NGƯỜI TU HÀNH KHÔNG LẦM NHÂN QUẢ ?
Hỏi: Các vị Cao Tăng Đại đức là những bậc đại tu hành còn có rơi vào vòng chi phối của nhân quả hay không?
Đáp: Nhân quả là quy luật của vũ trụ vạn vật, không có một ai có thể đi ra ngoài quy luật ấy. Người tu hành đạt đạo và chứng quả thì không còn mê lầm đối với nhân quả, chứ chẳng phải là không còn nằm trong nhân quả. Việc này có liên hệ đến một công án của nhà Thiền. Một hôm, Hòa thượng Bá Trượng lên tòa giảng pháp cho đại chúng. Sau khi kết thúc buổi giảng, mọi người đều ra về hết, duy chỉ có một cụ già còn ở lại, đi đến đảnh lễ và trình với Hòa thượng:
– Bạch Hòa thượng! Con không phải là người.
Hòa thượng hỏi:
– Ông không phải là người, vậy ông là gì?
Ông lão đáp:
– Bạch Hòa thượng! Năm trăm đời về trước, con vốn là một người xuất gia tu hành ở ngọn núi này. Ngày nọ, có một người đến hỏi con: ‘Bậc tu hành đạt đạo có còn rơi vào nhân quả hay không?’. Khi ấy, con đã trả lời: ‘Không còn rơi vào nhân quả’. Chỉ vì một câu nói đó, mà con phải bị đọa năm trăm kiếp làm chồn sống ở ngọn núi này. Nay xin Hòa thượng từ bi nói cho con một lời để chuyển hóa thoát khỏi kiếp chồn.
Lúc đó, ngài Bá Trượng nghiêm trang nói với ông lão:
– Vậy ông hãy hỏi lại ta câu hỏi đó.
Ông lão hỏi:
– Bạch Hòa thượng! Người tu hành đạt đạo có còn rơi vào nhân quả không?
Ngài Bá Trượng đáp rằng:
– Không lầm nhân quả!
Khi nghe câu nói đó rồi, ông lão đảnh lễ Hòa thượng và cầu xin:
– Xin Hòa thượng buổi chiều nay hãy làm lễ an táng cho con giống như một vị Tăng.
Nói xong, ông lão đảnh lễ Hòa thượng ra đi. Buổi chiều, ngài Bá Trượng đánh kiền chùy tập hợp đại chúng lại và nói: ‘Hôm nay có một vị Tăng vừa qua đời, đại chúng nên đi làm lễ’. Mọi người đều ngạc nhiên vì nhìn thấy số Tăng chúng sống trong chùa đều còn đầy đủ, không có ai viên tịch. Sau đó, ngài đã dẫn đại chúng đi tới một cái hang phía sau núi để xem thì thấy có một con chồn đang nằm chết trong đó. Ngài và đại chúng cùng nhau làm lễ nghi thức an táng cho con chồn giống như một vị Tăng xuất gia. Như vậy, ngay cả người đã xuất gia, nhưng chưa tu hành tới chỗ rốt ráo, vẫn có thể phạm sai lầm trong vấn đề nhân quả và làm cho người khác lầm lạc, thấy không đúng dẫn đến việc tu sai, do đó phải chịu tội báo đọa làm chồn năm trăm kiếp. Đối với vấn đề nhân quả, tất cả mọi người đều phải hết sức thận trọng, không thể mở miệng nói càn. Chỉ là không có sai lầm đối với nhân quả, bởi vì đã thấu suốt rõ ràng nhân quả, chứ chẳng phải không còn rơi vào nhân quả.
