>>Tiểu sử Tổ Khuông Việt (Quốc Sư Ngô Chân Lưu)
TÓM TẮT:
Bài viết khẳng định vai trò cùng đóng góp to lớn của Thiền sư Khuông Việt đối với vương triều Đinh (968-980), Tiền Lê (981-1009) trong buổi đầu độc lập tự chủ, phục hưng những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của dân tộc, trên các lĩnh vực:
– Với đất nước, Thiền sư đã giúp vương triều xây dựng đất nước (đối nội và đối ngoại);
– Với Phật Giáo, Thiền sư đã hoằng dương Phật Pháp, gắn kết Phật Giáo với dân tộc, tạo nên một Phật Giáo Đại Việt nhập thế;
– Với văn học, Thiền sư đã để lại một đoạn Ngữ lục, bài Kệ thị tịch và một bài Từ khúc. Bài từ là một trong hai tác phẩm đầu tiên của dòng văn học viết Việt Nam, là tác phẩm văn học bang giao sớm nhất, mang đậm tư tưởng yêu nước, yêu hòa bình và tinh thần nhân văn cao đẹp.
Bên cạnh, bài viết còn bàn lại về năm sinh, nêu ý kiến về văn bản bài Từ khúc đúng như diện mạo của lối chính thể theo điệu “Nguyễn lang quy” có 47 chữ.
Muốn hiểu rõ hơn về vai trò cùng đóng góp của Thiền sư đối với đất nước ở vương triều Đinh (968-980), Tiền Lê (981-1009) trong buổi đầu vừa giành lại độc lập tự chủ, đất nước thống nhất, bước đầu phục hưng những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống, thiết nghĩ cần nói qua dòng dõi và nhất là xác định lại năm sinh của Ngài.
oOo
1. Trước hết, xin được bàn lại về năm sinh của Khuông Việt Thái Sư:
Sách Thiền Uyển Tập Anh 禪 苑 集 英 (sách được viết cuối đời Lý đầu đời Trần) bản in xưa nhất hiện còn là bản năm Vĩnh Thịnh thứ 11, tức năm 1715, đời Lê Dụ Tông (1705-1720), ký hiệu A.3144. Đây là một tác phẩm đan xen các thể loại, vì vừa ghi lại hành trạng, tiểu truyện các vị Thiền sư; vừa ghi chép lịch sử truyền thừa các thế hệ thuộc các dòng Thiền ở Việt Nam: truyện truyền đăng; trong đó có ghi chép lời đối đáp giữa các vị Thiền sư: ngữ lục; và những lời này có thể xem như là các công án Thiền; trong các tiểu truyện lại có tàng trữ thi kệ nên tác phẩm có giá trị thi ca rất lớn, nhờ đó mà các văn bản văn học của các bậc tiền nhân – chủ yếu là của các Thiền sư – từ thời Bắc thuộc (thế kỷ thứ VI) đến đầu đời Trần (thế kỷ thứ XIII) còn được lưu truyền đến nay; cũng có thể xem tác phẩm thuộc thể tài biến văn, và là cuốn Phật Giáo Sử đầu tiên của nước ta. Riêng viết về tiểu sử, hành trạng của Khuông Việt Thiền Sư 匡 越 禪 師 thì tác phẩm này là cuốn sách chép đầu tiên. Từ đó, các bộ chính sử phong kiến, các bộ Phật Giáo Sử sau này căn cứ vào đó mà biên chép lại.
Khuông Việt tên là Ngô Chân Lưu, người ở hương Cát Lợi, huyện Thường Lạc[1], là hậu duệ của Ngô Thuận Đế[2]. Thiền sư có tướng mạo khôi ngô, tính tình phóng khoáng, chí khí cao xa, thuở nhỏ theo nghiệp Nho, lớn lên quy y Phật, nhờ đó được tinh thông tam giáo cửu lưu, đọc rộng kinh sách Phật Giáo, hiểu sâu ý chỉ Thiền học. Thiền sư thuộc thế hệ thứ tư dòng Thiền Vô Ngôn Thông, là đệ tử truyền thừa của Thiền sư Vân Phong. Căn cứ vào sách Thiền Uyển Tập Anh 禪 苑 集 英 thì Ngài mất năm 1011. Còn về năm sinh, ngài sinh năm 960, 933 hay 930? Đặt ra câu hỏi này, bởi lẽ, hiện có vài tài liệu viết khác nhau.
Sách Thiền Uyển Tập Anh 禪 苑 集 英, ở đoạn cuối tiểu truyện về Khuông Việt có chép: 李 朝 順 天 二 年 二 月 十 五 日, 將 告 寂, 示 寶 偈 云: 木 中 原 有 火, 有 火 火 還 生. 若 謂 木 無 火, 鑽 遂 何 由 萌. 偈 畢, 趺 跏 而 逝. 壽 五 十 有 二 (或 云 壽 七 十 九) (TUTA tờ 9b2-9b4).
Lý triều Thuận Thiên nhị niên nhị nguyệt thập ngũ nhật, tương cáo tịch, thị Bảo kệ vân: ‘Mộc trung nguyên hữu hỏa, Hữu hỏa hỏa hoàn sinh. Nhược vị vô mộc hỏa. Toản toại hà do manh’. Kệ tất, phu già nhi thệ, thọ ngũ thập hữu nhị (hoặc vân thọ thất thập cửu).
Dịch: Ngày 15 tháng 2 năm Thuận Thiên thứ 2, triều Lý, sắp khai tịch. Thiền sư dạy Đa Bảo một bài kệ: ‘Trong cây sẵn có lửa, Có lửa lửa lại sinh. Nếu bảo cây không lửa, Cọ xát do đâu sinh’. Nói xong, Thiền sư ngồi kiết già mà hóa, thọ 52 tuổi (hoặc nói thọ 79 tuổi).
