Vào thời Minh Trị 1860 -1912, Nan-in một thiền sư Nhật tiếp một giáo sư Đại học đến hỏi về Thiền.
Nan-in mời trà, ông đã rót đầy tách của khách nhưng vẫn tiếp tục rót thêm. Vị giáo sư ngồi nhìn nước trong tách tràn ra cho đến khi không kềm mình được nữa.
– “Đầy quá rồi, xin đừng rót nữa.”
– “Giống như cái tách này”, Nan-in nói “Ông cũng đầy ắp những quan niệm, những tư tưởng của ông, làm sao tôi có thể bày tỏ Thiền cho ông được. Trừ phi ông cạn cái tách của ông trước.”
Lời bàn:
Ta nên hiểu câu chuyện này như thế nào? Khi một vị giáo sư đến để hỏi về Thiền, thường thì khi đã là một vị giáo sư thì ông đã hiểu rất nhiều vấn đề trước khi đến với Thiền, tức là ông đã có những định kiến, đã có những chủ trương, đã có những khuynh hướng ở trong lòng mình rồi. Và những định kiến của ông cũng đã được bảo đảm bằng những bằng cấp của ông; nên ông tin chắc rằng, những điều gì mình suy nghĩ là đúng.
Chẳng những như vậy, ông còn tập hợp rất nhiều tư tưởng, sách vở, kiến thức từ các nơi. Nơi một vị Giáo sư như vậy, ở con người ông, ở tâm hồn ông, ông biết quá nhiều vấn đề. Cho nên khi ông đến hỏi Thiền, thì ngài Nan-in dạy ngay một bài học đầu tiên, mà bài học của một vị Thiền sư đúng là nó đầy ấn tượng. Ấn tượng đó là Ngài không dùng lời nói để chê trách liền, mà Ngài đã dùng hình ảnh của tách trà cứ tràn ra tràn ra để vị giáo sư có một ấn tượng rất mạnh, rồi mới nhớ được lời Ngài dạy. Ngài rót tách trà đã tràn ra rồi mà Ngài vẫn rót, để buộc cho ông nói lên. Chính ông phải nói lên: “Đừng rót nữa.” Lúc đó Ngài mới nhắc “Ông cũng đầy những quan niệm, những tư tưởng, nên tôi không thể bày tỏ Thiền cho ông được nữa. Ông chủ quan quá rồi.”
Như vậy trong câu chuyện này, tác giả muốn nói, khi đến với Thiền, trước hết ta phải buông bỏ hết những hiểu biết của mình đã. Đây là ý nghĩa dễ hiểu nhất trong câu chuyên đầu tiên này. Và ý nghĩa này cũng đã gây hiểu lầm nghiêm trọng. Trước hết là, ai cũng có một số hiểu biết khi đến với đạo Phật, nhất là trước khi đến với Thiền, ai cũng từng có nhiều cái hiểu biết. Như người đạo Thiên Chúa cũng vậy, họ đứng trên hiểu biết về đạo Thiên Chúa, họ muốn tìm đến với Thiền. Hoặc là một người đạo Nho, hoặc một người ngoại đạo tu theo đồng bóng, tin rằng có mẫu mẹ nhập xác. Hoặc là người theo nghiên cứu khoa học, chỉ tin những gì khoa học chứng minh được, ngoài ra không tin những gì thuộc về tín ngưỡng v.v…
Vô số những người đến với Thiền, với đạo Phật từ những khuynh hướng gốc của mình và họ mang cái hiểu biết, mang cái quan điểm đó rồi giống như tâm hồn đã đóng cửa, họ không còn có thể đón nhận thêm cái ánh sáng của Thiền mà chân lý đó, vốn nó bàng bạc, nó nhẹ nhàng, nó đòi hỏi cái tâm tế nhị, sâu lắng chứ không phải là một cái tâm hơn thua, hiếu thắng nông nổi mà được.
Qua câu chuyện Ngài Nan-in nhấn mạnh với ông giáo sư, cũng là nhắc nhở với tất cả chúng ta là đừng có chủ quan cho là đến với Thiền với một tâm hồn đầy ắp kiến thức mà cho là đủ. Chính ra, một tâm hồn như trẻ thơ, nhẹ nhàng không cố chấp. Tâm hồn đó dễ đón nhận được chân lý của Thiền hơn.
