v.; riêng ở Nhật Bản thì chia thành Tam Cang gồm Tăng Chánh (僧正), Tăng Đô (僧都) và Luật Sư (律師).)
Tiểu sử Tổ Sư ẤN LAN – TỪ TRÍ
1/ Hành trạng:
Hòa thượng thế danh Nguyễn Viết Lư (Lô), hiệu Thức Trai, sinh vào giờ Dần ngày mồng 6 tháng 10 năm Nhâm Tý (1852), Tự Đức thứ 5 tại xã An Bình, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Bình Chánh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Vốn túc duyên nhiều đời với cửa Phật nên Ngài sớm có chí nguyện xuất gia và tham bái các vị trưởng lão trong bản tỉnh.
Năm Bính Dần (1866), niên hiệu Tự Đức thứ 19, khi vừa lên 15 tuổi, nhân duyên xuất gia hội đủ, Ngài đến chùa Linh Ứng, núi Ngũ Hành bái Hòa thượng Chương Quảng-Mật Hạnh làm thầy. Thấy Ngài phong tư đỉnh ngộ khác người nên Tổ thu nhận làm môn đệ và cho pháp danh là Ấn Lan, tự là Tổ Huệ. Ngài nối pháp dòng thiền Lâm Tế đời 39 và thế hệ thứ 6 pháp phái Chúc Thánh.
Từ đó, Ngài tinh cần học đạo, nghiên tầm giáo điển, cùng các ngài Từ Nhẫn, Chí Thành, Vĩnh Gia,… kết làm pháp lữ học kinh luật luận. Sự tinh cần học đạo của Ngài đã được tổ Mật Hạnh ấn chứng, truyền trao y bát, phú chúc với pháp hiệu là Từ Trí vào năm Kiến Phước nguyên niên, Giáp Thân (1884), khi Ngài vừa tròn 32 tuổi.
Năm Bính Tuất (1886), Đồng Khánh nhị niên, Ngài được triều đình bổ nhiệm làm trụ trì chùa Linh Ứng. Từ đây, Ngài ra sức tu bổ Linh Ứng, tạo tượng, đúc chuông khiến cho chùa ngày càng khang trang mỹ lệ.
Năm Giáp Ngọ (1894), Ngài được cung thỉnh làm Tôn chứng A-Xà-Lê tại đại giới đàn chùa Báo Quốc – Huế do Đức Tăng Cang Diệu Giác làm Hòa thượng đường đầu.
Năm Ất Mùi (1895), niên hiệu Thành Thái thứ 7, vua sai Tổng đốc Nam Ngãi đại thần Nguyễn Đại Nhân làm khâm sai sát hạch Tăng đồ. Thấy Ngài tinh tường khoa phạm kinh văn nên ngài khâm sai tâu về triều đình sắc phong cho Ngài làm Tăng cang, cai quản hai chùa Tam Thai-Linh Ứng. Trong lịch sử Phật giáo tại Ngũ Hành Sơn, Ngài là vị Tăng cang đầu tiên vậy.
Năm Đinh Dậu (1897), niên hiệu Thành Thái thứ 9, nhà vua ban cho Ngài hai chiếc “Ngũ Phước Ngân Tiền”, tưởng thưởng cho công đức tu hành cũng như đạo hạnh của Ngài.
Năm Canh Tý (1900), niên hiệu Thành Thái thứ 12, vua ban cho Ngài tấm biển với 4 chữ lớn “Hữu Tâm Tượng Giáo” treo lên cao để tán thán tài đức của Ngài đã làm Phật giáo hưng thạnh như thời Tượng pháp.
Năm Nhâm Dần (1902), niên hiệu Thành Thái thứ 14, Ngài tổ chức đại trai đàn tại chùa Linh Ứng, đích thân vua Thành Thái ngự vào dự lễ và ban cho Ngài sáu chiếc tử sắc cà sa để thưởng cho Phật sự này.
Năm Bính Ngọ (1906), niên hiệu Thành Thái thứ 18, vì bệnh duyên nên Ngài dâng sớ lên triều đình xin nghỉ chức Tăng cang. Tuy nhiên, Ngài vẫn ở lại Linh Ứng để chữa bệnh và đúc một pho tượng Chuẩn Đề tôn trí tại chùa.
