Chúng tôi thiết nghĩ cần nhanh chóng phát động phong trào thực hiện lễ Hằng thuận trong đông đảo quần chúng nhân dân bởi đây là một trong những Phật sự vô cùng quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn lao để xây dựng gia đình hạnh phúc và xã hội yên ấm, thanh tịnh.
I. Ý NGHĨA LỄ HẰNG THUẬN
Hiện nay, việc tổ chức lễ thành hôn tại chùa hay còn gọi Lễ Hằng Thuận không còn xa lạ với nhiều đôi bạn trẻ. Đây được xem là nét văn hóa tâm linh đặc thù thể hiện rõ tinh thần nhập thế giữa đạo Phật và hạnh phúc đời thường của người cư sĩ Phật tử thông qua sự kiện trọng đại nhất trong cuộc đời mỗi người.Lễ Hằng Thuận không chỉ đơn thuần là lễ cưới mà ở đó lồng ghép các nghi thức trang nghiêm của đạo Phật với sự chứng kiến của Tam Bảo và hai họ.
Trong sự khởi đầu tốt đẹp này, cô dâu và chú rể được nghe những lời giáo huấn quý báu do thầy chủ lễ giảng giải về nền tảng quan trọng để đảm bảo xây dựng nên một cuộc sống hạnh phúc lâu dài bền vững cho gia đình và cho cả con cháu sau này. Cùng với sự gia hộ của mười phương Chư Phật, tất cả những việc làm tốt đẹp mang tính nhân văn đó sẽ tạo dựng cho cô dâu và chú rể nền tảng tín ngưỡng, đạo đức tâm linh hướng thiện, vững chắc để cùng nắm tay nhau vượt qua mọi sóng gió của cuộc đời.
1. Khái niệm và nguồn gốc Lễ Hằng thuận
Hằng là mãi mãi, thường xuyên, luôn luôn; thuận là hòa hợp, thuận thảo, yên ấm; Hằng thuận nghĩa là nghệ thuật sống hoà hợp, độ lượng với người khác và trong đạo vợ chồng.Hằng thuận là vợ chồng luôn luôn sống hòa thuận, tương kính, nhường nhịn cùng nhau làm tròn trách nhiệm, bổn phận của vợ chồng trong đời sống gia đình, với ông bà, cha mẹ và con cái; hướng đến con đường tu tập giác ngộ, giải thoát trên cơ sở giữ gìn ngũ giới, hành thập thiện và tu tập theo Bát chánh đạo.
Vậy lễ Hằng thuận đầu tiên được tổ chức ở đâu và do ai? Nhiều nguồn tư liệu cho rằng người đầu tiên nghĩ đến việc tổ chức lễ cưới tại chùa là cụ đồ Nguyễn Trọng Thuật bút hiệu Nam Tử (1883 – 1940), quê ở Hải Dương, là nhà Nho, sau quy y theo Phật, nhiệt thành phụng sự Phật pháp. Ông nghĩ việc tổ chức lễ cưới tại chùa sẽ mang lại lợi ích lớn lao cho đời sống gia đình của người Phật tử, nhất là đời sống đạo đức tâm linh.
Vào năm 1930, bác sĩ Phật tử Tâm Minh – Lê Đình Thám đã tổ chức lễ cưới cho con gái đầu lòng là Lê Thị Hoành với Hoàng Văn Tâm tại chùa Từ Đàm, Huế. Đây được xem là lễ cưới điển hình đầu tiên được tổ chức tại chùa trong lịch sử Phật giáo nước ta. Đến năm 1971, Hòa thượng Thích Thiện Hoa đã chính thức đặt tên cho lễ kết hôn tại chùa là lễ Hằng thuận.
2. Nghi thức tổ chức lễ Hằng thuận
Đa số uyên ương chọn chùa đã quy y để làm lễ Hằng thuận. Nghi thức tổ chức lễ Hằng thuận có trình tự cơ bản như sau:
– Chủ hôn tại chùa thường là một vị hòa thượng hoặc thầy trụ trị tại chùa. Nghi lễ diễn ra tại chính điện của chùa.
– Nơi làm lễ gồm một chiếc bàn dài, là nơi chủ hôn thực hiện nghi thức kết duyên. Cặp đôi sẽ quỳ trước bàn, hướng về nơi thờ Phật, làm theo chỉ dẫn của các vị hòa thượng chủ hôn. Bạn bè, người thân của cô dâu chú rể ngồi hai bên theo đúng quy cách “nam tả, nữ hữu” (nhà trai đứng bên trái, nhà gái đứng bên phải).
– Trước khi làm lễ, vị chủ hôn sẽ hỏi xem cô dâu, chú rể đã quy y chưa, nếu chưa thì thầy sẽ làm lễ quy y cho hai vợ chồng trước, rồi mới tới nghi lễ cưới.
– Cô dâu, chú rể đọc lời nguyện, sau đó nhận lời chúc tốt lành cũng như lời dặn dò của vị chủ trì buổi lễ. Vị thầy chủ hôn sẽ buộc dây tơ hồng tượng trưng cho cô dâu, chú rể, với ý nghĩa gắn bó uyên ương trọn đời bên nhau.
– Tiếp đến là nghi lễ “phu thê giao bái”, cô dâu, chú rể trao nhẫn cưới và cùng nhau nghe sư thầy chủ trì nói về ý nghĩa của việc trao nhẫn.
– Cùng với uyên ương, đại diện hai bên gia đình sẽ khấn nguyện trước Đức Phật và các vị chư tăng về việc chỉ bảo cho cặp đôi vợ chồng xây dựng gia đình hạnh phúc.
– Sau khi buổi lễ tại chính điện kết thúc, hai bên gia đình mời các vị chư tăng cùng họ hàng và bạn bè dự tiệc chay. Thông thường, bữa tiệc này sẽ được tổ chức ngay tại chùa với các món ăn đều được chế biến từ thực vật như nấm, mộc nhĩ, khoai, đậu phụ, ngũ cốc…
Việc tổ chức lễ trong chùa sẽ không những mang lại cho cô dâu, chú rể một lễ cưới trang nghiêm mà còn mang lại lợi ích cho khách mời hai bên vì trong buổi tiệc hoàn toàn không có những món ăn mặn, thay vào đó chỉ là những thực phẩm chay thanh tịnh; không tổn hại dù một sinh linh, không dùng bia, rượu gây tổn hại sức khỏe và tốn kém, lãng phí tiền bạc.
3. Mục đích và ý nghĩa lễ Hằng thuận
Theo thống kê của một số trang báo điện tử thì có một thực tế đáng buồn là chúng ta đang sống trong thế giới có đến 50% cặp vợ chồng ly thân và ly dị, trên 20% cặp vợ chồng sống với nhau không hạnh phúc mà vẫn chung sống vì nghĩ đến lợi ích lâu dài của con cái. Gần 20% cặp vợ chồng tạm gọi là có hạnh phúc trong hôn nhân và đời sống gia đình. Đây là thực trạng đáng báo động về sự thiếu hiểu biết trước và sau hôn nhân đã và đang xảy ra trên thế giới.
