Lá cờ Phật giáo do ông Henry Steel Olcott, nguyên là Đại Tá Hải Quân, sinh năm 1832 tại Hoa Kỳ phác hoạ ra vào năm 1889. Theo một số tư liệu cho rằng ông cùng với một nhà sư Tích Lan tên là Susmangala, căn cứ theo sáu màu hào quang của Ðức Phật mà phác thảo nên lá cờ.
Lá cờ Phật giáo đã được chấp thuận bởi Hội Nghị Liên Hữu Phật giáo Thế Giới, tổ chức lần đầu tiên tại thủ đô Colombo Tích Lan, từ ngày 26 tháng 5 năm 1950 đến ngày 7 tháng 6 năm 1950.
Cờ phật giáo có năm sắc chiều dọc, gồm: Xanh đậm, vàng, đỏ, trắng, cam, tượng trưng cho hào quang chư Phật.
Năm sắc theo chiều ngang, chiếm diện tích 1/6 lá cờ, là mầu tổng hợp tượng trưng cho ánh sáng hào quang chư Phật. Ý nghĩa của các màu sắc phân biệt là :
Xanh đậm : Tượng trưng cho Ðịnh căn. Màu xanh tượng trưng cho sự rộng lớn, sáng suốt .
Vàng lợt : Tượng trưng cho Niệm căn, vì có Chánh Niệm mới sanh Ðịnh và phát Huệ.
Ðỏ : Tượng trưng cho Tinh Tấn căn.
Trắng : tượng trưng cho Tín căn, niềm tin không lay chuyển.
Da cam : Tượng trưng cho Huệ căn. Khi có Tín, Tấn, Niệm, Ðịnh đầy đủ thì Tuệ sẽ phát sanh.
Màu tổng hợp : Tượng trưng cho tinh thần đoàn kết của Phật giáo đồ trên toàn thế giới.
Như vậy, Cờ Phật Giáo trước hết là biểu trưng tinh thần thống nhất của Phật Tử trên toàn thế giới. Cờ Phật Giáo còn tượng trưng cho niềm Chánh tín và sự yêu chuộng hòa bình của mọi người con Phật . Ngoài ra, cờ Phật Giáo còn có ý nghĩa cắt bỏ quan niệm cố chấp các ranh giới địa phương, gia tăng niềm hăng hái đoàn kết để phụng sự cho Ðạo Pháp và dân tộc. Bởi theo quan niệm Phật giáo, không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, trong dòng nước mắt cùng mặn, và trên tất cả mọi người đều có chung một nguồn tuệ giác (Phật tánh) như nhau.
Thảo luận về post