Anh bạn tôi kể: Vợ tôi không thích đeo nhẫn, có một lần đã đem hai chiếc nhẫn đặt trên bệ cửa sổ, bị dì dọn vệ sinh lau chùi rồi quét vào sọt rác ở kế bên luôn. Ngày hôm sau, vợ tôi đem túi rác đi bỏ.
Qua một tuần mới nhớ đến mấy chiếc nhẫn, hỏi dì dọn vệ sinh, rồi tức tốc chạy đến thùng rác ở tiểu khu lục tìm. Làm sao mà tìm được…
Hai chiếc nhẫn, một chiếc 26 phân, một chiếc 50 phân, tổng giá trị hơn 103 triệu. Vợ tôi lo đến phát cáu, tôi an ủi em:
– Em không thích đeo nhẫn, lỡ làm mất thì thôi…
Cô ngạc nhiên:
– Vì sao anh không giận ?
– Vì sao anh phải giận ?
– Mẹ em nếu làm rơi cái chén, bị bố em mắng. “Đầu óc để ở cái xó nào mà rơi bể cái chén đắt tiền thế hả!”
Tôi bỗng nhiên hiểu được, hóa ra trong mắt cô, đồ vật mà bị thiệt hại thì nhất định sẽ bị mắng. Cô cũng bất ngờ khi tôi chẳng nói gì!
Bởi khi tôi còn nhỏ, trong nhà có đồ gì đó bị phá hư, người trong nhà cũng chưa từng mắng chửi nhau.
Hồi học cấp 2, tôi chơi bóng đá bể kính cửa hàng xóm phải đền tiền, bố mẹ sang xin lỗi cho người sửa mà không mắng tôi một lời.
Mẹ tôi chiên đồ ăn, dầu ăn văng trúng tay mẹ, nóng quá nên lỡ tay làm rơi cái tô vỡ vụn, thức ăn vương vãi khắp nhà, bố tôi không mắng mẹ, chỉ chạy thật nhanh lấy thuốc trị bỏng.
Qua đó nghiệm ra: Kỹ năng thân mật, lòng trắc ẩn và yêu thương gia đình có hay không sẽ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ sau, sự tương tác của bố mẹ tốt hay xấu chính là tấm gương phản chiếu để con cái họ nhìn thấy khắc ghi trong lòng.
Sau khi kết hôn, họ sẽ sử dụng các phương pháp tương tự để hòa hợp với bạn đời và con cái.
Vợ chồng thương yêu nhau, tôn trọng nhau thì mới tu cho con cái tính thân mật cao, sau này trở thành vợ thành chồng của người ta cũng sẽ bao dung lỗi lầm cho nhau, sẽ ân cần quan tâm chăm sóc nhau.
Vợ chồng tính toán chi li, cãi vã suốt ngày sẽ khiến những đứa trẻ con họ có kỹ năng thân mật thấp, trầm cảm, tiếp thu kiến thức chậm và khó thể giỏi hơn với các đứa trẻ khác trong tương lai đầy khắc nghiệt. Và cái vòng tuần hoàn luẩn quẩn lại cứ thế tiếp diễn đến đời kế tiếp…
Một cái màn hình điện thoại bị phá hỏng, chỉ mấy trăm ngàn sửa chữa lại xài được rồi cớ gì mà phải dằn vặt nhau!
Nhưng sẽ mất bao nhiêu tiền và bao nhiêu năm để sửa chữa một mối quan hệ đã bị rạn nứt và vết đau ám ảnh trong lòng nhau!
Ý nghĩa ngày Gia đình Việt Nam 28/6
Với ý nghĩa cao đẹp, ngày 04 tháng 5 năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/QĐ/2001/QĐ-TTg chọn ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. Ngày Gia đình Việt Nam là một ngày lễ tôn vinh mái ấm gia đình Việt Nam, là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có cha mẹ, cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”.
Văn kiện Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về trẻ em năm 2002 đã ghi nhận: gia đình là đơn vị cơ bản của xã hội, cần được củng cố… Không có gia đình tốt, không thể có xã hội tốt. Không có đứa con tốt, không thể có một người công dân tốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã nói: “Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt”. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách để giữ gìn giá trị gia đình và tạo mọi điều kiện để các ngành, các cấp và mỗi cá nhân chăm lo xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc.
Trong bối cảnh chịu nhiều tác động của toàn cầu hóa và kinh tế thị trường, cấu trúc và quan hệ gia đình Việt Nam có những thay đổi, thậm chí có những thay đổi có thể làm mai một truyền thống. Tuy vậy, giá trị cơ bản của gia đình vẫn luôn là điều thiêng liêng đối với mỗi con người Việt Nam. Gia đình vẫn là thiết chế giữ được nhiều nhất những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Sau 20 năm được ghi nhận, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 đã trở thành ngày truyền thống, có ý nghĩa rất quan trọng đối với mỗi chúng ta. Đây cũng là ngày thắp lên tinh thần hướng về gia đình, hướng về tổ tiên – qua đó nuôi dưỡng những tình cảm tốt đẹp, những giá trị nhân văn cao quý của dân tộc. Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 đã trở thành ngày ghi nhớ và phát huy truyền thống, nề nếp, gia phong; đánh thức mỗi người suy ngẫm sâu sắc hơn và hành động thiết thực hơn để xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, hướng tới sự phát triển bền vững của Gia đình và của Tổ quốc. Cùng với sự phát triển của đất nước, Ngày gia đình Việt Nam cũng dần trở thành ngày hội trên mọi miền của Tổ quốc, một nét đẹp văn hóa – nơi mà tình yêu thương và chia sẻ được tôn vinh. Các hoạt động kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam ngày càng được tổ chức phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân.
Nguồn: Sưu tầm
Thảo luận về post