Năm Thuận Thiên thứ 2, triều Lý, tức năm Tân Hợi (1011) đời vua Lý Thái Tổ (1009-1028). Như vậy, theo Thiền Uyển Tập Anh 禪 苑 集 英, thì Khuông Việt tịch năm 1011. Điều này không có gì phải bàn cãi. Nhưng về năm sinh, theo ghi chép trong Thiền Uyển Tập Anh, nếu Khuông Việt tịch lúc 52 tuổi (tuổi âm lịch), thì Ngài sinh vào năm 960 (tức [1011 – 52] + 1); còn nếu tịch lúc 79 tuổi thì Ngài sinh vào năm 933 (tức [1011 – 79] + 1). Vì thế, Thơ Văn Lý – Trần tập 1 của Viện Văn Học ghi Khuông Việt sinh năm 933[3]; Bản dịch Thiền Uyển Tập Anh của Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thuý Nga cũng ghi năm sinh là 933[4]; Hà Văn Tấn trong Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam (Viện Triết học – Nguyễn Tài Thư chủ biên) cũng ghi như thế[5]; Hòa Thượng Thích Thanh Từ trong Thiền Sư Việt Nam, và trong Tham Đồ Hiển Quyết và Thi Tụng Các Thiền Sư Đời Lý giảng giải đều ghi sinh năm 933[6]. Trong khi đó, Lê Mạnh Thát ở công trình nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh và trong Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam tập 2 thì lại ghi sinh năm 930[7]. Có việc ghi về năm sinh như trên là vì các nhà nghiên cứu đều căn cứ vào sách Thiền Uyển Tập Anh cùng bộ chính sử Đại Việt Sử Ký Toàn Thư mà suy ra. Thơ văn Lý – Trần tập 1; bản dịch Thiền Uyển Tập Anh của Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thuý Nga; Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam của Viện Triết Học (Nguyễn Tài Thư chủ biên) và một số tài liệu Phật học, sử học khác v.v… đều cho rằng Thiền sư Khuông Việt sinh năm 933 là vì căn cứ vào cái mốc Khuông Việt mất năm 79 tuổi như Thiền Uyển Tập Anh có ghi chú thêm sau câu chính văn với dòng chữ nhỏ: 或 云 壽 七 十 九 “hoặc vân thọ thất thập cửu” (hoặc nói thọ 79 tuổi) (TUTA tờ 9b4). Nhưng dựa vào đâu mà Lê Mạnh Thát lại cho rằng Khuông Việt sinh năm 930? Ông biện luận rằng: như Thiền Uyển Tập Anh đã chép, nếu Khuông Việt mất năm 52 tuổi thì không viết là ‘thọ’ được[8]; ông còn phủ nhận Khuông Việt không thể mất năm 79 tuổi (tức sinh năm 933), bởi không thể Khuông Việt được vua Đinh Tiên Hoàng phong làm Tăng Thống và ban hiệu Khuông Việt trước năm 40 tuổi (vì năm được phong là năm Thái Bình thứ hai 971); rồi cuối cùng Lê Mạnh Thát lại nghi ngờ sách đã in nhầm một chữ ở cả 3 bản in đời Lê và đời Nguyễn, đó là chữ 八“bát” in thành chữ 五 “ngũ” trong 壽 五 十 有 二 “thọ ngũ thập hữu nhị”, mà theo ông đúng ra phải là 壽 八 十 有 二 “thọ bát thập hữu nhị” (thọ 82 tuổi), từ đó ông khẳng định Thiền sư Khuông Việt sinh năm 930 (tức [1011 – 82] + 1)[9]. Ý kiến của Lê Mạnh Thát như vừa nêu, theo thiển nghĩ, xét đến cùng, cũng chỉ là suy đoán chứ chưa đủ sức thuyết phục, vì ông chưa làm phép tính chính xác, ông nói “như Thiền Uyển Tập Anh đã chép” nhưng thật ra sách có chép như ông viết đâu!
Xin được nói thêm, hiện chưa thấy một tài liệu nào đồng ý với năm sinh của Ngài là 960, bởi năm 971 là năm Thiền sư được vua mở đầu nhà Đinh phong chức Tăng Thống và ban danh hiệu, thì lúc này Ngài chỉ mới 12 tuổi! Nên nếu ghi năm sinh là 960 thì không thể thuyết phục và khó lòng chấp nhận.
Nhưng theo tôi, Khuông Việt có thể sinh trước năm 933 một vài năm. Bởi lẽ, cũng ở tiểu truyện Khuông Việt trong sách Thiền Uyển Tập Anh có ghi thông tin sau:
年 四 十, 名 震 于 朝, 丁 先 皇 帝 召, 對 稱 旨, 拜 為 僧 統, 太 平 二 年, 賜 號 匡 越 大[10] 師 (tờ 8a9-10-11).
Niên tứ thập, danh chấn vu triều, Đinh Tiên Hoàng đế triệu, đối xưng chỉ, bái vi Tăng Thống, Thái Bình nhị niên, tứ hiệu Khuông Việt Đại Sư.
Dịch: Năm 40 tuổi, danh tiếng vang dội đến triều đình, vua Đinh Tiên Hoàng mời về kinh đô [Hoa Lư], [Thiền sư] đối đáp hợp ý, [được vua] bái phong làm Tăng Thống, năm thứ hai niên hiệu Thái Bình (tức năm 971), vua ban hiệu Khuông Việt Đại Sư.
Thêm một thông tin khác, bộ chính sử Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản Kỷ, quyển 1, kỷ nhà Đinh có chép:
“Tân Mùi, Thái Bình năm thứ hai (971) [Tống, Khai Bảo năm thứ tư], mới định ra giai phẩm cho các quan văn võ và Tăng đạo. Cho Nguyễn Bặc làm Định Quốc Công, Lưu Cơ làm Đô Hộ Phủ Sĩ Sư, Lê Hoàn làm Thập Đạo Tướng Quân, cho Ngô Chân Lưu làm Tăng Thống hiệu là Khuông Việt Thái Sư, cho Trương Ma Ni làm Tăng Lục Đạo Sĩ, Đặng Huyền Quang làm Sùng Chân Uy Nghi”[11].
Như vậy, trong lịch sử nước nhà, các chức Tăng quan, cụ thể là Tăng Thống, Tăng Lục v.v… bắt đầu có từ năm 971, mà Thiền sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu là người được triều đình nhà Đinh phong tặng đầu tiên, và là vị Tăng Thống đầu tiên trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam.
Căn cứ vào hai văn bản gốc với những ghi chép thông tin nhất quán về năm phong chức Tăng Thống như trên, từ đó làm phép tính để suy ra năm sinh của Thiền sư Khuông Việt như sau: Ngài tịch vào năm 1011, mà năm Tân Mùi (971), lúc 40 tuổi được phong làm Tăng Thống, được ban hiệu Khuông Việt Thái Sư 匡 越 太 師 (vị Thái sư khuông phò nước Đại Cồ Việt), thì 1011 – 971 = 40 tuổi âm lịch (năm và tuổi được vua phong chức, ban hiệu) và [971 – 40] + 1 = 932, như vậy Ngài sinh vào năm 932. Còn có thuyết nói Ngài tịch lúc 79 tuổi như Thiền Uyển Tập Anh có ghi chú thêm, mà sau này bộ Thơ Văn Lý – Trần, tập 1; bản dịch Thiền Uyển Tập Anh do Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga dịch, chú thích; sách Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam của Viện Triết Học v.v… đã dùng để ghi lại (tức sinh năm 933), thì theo tôi khó lòng thuyết phục, bởi [933 + 40 tuổi] – 1 = 972 (năm được phong chức ban hiệu), và như vậy thì năm này lại không đúng như sử sách đã ghi, tức năm 971; đồng thời, giả sử nếu đúng là Ngài sinh vào năm 933, rồi năm 971 ngài được nhà vua phong chức và ban hiệu, thì lúc này ngài chỉ mới 39 tuổi, tức chưa đầy 40, và như thế cũng không đúng với thông tin mà sách Thiền Uyển Tập Anh cùng bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản Kỷ, quyển 1, kỷ nhà Đinh đã ghi.
