Đạo đức Phật giáo
Không phải ngẫu nhiên ngày nay Phật giáo được nhân loại tôn vinh là một trong những tôn giáo có một triết lý sống nhân văn và thiết thực nhất. Cụ thể, đạo Phật là tôn giáo xuất phát từ hiện thực con người và vì con người, nhằm hướng con người đi đến hạnh phúc an lạc. Sở dĩ được tôn vinh như vậy là do toàn bộ giáo lý của Đức Phật thể hiện một nếp sống đạo đức có những đặc trưng riêng biệt, nổi bật mà khi chúng ta trải nghiệm sẽ nhận chân được các giá trị hạnh phúc.
Trước hết, đạo đức Phật giáo luôn thể hiện tính dứt khoát, minh bạch trong sự phân biệt giữa cái thiện và cái ác. Kinh Tăng chi khẳng định thiện và ác phân biệt cách xa nhau như đất với trời, như bờ bên này với bờ bên kia của đại dương, như hướng mặt trời lặn và mặt trời mọc…; đồng thời cũng phân biệt rõ nguyên nhân căn bản của thiện là không tham, không sân, không si; nguyên nhân căn bản của ác là tham, sân, si; lại phân biệt rõ ràng kết quả thiện đem lại hạnh phúc cho đời này và đời sau như thế nào, kết quả của ác đem lại bất hạnh cho đời này và đời sau như thế nào. Tướng của thiện và ác cũng được phân tích rõ ràng là không sát sanh hay sát sanh, bố thí hay trộm cắp, sống chánh hạnh hay là tà hạnh v.v… cho đến những ý nghĩ thiện hay bất thiện trong tâm hồn cũng được phân tích rõ ràng minh bạch.
Trong khi đó, thì nhiều thuyết đạo đức của phương Tây lại hay muốn nhấn mạnh tính tương đối của thiện và ác, muốn nói tiêu chuẩn của thiện và ác thay đổi theo thời gian và không gian, hôm nay ở đây một điều gọi là thiện, nhưng hôm khác ở một chỗ khác gọi là ác v.v… Nếu chúng ta coi trọng tính thực tiễn của học thuyết đạo đức, nghĩa là mọi học thuyết đạo đức đều phải nhằm mục đích khích lệ mọi người sống thiện, bỏ ác, thì một chủ thuyết đã không phân biệt được rõ thiện và ác thì làm sao có thể khuyến khích mọi người sống thiện, không sống ác. Một chủ thuyết tuyên bố thiện là cái không thể định nghĩa thì làm sao có thể khuyến cáo người ta làm điều thiện. Chính vì vậy mà giáo sư T.W. Rhys Davids, trong tập “American Lecture” đã phê bình rằng: “Cho tới nay, việc nghiên cứu đạo đức ở phương Tây đã thất bại thảm hại qua những cuộc bàn cãi lý luận kéo dài và những tư biện trống rỗng cắt đứt mọi thực tế”.
Thứ hai, tính liên tục nhất quán của nội dung đạo đức Phật giáo được xem như là một đặc trưng của đạo đức Phật giáo. Nội dung của thiện ác như chính Đức Phật Thích Ca đã đích thân thuyết giảng, từ ngày Ngài còn tại thế cách đây hơn hai nghìn rưỡi năm, và được kết tập trong Kinh tạng Nguyên thủy (văn hệ Pàli), nội dung thiện ác đó đã được duy trì một cách liên tục nhất quán cho đến nay, hầu như không thay đổi gì mấy kể cả trong thời kỳ Phật giáo bộ phái và Phật giáo Đại thừa. Nội dung của năm giới, mười điều thiện cho đến nay, vẫn không thay đổi mặc dù Phật giáo đã phát triển qua một thời gian dài và trở thành một tôn giáo thế giới, có mặt ở hầu hết các nước trên hành tinh này.