Nhưng có một điều rất bất ngờ là trong số gần 20% cặp vợ chồng đạt được hạnh phúc trong đời sống gia đình trên toàn thế giới hiện nay có đến 90% là gia đình Phật tử thuần thành, có nền tảng đạo đức và căn bản tu tập. Đây là tín hiệu đáng mừng và thật sự thêm niềm tin cho thấy hiệu quả hữu ích của việc ứng dụng nghiêm túc lời Phật dạy vào đời sống để có một gia đình đạo đức, an lạc và hạnh phúc.
Đó cũng là mục đích chính của lễ Hằng Thuận. Và có thể nói, tất cả những yếu tố cấu thành nên hạnh phúc viên mãn của gia đình người Phật tử đa phần đều được khởi đầu và ghi dấu ấn thiêng liêng kể từ lễ Hằng thuận.
Ý nghĩa đầu tiên có thể nói, trong buổi lễ Hằng thuận, Quý phật tử là cô dâu, chú rể tự phát nguyện giữ gìn ngũ giới, tiến đến tu hành thập thiện, đồng thời trau dồi bốn đức hạnh từ – bi – hỷ – xả, sống một đời sống thiện lành, đạo đức vị tha, nghiêm khắc với mình, khoan dung độ lượng với người, suy nghĩ điều chánh đáng, nói lời chánh ngữ, hành nghiệp chánh nghiệp…
Đó là những việc làm đạo đức căn bản vô cùng quan trọng để xây dựng hạnh phúc gia đình trên cơ sở “hiểu” và “thương”, đồng thời là nền tảng các phương pháp nuôi dạy con cái ngoan hiền, thuận thảo. Trong kinh Tăng Chi, đức Phật cũng nhấn mạnh rằng một người phụ nữ thực hiện thật tốt đạo làm vợ thì “Sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên thiện thú thiên giới”.
Như vậy, chính ngay nơi đạo vợ chồng, nếu mỗi bên thực hiện đầy đủ các bổn phận thì vẫn có thể được ngay quả phước sanh thiên, chứ chưa cần nói đến công quả do tu thập thiện.
Trong ngày vui trọng đại và trang nghiêm này, chú rể và cô dâu trao nhau đôi nhẫn cưới tròn trịa thể hiện niềm hạnh phúc viên mãn. Ý nghĩa cao đẹp, biểu trưng cho cách cư xử trên tinh thần nhường nhịn yêu thương, tương kính lẫn nhau trong đời sống vợ chồng của chiếc nhẫn cưới cũng được các vị hòa thượng giảng giải, phân tích cặn kẽ, sâu sắc để đôi bạn trẻ nhận thức được giá trị nhân văn của món đồ này mà lắng nghe, nhún nhường, và cảm thông cho nhau khi trên đôi tay luôn có sự hiện hữu của chúng.
Điều có ý nghĩa rất quan trọng ảnh hưởng đến hạnh phúc suốt cuộc đời cặp đôi trẻ là Lễ Hằng thuận đã tạo điều kiện cho cô dâu, chú rể được quý Thầy tận tình hướng dẫn, giảng giải đạo lý vợ chồng trong cuộc sống như lời đức Phật dạy trong Kinh Ca Thi La Việt. Đó là:
Năm bổn phận chồng phải đối với vợ:
Phải biết tôn trọng vợ.
Không đối xử tệ bạc với vợ.
Phải chung thủy với vợ.
Phải giao tiền bạc cho vợ quản lý.
Phải sắm đồ nữ trang cho vợ khi có điều kiện.
Đồng thời đức Phật cũng dạy người vợ phải làm tròn năm bổn phận đối với chồng:
Phải luôn làm tròn bổn phận trong nhà.
Phải tử tế với quyến thuộc bên chồng.
Phải luôn chung thủy với chồng.
Giữ gìn tài sản gia đình.
Luôn siêng năng trong mọi việc.
Đặc biệt, xuất phát từ tầm quan trọng và vị trí xây tổ ấm lứa đôi, giữ lửa hạnh phúc gia đình của người phụ nữ nên quý thầy sẽ dành nhiều thời gian giảng về 7 loại vợ/chồng sau để khuyên dạy những người vợ tương lai theo lời Đức Phật dạy:
II. PHẬT THUYẾT KINH 7 LOẠI VỢ
CÔ DÂU VÔ LỄ
Tôi nghe như vầy. Một buổi sáng nọ, đức Phật đến dự đại lễ cúng dường tại tư gia của ông Cấp Cô Độc. Thân hành tới nơi, đức Phật thoáng nghe những lời chửi bới ồn ào vọng lên từ đằng sau nhà. Ngài hỏi cư sĩ Cấp Cô Độc rằng:
– Trong nhà cư sĩ, có gì bất ổn, sao ồn ào quá?
Ông Cấp Cô Độc cảm thấy thẹn thùng, cung kính thưa rằng:
– Bạch đức Thế Tôn, đó là ngỗ nghịch của Su-cha-ta, cô dâu nhà con. Tuy chỉ là dâu sống trong gia đình, nhưng nó ỷ vào cha mẹ giàu có, gia đình danh giá, nên nó thất lễ, không chịu vâng lời, không biết cung kính với cha mẹ chồng. Bạch đức Thế Tôn, ngay cả chồng nó, nó cũng xử sự thô lỗ, vô lễ. Ngoài ra, nó cũng không có đạo tâm, không biết kính lễ các bậc Đạo sư. Hôm nay, dù biết Thế Tôn thân lâm, nó cũng không nể, vẫn ồn ào lớn tiếng, từ nãy đến giờ. Kính xin Thế Tôn từ bi cảm hóa cho cháu tốt hơn. O
BẢY LOẠI NGƯỜI VỢ
Bấy giờ, đức Phật cho gọi nàng dâu và dạy như sau:
– Này Su-cha-ta, có bảy loại vợ ở trên đời này. Con hãy chín chắn suy nghĩ, so sánh, trả lời cho ta, con thuộc loại nào?
– Một là làm vợ như kẻ sát nhân.
– Hai là làm vợ như người ăn trộm.
– Ba là làm vợ như một chủ nhân.
– Bốn là làm vợ như người mẹ hiền.
– Năm là làm vợ như cô em gái.
– Sáu là làm vợ như bạn đồng hành.
– Bảy là làm vợ như một người hầu.
Với hạnh hiền từ, cứu độ của Phật, nàng Su-cha-ta bắt đầu lễ phép, tỏ ra vâng phục, thưa với Phật rằng:
– Bạch đức Thế Tôn, lời dạy của Ngài thật quá ngắn gọn, con không hiểu hết. Xin Ngài từ bi chỉ dạy cặn kẽ.