Năm Tân Hợi (1911), niên hiệu Duy Tân thứ 5, vì thiền đường chật hẹp, Ngài làm thêm một ngôi nhà tại bên phải của chùa, có tên là “Thiền Lưu Tôn đường”. Đồng thời, cũng trong năm này, Ngài đã trùng tu lại bảo tháp của tổ khai sơn là Bảo Đài Hòa thượng.
Vào ngày mồng 2 tháng 7 năm Tân Dậu (1921), triều vua Khải Định năm thứ 6, Ngài đã xả bỏ báo thân để thể nhập vào pháp thân bất sanh bất diệt ở tuổi đời 70. Bảo tháp của Ngài được xây dựng tại phía Nam của ngọn Thủy Sơn trong cụm Ngũ Hành. Bi minh của Ngài do chính Tú Tài Hồ Thăng Doanh viết.
Ngài đã trước tác cuốn “Ngũ Hành Sơn Lục” vào năm Bính Thìn (1916). Đây là cuốn sách rất có giá trị về mặt lịch sử, bổ ích cho những ai để tâm nghiên cứu về lịch sử văn hóa và Phật giáo tại Ngũ Hành Sơn. Đạo nghiệp và công hạnh của thiền sư Ấn Lan-Từ Trí vẫn mãi là một tấm gương sáng cho các thế hệ Tăng trẻ Quảng Nam nói chung và của dòng Lâm Tế Chúc Thánh nói riêng noi theo.
Đệ tử nối pháp Ngài tiêu biểu các vị sau:
HT Chơn Quyên – Đạo Cát – Hưng Long: Khai sơn Tổ đình Vu Lan Đà Nẵng
HT Chơn Cảnh – Đạo Hoằng – Huệ Duyệt: Tăng cang Quốc tự Vĩnh An Quảng Nam, khai sơn Tổ đình Bảo Thọ – Minh Đán.
HT Chơn Quả – Đạo Trấn – Đương Như: Tăng cang Quốc tự Vĩnh An, trụ trì Tổ đình Phước Lâm – Long Tuyền.
HT Chơn Sao – Đạo Truyền – Đương Tiết: Trụ trì Quốc tự Vĩnh An Quảng Nam
HT Chơn Đồng – Đạo Hội – Đương Cần: Thơ ký Quốc tự Linh Ứng Đà Nẵng
HT Chơn Lượng – Đạo Thọ – Đương Thái: Trụ trì Tổ đình Phước Long Quảng Nam.
HT Chơn Lăng – Đạo Linh – Đương Khánh: Trụ trì chùa Nghĩa Trũng Điện Bàn
HT Chơn Trừng – Đạo Thanh – Đương Nhật: Khai sơn chùa Khánh Lâm Saigon
HT Chơn Tá – Đạo Hóa – Tôn Bảo: Trụ trì Tổ đình Vu Lan Đà Nẵng
HT Chơn Bàng – Đạo Chánh – Tuệ Liên: Trụ trì Tổ đình Bảo Thọ Quảng Nam, chùa Nghĩa Trũng, Tân Thành Đà Nẵng.
2/ Nhận định:
· Thiền sư Từ Trí là một trong những cao Tăng của Quảng Nam thời cận đại. Ngài là người tinh nghiêm giới luật, tu hành khổ hạnh. Sự trì giới và khổ hạnh của Ngài đã được một ký giả người Pháp tên Albert De Marbre viết lại trong cuốn Les Montagnes De Marbre (Ngũ Hành Sơn) như sau: “Nhưng tôi biết vị Tăng cang Lư có lần đã ngã quỵ với khoản tiền lương và chế độ ăn uống này. Vị sư phải nhờ bệnh viện Hội An điều trị, năm 1920, chứng suy dinh dưỡng khiến nhà tu chịu đựng hết nỗi. Dù giải thích thế nào, viện dẫn lý lẽ ra sao, vị trưởng lão già nua vẫn không muốn vượt ra ngoài giới luật nghiêm cấm dùng mọi thức ăn có nguồn là động vật: như sữa, trứng, mỡ, nước mắm, ngay cả thịt và cá.”
· HT Thích Như Thọ đã tán thán Ngài:
“Ân đức của Tổ thật cao thượng, cả Quảng Nam – Đà Nẵng, chúng ta đều là con cháu Tổ, uy đức của Tổ vẫn mãi in bóng ở mảnh đất núi Ngũ – sông Thu.”
Nam mô Phật
Thảo luận về post