Từ đó, xin được kết luận: Khuông Việt Thiền Sư sinh năm 932. Năm Ngài 40 tuổi, tức năm 971 (năm Tân Mùi, năm thứ hai niên hiệu Thái Bình) được vua Đinh Tiên Hoàng phong chức Tăng Thống và ban hiệu Khuông Việt Thái Sư. Ngài viên tịch vào ngày rằm tháng 2 năm thứ hai niên hiệu Thuận Thiên, triều vua Lý Thái Tổ (1009-1028), tức năm Tân Hợi (1011), thọ 80 tuổi. Và ngày rằm tháng 2 năm Tân Mão này (dương lịch là ngày 19 tháng 3 năm 2011) chính là ngày kỷ niệm giỗ kỵ lần thứ 1.000 của Thiền sư.
oOo
2. Thứ đến, xin được bàn về vai trò, đóng góp của Thiền sư Khuông Việt đối với đất nước, Phật Giáo Đại Việt và văn học sử trong buổi đầu của thời đại độc lập tự chủ, thống nhất và phục hưng:
2.1 Đối với đất nước:
– Một là, dưới triều Đinh, nhờ uy tín, đức độ và học vấn uyên bác, nhất là về Thiền học, Phật học thâm diệu mà vua Đinh Tiên Hoàng (968-979) đã bái phong Thiền sư làm Tăng Thống và ban danh hiệu Khuông Việt cùng chức vụ Thái sư. Tăng Thống là vị Sư tối cao, có nhiệm vụ lãnh đạo Giáo hội, lãnh đạo Tăng đoàn. Theo tình hình tư liệu lịch sử hiện còn, thì Thiền sư Ngô Chân Lưu là vị Tăng Thống đầu tiên của Phật Giáo Đại Việt. Danh hiệu Khuông Việt mà vua nhà Đinh đã sắc ban với ý nghĩa tôn vinh và kính trọng. Đinh Tiên Hoàng đã xem Thiền sư là vị Thánh với nhiệm vụ “Khuông phò nước Việt”. Còn với chức Thái sư, thì dưới triều nhà Đinh và các triều đại sau, chức vụ này là một trong Tam thái[12], có quyền ngang như Tể tướng. Và dĩ nhiên, với chức vụ và danh vị này, Thiền sư có nhiều điều kiện để chấn hưng Phật Pháp, củng cố đất nước, xây dựng vương triều, trị quốc an dân trong buổi đầu khi đất nước vừa thống nhất, sau loạn cát cứ “Thập nhị sứ quân” (965-967), để đưa đất nước bước vào công cuộc phục hưng những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của dân tộc sau hơn một ngàn năm bị phương Bắc đô hộ.
– Hai là, sang triều Tiền Lê (980-1009), dù hiện không thấy sử sách ghi lại Thiền sư đảm nhận trọng trách gì của triều đình, có thể Ngài vẫn giữ chức vụ cũ, chỉ biết lúc này Thiền sư được vua Lê Đại Hành (980-1005) rất kính trọng, được mời bàn việc quân việc nước với vai trò là cố vấn về chính trị của triều đình. Điều này, sách Thiền Uyển Tập Anh có ghi:
黎 大 行 皇 帝 尤 加 禮 敬, 凡 朝 廷 軍 國 之 事, 師 皆 與 焉 (tờ 8b1).
Lê Đại Hành hoàng đế vưu gia lễ kính, phàm triều đình quân quốc chi sự, sư giai dữ yên.
Dịch: Vua Lê Đại Hành kính trọng sư hơn, phàm các việc quân, việc nước của triều đình, Sư đều được mời tham dự.
– Ba là, Thiền sư đã cùng các vị cao tăng khác giúp triều đình xây dựng đất nước, vỗ về nhân dân, đặc biệt là hiến kế giúp vua, góp phần đánh tan quân Tống xâm lược vào năm 981. Bằng chứng là, Thiền sư đã đến núi Vệ Linh cầu đảo Tỳ Sa Môn Thiên Vương, Thần đã ứng hiện và giúp nước ta phá tan giặc Tống xâm lược. Thiền Uyển Tập Anh có ghi:
天 福 元 年, 宋 兵 入 寇, 帝 素 聞 其 事, 命 師 就 祠 禳 禱. 虜 軍 驚 駭, 退 保 友 寧 江, 又 見 風 濤 震 瘍, 蛟 龍 騰 躍, 虜 乃 奔(tờ 8b).
Thiên Phúc nguyên niên, Tống binh nhập khấu, đế tố văn kỳ sự, mệnh sư tựu từ nhương đảo. Lỗ quân kinh hãi, thối bảo Hữu Ninh giang, hựu kiến phong đào chấn dương, giao long đằng dược, lỗ nãi bôn.
Dịch: Năm Thiên Phúc thứ 1 (980)[13], binh Tống đến cướp. Vua vốn biết việc đó, liền sai Sư đến cầu đảo. Quân giặc kinh hãi, rút về giữ sông Hữu Ninh, lại thấy sóng gió nổi lên, giao long nhảy nhót, giặc bèn tan vỡ.
Bên cạnh Khuông Việt, còn có hai vị Thiền sư là Vạn Hạnh và Đỗ Pháp Thuận đã giúp triều đình hộ quốc an dân, như Thiền Uyển Tập Anh đã chép, lúc nhà Tống sai Hầu Nhân Bảo xua quân sang xâm lược nước ta, vua Lê Đại Hành có hỏi ý kiến Thiền sư Vạn Hạnh (?-1018) về thế giặc thì Thiền sư trả lời “chỉ trong ba bảy ngày giặc tất phải lui”. Sau quả đúng như thế. Cũng trong dịp này, vua Lê Đại Hành còn hỏi Thiền sư Đỗ Pháp Thuận (915-990) về vận nước, thì được Sư trả lời:
答 國 王 國 祚 之 問 (國 祚)
國 祚 如 滕 絡
南 天 里 太 平
無 為 居 殿 閣
處 處 息 刀 兵
Đáp quốc vương Quốc tộ chi vấn (Quốc tộ)
Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình.
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh.
Bản dịch 1: Trả lời nhà vua hỏi về vận nước (Vận nước)
Ngôi nước như mây quấn
Trời Nam mở thái bình.
Vô vi trên điện gác
Chốn chốn tắt đao binh.
(Đoàn Thăng dịch – Thơ Văn Lý-Trần, tập 1, tr 204).
Bản dịch 2:
Vận nước như mây cuốn
Trời Nam ắt thái bình.
Ở yên trên điện gác
Chốn chốn dứt đao binh.
(NCL dịch).
Xin nói thêm về hai chữ “đằng lạc” 滕 絡. Mới đây PGS.TS. Nguyễn Đăng Na đã đưa ra cách hiểu là “thuốc quý”, như vậy câu này có nghĩa: “Vận nước như thuốc quý”. Xin ghi lại đây để các bậc thức giả suy nghĩ và tìm hiểu thêm.
Bài thơ ngắn gọn nhưng chứa đựng một nội dung tư tưởng lớn: thể hiện niềm tin vào vận mệnh của tổ quốc, ca ngợi triều đại bền vững, đất nước thái bình. Hai câu sau khẳng định đường lối cai trị “vô vi” của nhà vua, coi đó là nguyên nhân dẫn đến thắng lợi, dập tắt binh đao, ổn định cuộc sống. Cùng với bài Từ Khúc của Thiền sư Khuông Việt, thì bài thơ này của thiền sư Đỗ Pháp Thuận là một trong hai bài thơ sớm nhất hiện còn trong văn học trung đại Việt Nam kể từ sau khi nước nhà giành lại độc lập tự chủ và cả hai đều là của nhà chùa, đều mở đầu cho dòng văn học yêu nước, đậm chất nhân văn.
– Bốn là, Thiền sư đã cùng với Thiền sư Đỗ Pháp Thuận đại diện triều đình nhà Tiền Lê, giúp vua Lê Đại Hành tiếp phái đoàn Sứ thần nhà Tống do Lý Giác làm Chánh sứ sang nước ta vào năm Thiên Phúc thứ 7[14] (987), nhờ vậy mà công cuộc bang giao Việt – Trung (sau chiến tranh giữa hai nước gần 7 năm) đã diễn ra tốt đẹp, hữu nghị, hòa hiếu thật lòng.