Lúc ấy, đức Phật ân cần giải thích những điều như sau. O
VỢ NHƯ SÁT NHÂN
– Này các đệ tử, bất kỳ vợ nào có tâm hiểm độc, lãng mạn, hai lòng, không sống chung thủy trong mối hôn nhân, bỏ rơi chồng mình, quan hệ bất chính với đàn ông khác, chỉ vì choáng ngợp trước sự giàu có, hay vẻ bề ngoài, luôn khinh bỉ chồng, tính tình hiếu chiến… ta gọi đây là loại vợ sát nhân. O
VỢ NHƯ TRỘM CƯỚP
– Này các đệ tử, bất kỳ vợ nào không cùng chung sức, chăm lo kinh tế cho gia đình mình, lại còn tiêu xài vô cùng hoang phí tài sản hợp pháp của chồng tạo ra… ta gọi người đó là vợ trộm cướp. O
VỢ NHƯ CHỦ NHÂN
– Này các đệ tử, bất kỳ vợ nào ỷ lại, lười biếng, không lời từ ái, không chút nhu hòa, phát ngôn thô tháo, thích lấn lướt chồng… ta gọi người đó là vợ chủ nhân. O
VỢ NHƯ NGƯỜI MẸ
– Này các đệ tử, bất kỳ vợ nào có lòng thương yêu, lo lắng, chăm sóc, giúp chồng hết mực, biết cách giữ gìn, làm giàu tài sản của chồng tạo ra, như một người mẹ lo lắng chu tất cho con cái mình… ta gọi người đó là vợ như mẹ. O
VỢ NHƯ EM GÁI
– Này các đệ tử, bất kỳ vợ nào thùy mỵ, đoan trang, khiêm tốn, nhún nhường, hiểu và thuận phục đối với chồng mình như với anh ruột trong một gia đình… ta gọi người ấy là vợ như em. O
VỢ NHƯ BẠN HIỀN
– Này các đệ tử, bất kỳ vợ nào hiểu biết, cảm thông, niềm nở, vui vẻ, hòa thuận với chồng như thể hội ngộ một người bạn thân, từ lâu mới gặp… ta gọi người đó là vợ như bạn. O
VỢ NHƯ NGƯỜI HẦU
– Này các đệ tử, bất kỳ vợ nào tính tình mềm mỏng, không chút nóng tánh, không giận, hờn dỗi, dù khi bị chồng đối xử không đẹp vẫn khéo nhường nhịn, không hề lỗ mãng, lớn tiếng chửi lại, biết tùy thuận chồng, khéo léo khuyên răn, thuyết phục chồng mình… ta gọi đó là vợ như người hầu. O
LOẠI VỢ NÊN TRÁNH
– Này Su-cha-ta, trong bảy loại vợ mà ta vừa nói, ba hạng đầu là vợ như sát nhân, vợ như ăn trộm, vợ như chủ nhân đều là không tốt, con không nên giống, nỗ lực vượt qua. Những hạng vợ này do không đức hạnh, ác khẩu, vô lễ, sau khi qua đời sanh vào cõi xấu. Bốn loại vợ sau: vợ như người mẹ, vợ như em gái, vợ như bạn hiền, vợ như người hầu là đáng noi theo. Những hạng vợ này, lúc còn sống thì tạo ra hạnh phúc cho gia đình mình và cho con cái; khi qua đời thì sanh vào cõi lành, do phước đã tạo.
Nghe Phật ân cần giải thích, dạy dỗ, cô Su-cha-ta, dâu của gia đình ông Cấp Cô Độc, tỏ ra ân hận, thành tâm sám-hối. Cô phát nguyện rằng cô sẽ chung sống, phụng sự chồng con với tư cách là người hầu dễ thương. Từ đó về sau, toàn thể gia đình của Cấp Cô Độc trở nên đầm ấm, an lạc, hạnh phúc. O
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. (3 lần, xá 3 xá)
***
Một điều cần nhớ là Ðức Phật sau khi mô tả bảy loại người vợ nói trên, nói rằng: loại vợ sát nhân, loại vợ ăn trộm, loại vợ kiêu sa đều là không tốt, còn loại vợ như mẹ, như em út, như bạn bè, như người phục vụ là những người vợ tốt, đáng tán thán.
Tốt xấu thế nào, phụ nữ chúng ta nên chọn lựa mình thành loại vợ nào, có lẽ chị em khi đọc về 7 loại vợ trên đã tự có đáp án cho mình. Để có thể trở thành người vợ tốt, Phật lại răn ngũ thiện sau:
Một là cần mẫn, tránh tham. Phụ nữ nên thức khuya dậy sớm, đầu tóc trang phục gọn gàng, vệ sinh sạch sẽ. Khi làm việc tôn trọng người khác, có tấm lòng hiếu thuận, gia đình có hỷ không được ăn trước.
Hai là nhẫn nhịn tránh giận dữ, chồng mắng mỏ thì hiền hòa khuyên giải.
Ba là một lòng hướng về chồng, không mang ý niệm ngoại tình.
Bốn là có tấm lòng thiện nguyện, luôn cầu mong chồng trường thọ, khi chồng đi xa thì phải quản lý nhà cửa.
Năm là bao dung, nên nghĩ về những điều tốt chồng làm, không oán trách những sai lầm của chồng.
Tam ác khiến phụ nữ mất vẻ đoan chính bao gồm:
Một là tham ăn, tham ngủ, hay giận dữ, không giúp đỡ gia đình chồng nhưng đòi hỏi thức ăn, chưa tối đã ngủ trời sáng không dậy, chồng nhắc nhở thì mắng lại.
Hai là ngoại tình, không một lòng hướng đến chồng, tâm luôn nghĩ đến người đàn ông khác, phong tình lẳng lơ.
Ba là dục vọng, mong muốn chồng chết để có thể tái giá.
Đạo làm vợ là khôn cùng, nhưng chỉ cần làm tốt những điều Phật dạy ở trên và loại bỏ tam ác là có thể trở thành người vợ hiền, dâu thảo.
Hạnh phúc gia đình không thể chỉ tồn tại vĩnh cửu nếu chỉ vì dục lạc, đam mê mà còn phải có sự tôn trọng, sống có tình có nghĩa với nhau, làm tròn bổn phận dâu hiền, rể thảo, hiếu dưỡng ông bà, cha mẹ hai bên. Một khi hai vợ chồng hiểu được trách nhiệm của mình thì gia đình sẽ luôn thuận hòa, hạnh phúc.
Thực hiện tốt những điều này, nghĩa là vợ chồng đã hết lòng yêu thương, chung thủy, tôn trọng, quý kính lẫn nhau, luôn luôn hòa thuận, cùng hướng đến những điều thánh thiện và cao thượng trong cuộc sống như hàm nghĩa của hai từ Hằng thuận đã toát lên. Đó chính là ý nghĩa, giá trị lớn lao mà lễ Hằng Thuận mang lại.
Hiện nay, trong xã hội khá phổ biến tình trạng gia đình đổ vỡ sau thời gian thành hôn ngắn ngủi với nguyên do là các cặp vợ chồng tuy có tình yêu thương mà không có sự chuẩn bị cho nền tảng hạnh phúc gia đình lâu bền. Sở dĩ gia đình không hạnh phúc, cuộc sống không hòa hợp là do sự bộc phát của lòng ham muốn nhất thời, có thể gọi đó là sự luyến ái nhau và cũng có thể gọi là tình yêu thương nhất thời giữa nam và nữ.
Vậy nên, bên cạnh việc giáo huấn về đạo lý vợ chồng, con cái và hướng dẫn Phật tử cách tu tập để có cuộc sống an lạc, Phật giáo có vai trò trợ duyên cho các gia đình Phật tử và phòng ngừa mọi nguy cơ có thể dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Đây cũng là việc làm cần thiết đầu tiên góp phần xây dựng xã hội Phật giáo an lạc được cấu thành từ tập hợp gia đình Phật tử.
III. NGHI THỨC LỄ HẰNG THUẬN
NGUYỆN HƯƠNG
(Thầy chủ lễ cầm 3 cây hương, quỳ kính cẩn xướng)
Nam mô Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo. O
Nam mô Ta Bà Giáo Chủ Điều Ngự Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật.