Cái ý nghĩa căn bản của câu chuyện này như vậy. Nhưng từ ý nghĩa đó, đã được người ta hiểu theo cách như thế này: cái việc học nó trở ngại cho việc tu Thiền. Hoặc là muốn tu Thiền thì phải bỏ hết kiến thức cũ của mình, chứ nếu còn có những kiến thức cũ thì không thể nào lĩnh hội Thiền được. Đây là một hiểu lầm nghiêm trọng. Bởi vì sao? Bởi vì cái gì mình đã hiểu biết, mình bỏ đi đâu? Làm sao bỏ được nữa? Và người không hiểu biết chắc chắn là người ngu. Bởi vì từng những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống ta phải học mới có được. Nếu không học thì mình không thể hiểu biết, không thể cư xử như một con người đàng hoàng, như một con người văn minh trong thời đại tiến bộ này. Nên có nhiều người học Thiền cực đoan, thầy gọi là cực đoan, bảo rằng phải mửa ra cho hết những kiến giải của ông, dù ông học kinh điển, học kinh Phật cũng phải mửa ra, học sách thế gian cũng phải mửa ra. Đó là lối nói cực đoan. Cái hiểu biết không phải là vô ích. Nó sẽ vô ích, nó sẽ chướng ngại khi mình cố chấp. Đây là điểm quan trọng, một người hiểu biết nhiều không có lỗi. Chỉ có lỗi khi người đó cố chấp, cho rằng những gì mình hiểu là hoàn toàn đúng, là hoàn toàn đủ.
Một người cho những điều mình biết là đúng, là đủ thì người đó là người tự cao, người tự mãn, thì không thể học gì thêm được nữa; huống hồ là học Thiền. Bởi vì Thiền đòi hỏi một tâm hồn hết sức là khiêm hạ, không thấy mình là hay, không thấy mình là giỏi, mới có thể đến được với Thiền. Còn một giây phút mình chấp cái hiểu biết cuả mình là đúng, là đủ; những quan niệm từ trước của mình là hoàn hảo thì người này không thể học Thiền được.
Cho nên cái thái độ mà trong câu chuyện này muốn nói, là nhắc nhở chúng ta một thái độ khiêm hạ khi chúng ta đến với Thiền. Nghĩa là chúng ta buông hết cái tâm cho mình là hay là giỏi, những quan niệm từ xưa mình cho là khuôn vàng thước ngọc, mình muốn lấy cái đó áp dụng cho chính mình và áp đặt lên cho người khác đều là sai lầm. Mình phải cho rằng mình hãy còn dở mà chân lý của Thiền thì cao siêu vời vợi. Phải được như vậy, mình mới có thể học Thiền được. Qua câu chuyện này, chúng ta hiểu được cái ý chính, là người có tâm hồn đơn giản rỗng rang dễ học Thiền.
Cái thứ hai là ta cần cảnh giác, là đừng chống đối cái hiểu biết, cái kiến thức; mà chỉ là đừng cố chấp thôi. Những gì mình đã biết, đừng cố chấp nó là đúng, là hay, là đủ, thì có thể học Thiền được.
Trong một quyển sách lớn , ông Krisnamurti có đặt tựa đề là “Freedom from the know”. Tức là “Sự tự do khỏi cái biết”. Trong cái đó không có vấn đề là phải hủy bỏ hết hiểu biết của mình, những kiến thức của mình; mà chỉ là giải thoát thôi, nghĩa là không cố chấp vào những hiểu biết của mình. Sau này có một tác giả dịch là “Giải trừ kiến thức” tức là hủy bỏ kiến thức đi. Cái lời tựa dịch như vậy là sai, sau này ông biết mình sai, nên có dịch lại là “Giải thoát tri kiến”; thì đây cũng là danh từ mượn của đạo Phật để áp đặt vào. Sự thực, giải thoát tri kiến có một ý nghĩa khác chứ không đúng cái nghĩa “Freedom from the know”.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát
Thảo luận về post