2.2 Đối với Phật Giáo:
+ Dưới triều Đinh, dù hiện nay không còn sách vở, tài liệu nào nói cụ thể về công đức Phật sự của Thiền sư dưới triều nhà Đinh, nhưng từ những ghi chép ít ỏi trong các sách Thiền Uyển Tập Anh, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, đặc biệt là qua công cuộc khảo cổ khai quật di chỉ dọc bờ sông Hoàng Long gần kinh đô Hoa Lư vào các năm 1963, 1964 và 1987, ta có thể suy luận rằng với cương vị là Đức Tăng Thống lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo bấy giờ, Thiền sư Khuông Việt đã tạo nhiều điều kiện để giúp Nam Việt Vương Đinh Liễn (con trai đầu của Đinh Tiên Hoàng, mất năm 797) khắc kinh Tổng Trì Đà-la-ni (Phật Đỉnh Tôn Thắng Gia Cú Linh Nghiệm Đà La Ni) – một bộ kinh của Phật Giáo Mật Tông – trên cột đá rồi dựng ở vùng gần Hoa Lư, Ninh Bình, dọc theo sông Hoàng Long. Các cột kinh này, lần đầu được khắc dựng vào năm 973 với 100 tràng kinh; lần cuối được khắc dựng vào năm 979 cũng 100 tràng kinh nữa. Những tràng kinh này được khắc trên các trụ đá hình bát giác cao từ 50cm đến 80cm, mỗi bề mặt có trụ rộng 6,5cm; 7,0cm; và có trụ rộng đến 10,5cm [15]. Căn cứ vào những chữ còn đọc được ở các tràng kinh trên, có thể thấy những tràng kinh khắc năm 973 này được Tĩnh hải quân Tiết độ sứ Nam Việt Vương Đinh Liễn với tư cách ông là một Phật Tử thuần thành, cho khắc để cầu nguyện, nhưng không rõ mục đích vì những dòng cuối bị mờ, không đọc được. Riêng tràng kinh khắc năm Kỷ Mão (979), Đinh Liễn cho khắc để cầu giải thoát cho em mình là Hoàng thái tử Hạng Lang (vì quyền lợi cá nhân, ông đã cho người ngầm giết đi vào mùa xuân năm Kỷ Mão 979), đồng thời cầu cho cha mình là Đại Thắng Minh Hoàng Đế (tức Đinh Tiên Hoàng) được sống lâu và bản thân mình được lộc vị bền vững.
Qua những tràng kinh mà khảo cổ học đã phát hiện, có thể nói, ngay từ thế kỷ thứ X, dưới triều nhà Đinh (và có thể trước đó), Phật Giáo nước ta có sự kết hợp giữa Thiền Tông, Tịnh Độ Tông và Mật Tông, bởi Tổng Trì Đà-la-ni là một bộ kinh trọng yếu của Phật Giáo Mật Tông.
+ Sang triều Tiền Lê, Thiền sư đã cùng các vị cao tăng khác xiển duơng Phật Pháp, trong đó có việc dựng chùa, lập am, đúc tượng, nhất là trước đó từ triều Đinh, Thiền sư đã cho thợ đốn cây tạc tượng thần Tỳ Sa Môn Thiên Vương – một vị thần Hộ Pháp trong Phật Giáo – để thờ tại núi Vệ Linh, nhờ thế mà mấy năm sau, chính vị Thần này đã ứng hiện giúp nhà Tiền Lê đánh tan tác giặc xâm lược, đem lại thái bình cho dân tộc, đất nước. Sách Thiền Uyển Tập Anh tờ 8b có ghi lại việc này:
嘗 遊 平 虜 郡, 衛 靈 山, 悦 其 境 致 幽 勝 歇 爱 庵 居 之 夜 夢 神 人 身 披 金 甲 左 執 金 鎗 右 擊 寶 塔 從 有 十 餘 輩 狀 貌 可 怖 來 謂 之 曰: 吾 即 毗 沙 門 天 王 從 者 皆 落 叉 也 天 帝 有 勑 令 往 此 國 護 其 疆 界 使 佛 法 興 行 於 汝 有 緣 故 來 相 託. 師 驚 悟, 聞 山 中 有 呵 喝 聲 心 甚 異 之. 及 旦 入 山, 見 一 大 木 長 十 丈 許 枝 降 蘩 茂 又 有 瑞 雲 覆 蔭 其 上 因 命 工 伐 取 如 夢 中 所 見 刻 像 祠 焉.
Thường du Bình Lỗ quận, Vệ Linh sơn, duyệt kỳ cảnh chí u thắng, yết ái am cư chi. Dạ mộng thần nhân, thân phi kim giáp, tả chấp kim thương, hữu kích bảo tháp, tùng giả thập dư, bối trạng mạo khả bố, lai vị chi viết: Ngô tức Tỳ Sa Môn Thiên Vương, tùng giả giai lạc xoa dã. Thiên đế hữu sắc lệnh vãng thử quốc hộ kỳ cương giới, sử Phật pháp hưng hành. Ư nhữ hữu duyên, cố lai tương thác. Sư kinh ngộ, văn sơn trung hữu kha hát thanh, tâm thậm dị chi. Cập đán nhập sơn, kiến nhất đại mộc, trường thập trượng hử (hứa), chi hàng phồn mậu, hựu hữu thuỵ vân phúc âm kỳ thượng, nhân mệnh công phạt thủ, như mộng trung sở kiến khắc tượng từ yên.
Dịch: Sư thường đi chơi ở núi Vệ Linh, quận Bình Lỗ, thích nơi đây phong cảnh đẹp đẽ, thanh u, muốn dựng am để ở. Ban đêm nằm mộng thấy một vị thần, mình mặc giáp vàng, tay trái cầm thương vàng, tay phải đỡ bảo tháp, hơn mười người theo hầu, tướng mạo dễ sợ, đến nói rằng: “Ta là Tỳ Sa Môn Thiên Vương, những người theo ta là Dạ Xoa. Thiên Đế có sắc sai ta đến nước này để giữ gìn biên giới, khiến cho Phật Pháp thịnh hành. Ta có duyên với ông nên đến đây báo cho biết”. Sư kinh ngạc thức dậy, nghe trong núi có tiếng kêu la ầm ĩ, lòng rất lấy làm lạ. Đến sáng sư vào núi, thấy một cây to, cao khoảng mười trượng, cành lá sum suê, bên trên lại có mây lành bao phủ, nhân đó sai thợ đến chặt, đem về khắc tượng như đã thấy trong giấc mộng để thờ.
Từ những ghi chép trên, về sau các sách: Việt Điện U Linh Tập, Việt Điện U Linh Tập Lục Toàn Biên, Lĩnh Nam Chích Quái Lục đều dựa vào Thiền Uyển Tập Anh mà chép lại, ở truyện Sóc Thiên Vương dù có thêm bớt vài ba chi tiết, nhưng về đại thể thì giống nhau, và những chi tiết trong truyện này ở các sách trên đều gắn với giấc mộng của Khuông Việt Thái Sư.