Có thể nói, sự phân biệt thiện và ác của đạo đức Phật giáo không chỉ dứt khoát, minh bạch mà còn nhất quán và liên tục. Có thể nói, được tuyên bố và minh định bởi chính Đức Phật Thích Ca là bậc Đại giác ngộ, Đại trí tuệ, nội dung của đạo đức Phật giáo thật sự là những giá trị siêu thời gian và không gian, và trở thành khuôn mẫu ứng xử tốt đẹp nhất của con người, không kể là thời đại nào hay sống trên châu lục nào.
Chính vì vậy mà Albert Schweitzer, nhà Ấn Độ học thâm thúy và nổi danh người Đức đã khẳng định “Đức Phật đã sáng tạo ra một nền đạo đức nội tâm hoàn thiện nhất”, và “trong lĩnh vực này, Đức Phật đã nói lên những chân lý đạo đức có giá trị bất hủ, đã phát triển nền đạo đức không phải của đất nước Ấn Độ mà là của cả nhân loại. Đức Phật là một trong những nhà đạo đức học vĩ đại nhất, kỳ tài nhất mà thế giới có được”. Tôi dẫn chứng lời một học giả phương Tây, mà uy tín khoa học và thái độ trung thực khách quan là không ai có thể nghi ngờ được. Ông ta không phải là một ngòi bút dễ dãi. Có thể nói ông đã đánh giá nền đạo đức Phật giáo, sau khi đã duyệt qua với tinh thần phê phán khoa học nghiêm túc, tất cả mọi chủ thuyết đạo đức của phương Tây và phương Đông.
Đặc trưng thứ ba của đạo đức Phật giáo dựa trên quy luật nhân quả nghiệp báo. Đây là một quy luật có giá trị khách quan nhất, công bằng nhất, quy luật nhân quả nghiệp báo đề cao ý thức trách nhiệm của mỗi người đối với cá nhân, cũng như đối với cộng đồng và xã hội.
Theo Phật dạy, nghiệp là hành động. Nghiệp báo là kết quả hay là quả báo của hành động. Quả báo đó tương ứng với hành động tức nghiệp tạo ra nó. Ca dao tục ngữ Việt Nam đã đúc kết quy luật đó thành những câu như “ở hiền gặp lành”, “gieo gió gặt bão”. Đó là quy luật mà lương tri mọi người đều chấp nhận.
Đạo Phật xem quy luật này như là cái chìa khóa, giúp lý giải tất cả mọi sự vật và hiện tượng diễn biến trong tự nhiên và xã hội. Đạo Phật bác bỏ Thần ý luận, cũng như Ngẫu nhiên luận. Nếu mọi diễn biến trong xã hội đều do ý của thần linh hay của đấng sáng tạo sắp xếp sẵn rồi, thì mọi cố gắng sống đạo đức của người đều là vô ích. Đối với Ngẫu nhiên luận cũng vậy, nếu mọi diễn biến trong xã hội đều xảy ra một cách ngẫu nhiên, không có quy luật gì cả, thì sống đạo đức mà làm gì?
Định mệnh luận và Túc mệnh luận, tuy không phải là Thần ý luận, nhưng kết quả đối với hành động đạo đức của con người, cũng mang một ý nghĩa tiêu cực như thế. Nếu mọi diễn biến xảy đến cho xã hội và cá nhân đều do định mệnh, hay là do quá khứ quyết định và an bài, thì mọi cố gắng của con người trong hiện tại đều là bất lực và vô ích. Con người chỉ còn biết an phận và chịu đựng. Đọc các vở kịch thơ của Homère thời Hy Lạp cổ đại, chúng ta thường gặp khái niệm số mệnh hay số phận. Theo tôi, đó là một giải thích rất tiêu cực đối với mọi diễn biến của cuộc sống cá nhân và xã hội.