Quy luật nhân quả bao trùm khắp vũ trụ vạn vật, không chỗ nào không có từ ngàn xưa cho đến ngàn sau, không có thay đổi. Ví dụ, chúng ta gieo trồng hột cam xuống đất và chăm sóc vun bón cho nó thì mấy năm sau nó sẽ mọc thành cây và những trái cam ngọt. Ngược lại, gieo hạt ớt hay hạt chanh xuống đất thì chỗ ấy sẽ mọc lên cây cho quả ớt cay hoặc quả chanh chua. Từ xưa đến giờ không hề có việc trồng hạt chanh mà có trái cam, bởi vì nhân nào thì quả nấy, không thể có sự sai lệch. Không chỉ nhân quả ở trong loài thực vật, mà các loại động vật hay sự tu hành, thậm chí cho đến những ý niệm vi tế cũng không ra thể vượt ngoài quy luật nhân quả. Ví dụ, khi chúng ta mắng nhiếc người khác một câu, thì họ cũng tìm cách để trả đũa lại mình. Hoặc chúng ta luôn nghĩ những điều xấu ác về một người nào đó, thì lâu ngày điều ấy sẽ trở thành ý nghiệp và chiêu cảm quả báo là họ cũng sẽ nghĩ xấu về mình. Nhân quả như bóng theo hình, như vang theo tiếng, dù trải qua ngàn đời cũng không có mất. Người tu khi đã hiểu rõ về đạo lý nhân quả rồi, thì từ ý nghĩ, lời nói cho đến hành động hay việc làm đều nên chọn lựa cái nhân thiện lành để gieo trồng ngay trong hiện tại và đừng nên gieo xuống những cái nhân xấu ác để đưa chúng ta đi đến cái quả khổ đau về sau.
BBT: Nhân quả báo ứng là một chân lý không cần bàn cãi, nhưng trong bài viết này có nhắc đến câu chuyện Tổ Bách Trượng và ông già hồ ly 500 kiếp. Ý nghĩa câu chuyện này nhấn mạnh ở điểm một người bất luận là tăng hay tục khi giảng giải về giáo lý của đức Phật cần phải hết sức cẩn trọng vì một chỉ một nói sai một chữ đã làm lệch lạc giáo lý của đức Phật thế nên sẽ bị đọa lạc. Như câu chuyện một vị tăng chỉ vì nói sai một chữ làm sai luôn cả quy luật nhân quả khiến phải đọa làm 500 kiếp chồn may nhờ tổ Bách Trượng nói một lời chuyển ngữ mới thoát được kiếp chồn.
(Nguyên văn chữ Hán vị tăng trả lời là BẤT ĐỌA NHÂN QUẢ. Tổ Bách Trượng chuyển thành BẤT MUỘI NHÂN QUẢ)
Đây là một bài học mà anh chị em huynh trưởng cần phải suy ngẫm thật kỹ trước khi hướng dẫn giáo lý cho các em đoàn sinh.
Kinh Nhân Quả Ba Đời
>>> Trích Phật thuyết về Nhân Quả trong Kinh Địa Tạng Bồ tát Bổn Nguyện
Thuở xưa, có người đến hỏi một vị Thiền sư: “Bậc tu hành đã ngộ lý Chân Không, có lạc vào vòng nhân quả đặng?”. Thiền sư đáp: “Bậc đại tu hành chẳng lạc vào vòng nhân quả”.
Vì câu trả lời này mà khiến cho Thiền sư phải đọa làm kiếp chồn năm trăm năm, sau gặp ngài Bá Trượng mới được giải thoát.
>>> Khái quát đầy đủ nhất về Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện
Cũng do câu chuyện trên đây, nên các vị cổ đức khuyên người học Phật, trước tiên phải duyệt các kinh nói về nhân qủa tội phước, chú trọng phần giới hạnh, cùng hiểu biết sự luân hồi trong ba cõi sáu đường, sau mới nghiên cứu qua kinh cao. Nếu trái thứ tự, bước đầu tiên đọc những kinh như: Kim Cang, Pháp Bảo Đàn…nếu không phải là người có nhiều căn lành, tất dễ sinh lòng khinh mạn và lạc vào lối chấp không? Thật ra, nhân qủa không phải là chuyện thấp nhỏ, vì từ chúng sinh đọa tam đồ cho đến chư Phật thành Chính Giác đều không ngoài nhân quả. Do sự kiện trên bút giả mới phiên dịch quyển kinh nàỵ
Vì kinh nhân quả nói tóm tắt không mấy trang nên bút giả lại phụ thêm một ít câu chuyện tạm gọi là “Nhân quả luân hồi tạp lục”.