Xin nói thêm về Tỳ Sa Môn Thiên Vương. Nguyên thuỷ, đây là một vị thần đại chúng, thuộc Ấn Giáo (Hindu Giáo) – một bước tiếp biến, phát triển từ Bà-la-môn Giáo – ở Ấn Độ, vị thần này có tên Vaisravana hay Kubera, mà danh xưng được đề cập trong kinh điển Ấn Giáo từ Vệ Đà (Rig Veda) đến Anh hùng ca (epics), tuỳ hoàn cảnh mà thần đảm nhiệm những vai trò khác nhau như: Vua của các quỷ thần sống trong bóng tối; Lãnh chúa của kẻ trộm và tội phạm; Thần bảo hộ các thương gia; Một trong bốn thần bảo vệ thế gian; Một trong tám thần canh giữ các phương hướng; Thần bảo hộ tiền tài và sự phong phú v.v… Từ đó, các thần trong Ấn Giáo như thần Phạm Thiên (Brahma), Đế Thích (Shakra) được kết nhập vào thần hệ (pantheon) của Phật Giáo và trở thành các vị Hộ Pháp (Dharmapala). Cũng vậy, Tỳ Sa Môn Thiên Vương trong Ấn Giáo bước vào Phật Giáo với vai trò là vị Hộ Pháp, có danh xưng là Vaisravana (tiếng Pali: Vessavana), là một trong Tứ Thiên Vương[16] nguyện bảo vệ Phật Pháp. Phật Giáo từ khi truyền sang Việt Nam, Trung Hoa và các nước trong khu vực, thì bên cạnh kinh điển, hẳn nhiên các thần hệ này cũng được truyền theo. Riêng ở Việt Nam, Tỳ Sa Môn Thiên Vương có lúc đã được Việt hoá thành Sóc Thiên Vương mà Việt Điện U Linh Tập, Lĩnh Nam Chích Quái Lục đã ghi chép lại thành truyện Sóc Thiên Vương, có tài liệu còn nói vị thần này đã hoá thân thành Phù Đổng Thiên Vương như Lĩnh Nam Chích Quái Liệt Truyện Tục Loại đã chép. Vị thần Hộ Pháp này có duyên với Ngài Khuông Việt, báo mộng cho Ngài biết, và chính Ngài đã sai thợ chặt cây, tạc tượng để thờ phụng đúng y như trong giấc mộng, để sau đó, năm 981, Thiền sư đến đó cầu đảo và Thần đã hiển linh giúp triều đình nhà Tiền Lê bằng cách nổi sóng to gió lớn để đánh tan giặc Tống xâm lược trên dòng Ninh giang mà ở trên chúng tôi có trích dẫn.
2.3 Đối với văn học sử dân tộc
Cũng theo Thiền Uyển Tập Anh thì Thiền sư Khuông Việt đã để lại một đoạn Ngữ lục, một bài kệ Thị Tịch để khai ngộ cho đệ tử là Đa Bảo và một bài Từ khúc viết theo điệu Nguyễn Lang Quy. Ở đây, xin được dừng lại để nói về bài Từ khúc (còn về ý chỉ của đoạn Ngữ lục và bài kệ Thị Tịch, xin xem một bài viết khác của chúng tôi, cũng trong dịp Kỷ niệm kỵ giỗ lần thứ 1.000 này của Thiền sư).
+ Về nhan đề, thể loại và văn bản của bài Từ khúc:
Lâu nay, nhiều nhà nghiên cứu đã tốn công sức, giấy mực để bàn cãi về nhan đề của thi phẩm này là Vương Lang Quy Từ hay Ngọc Lang Quy Từ? Theo tôi, dù nhan đề nào thì cũng không có gì quan trọng cả, bởi lẽ, nó sẽ không làm giảm đi ý nghĩa và nội dung của bài Từ khúc. Chỉ cần biết rằng, bài từ này được Khuông Việt viết năm 987, theo lời đề nghị của vua Lê Đại Hành, nhân dịp tiễn đưa sứ giả Lý Giác nhà Tống trở về lại Trung Hoa, sau khi công việc bang giao Việt-Trung hoàn thành tốt đẹp.
Theo Từ Luật quyển 4 tờ 19b2-5 thì bài từ được viết theo điệu Nguyễn Lang Quy lối chính thể buộc phải tuân thủ những quy định yêu cầu về âm luật như sau:
Câu 1: x B x T T B B.
Câu 2: x B x T B.
Câu 3: x B x T T B B.
Câu 4: x B x T B.
Câu 5: B T T T B B.
Câu 6: x B x T B.
Câu 7: x B x T T B B.
Câu 8: x B x T B.
Theo quy định như trên, bài từ viết theo điệu Nguyễn Lang Quy lối chính thể phải có 8 câu, tổng cộng 47 chữ, chia thành 4 vế, mỗi vế 2 câu, câu đầu 7 chữ, câu sau 5 chữ, riêng vế thứ ba thì câu đầu 6 chữ. Về luật Bằng – Trắc trong từng câu như mô hình trên thì B là chữ mang thanh bằng, T là chữ mang thanh trắc, x là chữ mang thanh bằng hoặc trắc tuỳ ý. Về vần, bài từ viết theo điệu Nguyễn Lang Quy này buộc phải dùng cước vận bằng (B) ở cả 8 câu.
Về nguồn gốc, điệu Nguyễn Lang Quy lấy nguồn từ điển tích Lưu Thần và Nguyễn Triệu, mà theo sách Thần Tiên Ký thì Lưu, Nguyễn vào núi Thiên Thai (nay là huyện Thiên Thai, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc) hái thuốc, bị lạc đường, gặp hai người con gái (là hai nàng tiên ở núi này) mời về nhà rồi kết duyên vợ chồng. Ở Thiên Thai được nửa năm, hai chàng nhớ nhà đòi về thăm, khi về đến nhà thì con cháu đã đến đời thứ bảy, không còn nhận ra. Hai chàng bèn trở lại Thiên Thai nhưng không tìm được lối vào. Từ tích này mà người sau viết thành điệu khúc Nguyễn Lang Quy để chỉ Lưu, Nguyễn từ biệt Đào Nguyên trở về trần thế, dùng để tiễn đưa trong buổi ly biệt, một đi khó trở lại. Cho nên, theo tôi, có lẽ bài từ này mang nhan đề là Nguyễn Lang Quy như tên gọi của điệu khúc thì mới hợp lý.
Bài từ của Khuông Việt chép trong Thiền Uyển Tập Anh ở cả ba bản in đời Lê và đời Nguyễn giống nhau, đều có 48 chữ; trong khi đó ở Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản Kỷ, quyển thứ nhất, kỷ đời Lê, tờ 18b5-8 thì chép 49 chữ, mà sau này, bộ Thơ Văn Lý-Trần, tập 1, trang 209, đã chép lại văn bản của bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Hai văn bản có khác nhau một số chữ trong các câu 2, 3, 5, 6, 7, 8.
Sau đây là văn bản bài từ chép trong Thiền Uyển Tập Anh:
祥 光 風 好 錦 帆 張
神 僊 復 帝 鄉
千 重 萬 里 涉 滄 浪
九 天 歸 路 長
人 情 慘 切 對 離 觴
攀 戀 星 星 郎
願 將 深 意 為 喃 彊
分 明 報 我 皇
Tường quang phong hảo cẩm phàm trương,
Thần tiên phục đế hương.
Thiên trùng vạn lý thiệp thương lang [lãng],
Cửu thiên quy lộ trường.
Nhân tình thảm thiết đối ly thương,
Phan luyến tinh tinh lang.
Nguyện tương thâm ý vị Nam cương,
Phân minh báo ngã hoàng.