Tác đại chứng minh. O
Nguyện đem lòng thành kính
Gửi theo đám mây hương
Phảng phất khắp mười phương
Cúng dường ngôi Tam Bảo
Thề trọn đời giữ đạo
Theo tự tánh làm lành
Cùng pháp giới chúng sanh
Cầu Phật từ gia hộ
Tâm Bồ đề kiên cố
Chí tu học vững bền
Xa bể khổ nguồn mê
Chóng quay về bờ giác. O
Hôm nay là ngày ….. tháng ….. năm ….. (nhằm ngày ……….). Tại chùa ………., xã ………., huyện ………., thành phố ………. Chúng con một dạ chí thành, đốt nén tâm hương, thành tâm kính nguyện chư Phật, chư đại Bồ-tát, chư hiền thánh Tăng quang giáng đạo tràng từ bi chứng minh gia hộ cho đôi trẻ: Chú rể ………., Pháp danh ………., sánh duyên cùng cô dâu ………., Pháp danh ………., được trọn đời hoà thuận thương yêu, trăm năm sắt son chung thuỷ một lòng, xứng danh chồng hiền vợ thảo, hạnh phúc tràn đầy, nối nghiệp gia phong. Lại nguyện tình hai họ luôn luôn thuận thảo, nghĩa thông gia mãi mãi thắm nồng, phước thọ tăng long, mọi việc hanh thông, cát tường như ý. Ngưỡng mong Phật trí cao vời từ bi gia hộ. O
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ-tát Ma-ha-tát. (3 lần) O
TÁN PHẬT
Dung nhan Phật tốt lạ lùng
Hào quang soi sáng khắp cùng mười phương
Từ bi oai đức khôn lường
Ra đời tế độ sáu đường chúng sanh
Được thấy tướng lại nghe danh
Cũng nhờ phước đức căn lành trồng sâu
Thế tôn đủ tướng nhiệm mầu
Làm cho muôn loại cúi đầu quy y.O
ĐẢNH LỄ TAM BẢO
Chí tâm đảnh lễ: Tất cả đức Phật ba đời thường trú trong mười phương. (1 lạy) O
Chí tâm đảnh lễ: Tất cả tôn Pháp ba đời thường trú trong mười phương. (1 lạy) O
Chí tâm đảnh lễ: Tất cả hiền thánh Tăng ba đời thường trú trong mười phương. (1 lạy) O
Người hướng dẫn: Cung thỉnh chư Tôn đức Tăng (Ni) an toạ tại bàn chứng minh và mời tất cả mọi người ngồi xuống. Sau đó, giới thiệu lý do, chương trình buổi lễ và thành phần tham dự.
TUYÊN BỐ LÝ DO
– Nam mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
– Kính bạch chư Tôn đức Tăng (Ni) chứng minh.
– Thưa gia đình hai họ, quý quan khách và cô dâu, chú rể thân mến!
Nhận thức được ý nghĩa tổ chức lễ cưới tại chùa là tạo điều kiện cho cô dâu, chú rể quay về nương tựa ba ngôi báu cũng như được sự chứng minh của chư Tôn đức Tăng (Ni). Hôm nay, ngày ….. tháng ….. năm ….. Hai gia đình Phật tử đã đến chùa ……………….. xin tổ chức lễ hằng thuận cho chú rể ………. Pháp danh ………., cô dâu ………. Pháp danh ………. Đó là lý do của buổi lễ hôm nay.
Người hướng dẫn: Xin đại chúng cho một tràng pháo tay chúc mừng.
CHƯƠNG TRÌNH BUỔI LỄ
– Nam mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
– Kính bạch chư Tôn đức Tăng (Ni) chứng minh.
– Thưa gia đình hai họ, quý quan khách và cô dâu, chú rể thân mến!
Sau đây chúng tôi xin được phép thông qua chương trình buổi lễ như sau:
1. Cung nghinh chư Tôn đức Tăng (Ni) quang lâm.
2. Niêm hương, bạch Phật.
3. Tuyên bố lý do, thông qua chương trình.
4. Giới thiệu thành phần tham dự.
5. Đại diện gia đình hai họ tác bạch thỉnh sư.
6. Nghi thức lễ bái.
7. Tuyên đọc ý nghĩa chiếc nhẫn.
8. Nghi thức trao nhẫn cưới.
9. Chư Tôn đức Tăng (Ni) ban đạo từ và tặng quà.
10. Cô dâu, chú rể tác bạch cảm tạ
11. Hồi hướng.
Người hướng dẫn: Tiếp theo chương trình chúng tôi xin giới thiệu thành phần tham dự buổi lễ hằng thuận hôm nay.
GIỚI THIỆU THÀNH PHẦN THAM DỰ
– Chúng con xin cung kính giới thiệu: (Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức, …) và chư Tôn đức Tăng (Ni) chứng minh.
– Chúng tôi xin giới thiệu: Chú rể ………. Pháp danh ………. sẽ sánh duyên cùng cô dâu ………. Pháp danh ……….
– Và cuối cùng xin giới thiệu hai họ nhà trai, nhà gái và quý quan khách có mặt ngày hôm nay.
Người hướng dẫn: Xin cho một tràng pháo tay thật lớn để chúc mừng.
Người hướng dẫn: Mời đại diện gia đình hai họ, dâng lời tác bạch thỉnh sư. Mời cô dâu chú rể đồng đứng lên làm lễ.
ĐẠI DIỆN GIA ĐÌNH HAI HỌ DÂNG LỜI TÁC BẠCH
– Nam mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
– Kính bạch trên chư Tôn đức Tăng (Ni) chứng minh.
Hôm nay gia đình hai họ chúng con có duyên sự xin đầu thành đảnh lễ tác bạch. (1 lạy)
Quỳ xuống đọc:
Kính bạch chư Tôn đức Tăng (Ni)! Thời gian thấm thoát trôi, kể từ khi chúng con được may mắn tiếp xúc với giáo lý Phật đà, đã hiểu và thực hành những lời dạy của Phật, chúng con đã có được lợi ích, an lạc trong cuộc sống hiện tại. Là một người Phật tử, chúng con xin học theo hạnh của đức Phật, muốn cho nhiều người được diễm phúc như chúng con, tìm về chánh đạo, nhất là con cháu của mình.
Hôm nay, nhân dịp hai cháu của chúng con kết hôn, cũng như muốn cho hôn lễ được kiết tường, hai họ sum vầy, vợ chồng được trăm năm hạnh phúc, chúng con xin cúi đầu đảnh lễ, cung thỉnh quý Ngài hoan hỷ tác pháp, cử hành lễ hằng thuận cho hai cháu được ân triêm công đức.
Nam mô Hoan Hỷ Tạng Bồ-tát Ma-ha-tát.
HỨA KHẢ CỦA CHƯ TÔN ĐỨC TĂNG (NI) CHỨNG MINH
– Nam mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
Hôm nay, quý vị đã về chùa ……………….. cung thỉnh chư Tôn đức Tăng (Ni) làm lễ hằng thuận cho các cháu. Thầy thay mặt chư Tôn đức Tăng (Ni) hiện diện hoan hỷ hứa khả. Vậy, quý vị y như pháp lễ hiền thánh Tăng chứng minh cho.