>>> Kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – PDF
Về việc luân hồi nhân quả ở Việt Nam ta cũng có nhiều, tiếc vì không ai ghi chép thành sách, nên tản mác đi. Vì thế, bút giả đành tìm dịch các câu chuyện bên Trung Hoa, và những việc này đều có thật. Cái thông bệnh của người tu Phật, là hay luận huyền nói diệu, mà việc thường nhỏ lại ít khi làm được. Nhớ lại hồi xưa sư cụ Khánh Hòa còn tại thế, có một Phật tử hỏi về đạo lý “vô thỉ vô chung”. Sư Cụ mỉm cười đáp: “Hỏi chi xa vời vậy? Gắng ăn chay và niệm Phật cho đều đều là tốt lắm rồi!”, Đại để, người đã lăn lội trong nhiều giáo điển, lại không muốn nói diệu huyền mà chỉ chú trọng đến sự thật hành thông thường, là như thế.
Kinh Hoa Nghiêm nói: “Lòng tin là bước đầu của đạo, và mẹ của tất cả công đức”. Mong những vị hữu duyên, khi xem đến quyển sách này, bắt đầu tu niệm tin có linh hồn ma quỷ, đến tin có tội phước báo ứng, việc chuyển kiếp luân hồi, cũng sự linh hiển của Phật Pháp. Do đó, lần lượt tiếp tục xem những kinh cao hơn. Chừng ấy, lẽ không không sắc sắc, đường thị thị phi phi, sẽ hỏi Phật đà mà tỉnh ngộ.
>>> KINH ĐỊA TẠNG – THẦY THÍCH ÂN ĐIỀN Tụng (Trọn Bộ) Mp3
———
Một hôm, Tôn giả A Nan Đà, ở trên hội Linh Sơn cùng với một ngàn hai trăm năm mươi đại Tỳ Kheo câu hội.
Khi ấy A Nan Đà Tôn giả, chắp tay đảnh lễ Phật, nhiễu quanh ba vòng, rồi quỳ xuống thưa thỉnh đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn rằng:
– Bạch Thế Tôn! Đến thời mạt pháp, tất cả chúng sinh ở cõi Nam Diêm Phù Đề, nhiều kẻ sinh niệm chẳng lành, không kính Tam Bảo, không trọng cha mẹ, không có tam cang. Năm giềng rối loạn, nghèo khó, thấp hèn, sáu căn chẳng đủ, trọn ngày sát sinh hại mạng cho đến nghèo giàu sang hèn không đồng nhau. Do nhân duyên qủa báo gì khiến nên như thế?
Cúi xin đức Thế Tôn từ bi, vì chúng con giải thích mọi sự việc.
Phật bảo A Nan cùng các đại đệ tử: Lành thay! Lành thay! Các ông hãy lắng nghe! Ta sẽ vì các ông mà giải thích rành rẽ”.
Tất cả nam nữ ở thế gian giàu sang hay nghèo hèn, chịu khổ vô cùng hoặc hưởng phước vô lượng đều do nhân duyên từ đời trước mà cảm qủa báo.
Cho nên tất cả chúng sinh, trước phải hiếu kính cha mẹ, kế đó phải tin trọng ngôi Tam Bảo, thứ ba nên bỏ giới sát mà phóng sinh, và thứ tư cần ăn chay bố thí mới có thể gieo giống ruộng phước về sau.
Phật liền nói bài kệ nhân quả rằng:
Giàu sang đều bởi mạng
Đời trước có tu nhân
Ai thọ trì kinh này,
Đời đời hưởng phước lộc.
Thiện nam, tín nữ nghe ta nói:
Suy nhớ kinh Nhân Quả ba đời
Nhân quả ba đời việc chẳng nhỏ,
Phật nói lời Phật chớ chê khinh.
1. Đời nay làm quan do nhân gì?
Kiếp trước vàng ròng thếp tượng Phật
Đời nay hưởng phước bởi nhân xưa
Đai vàng, áo tía, cầu nơi Phật.
Vàng trang nghiêm Phật, trang nghiêm mình.
Làm đẹp Như Lai, đẹp từ thân.
