Hôm nay, trong không khí trang nghiêm, hòa với niềm vui chung của người con Phật khắp nơi, mừng ngày đấng từ Phụ Thích Ca Mâu Ni Phật đản sinh. Sự kiện thị hiện của đức Phật tại thế gian, cho đến hôm nay đã chuyển tải vô vàn tinh yếu nhân văn trong nếp nghĩ của chúng sanh. Thể cách sống và lối hành xử của Ngài không chỉ hạn hẹp trong thế giới Phật giáo, mà cả loài người đồng hưởng ứng, cổ súy giá trị thiết thực lời dạy của Ngài, đã đóng góp trong nền văn hóa lớn của nhân loại. Trong mọi góc cạnh của đời sống, nếu biết ứng dụng giáo huấn thiết thực của Ngài chúng sanh sẽ hưởng nhiều lợi lạc, như phúc lợi luôn tràn đầy trong cuộc sống.
Sử rằng, cách đây hơn 2500 năm, dưới cội cây hoa Vô Ưu đang khoe sắc và tỏa hương, trong vườn hoa Lâm Tỳ Ni, thuộc biên giới Ấn Độ ngày nay, trần gian đón mừng một thái tử dòng tộc Sakya hạ sanh. Ngài là con đức Vua Tịnh phạn và hoàng hậu Ma gia, thuộc hoàng tộc của vương thành Ca tỳ la vệ. Sau khi sanh ra, Thái tử dõng dạc đi bảy bước, mỗi bước chân của Ngài, theo truyền thuyết có những đóa hoa sen hồng nâng đỡ, và rồi một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, nói rằng: “Thiên thượng Thiên hạ, duy ngã độc tôn, vô lượng sanh tử, ư kim tận hỷ”. Nghĩa là trên trời dưới đất chỉ có Ta là trên hết, trải qua vô lượng kiếp sống chết, kiếp này sẽ chấm dứt. Và sau đó, Ngài liền trở về như một em bé sơ sinh bình thường và được rồng phun nước tắm gội, chư Thiên và loài người rải hoa cúng dường. Về tới hoàng cung Ngài được đặt tên là Tất-đạt-đa nghĩa là mọi việc đều được thành tựu, đó là dấu hiệu cho chúng ta biết sự ra đời của một bậc chí tôn, chánh đẳng giác.
Thật vậy, cũng như bao loài chúng sanh luân chuyển các nẽo đường nằm trong vòng sanh tử, mỗi loài đều có những ước vọng và khao khát để tồn tại và sinh trưởng, tìm cầu niềm vui và hạnh phúc dù thực hay hư, tuy nhiên Thái tử Tất-đạt-đa, Ngài chỉ có một ước lực duy nhất là vượt thoát sự ràng buộc sống chết, cứu độ chúng sanh ra khỏi sự sanh tử luân hồi khổ đau. Do vậy, từ khi còn là một thiếu niên Ngài đã chứng tỏ sự suy nghĩ khác thường của mình qua những hình ảnh, như ngồi một mình thật lâu trầm tư nhập định dưới những tàn cây lớn, nơi thanh vắng và giữa đồng ruộng xanh bát ngát, tỏa ngát hương thơm đồng nội, cho đến khi tuổi trưởng thành dù sống trong nhung lụa, danh vọng, hào nhoáng bật nhất cũng là lúc chí xuất trần của Ngài lớn mạnh. Và cuối cùng con đường xuất gia tìm giải thoát đã minh định và bắt đầu chuyển đổi cuộc đời Thái tử thành một tu sĩ không nhà trong rừng sâu thẳm suốt sáu năm dài tu học và nghiêm tầm chân lý, với ý chí kiên thệ cho đến khi thành Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni, đấng Như Lai chí tôn, Thầy của trời người.
Con đường chấm dứt vô lượng kiếp sống trôi lăn trong sanh tử luân hồi mà đức Phật đã tìm ra cho chính mình và tất cả chúng sinh, chính là con đường diệt trừ bản ngã hạn hẹp đang ẩn nấp tàn phá tâm thức của chúng sanh, phá bỏ cái ta lầm chấp của mỗi người. Từ cái Ta lầm chấp thật có này, con đường Phật đạo hay chúng sanh cũng từ đây biến hóa, ta và những gì thuộc của ta chính là then chốt dẫn dắt chúng sanh từ phàm phu đến phàm phu và từ phàm phu đến thánh quả. Do đó, đức Phật đã nói: “Vô ngã chính là con đường giải thoát tối hậu”. Khi không còn chấp ngã thì chúng sanh không còn khổ đau và không còn trôi lăn trong lục đạo. Nơi đâu Vô ngã hiện hữu nơi đó có hạnh phúc, niết bàn và an lạc giải thoát. Chính sự cố chấp vào cái ta không thật có của mỗi người, nên con người bị ràng buộc trong ngã si, ngã chấp, ngã ái, ngã kiến và bị trói chặt trong phiền não, cùng các xung đột, mâu thuẫn xung quanh cuộc sống con người và thế giới bùng nổ.