Còn đây là văn bản bài từ chép trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư:
祥 光 風 好 錦 帆 張
遙 望 神 僊 復 帝 鄉
萬 重 山 水 涉 滄 浪
九 天 歸 路 長
情 慘 切 對 離 腸
攀 戀 使星 郎
願 將 深 意 為 邊彊
分 明 揍我 皇
Tường quang phong hảo cẩm phàm trương,
Dao vọng thần tiên phục đế hương.
Vạn trùng sơn thuỷ thiệp thương lang [lãng],
Cửu thiên quy lộ trường.
Tình thảm thiết đối ly trường,
Phan luyến sứ tinh lang.
Nguyện tương thâm ý vị biên cương,
Phân minh tấu ngã hoàng.
(Ghi chú: những chữ in đậm là chữ khác nhau giữa hai văn bản).
Trên tạp chí Hán Nôm số 1-1995, Nguyễn Đăng Na trong bài Về bài Vương Lang Quy Từ – Khảo sát và giải mã văn bản (trang 9-14) đã tìm hiểu Tống-từ viết theo điệu Nguyễn Lang Quy rồi đối sánh hai văn bản bài từ chép trong Thiền Uyển Tập Anh và trong Đại Việt Sử Ký Toàn thư, để đi đến kết luận: Bài từ khúc theo điệu này lối chính thể có 47 chữ, biến thể giảm là 44 chữ, biến thể tăng là 50 chữ, tức biên độ dao động là + và – 3. Từ đó, bằng phương pháp khảo sát văn bản, dựa vào cấu trúc loại hình thể loại, giải mã văn bản, tìm hệ quy chiếu ảnh xạ của các sự kiện lịch sử – ngoại giao – văn học – từ nghĩa, rồi cho rằng bài từ của Khuông Việt được viết theo biến thể tăng, tức 50 chữ, bằng cách ông lấy nguyên bài từ chép trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư rồi lấy một chữ Nhân ở câu thứ năm của văn bản chép trong sách Thiền Uyển Tập Anh mà thêm vào “Nhân tình thảm thiết đối ly trường”. Văn bản bài từ theo Nguyễn Đăng Na như sau:
祥 光 風 好 錦 帆 張
遙 望 神 僊 復 帝 鄉
萬 重 山 水 涉 滄 浪
九 天 歸 路 長
人 情 慘 切 對 離 腸
攀 戀 使星 郎
願 將 深 意 為 邊彊
分 明 揍我 皇
Tường quang phong hảo cẩm phàm trương,
Dao vọng thần tiên phục đế hương.
Vạn trùng sơn thuỷ thiệp thương lang [lãng],
Cửu thiên quy lộ trường.
Nhân tình thảm thiết đối ly trường,
Phan luyến sứ tinh lang.
Nguyện tương thâm ý vị biên cương,
Phân minh tấu ngã hoàng.
Trước đây, trong công trình Văn Học Phật Giáo Thời Lý-Trần: Diện mạo và đặc điểm (viết 1998, NXB Đại Học Quốc Gia TpHCM, 2002), ở trang 121-122, tôi đã đồng tình với ý kiến của Nguyễn Đăng Na, nhưng gần đây, khi có dịp đọc Từ-luật của Trung Hoa thì tôi lại nghĩ khác. Theo tôi, bài từ này viết theo điệu Nguyễn Lang Quy lối chính thể, tức chỉ có 47 chữ. Nếu bỏ một chữ Nhân ở câu 5 của văn bản chép trong Thiền Uyển Tập Anh thì bài từ còn lại 47 chữ, đúng theo lối chính thể. Cũng vậy, nếu bỏ hai chữ Dao vọng (Diêu vọng) ở câu 2 của văn bản chép trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì bài từ cũng còn lại 47 chữ, đúng theo lối chính thể. So sánh hai văn bản thì bài từ chép trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư hay hơn về câu chữ, về nội dung, nhưng văn bản này lại có 49 chữ; câu thứ hai có 7 chữ, tức sai âm luật quy định của điệu thức, đúng ra câu này chỉ có 5 chữ. Vì thế, như trên có nói, đề nghị bỏ hai chữ ‘Dao vọng’ (Diêu vọng) ở câu 2 (bản ĐVSKTT), đồng thời lấy chữ ‘thương’ trong ‘đối ly thương’ (bản TUTA) thay cho ‘trường’ trong ‘đối ly trường’ (bản ĐVSKTT), để bài từ có 47 chữ, đúng theo lối chính thể, cùng luật bằng trắc ở vị trí các chữ trong từng câu mà âm luật Từ khúc yêu cầu. Do vậy, diện mạo văn bản của bài từ này theo thiển ý của tôi như sau:
祥 光 風 好 錦 帆 張
神 僊 復 帝 鄉
萬 重 山 水 涉 滄 浪
九 天 歸 路 長
情 慘 切 對 離 觴
攀 戀 使星 郎
願 將 深 意 為 邊彊
分 明 揍我 皇
Tường quang phong hảo cẩm phàm trương,
Thần tiên phục đế hương.
Vạn trùng sơn thuỷ thiệp thương lang [lãng],
Cửu thiên quy lộ trường.
Tình thảm thiết, đối ly thương,
Phan luyến sứ tinh lang.
Nguyện tương thâm ý vị biên cương,
Phân minh tấu ngã hoàng.
Dịch:
Trời lành gió thuận cánh buồm giương,
Thần tiên về cố hương.
Nghìn trùng non nước vượt đại dương,
Trời xa bao dặm trường.
Tình thảm thiết, chén đưa đường.
Vin xe sứ vấn vương.
Nguyện xin lưu ý chốn biên cương,
Rõ tâu với thánh hoàng.
(NCL dịch lại theo đúng luật bằng trắc, câu chữ).
+ Về ý nghĩa lịch sử và ý nghĩa văn học sử của bài từ khúc:
Theo tư liệu hiện còn thì đây là một văn bản thuộc loại văn học bang giao Việt – Trung sớm nhất trong văn học trung đại Việt Nam, gắn với các sự kiện quan trọng của lịch sử ngoại giao hai nước Việt – Trung.
Đây cũng là tác phẩm văn học cắm cái mốc về vấn đề Phật Giáo hoà đồng cùng dân tộc, nhập thế hành đạo, tham gia chính trị, mang tinh thần hộ quốc an dân trong thời đại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Tư tưởng hoà bình, hữu nghị thể hiện rõ. Hai câu kết đánh giá cao hảo ý của sứ giả, vì sứ giả Lý Giác đã công nhận nền độc lập, công nhận nền văn hoá văn hiến của ta, coi vua nước ta ngang hàng với vua Trung Quốc như qua bài thơ của ông viết tặng, trong đó có hai câu kết:
天 外 有 天 應 遠 照
溪 潭 波 靜 見 蟾 秋
Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu,
Khê đàm ba tĩnh kiến thiềm thu.
Dịch:
Ngoài trời lại có trời soi chiếu,
Sóng lặng khe đầm, rọi trăng thu.