Đại diện hai họ: Trên chư Tôn đức Tăng (Ni) đã từ bi hứa khả cho rồi, chúng con xin thành tâm đảnh lễ tri ân tam bái.
Người hướng dẫn: Xin mời cô dâu và chú rể đứng dậy thực hiện nghi thức lễ bái.
NGHI THỨC LỄ BÁI
Người hướng dẫn: Để tưởng nhớ thâm ân của chư Phật, ơn dạy dỗ của thầy tổ, công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và thể hiện sự tương kính, tôn trọng nhau của cô dâu và chú rể. Giờ này, xin mời cô dâu và chú rể chỉnh trang y phục chuẩn bị lễ bái.
Người hướng dẫn: Xin mời cô dâu, chú rể thành tâm hướng về Tam Bảo chuẩn bị lễ bái.
Kính lạy Phật từ bi cứu thế
Đem đạo lành phổ tế chúng sanh
Trần gian biết nẻo tu hành
Nhờ đèn trí tuệ quang minh soi đường.
– Nhất bái: Lễ kính chư Phật.
Người hướng dẫn: Xin mời cô dâu, chú rể hướng về cha mẹ chuẩn bị lễ bái.
Ơn cha lành cao như núi Thái
Đức mẹ hiền sâu tợ biển khơi
Dù cho dâng trọn cuộc đời
Cũng không trả hết ân người sinh ta.
– Nhị bái: Tri ân phụ mẫu.
Người hướng dẫn: Xin mời cô dâu, chú rể đối mặt với nhau chuẩn bị lễ bái.
Hai ta nên vợ thành chồng
Keo sơn gắn bó một lòng thuỷ chung
Ngọt bùi chia sẻ nhau cùng
Đắp xây hạnh phúc tình nồng điểm tô.
– Tam bái: Phu thê tương kính.
Người hướng dẫn: Mời cô dâu và chú rể ngồi xuống, sau đó mời (Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức, …) đại diện cho chư Tôn đức Tăng (Ni) đọc ý nghĩa đôi nhẫn cưới.
Người hướng dẫn:
– Nam mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
– Kính bạch chư Tôn đức Tăng (Ni) chứng minh.
– Thưa gia đình hai họ, quý quan khách và cô dâu, chú rể thân mến!
Chiếc nhẫn là tín vật không thể thiếu trong ngày cưới, nó mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự hạnh phúc của lứa đôi trong cuộc sống hiện tại cũng như về sau. Vậy, giờ phút này đây chúng con cung thỉnh (Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức, …) đại diện cho chư Tôn đức Tăng (Ni) đọc ý nghĩa đôi nhẫn cưới.
Ý NGHĨA ĐÔI NHẪN CƯỚI
– Nam mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
– Kính bạch chư Tôn đức Tăng (Ni) chứng minh.
– Thưa gia đình hai họ, quý quan khách và cô dâu, chú rể!
Hôm nay trong ngày lễ thành hôn, các con đã dâng hương hoa, lễ vật cúng dường lên Tam Bảo và cung thỉnh chư Tôn đức Tăng (Ni) làm lễ hằng thuận. Giờ này thầy xin thay mặt chư Tôn đức Tăng (Ni) đọc ý nghĩa đôi nhẫn cưới, để lát nữa các con trao tặng cho nhau trước Tam Bảo, cha mẹ, gia đình hai bên, và phát nguyện kết tóc se tơ, nên duyên chồng vợ.
Các con thân mến! Đây là món trang sức quý giá biểu thị đạo lý hôn nhân, tên là nhẫn, đeo ở ngón tay, để các con luôn nhìn thấy, nhằm nhắc nhở những điều như sau:
Thứ nhất: Nhẫn còn có nghĩa là nhường nhịn. Muốn trong nhà vui vẻ đầm ấm hạnh phúc, trước phải biết nhường nhịn lẫn nhau, không nên hơn thua, lời qua tiếng lại. Chiếc nhẫn lại được đeo vào ngón tay, để các con dễ nhìn thấy, để tự nhắc mình về sự nhẫn nhịn.
Thứ hai: Chiếc nhẫn hình tròn tiêu biểu cho phước báu và tiền của đầy đủ, nhà đất thịnh vượng. Muốn được như thế, vợ chồng phải siêng năng làm việc, dành dụm tiền bạc, chi tiêu chừng mực, không được phung phí. Ngoài ra phải biết san sẻ cứu giúp cho người nghèo, được vậy mới hưởng phước báu lâu dài.
Thứ ba: Chiếc nhẫn này được làm bằng chất vàng, vàng có đặc tính là “tuỳ duyên bất biến”, nghĩa là hình dạng tuy có thay đổi, nhưng tính chất vẫn nguyên vẹn. Hay nói rõ hơn, dù ai có vo tròn bóp méo, kéo dài cán mỏng đi nữa, hình dạng tuy đã thay đổi, nhưng tính chất giá trị của vàng vẫn nguyên vẹn. Đạo vợ chồng cũng thế! Các con chung sống bên nhau, dù gặp hoàn cảnh nào đi nữa, cũng phải giữ vẹn lòng chung thuỷ trước sau như một. Cổ nhân có dạy: “Ngọc càng dồi càng sáng, vàng càng luyện càng tinh”, đừng vì nghịch cảnh, cũng đừng vì danh lợi, tiền của, sắc đẹp, v.v… mà thay lòng đổi dạ. Ngoài ra chất vàng có đặc tính là màu sắc tươi đẹp, không bao giờ phai nhạt dù trải qua bao lần mưa nắng, dù có rơi rớt, vùi dập nơi nào, nhưng nó vẫn mãi tươi đẹp. Đạo vợ chồng cũng thế! Các con đã thề nguyện chung sống bên nhau, dù gặp cảnh ngộ nào đi nữa, hoặc mai kia có già yếu, bệnh tật, nhưng tình nghĩa vợ chồng cũng phải nồng nàn tươi đẹp như thuở ban đầu mới cưới nhau.
Chính vì những lý do trên, đôi nhẫn này có ý nghĩa rất thiêng liêng trong tình nghĩa vợ chồng, các con phải giữ nó làm kỷ niệm, xem nó là món quà hết sức quý báu. Lát nữa đây, các con sẽ đeo cho nhau để kỷ niệm một cuộc đời mới, một cuộc sống lứa đôi, tràn đầy hạnh phúc và an lạc.
Nam mô A-di-đà Phật.
NGHI THỨC TRAO NHẪN CƯỚI
Người hướng dẫn: Tiếp theo chương trình là phần đọc lời phát nguyện của cô dâu và chú rể, mời hai người cùng quỳ lên.
Người hướng dẫn: Mời chú rể đọc lời phát nguyện.
Chú rể phát nguyện:
– Nam mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
Trong giờ phút thiêng liêng này, dưới sự chứng minh của Tam Bảo và sự chứng kiến của cha mẹ, họ hàng hai bên, con tên là ………. Pháp danh ………. xin giới thiệu em ………. Pháp danh ………. sẽ là vợ của con. Kính xin Tam Bảo chứng minh cho chúng con kể từ nay được nên duyên chồng vợ. Khi đã thành chồng, thành vợ rồi con xin phát nguyện giữ gìn năm nguyên tắc căn bản đạo đức, làm người Phật tử chân chánh, trọn lòng chung thuỷ với vợ, tôn trọng, hiểu biết sẻ chia, để cùng nhau xây dựng gia đình mãi mãi hạnh phúc an vui và nguyện thực hiện năm bổn phận được Phật dạy trong kinh Thiện Sanh.