Do vậy, sự ra đời của đức Phật mang đến cho nhân loại một thông điệp duy nhất, chứa chan tình thương yêu rộng lớn. Tình yêu rộng lớn như một làn gió mát, trong lành thổi đi ngang qua trần thế nắng gắt, được tạo dựng bởi sự nung đốt của lòng tham lam, sân hân và si mê. Khi có tình yêu rộng lớn cũng chính là trái tim ích kỷ bị vỡ oà và bị cuốn trôi như dòng thác lớn từ trên cao nguyên đổ xuống mạch sống sông hồ và biển rộng mênh mông, để hòa điệu trong bức tranh thiên nhiên xanh ngát của nội và ngoại giới, những oan trái nhiều đời của chúng sanh sẽ được cởi trói. Cuộc đời này, con người biết yêu thương hơn, niềm vui và năng lực yên tĩnh trong cuộc sống mỗi ngày được tăng trưởng, đó là mục đích sự thị hiện của đức Phật, như trong kinh Pháp hoa đã nói: “Ta ra đời vì một nhân duyên lớn khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”. Chỉ có tri kiến Phật, mới thấy được nỗi khổ đau lớn nhất nhiều đời kiếp sanh tử luân hồi. Tri kiến Phật không ở đâu xa như nhiều người lầm tưởng, và không ở một thời gian nào sau mỗi kiếp sống, như nhiều người ước vọng, mà hiện hữu trong mỗi chúng sanh, ngay hiện tại và trong một niệm hiền tiền, tuy nhiên vì trôi theo dòng vô minh, và các duyên xấu chúng sanh không thấy được tri kiến Phật, chính là Phật tâm và Phật tánh mà ai cũng sẳn có.
Kỷ niệm ngày đản sinh của đức Phật, chính là lúc người con Phật cần phải suy niệm lại giá trị phổ quát hằng sống trong mỗi người đó là Tâm Phật trong ta, đó là sự hiểu biết chơn chánh, nguồn yêu thương bất tận mà bất cứ ai cũng có và có thể ứng dụng Phật tâm trong đời sống thường ngày để tạo dựng hạnh phúc tinh thần, bên cạnh của cải vật chất để nuôi dưỡng tấm thân này. Trí tuệ và từ bi là nguồn năng lực sống động, có công năng tạo dựng nên một nếp sống hạnh phúc và vô lượng niềm vui. Người có trí tuệ và từ bi chính là người sống biết chuyển hóa cuộc đời của mình và môi trường xung quanh. Người có trí tuệ và từ bi chính là người biết tận dụng năng lực sẵn có của chính mình làm lợi lạc cho cuộc sống, và mang nhiều ý nghĩa thiết thực.
Như vậy, ngày đản sanh của đức Phật là ngày vui lớn của nhân loại, bởi lẽ không có niềm vui nào có thể so sánh bằng niềm vui được lưu xuất từ ngay trong tâm thức của mỗi người, xuất phát từ sự gắng công và kiểm soát thân tâm. Tất cả niềm vui nào theo thời gian vô thường cũng sẽ mất đi, chỉ có niềm vui trong tâm, niềm an lạc từ sự tỉnh thức, tu tập đó là niềm vui bất tận đọng lại và không dễ đánh mất theo thời gian và không gian hữu hạn. Sự ra đời của đức Phật trải dài theo thời gian đã hơn 25 thế kỷ, tuy nhiên cho đến hôm nay, ai thực hành được lời Phật dạy người đó sẽ có an lạc và hạnh phúc. Là người con Phật, chúng ta có diễm phúc được nghe giáo pháp, được thực hành lời dạy của Ngài trong cuộc sống, chính là mỗi ngày đức Phật trong ta xuất hiện, cho đến ngày Phật trong ta đản sinh thật sự.
Trong tinh thần tưởng nhớ công ơn sâu dày của Chư Phật xuất thế và vô lượng Bồ tát, Thánh tăng mang ánh sáng đạo vàng vào đời tế độ làm lợi lạc cho chúng sanh, trong giờ phút thiêng liêng này, chúng ta hãy cùng hoan hỷ chào đón ngày đức Phật đản sinh lần thứ 2560, trong niềm an lạc vô biên, và luôn hướng tâm tạo dựng một thế giới loài người luôn được an bình.■
MỪNG NGÀY LỄ TAM HỢP KỈ NIỆM BA SỰ KIỆN TRỌNG ĐẠI:
– NGÀY THÁI TỬ TẤT-ĐẠT-ĐA ĐẢN SINH.
– NGÀY ĐỨC BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI THÀNH ĐẠO.
– NGÀY ĐỨC PHẬT THÍCH CA NHẬP NIẾT BÀN.
Kính chúc Chư Tôn Đức cùng Quý Phật tử một mùa Phật đản ngập tràn niềm an lạc trong ánh hào quang của mười phương Chư Phật. Nguyện Phật tánh – “Ông Phật trong Tâm” mỗi người luôn hiện hữu.
Nam mô Lâm Tỳ Ni Viên Vô Ưu Thọ Hạ Thị Hiện Đản Sanh Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Thảo luận về post