Đạo Phật, trái lại tuyên bố “Con người là chủ nhân của nghiệp, đồng thời con người cũng là thừa tự của nghiệp”, nghĩa là chính con người hành động bằng ý chí tự do của mình, và con người phải chịu hậu quả của hành động của mình. Nhưng lại nói, con người tuy là thừa tự của nghiệp nhưng quyết không phải là nô lệ của nghiệp. Con người, với một nỗ lực đạo đức tối đa trong hiện tại hoàn toàn có thể chuyển nghiệp quá khứ, hạn chế nghiệp quá khứ, thậm chí có thể xóa bỏ nó chuyển thành nghiệp thiện, nghiệp lành. Cũng như một người, do nghiệp nhân tạo ra trong đời quá khứ, phải sanh ra với một thân thể gầy yếu, thế nhưng, người đó với một cố gắng liên tục và tối đa rèn luyện thân thể, hoàn toàn có thể trở thành khỏe mạnh, thậm chí trở thành một lực sĩ hay võ sĩ. Đạo Phật bao giờ cũng khẳng định khả năng của con người là vô tận, nếu con người có ý chí phấn đấu, bản thân mình cũng như hoàn cảnh mình đều có thể cải tạo được theo hướng tiến bộ, nếu người thật sự muốn và cố gắng.
Có thể nói, sự hiểu biết đúng đắn thuyết nhân quả nghiệp báo của đạo Phật sẽ tạo cho mỗi người một ý thức trách nhiệm rất cao đối với cá nhân mình và xã hội. Bởi vì, căn cứ theo quy luật Nhân quả Nghiệp báo của đạo Phật, tất cả mọi hành động lời nói cho đến mỗi ý nghĩ của chúng ta, đều tác động đến bản thân chúng ta trong hiện tại và tương lai, đồng thời cũng tác động đến xã hội, tạo ra cái mà đạo Phật gọi là biệt nghiệp, đối với mỗi cá nhân và tạo ra cộng nghiệp đối với cộng đồng và xã hội. Nói cộng đồng ở đây là các cộng đồng nhỏ và lớn, trong đó mỗi con người chúng ta sống và hoạt động như gia đình, tập thể cơ quan, ngành nghề và quốc gia xã hội. Sống có ý thức, với đầy đủ trách nhiệm của mình tức là nhận chân thật rõ, không chút mơ màng là mỗi việc làm, mỗi lời nói, mỗi ý nghĩ của chúng ta đều có tác động ít hay nhiều đến bản thân mình đã đành (biệt nghiệp), mà còn đến người khác nữa, đến môi trường sống chung quanh chúng ta (cộng nghiệp). Cương vị càng cao, quyền lực càng lớn, thì tầm cỡ ảnh hưởng của mỗi việc làm chúng ta cũng rộng lớn theo, chứ không chỉ hạn chế trong phạm vi gia đình, bạn bè thân thuộc.
Một đặc sắc nữa của đạo đức Phật giáo là ý nghĩa thực tiễn, sống động của những nguyên lý đạo đức Phật giáo, chúng ta phải là những khuôn mẫu ứng xử hàng ngày, hàng giây phút và của cả đời. Mỗi người phải biểu hiện thường xuyên bằng những hành động đạo đức, lời nói đạo đức cho tới ý nghĩ đạo đức, trước hết là của tất cả Tăng, Ni, Phật tử. Nhờ vậy, chúng ta tỏa sáng cho đời để cuộc đời sáng đẹp hơn lên.
Và như thế, đạo Phật có mặt trong đời sống không chỉ diễn bày qua chùa chiền, tượng Phật, kinh sách, các nghi lễ cầu an, mà trước hết là bằng nếp sống đạo đức của Tăng, Ni, Phật tử, bằng những quan hệ ứng xử mẫu mực của mọi người với nhau trong xã hội. Khi mỗi người đã nhận chân ra đặc trưng của đạo đức Phật giáo là gì, thì chắc chắn rằng hạnh phúc sẽ mỉm cười với bất cứ ai thực hành theo nếp sống này.
(Thích Phước Đạt)
Thảo luận về post