Điều con người cần hiện nay là Trí Tuệ hay sự hiểu biết toàn vẹn phát xuất từ tâm linh. Nếu chúng ta tin rằng mục đích cuộc đời là để học hỏi, thay đổi để trở nên hoàn hảo hơn thì chúng ta sẽ thấy kiếp người ngắn ngủi, vỏn vẹn vài chục năm, không thể đủ để học những điều cần thiết. Do đó, con người phải đầu thai từ kiếp này qua kiếp khác, để tiếp tục học hỏi cho đến khi trở nên toàn hảo và đó chính là sự Luân hồi (Reincarnation).
Nhiều người cho rằng Luân hồi là lý thuyết của Phật giáo và Ấn giáo nhưng thật ra sự tin tưởng rằng có một linh hồn trường tồn tái sinh qua nhiều kiếp sống đã có từ lâu và được giảng dạy trong các tôn giáo thời cổ ở khắp nơi trên thế giới. Sách vở tài liệu của người Hy Lạp, Ba Tư đều đề cập đến sự hiện hữu của những kiếp sống khác nhau. Ngay trong Kinh Thánh cũng có rất nhiều ẩn dụ về những kiếp sống luân hồi.
Hãy quan sát thiên nhiên, những con vật khỏe nhất, hung dữ nhất như loài cọp beo đâu giết hết được những sinh vật yếu đuối hơn như hươu nai. Luật vũ trụ định rằng loài nào phát triển theo trật tự riêng của loài đó, cọp beo hung dữ nhưng sinh sản chậm trong khi hươu nai yếu đuối nhưng sinh sản nhiều.
Cũng thế, nếu quan sát kỹ các hiện tượng thiên nhiên, chúng ta sẽ thấy rõ một sự sắp đặt trật tự và mầu nhiệm vì mỗi loài, mỗi vật, từ sâu bọ bé nhỏ đến loài to lớn như cá voi đều tuân theo một trật tự tuyệt đối, không loài nào lấn át được loài nào.
Nhìn vào xã hội loài người, thuyết Tiến hóa thực nghiệm của Darwin còn lập luận chưa thuyết phục rằng vì sao cha mẹ khỏe mạnh có thể sinh con tật nguyền hay cha mẹ bình thường lại sinh con thông minh tuyệt thế.
Điển hình là các thiên tài về âm nhạc như Mozart biết soạn nhạc khi vừa lên 4 tuổi, mặc dù không ai dạy mà ông vẫn sử dụng được rất nhiều nhạc khí khác nhau. Ông còn soạn những hòa tấu khúc phức tạp vượt xa những bậc thầy về âm nhạc lúc đó. Cha mẹ của ông chẳng phải nhạc sĩ tài ba và sau này các con của ông cũng không có ai trở thành nhạc sĩ.
Nếu thuyết Tiến hóa của Darwin đúng thì những nhạc sĩ giỏi phải tiếp tục sản sinh ra nhạc sĩ tài ba nhưng sự thật thì con cháu của các thiên tài âm nhạc như Mozart, Beethoven, Bach, Chopin đâu có ai trở thành thiên tài âm nhạc. Nếu không tin luân hồi thì chúng ta phải giải thích như thế nào về hiện tượng thần đồng như Mozart, Beethoven, hay Bach?
Nếu suy xét cẩn thận, chúng ta sẽ thấy quan niệm rằng đời sống là sự tranh đấu, mạnh được yếu thua, và chỉ có đấu tranh mới đưa nhân loại đến chỗ tiến bộ chỉ là lý thuyết đề xướng bởi những kẻ theo Chủ nghĩa Thực dân. Theo lý thuyết này kẻ mạnh sẽ thắng, làm bá chủ thiên hạ và lãnh đạo thế giới.
Một quốc gia tiến bộ là quốc gia có sức mạnh quân sự để cai trị và bóc lột các quốc gia khác. Hiển nhiên, đứng vào địa vị của kẻ mạnh đàn áp người yếu thì lý luận này dễ nói nhưng không ai có thể chấp nhận lý thuyết này nếu đứng vào vị thế của nạn nhân bị bóc lột, của người bị lợi dụng, của quốc gia bị xâm lăng, đô hộ.
Điều đáng tiếc là một lý thuyết phi nhân và phi lý như thế mà vẫn còn được giảng dạy trong học đường trong khi những định luật như Luân hồi, Nhân quả thì không được ai nói đến. Không những thế, hiện nay nhiều người vẫn còn tin tưởng ở thuyết Tiến hóa thực nghiệm này và tiếp tục cổ xướng cho nó nhưng trước sau họ sẽ phải học bài học mà họ cần phải học.
[Trích: Trở Về Từ Xứ Tuyết
– Nguồn: First News]
🌸Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật🌸
🌸Nam Mô A Di Đà Phật🌸
🌸Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát🌸
Thảo luận về post