1. Khi vợ đi, về luôn hỏi thăm lịch sự.
2. Dễ dàng trong vấn đề ăn uống để khỏi phiền lòng vợ phải nấu nướng cực nhọc.
3. Sắm những đồ dùng cần thiết cho vợ như quần áo, trang sức, nếu như gia đình có khả năng, sẽ không bao giờ hẹp hòi với vợ của mình.
4. Không sanh tâm tà vạy luôn chung thuỷ với vợ, không bao giờ ngoại tình.
5. Tin tưởng vợ và giao phó công việc nhà.
Nam mô A-di-đà Phật.
Người hướng dẫn: Mời cô dâu đọc lời phát nguyện.
Cô dâu phát nguyện:
– Nam mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
Trong giờ phút thiêng liêng này, dưới sự chứng minh của Tam Bảo và sự chứng kiến của cha mẹ, họ hàng hai bên, con tên là ………. Pháp danh ………. xin giới thiệu anh ………. Pháp danh ………. sẽ là chồng của con. Kính xin Tam Bảo chứng minh cho chúng con kể từ nay được nên duyên vợ chồng. Khi đã thành vợ, thành chồng rồi con xin phát nguyện giữ gìn năm nguyên tắc căn bản đạo đức, làm người Phật tử chân chánh, trọn lòng chung thuỷ với chồng, tôn trọng, hiểu biết sẻ chia, để cùng nhau xây dựng gia đình mãi mãi hạnh phúc an vui và nguyện thực hiện năm bổn phận được Phật dạy trong kinh Thiện Sanh.
1. Kính yêu hoà thuận với chồng, cư xử lịch sự nhã nhặn.
2. Khi chồng đi vắng, phải lo việc nhà và phải hết mực chung thuỷ với chồng.
3. Phải giữ tiết hạnh, không được ngoại tình.
4. Có của ngon vật lạ không nên dùng riêng cho mình, khi chồng nóng giận thì không nên lớn tiếng cãi vã, làm mất hoà thuận, mà phải đợi khi chồng bình tĩnh lại rồi mới dùng lời lẽ để khuyên bảo. Ngược lại khi chồng khuyên giải đúng thì phải vâng theo.
5. Phải xem tài sản trong gia đình là của chung, phải có trách nhiệm quán xuyến mọi việc trong nhà.
Nam mô A-di-đà Phật.
Thầy chủ lễ: Theo tâm nguyện của các con, được sự đồng thuận của cha mẹ hai bên, dưới sự chứng minh của Tam Bảo, thay mặt chư Tăng (Ni) hiện diện, thầy chúc mừng các con kể từ giờ phút này chính thức thành vợ, thành chồng.
Thầy chủ lễ: Xin đại chúng cho một tràng pháo tay chúc mừng.
Người hướng dẫn: Mời cô dâu và chú rể đứng dậy, đến bàn chư Tôn đức Tăng (Ni) chứng minh thực hiện nghi thức đeo nhẫn.
Thầy chủ lễ: Đứng dậy, cầm hộp nhẫn chứng minh cho cô dâu và chú rể đeo cho nhau.
Người hướng dẫn: Xin đại chúng cho một tràng pháo tay thật lớn để chúc mừng.
Sau đó mời cô dâu chú rể ngồi xuống, nghe chư Tôn đức Tăng (Ni) ban huấn từ.
HUẤN TỪ CỦA CHƯ TÔN ĐỨC CHỨNG MINH
– Nam mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
Hôm nay, các con trước khi thành vợ thành chồng đã đến chùa xin làm lễ hằng thuận, cầu nguyện Tam Bảo chứng minh gia hộ để cuộc sống vợ chồng sau này được an vui, hạnh phúc. Thầy xin thay mặt cho chư Tôn đức Tăng (Ni) hiện diện có đôi lời nhắc nhở cũng như chúc phúc đến các con. Để cho buổi lễ hằng thuận hôm nay thật sự đầy đủ ý nghĩa, thầy sẽ nói về ý nghĩa của hai chữ Hằng Thuận.
Hằng là thường, là luôn luôn.
Thuận là hoà thuận.
Hằng thuận nghĩa là luôn luôn hoà thuận. Hoà thuận chính là cái gốc của an lạc, hạnh phúc. Gia đình nào có hoà thuận là gia đình đó có hạnh phúc. Ngược lại, gia đình nào không có hoà thuận là gia đình đó không có hạnh phúc. Hoà thượng Thích Giác Nhiên có nói về chữ “hoà” như sau:
Thân con hoà là con được bình an,
Hoà anh chị là trọn tình cốt nhục,
Gia hoà hiệp là gia thường thủ túc,
Quốc hoà đồng là quốc thạnh dân an,
Thế giới hoà là thế giới thanh nhàn,
Từ cá thể đến đồng bào xã hội.
Đức Phật đã dạy người Phật tử phải biết sống Lục hoà để tạo an lạc, hạnh phúc cho tự thân và gia đình. Vậy Lục hoà là gì? Lục hoà là sáu pháp hoà hợp đưa đến an lạc hạnh phúc, sáu pháp hoà đó là:
Thân hoà đồng trú
Khẩu hoà vô tranh
Ý hoà đồng duyệt
Giới hoà đồng tu
Kiến hoà đồng giải
Lợi hoà đồng quân.
1. Thân hoà đồng trú:
Nghĩa là thân hoà cùng ở. Các con sau khi đã tìm hiểu và sáng suốt quyết định đi đến kết hôn sống chung trọn đời với nhau, được cha mẹ đồng ý, pháp luật chấp nhận. Từ nay về sau, các con sẽ sống chung một nhà, ăn chung một mâm. Do vậy, thân hoà cùng sống chung cần phải giúp đỡ lẫn nhau. Một người làm không hết việc, một người ngồi chơi xơi nước, như vậy không thể hiện sự quan tâm lẫn nhau, dễ dẫn đến bất hoà, xung đột, cuộc sống sẽ mất hạnh phúc. Người ta nói rằng: “Yêu nhau mà không sống chung được với nhau là khổ”. Thế nhưng, đã sống chung với nhau rồi mà không hoà hợp, hằng ngày phải gặp mặt nhau lại càng khổ hơn. Đây là một trong tám cái khổ mà đức Phật đã dạy là: “Oán tắng hội khổ”. Nghĩa là ghét nhau mà phải sống chung với nhau là một nỗi khổ lớn. Nên các con muốn gia đình hạnh phúc, phải biết sống hoà hợp với nhau theo tinh thần Phật dạy là thân hoà đồng trú. (Nếu có thời giờ nên nói rộng thêm)
2. Khẩu hoà vô tranh:
Nghĩa là lời nói hoà hợp không lớn tiếng cãi nhau. Ông bà ta có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Hoặc: “Một câu nhịn chín câu lành”. Vợ chồng nói với nhau những lời hoà nhã, nhẹ nhàng, êm dịu. Không nên nói lớn tiếng, nói lời thô lỗ, mắng nhiếc, nói dối tạo sự bất hoà trong gia đình. Đức Phật dạy chúng ta có 3 cách nói: Nói như mật, nói như hoa và nói như phân. Nói như mật là khi nói ra người nghe cảm thấy như nuốt mật ngọt. Nói như hoa là khi nói ra người nghe cảm thấy như ngửi mùi hương rất dễ chịu. Nói như phân là khi nói ra người nghe cảm thấy khó chịu như ngửi mùi hôi thối. Nói như mật, như hoa là nói lời chân thật, hoà nhã, êm dịu, ngọt ngào. Nói như phân là nói lời dối trá, thô lỗ, cộc cằn, ác khẩu. Các con hãy chọn cho mình một cách nói thật thích hợp, không nên vì một lời nói không hay mà làm cho đối phương phải đau khổ. Chồng nói một, vợ nói hai chắc chắn gia đình không thể có hạnh phúc. Vì vậy, muốn gia đình hạnh phúc, Phật dạy phải nói lời hoà nhã.