Đồng thời, đây còn là bài thơ viết theo thể Từ khúc đầu tiên trong văn học trung đại Việt Nam và là một trong vài tác phẩm sớm nhất, có vị trí và vai trò mở đầu – dẫn đường cho văn học viết Việt Nam sau ngày nước nhà giành lại độc lập. Cùng với bài thơ của Thiền sư Đỗ Pháp Thuận thì đây cũng là một trong hai tác phẩm đầu tiên mang nội dung yêu nước và nhân văn trong lịch sử văn học dân tộc. Cả hai tác phẩm đều thuộc về văn học Phật Giáo, tác giả là những vị Thiền sư cao tăng đắc đạo. Điều đó đã khẳng định, bộ phận văn học Phật Giáo đã chính thức mở đầu cho nền văn học viết Việt Nam tính từ khi nước nhà được độc lập tự chủ với chiến thắng của Ngô Quyền năm 938.
oOo
Tóm lại, đối với đất nước trong buổi đầu độc lập tự chủ, bước vào thời đại phục hưng những giá trị văn hoá tinh thần truyền thống của dân tộc sau hơn một thiên niên kỷ trong đêm trường nộ lệ, với tư cách và vai trò của một vị Thái sư, quyền ngang Tể tướng triều đình, về đối nội, Thiền sư đã cùng các vị cao tăng và đại thần khác giúp vua trị nước an dân, bình ổn cuộc sống; về đối ngoại, Thiền sư đã cùng Sư Đỗ Pháp Thuận đón tiếp phái đoàn sứ giả nước bạn trên tinh thần chỉ đạo của tư tưởng hoà bình và tình hòa hiếu hữu nghị, nhờ thế mà công cuộc bang giao hai nước Việt – Trung đã diễn ra một cách tốt đẹp, thân ái. Đối với Phật Giáo, với tư cách và vai trò của một vị Tăng Thống – vị Tăng Thống đầu tiên trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam – Thiền sư đã góp phần hoằng dương Phật Pháp, chủ trì chứng minh việc khắc kinh trên đá, đã gắn kết Phật Giáo với dân tộc, hòa cùng dân tộc, tạo nên một Phật Giáo Đại Việt nhập thế, để các giai đoạn sau kế thừa và phát triển. Đối với văn học, bên cạnh đoạn Ngữ lục và bài kệ Thị Tịch khai ngộ truyền pháp cho đệ tử Đa Bảo, thì Thiền sư còn để lại một bài Từ khúc: Đây là tác phẩm được viết theo thể Từ khúc đầu tiên; là tác phẩm văn học bang giao sớm nhất hiện còn trong văn học Việt Nam; cũng là một trong hai tác phẩm có vị trí mở đầu của dòng văn học viết Việt Nam sau ngày nước nhà giành lại độc lập, mang đậm tư tưởng yêu nước, yêu hòa bình và tinh thần nhân văn cao đẹp. Bên cạnh, bài viết đã bàn lại về năm sinh, nêu ý kiến về văn bản bài Từ khúc đúng như diện mạo của lối chính thể theo điệu Nguyễn Lang Quy. Rất mong các vị cao minh, các bậc thức giả góp ý bổ sung thêm.
Nhân ngày kỷ niệm giỗ kỵ lần thứ 1.000 của Thiền sư, chúng con là thế hệ cháu chắt nhiều đời thành tâm đốt nén hương lòng kính dâng lên Ngài, kính mong Ngài chứng giám, tiếp tục hộ quốc an dân, phù trì Phật Pháp như sinh thời ngài đã từng hoằng dương, để đất nước này, dân tộc này ngày càng phát triển bền vững.
Tết dương lịch 2011
NGUYỄN CÔNG LÝ
Nguồn: Hội Thảo Quốc Tế: Quốc Sư Khuông Việt và Phật Giáo Việt Nam Đầu Kỷ Nguyên Độc Lập – Đại Học Quốc Gia Hà Nội & Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Hà Nội, ngày 18-19/3/2011, tr. 106-120. Đăng lại trên tập san Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn, Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn – Đại Học Quốc Gia TpHCM, số tháng 4-2011.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. 禪 苑 集 英, 黎 朝 永 盛 十 一 年 四 月 穀 日 重 刊 (Thiền Uyển Tập Anh, Lê triều Vĩnh Thịnh thập nhất niên tứ nguyệt cốc nhật trùng san), ký hiệu A3144, Thư viện Viện Nghiên Cứu Hán Nôm.
2. Thiền Uyển Tập Anh, bản dịch của Đoàn Thăng, tài liệu đánh máy Thư viện Trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội.
3. Thiền Uyển Tập Anh, Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thuý Nga dịch và chú thích, Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học – NXB Văn học, Hà Nội, 1999.
4. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tập 1, Cao Huy Giu phiên dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, chú giải và khảo chứng, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1967.
5. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, tập 1, NXB Lá Bối, Sài Gòn, in lần thứ nhất, 1972; NXB Văn Học, Hà Nội, tái bản, 1994.
6. Lê Mạnh Thát, Nghiên Cứu Về Thiền Uyển Tập Anh, NXB TpHCM, 1999; NXB Phương Đông, in lần thứ tư, TpHCM, 2005.
7. Lê Mạnh Thát, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, tập 2, [từ Lý Nam Đế (544) đến Lý Thái Tông (1054)], NXB TpHCM, 2001.
8. Viện Văn học, Thơ Văn Lý-Trần, tập 1, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1977.
9. Nguyễn Đăng Na, Về Bài Vương Lang Quy Từ – Khảo sát và giải mã văn bản, Tạp chí Hán Nôm, số 1-1995, trang 9-14.
10. Nguyễn Công Lý, Văn Học Phật Giáo Thời Lý-Trần: Diện mạo và đặc điểm, NXB Đại Học Quốc Gia TpHCM, 2002.
11. Trần Trọng Dương, Khuông Việt Thiền Sư Hay Phức Thể Dung Hội Nho – Phật, in trong sách Văn Học, Phật Giáo Với 1000 Năm Thăng Long – Hà Nội, (Học Viện Phật Giáo TpHCM và Hội Nghiên Cứu & Giảng Dạy Văn Học TpHCM), NXB Văn Hóa Thông Tin, 2010.
—oOo—
CHÚ THÍCH:
[1] Các khu vực hành chính thời Lý-Trần, dưới quận, huyện vừa có hương hay giáp, vừa có làng hay xã. Hương thường lớn hơn xã. Huyện Thường Lạc, theo sách Thái Bình Hoàn Vũ Ký 太 平 寰 宇 記 thì huyện Thường Lạc sau đổi thành huyện An Lạc. Đào Duy Anh trong Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời, NXB Sử Học, Hà Nội, 1964, thì căn cứ vào Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, ông cho rằng Thường Lạc thuộc khoảng huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá ngày nay (dẫn lại: Thơ Văn Lý-Trần, tập 1, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1977, trang 208). Bản dịch Thiền Uyển Tập Anh của Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thuý Nga, NXB Văn Học và Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học, Hà Nội, 1995, ghi chú là hương Cát Lợi ở Bắc Giang, hiện chưa rõ ở đâu (tlđd, trang 42). Hoàng Văn Lâu trong bài Đi Tìm Địa Chỉ Ngô Chân lưu, Tạp chí Hán Nôm, số 1 (26), 1996, thì cho rằng hương Cát Lợi, huyện Thường Lạc, sau là thôn Đoài, xã Da Hạ, huyện Kim Hoa, phủ Bắc Hà, nay là thôn Thuỵ Hương, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Lê Mạnh Thát trong Nghiên Cứu Về Thiền Uyển Tập Anh, NXB TpHCM, 1999; NXB Phương Đông, tái bản, 2005, thì ông căn cứ vào các sách: Tây Hồ Chí, Đại Nam Nhất Thống Chí mà cho rằng đất Cát Lợi, Thường Lạc sau này thuộc huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phúc (tlđd, trang 365-366). Hiện tại, chúng tôi chưa có điều kiện tra cứu lại để xác định cụ thể về vị trí địa danh. Có điều chắc chắn địa danh hương Cát Lợi, huyện Thường Lạc là nơi Sư Khuông Việt về tu hành rồi viên tịch. Còn quê gốc (nguyên quán) của Thiền sư phải là châu Đường Lâm, nơi phát tích dòng họ Ngô, mà theo tư liệu hiện có thì Ngô Mân, rồi Ngô Quyền là những nhân vật lịch sử tỏa sáng đầu tiên của dòng họ này. Và châu Đường Lâm này có lẽ thuộc Thanh Hoá như cụ Đào Duy Anh đã nêu, chứ không phải là xã Đường Lâm ở Sơn Tây, như lâu nay nhiều người đã nói.
