TỰ ĐIỂN BÁCH KHOA PHẬT GIÁO VIỆT NAM
三千變化出南海
一片慈心度世人
Tam thiên biến hóa xuất nam hải
Nhất phiến từ tâm độ thế nhân.
TỰA
Phật giáo truyền vào nước ta đã hai nghìn năm, được nhân dân ta tiếp thu và vận dụng vào đời sống của dân tộc mình. Cho nên nói đến văn minh văn hoá Việt nam, mà không kể đến vai trò Phật giáo là một thiếu sót lớn. Nói đến văn học Việt nam, lại càng không thể không nói đến Phật giáo. Phật giáo đã có một vị trí vai trò nhất định trong lịch sử dân tộc. Vì thế, nghiên cứu lịch sử dân tộc, không thể không nghiên cứu lịch sử Phật giáo.
Nhưng để nghiên cứu Phật giáo, tất phải có những công cụ dùng cho người nghiên cứu, trong đó tự điển giữ một vai trò hết sức quan trọng. Từ hậu bán thế kỷ thứ 18 khi viết Kiến văn tiểu lục, Lê Quí Đôn đã nhận ra sự cần thiết phải có một bộ tự điển Phật giáo. Ông sơ bộ ghi lại khoảng gần hai trăm danh mục những thuật ngữ, tạp ngữ Phật giáo, để làm cơ sở cho việc nghiên cứu Phật giáo của mình. Sống cùng thời với Lê Quí Đôn, thiền sư Pháp Chuyên Diệu Nghiêm cũng cảm thấy yêu cầu đó, nên đã để lại cho ta hai pho tự điển nhan đề Tam giáo danh nghĩa và Tam giáo pháp số. Đây có thể nói là những pho tự điển triết học Việt nam xưa nhất hiện còn. Pháp Chuyên biên soạn những bộ tự điển ấy trên cơ sở những qui tắc và thể lệ biên soạn được ý thức và tuân thủ một cách nghiêm chỉnh. Qua đến thế kỷ thứ 19, công trình của Pháp Chuyên chỉ được kế tục một cách nửa vời với bộ Đạo giáo nguyên lưu của An Thiền và bộ Tam bảo sự loại của một tác giả Minh hương.
Như thế, yêu cầu có một bộ tự điển Phật giáo để làm công cụ cho những người nghiên cứu vẫn chưa được đáp ứng. Yêu cầu đó càng trở nên cấp bách hơn vào lúc này khi nền học thuật nước nhà đang trên đà phát triển mạnh. Không thể nào nghiên cứu lịch sử dân tộc, văn học dân tộc, nghệ thuật dân tộc, thậm chí khoa học kỹ thuật dân tộc mà không biết đến Phật giáo. Khoan nói chi tới những thời xa xưa, khi Khương Tăng Hội viết Lục độ tập kinh, hay Đạo Cao thảo ra những lá thư xưa nhất của văn học hiện còn, và hoàn thành bộ tự điển chữ quốc âm Tá âm hiện biết tên. Chỉ kể từ Nam Việt vương Đinh Liễn và Lê Đại Hành trở xuống với những tràng kinh mới phát hiện ở Hoa Lư, biết bao những anh tài của đất nước đã chịu ảnh hưởng sâu xa của Phật giáo. Đọc đến lời thơ của vị anh hùng dân tộc Trần Nhân Tôn hai lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông hung hãn:
Biết chân như, tin bát nhã
Chớ còn tìm Phật Tổ tây đông
Chứng thực tướng, ngộ vô vi
Nào nhọc hỏi kinh thiền nam bắc.
Hay đọc những câu thơ sau của người trí thức Nguyễn Trải suốt đời vì nước vì dân
Vuỗn sinh lẫn thẫn mấy già
Mọi sự đều nên thuấn nhã đa.
Hay nghe nhà thơ lớn Nguyễn Du nói lên những câu sau:
Nghìn xưa âu cũng thế này
Từ bi âu liệu bớt tay cho vừa.
Nếu không có những kiến thức về Phật giáo, thì làm sao mà lý hội thông cảm với tiền nhân, làm sao mà giải thích, mà hiểu được những từ ngữ Phật giáo như thế? Ấy là chưa kể tới những tác phẩm tư tưởng lớn của Trần Thái Tôn, Ngô Thì Nhiệm v.v… Cho nên, tìm hiểu Phật giáo là một bước quan trọng để tìm hiểu lịch sử dân tộc, để tìm về truyền thống cố hữu của cha ông. Mà muốn tìm hiểu Phật giáo thì phải có những công cụ để thực hiện công trình tìm hiểu ấy. Từ điển là một trong những công cụ thiết yếu vừa nói.
Hơn 20 năm qua, Hoà Thượng Viện Trưởng Viện Hoá Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Thích Trí Thủ đã ước mơ hoàn thành một bộ từ điển Phật Giáo Việt Nam nhằm làm cơ sở tra cứu cho những ai muốn tìm hiểu Phật giáo. Chúng tôi may mắn được Hoà Thượng chỉ đạo và giúp đỡ trong công tác biên soạn bộ từ điển vừa nêu. Nay tập I của bộ từ điển ấy hoàn thành gồm từ chữ A đến A DI ĐÀ và được xuất bản, chúng tôi thay mặt những người cộng tác biên soạn, viết lời tựa này, trước để ghi lại công ơn của Hòa Thượng, và sau để biểu lộ lòng cảm kích trước sự chỉ bảo khích lệ tận tình của Ngài đối với chúng tôi.
Tất nhiên, với một công trình như bộ từ điển đây, không thể nào không có những sai sót lầm lộn. Chúng tôi hy vọng các bạn đọc vui lòng góp ý kiến phê bình để lần sau được in lại, nó sẽ hoàn chỉnh hơn.
Trong khi thực hiện tập I của từ điển Bách Khoa Phật Giáo Việt Nam, chúng tôi có sự giúp đỡ tận tình của các bạn bè, và đặc biệt của anh em tra cứu viên trong ban biên soạn từ điển.
Vạn Hạnh
Ngày đản sinh đức Quan Thế Âm 1980.
LÊ MẠNH THÁT
TỰ ĐIỂN BÁCH KHOA PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẬP 1
TỰ ĐIỂN BÁCH KHOA PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẬP 2
Thảo luận về post