3. Ý hoà đồng duyệt:
Nghĩa là ý hoà cùng vui. Ý làm chủ con người của mình. Nếu ý thanh tịnh, hoà hợp thì lời nói và việc làm sẽ thanh tịnh, hoà hợp. Ngược lại, ý ô nhiễm, bất hoà thì lời nói và việc làm cũng sẽ ô nhiễm, bất hoà. Đạo vợ chồng cũng thế, mỗi người cần giữ gìn ý của mình. Nếu ý hoà, vui vẻ thì hành động và lời nói sẽ giữ được hoà khí, gia đình hạnh phúc. Trái lại ý bất hoà, thường trái ngược nhau, thì thân và khẩu rất khó giữ được hoà thuận dẫn đến gia đình đổ vỡ. Dù cho thân và khẩu được hoà khí, nhưng ý không hợp, vui vẻ với nhau thì sự hoà thuận này cũng chẳng khác gì một lớp sơn đẹp đẽ, tô lên một tấm gỗ đã mục. Một khi sự xung đột bên trong đã đến mức độ không thể chứa đựng được nữa, sẽ nổ tung ra trong lời nói hay những hành động không hay.
Vợ chồng sống chung phải hiểu ý nhau, nhường nhịn nhau. Nhất là phải biết tha thứ, vì có tha thứ sẽ thư thái. Vợ có ý cố chấp, bảo thủ, chồng có ý cố chấp, bảo thủ sẽ dẫn đến bất hoà, gia đình theo đó cũng bất hạnh, đổ vỡ. Cho nên Phật dạy: “Muốn gia đình hạnh phúc, vợ chồng cần phải hiểu ý nhau”.
4. Giới hoà đồng tu:
Nghĩa là giới luật cùng nhau tiến tu. Người Phật tử tại gia phải giữ năm giới là: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu. Đây là những giới điều căn bản nhất cho một người Phật tử tại gia có được an vui và hạnh phúc khi sống trong một gia đình, một xã hội. Đạo vợ chồng cũng thế, nếu người vợ giữ được năm giới này, người vợ có an lạc, hạnh phúc. Người chồng giữ được năm giới này, người chồng có an lạc, hạnh phúc.
Ví dụ, nếu người vợ và người chồng, giữ được giới thứ ba trong năm giới là chung thuỷ một vợ, một chồng, không ngoại tình, lừa dối nhau (không tà dâm), thì chắc chắn vợ chồng sẽ có được hạnh phúc, an vui. Ngược lại, vợ chồng sống không tôn trọng lẫn nhau, không khép mình vào khuôn khổ, kỷ cương, sống buông lung, phóng túng, không giữ được năm giới thì gia đình đó sớm muộn gì cũng đổ vỡ. Cho nên, trong đạo vợ chồng, các con phải cùng nhau giữ gìn, tu tập năm giới này cho nghiêm túc. Được như thế thì cuộc sống của các con không chỉ hạnh phúc ở đời hiện tại mà còn cả ở đời vị lai.
5. Kiến hoà đồng giải:
Nghĩa là những điều hiểu biết chia sẻ cho nhau. Cuộc sống vợ chồng phải có sự đồng thuận với nhau trong mọi sinh hoạt. Người xưa có câu: “Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn”. Bất cứ việc gì trong gia đình nên bàn bạc với nhau, để tạo sự thông cảm và đồng thuận. Vợ làm gì chồng không biết, chồng làm gì vợ không biết sẽ dẫn đến nghi ngờ hiểu nhầm lẫn nhau. Kết quả là hạnh phúc gia đình đổ vỡ. Tốt nhất, vợ chồng mỗi tuần nên ngồi lại với nhau để chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, những khó khăn vướng mắc trong cuộc sống, để cùng nhau góp ý xây dựng, tìm ra giải pháp tốt nhất. Muốn được như vậy, vợ chồng phải luôn biết lắng nghe. Có lắng nghe mới hiểu, có hiểu mới thông cảm, có thông cảm mới thương yêu. Hạnh phúc gia đình từ đó sẽ được bền vững. Cho nên, muốn gia đình hạnh phúc cần phải biết chia sẻ, lắng nghe.
6. Lợi hoà đồng quân:
Nghĩa là lợi hoà cùng chia đều cho nhau. Trong cuộc sống gia đình, vợ chồng cần phải công khai tài chính. Chồng làm được một tháng lương bao nhiêu, vợ phải biết. Vợ làm được một tháng lương bao nhiêu, chồng phải biết. Những việc thu chi trong gia đình phải bàn bạc trước và công khai minh bạch. Nếu việc này không làm nghiêm túc, sẽ dẫn đến nghi ngờ lẫn nhau. Chồng nghi vợ đem tiền cho người khác ăn, vợ nghi chồng đem tiền cho người khác ăn, dẫn đến gia đình bất hạnh đổ vỡ. Người xưa có câu: “Của chồng công vợ”. Người chồng làm ra tiền, người vợ ở nhà lo việc gia đình, con cái. Do vậy, đồng tiền chồng làm ra là của chung. Không nên cho rằng, chồng làm ra tiền có quyền tiêu xài phung phí, vợ không có quyền nói, như vậy là bất công, bất hoà. Phật dạy: Muốn gia đình hạnh phúc phải chia sẻ lợi ích đồng đều với nhau.
Tóm lại trên đây là sáu pháp hoà hợp đưa đến hạnh phúc, an lạc cho gia đình, các con cố gắng thực hành theo lời Phật dạy, cuộc sống vợ chồng sẽ có an lạc hạnh phúc.
Thêm nữa, trong đạo vợ chồng các con phải nhớ rằng: Trước kia lúc chưa thành vợ thành chồng thì mình sống với nhau bằng cái tình. Tức là những tình cảm riêng tư, hầu đáp ứng được nhu cầu mong muốn của mình. Nhưng khi các con đã là vợ chồng rồi, thì phải sống với nhau bằng cái nghĩa. Nghĩa ở đây là sống cho nhau, giúp đỡ lẫn nhau để xây dựng một gia đình hạnh phúc, bền vững.