[2] Theo Ngô Đức Thọ thì Ngô Thuận Đế là thuỵ hiệu của Ngô Quyền. Theo gia phả họ Ngô thì Khuông Việt Ngô Chân Lưu là con của Ngô Xương Tỷ, là cháu của Ngô Xương Sắc (dẫn lại bản dịch Thiền Uyển Tập Anh của Ngô Đức Thọ, tlđd, trang 42). Gần đây, Trần Trọng Dương trong bài viết Khuông Việt Thiền Sư Hay Phức Thể Dung Hội Nho – Phật trong sách Văn Học, Phật Giáo Với 1000 Năm Thăng Long – Hà Nội, (Học Viện Phật Giáo TpHCM và Hội Nghiên Cứu & Giảng Dạy Văn Học TpHCM), NXB Văn Hóa Thông Tin, 2010, cũng nói như thế và có bổ sung rõ hơn về dòng dõi của Thiền sư. Nhưng khi chúng tôi tra cứu lại trong các bộ chính sử như Đại Việt Sử Lược, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì không thấy ghi thuỵ hiệu của Ngô Quyền là Ngô Thuận Đế.
[3] Viện Văn Học, Thơ Văn Lý-Trần, tập 1, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1977, trang 208, người biên soạn không giải thích về năm sinh.
[4] Thiền Uyển Tập Anh, Ngô Đức Thọ – Nguyễn Thuý Nga dịch và chú thích, Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học, NXB Văn Học, Hà Nội, 1990, trang 42, có lý giải về năm sinh ở chú thích trang 46.
[5] Nguyễn Tài Thư (chủ biên) Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1982, trang 152.
[6] Thích Thanh Từ, tlđd, Thiền viện Thường Chiếu ấn hành, 1997, tr 165.
[7] Lê Mạnh Thát, Nghiên Cứu Về Thiền Uyển Tập Anh, NXB Phương Đông, TpHCM, tb, 2005, trang 204, cùng lý giải nhiều ở chú thích số 13, trang 382; Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, tập 2, NXB TpHCM, 2001, trang 416-417.
[8] Chỗ này có lẽ ông Lê Mạnh Thát hơi chủ quan, bởi trong các sách sử xưa, khi chép tiểu sử các bậc tôn quý như vua chúa, cao tăng, thạc đức, để tỏ ý tôn kính, dù các bậc này sống chưa đầy 60 tuổi, người chép vẫn thường ghi là “thọ”.
[9] Lê Mạnh Thát, cả hai tlđd, (riêng phép tính trừ, cộng là do chúng tôi ghi chú thêm – NCL).
[10] Chữ này có lẽ là chữ “thái” 太 khi khắc bản in đã nhầm thành chữ “đại” 大. Bởi “Khuông Việt Thái Sư” mới đúng là danh hiệu và chức vụ do nhà vua ban, còn “đại sư” thì bất kỳ vị cao tăng thiền sư nào cũng có thể gọi danh xưng ấy được. Đương thời, trong các sách: Việt Điện U Linh Tập, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đều chép là Khuông Việt Thái Sư. Vì thế, Hòa Thượng Thích Thanh Từ trong Thiền Sư Việt Nam và trong Tham Đồ Hiển Quyết và Thi Tụng Các Thiền Sư Đời Lý Giảng Giải, Thiền viện Thường Chiếu ấn hành, đều ghi là Thái Sư Khuông Việt.
[11] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tập 1, Cao Huy Giu phiên dịch; Đào Duy Anh hiệu đính, chú giải và khảo chứng, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1967, trang 155. Về các chức Tăng quan, xin được nói thêm: Tăng Thống là chức đứng đầu Tăng đoàn, là người lãnh đạo cao nhất của Giáo Hội Phật Giáo; Tăng Lục là chức quan dưới chức Tăng Thống; Sùng Chân Uy Nghi là chức coi riêng về đạo sĩ của Đạo giáo.
[12] Tam thái: 3 chức danh là Thái sư, Thái phó, Thái bảo, hàm Chánh nhất phẩm, đứng đầu ban Văn; còn Thái úy đứng đầu ban Võ. Tất cả là chức hàm vinh phong, có quyền ngang Tể tướng.
[13] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản Kỷ, quyển thứ nhất, kỷ nhà Lê, ghi là Tân Tỵ, năm thứ 2 (981) và chú thêm như sau: “Tống, Thái Bình hưng quốc năm thứ 6. Xét các bản chép niên kỷ các triều đều lấy năm này làm năm Thiên Phúc thứ nhất, nay đổi lại”, bản dịch, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, trang 167. Như vậy, năm giặc Tống sang xâm lược phải là năm 981 (Tân Tỵ, Thiên Phúc năm thứ hai).
[14] Chỗ này sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi là Đinh Hợi, năm thứ 8 (987).
[15] Xin xem: Hà Văn Tấn, Từ Một Cột Kinh Phật Năm 973 Vừa Phát Hiện Ở Hoa Lư, Nghiên Cứu Lịch Sử, số 1-1965, tr 39-45 và Hà Văn Tấn, Cột Kinh Phật Thứ Hai Ở Hoa Lư, trong sách Theo Dấu Các Văn Hoá Cổ, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1998, tr. 816-832. Đầu năm 1963, các nhà khảo cổ đã phát hiện tràng kinh thứ nhất ở xã Gia Trường, huyện Gia Viễn. Tràng kinh này là trụ đá bát giác cao 65cm. mỗi mặt rộng 6,5cm. Tháng 6 năm 1964 tìm thấy một tràng kinh nữa, cũng là trụ đá bát giác cao 80cm, mỗi mặt rộng 10,5cm. Năm 1987, lại phát hiện một tràng kinh nữa cũng hình bát giác cao 70cm, mỗi bề mặt rộng 7,0cm. Tất cả đều khắc kinh chú Phật Đỉnh Tôn Thắng Gia Cú Linh Nghiệm Đà La Ni.
[16] Theo kinh sách nhà Phật, Tứ Thiên Vương coi giữ bốn phương ở cõi Diêm Phù Đề (cõi trần thế): Phương Đông là Dhritarashtra; Phương Nam là Virudhaka; Phương Tây là Virupaksha; Phương Bắc là Vaisravana (Pali: Vessavana). Như vậy, vị thần Tỳ Sa Môn Thiên Vương thờ ở núi Vệ Linh với danh xưng Vaisravana là vị Hộ Pháp coi giữ Phương Bắc.
NGUYỄN CÔNG LÝ
Thảo luận về post