Đừng bảo làm quan là chuyện dễ,
Không tu phước ấy đến từ đâu?
2. Cưỡi ngựa, ngồi kiệu do nhân gì?
Kiếp trước làm cầu, bồi đắp lộ.
3. Do nhân duyên gì mặc gấm vóc?
Đời trước thí áo giúp Tăng Ni.
4. Có ăn, có mặc do nhân gì?
Xưa giúp kẻ nghèo cho ăn uống.
5. Ăn mặc thiếu thốn bởi nhân chi?
Kiếp trước một nửa không xả thí.
6. Lầu cao nhà lớn do nhân gì?
Xưa lên chùa am cúng thí gạo.
7. Phước lộc đầy đủ cho nhân gì?
Xưa lập chùa am cất nhà mát (1)
8. Tướng mạo xinh đẹp do nhân gì?
Đời trước hoa tươi cúng dường Phật.
9. Thông minh trí tuệ do nhân gì?
Kiếp trước ăn chay, thường niệm Phật.
10. Người thấy vui mừng do nhân gì?
Xưa kết duyên lành cùng đại chúng.
11. Chồng vợ bền lâu do nhân gì?
Đời trước tràng phan nghiêm cúng Phật.
12. Cha mẹ song toàn do nhân gì?
Đời trước kính trọng người cô độc.
13. Không cha mất mẹ do nhân gì?
Kiếp trước là người đánh bẫy chim.
14. Con cháu đông nhiều do nhân gì?
Đời trước mở lồng thả chim thú.
15. Nuôi con không được do nhân gì?
Xưa sinh con gái dìm cho chết? (2)
16. Đời nay không con do nhân gì?
Kiếp trước bẻ gãy hại trăm hoa.
17. Đời nay sống lâu do nhân gì?
Kiếp trước mua vật phóng sinh nhiều.
18. Đời nay mạng yểu do nhân gì?
Kiếp trước xẻ thịt giết chúng sinh.
19. Đời nay không vợ do nhân gì?
Kiếp trước tham mưu gian vợ người.
20. Đời nay ở góa do nhân gì?
Kiếp trước buông lung khinh rẻ chồng.
21. Làm thân tôi đòi do nhân gì?
Kiếp trước quên ơn cùng phụ nghĩa.
22. Đời nay mắt sáng do nhân gì?
Kiếp trước cúng dầu đốt đèn Phật.
23. Đời nay đui mù do nhân gì?
Kiếp trước chỉ đường chẳng phân minh.
24. Môi miệng sứt thiếu do nhân gì?
Kiếp trước thổi tắt đèn cúng Phật.
25. Đời nay câm điếc do nhân gì?
Xưa từng ác khẩu mắng cha mẹ.
26. Đời nay lưng gù cho nhân gì?
Kiếp trước chê cười người lễ Phật.
27. Tay bị cong quẹo do nhân gì?
Đời trước đều là người tạo nghiệp.
28. Chân bị co rút do nhân gì?
Kiếp trước ngăn đường đánh cướp người.
29. Làm thân trâu ngựa do nhân gì?
Xưa thiếu nợ người không chịu trả.
30. Đọa làm heo chó do nhân gì?
Kiếp trước lừa gạt phỉnh hại người.
31. Đời nay nhiều bệnh do nhân gì?
Xưa đem rượu thịt bày cúng Phật.
32. Đời nay không bệnh do nhân gì?
Xưa thí thuốc men cứu bệnh nhân.
33. Hằng bị lao tù do nhân gì?
Kiếp trước làm ác chẳng nhượng người.
34. Đời nay chết đói do nhân gì?
Kiếp trước thường lấp hang rắn chuột
35. Bị thuốc độc chết do nhân gì?
Kiếp trước đăng lưới giết hại cá.
36. Nổi trôi cơ khổ do nhân gì?
Ác tâm lấn hiếp mưu hại người.
37. Đời nay lùn bé do nhân gì?
Kiếp trước xem kinh để dưới đất. (3)
38. Nay thường thổ huyết do nhân gì?
Xưa ăn thịt rồi đi tụng kinh. (4)
39. Đời nay ngu điếc do nhân gì?