Đã là vợ chồng, ai cũng mong muốn mình có con nối dõi tông đường. Điều mong muốn lớn nhất của người làm cha làm mẹ đó là có được những đứa con xinh đẹp, khoẻ mạnh, ngoan hiền, thông minh, học giỏi, … Muốn quả tốt phải có nhân tốt. Việc cha mẹ sinh con cũng như việc trồng cây lấy quả. Giống tốt, đất tốt, chăm sóc tốt sẽ ra hoa kết quả tốt. Cha là hạt giống, mẹ là thửa đất. Hạt giống tốt của cha, gieo vào thửa đất tốt của mẹ lại thêm chăm sóc tốt nữa chắc chắn sẽ sinh ra những đứa con tốt. Đây là nhân quả rõ ràng. Bậc làm cha mẹ có thể thực hiện được. Cha giữ được năm giới là hạt giống tốt, mẹ giữ được năm giới là thửa đất tốt, sự chăm sóc của người mẹ khi mang thai như luôn nhớ Phật, nghĩ những điều tốt, đọc kinh sách, nhất là không nên có những tư tưởng tà hạnh, buồn rầu, đau khổ, thù oán, … được như vậy chính là chăm sóc tốt. Cha tốt, mẹ tốt, chăm sóc bào thai tốt chắc chắn sẽ sinh ra những đứa con tốt. Người Phật tử phải sinh ra được những đứa con tốt làm đẹp mặt cha mẹ, rạng rỡ nòi giống tổ tông. Ngược lại, nếu sinh ra những đứa con ngỗ nghịch, hư hỏng, sa đoạ, tội lỗi, … cha mẹ cũng có một phần trách nhiệm trong đó và có tội lỗi với tổ tiên, với đất nước.
Khi con sắp đến tuổi trưởng thành, cha mẹ cần phải quan tâm, gần gũi, chăm sóc nhiều hơn. Vì lúc đó, cơ thể sinh lý phát triển, có những sự tò mò tìm hiểu của tuổi mới lớn, nếu không kịp thời hướng dẫn, con trẻ sẽ tìm ra bên ngoài và rất dễ bị phạm vào tà hạnh, tội lỗi. Người mẹ phải gần gũi con gái để hướng dẫn và giải toả những vướng mắc về sinh lý cho con. Người cha gần gũi con trai để hướng dẫn và giải toả những vướng mắc về sinh lý của con mình. Không nên chỉ lo chú trọng đến việc kiếm tiền mà bỏ qua việc chăm sóc con cái. Có những gia đình cha mẹ rất giàu, nhiều tiền lắm của, nhưng con cái lại hư hỏng. Hạnh phúc của con chính là hạnh phúc của cha mẹ, bất hạnh của con cũng chính là bất hạnh của cha mẹ.
Vợ chồng bước qua giai đoạn làm cha mẹ, phải luôn là tấm gương sáng cho con noi theo. Cha mẹ phải sống khắc kỷ, ghép mình vào khuôn khổ đạo đức. Phải biết hy sinh những hưởng thụ lạc thú cá nhân, sống hết lòng vì con. Cha uống rượu không thể khuyên con đừng uống rượu, mẹ cờ bạc, lẳng lơ không thể khuyên con sống tốt được. Muốn dạy con tốt cha mẹ phải là tấm gương tốt.
Hạnh phúc của con người không chỉ dừng ở chỗ hưởng thụ khoái lạc vật dục mà cần phải thăng hoa tinh thần đến chỗ chân thiện mỹ. Mỗi ngày thân thể chúng ta muốn khoẻ mạnh cần phải ăn uống vật thực, cũng thế tinh thần chúng ta muốn trong sáng cần phải học Phật pháp. Vì Phật pháp giúp chúng ta thấy rõ được sự thật của nhân sinh vũ trụ là vô thường, khổ, không, vô ngã. Biết rõ nhân quả tội phước, có đời này đời sau, làm lành gặp lành, làm ác gặp dữ, biết sống hướng thiện hướng thượng. Nếu vợ hoặc chồng chưa quy y Tam Bảo thọ trì năm giới thì nên quy y Tam Bảo thọ trì năm giới. Nếu đã quy y rồi thì nên tích cực giữ gìn năm giới. Giữ được năm giới này chính là người chồng tốt, người vợ tốt và an lạc hạnh phúc có được không chỉ đời này và cả đời sau.
Mừng cho đôi trẻ thành hôn
Trăm năm kết tóc kiền khôn lâu dài
Sắt cầm hảo hợp bền dai
Phụng loan ứng lứa đẹp thay duyên lành
Tơ hồng Nguyệt Lão đành rành
Se tơ kết tóc sẵn dành từ lâu
Tóc xanh cho đến bạc đầu
Chồng hoà vợ thuận là câu muôn đời.
Trước khi dứt lời, một lần nữa thầy thay mặt chư tôn đức Tăng (Ni) hiện diện chúc các con trăm năm hạnh phúc.
Nam mô A-di-đà Phật.
Người hướng dẫn: Mời cô dâu và chú rể đến bàn chư Tôn đức Tăng (Ni) chứng minh, để nhận phần quà và giấy chứng nhận.
Thầy chủ lễ: Tặng quà cho cô dâu, chú rể (đeo chuỗi cho đôi trẻ, trao giấy chứng nhận).
Người hướng dẫn: Mời cô dâu, chú rể quỳ xuống đại diện phát biểu cảm tạ.
PHÁT BIỂU CẢM TẠ CỦA CÔ DÂU VÀ CHÚ RỂ
– Nam mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật!
– Kính bạch chư Tôn đức chứng minh.
– Kính thưa bà con cô bác hai họ và quý quan khách!
Hôm nay, ngày ….. tháng ….. năm ….. là ngày hạnh phúc của chúng con, niềm hạnh phúc này lại được nhân đôi khi chúng con được may mắn, đầy đủ duyên lành, được trên chư Tôn đức Tăng (Ni) từ bi hứa khả quang lâm cử hành lễ hằng thuận, không những vậy quý Ngài còn ban cho những lời pháp thật quý báu. Chúng con nguyện khắc cốt ghi tâm những lời quý Ngài đã dạy.
Dẫu cuộc đời có gặp khó khăn thử thách, chúng con cũng đồng lòng chia ngọt sẻ bùi, trên thuận dưới hoà sống trọn đạo làm con và bổn phận của người con Phật. Hai con sẽ luôn tôn trọng nhau, thuỷ chung trọn đời để khỏi phụ lòng ân sanh thành dạy dỗ và niềm tin yêu của cha mẹ. Cũng như tỏ lòng tri ân đến Tam Bảo và chư Tôn đức Tăng (Ni). Chúng con nguyện phụng đạo giúp đời, xứng đáng là một công dân tốt trong xã hội.
Trong giờ phút thiêng liêng này, chúng con thành kính đảnh lễ tri ân quý Ngài và cầu nguyện cho quý Ngài pháp thể khinh an, chúng sanh dị độ, Phật sự viên thành, mãi mãi là điểm tựa tâm linh vững chắc cho chúng con cũng như tất cả mọi người. Sau cùng, xin cảm ơn bà con hai họ, quý quan khách đã đến tham dự và chúc phúc cho chúng con trong ngày vui hôm nay.
Nam mô Hoan Hỷ Tạng Bồ-tát Ma-ha-tát.
Người hướng dẫn: Xin mời cô dâu và chú rể đứng dậy hướng về Tam Bảo đảnh lễ tri ân tam bái.
Người hướng dẫn: Mời chư Tôn đức Tăng (Ni) và tất cả mọi người đứng dậy hồi hướng.
HỒI HƯỚNG
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo. O
Thảo luận về post