Kiếp trước tụng kinh chẳng lắng nghe.
40. Ghẻ lác phong điên do nhân gì?
Xông hơi thịt cá trước bàn Phật.
41. Thân có mùi hôi do nhân gì?
Xưa bán hương thơm trọn dối gian.
42. Đời nay chết treo do nhân gì?
Kiếp trước đem dây săn bẫy thú.
43. Quan, quả, cô độc do nhân gì?
Xưa thường ganh ghét hiềm mắng người.
44. Sét đánh lửa thiêu do nhân gì?
Cân non, già, thiếu lòng gian xảo.
45. Rắn cắn cọp ăn do nhân gì?
Kiếp trước gây oan tạo đối đầu.
Muôn việc mình làm lại mình chịu
Thọ khổ địa ngục oán trách ai?
Đừng nói nhân qủa người không thấy.
Xa trả con cháu, gần trả mình.
46. Chỉ nhìn trước mắt người hưởng phước.
Sẽ tin bố thí với trì trai.
Kiếp trước tu nhân nay hưởng quả.
Đời nầy tu tích để về sau.
Nếu ai hủy báng kinh Nhân Quả
Kiếp sau đọa lạc mất thân người.
Kẻ nào thọ trì kinh Nhân Quả.
Chư Phật, Bồ Tát đều chứng minh.
Kẻ nào biên chép kinh Nhân Quả,
Truyền đời tu học đạo nhà hưng.
Ai mà mang đội kinh Nhân Quả,
Tai hung hoạnh họa chẳng vào thân.
Nếu người giản nói kinh nhân qủa
Đời đời kiếp kiếp được thông minh
Kẻ nào đề xướng kinh Nhân Quả
Đời sau người thấy sinh cung kính.
Người nào ấn tống kinh Nhân Quả.
Kiếp sau sẽ được thân Đế Vương.
Theo Kinh Nhân Quả hỏi đời trước.
Chính sự thọ hưởng của đời nay.
Theo Kinh Nhân Quả hỏi đời sau.
Chính sự gây nhân của kiếp này,
Nếu như nhân quả không cảm ứng,
Do đâu Mục Liên cứu được mẹ?
Người nào tin sâu kinh Nhân Quả.
Đồng sinh Tây phương cõi Cực Lạc.
Nhân quả ba đời nói không hết.
Thiên long chẳng bỏ ý người lành.
Nên ngôi Tam Bảo ruộng phước lớn,
Nhân tu tuy một, hưởng muôn ngàn.
Gởi kho bền chắc không hư mất, (5)
Nhiều đời thọ dụng phước vô cùng.
Muốn biết nhân đời trước,
Xem sự hưởng đời nay,
Muốn biết quả đời sau,
Xem việc làm kiếp này.
Chú thích:
(1) Nhà dưỡng Lão, cô nhi.
(2) Thuở xưa từ Ấn Độ, cho đến Trung Hoa, những nhà nghèo sinh con nhiều nuôi không tham nên dìm cho chết bớt con gái lúc mới sinh ra.
(3) Ngồi dưới đất xem kinh, nên để kinh trên một cái bệ, khinh mạn cũng là nhân của tướng lùn bé. Lễ Phật, khiêm hạ là nhân của tướng cao hơn.
(4) Ăn mặn rồi muốn tụng kinh, phải súc miệng rửa tay, rửa miệng sạch, và tụng chú như sau. Tất được thanh tịnh không tội lỗi: Tịnh tam nghiệp chân ngôn: Um Soa Pha Va Suýt Đà, sạt và đạt ma, soa phạ va suýt đa hàm (7 biến) Aum! Syabhava sudaha, sarva drama svabhava suddhà hàma.
(5) Gởi kho đây không phải đốt giấy tiền vàng bạc gởi vào kho, mà ý nói tiền của thế gian không bền, khi chết rồi phải bỏ lại tất cả. Chỉ có tu phước làm lành ăn chay, tụng kinh, tham thiền, niệm Phật, là kho.
Việt dịch: HT Thích Thiền Tâm
Thảo luận về post