Một người nhìn thấy một cụ già đang lom khom tìm kiếm một vật gì đó ở ngoài vườn, liền hỏi: cụ đang tìm gì vậy ? Và nhận được câu trả lời: ta đang tìm cây kim, ta vừa đánh rơi.
Thế là người lạ liền tìm giúp cụ già nhưng mãi vẫn không thấy, bèn hỏi tiếp: thế cụ đánh rơi kim ở đâu vậy?
Cụ già nói: ta làm rơi ở trong nhà nhưng trong nhà tối quá nên ra ngoài này tìm cho sáng !
Cây kim mà cụ già cứ mãi đi tìm mà không được đó chính là HẠNH PHÚC. Câu chuyện trong triết lý Vedanta (kinh Vệ Đà) nói về việc đi tìm HẠNH PHÚC nhưng không đúng nơi, đúng chỗ.
Cũng như cụ già trong câu chuyện trên, trong mỗi chúng ta ai cũng muốn hạnh phúc và đi tìm hạnh phúc và cứ nghĩ là hạnh phúc là ở những nơi hào nhoáng, rực rỡ, luôn tô điểm cho hạnh phúc với hào quang, danh vọng.
Nên ta luôn lầm tưởng khi có đủ công danh địa vị, tiền tài thì ta sẽ hạnh phúc nhưng thực tế rằng sẽ chẳng có cái gì là đủ cả; ta thấy thỏa mãn, đủ đầy lúc này nhưng đến một lúc khác ta sẽ lại thấy thiếu, ta lại muốn thêm nữa, thêm nữa.
Nói cách khác những điều đó sẽ chỉ làm ta Hạnh Phúc trong một thời gian ngắn thôi vì chừng nào ta còn nghĩ Hạnh Phúc đến từ thế giới vật chất, trong tâm ấn của ta còn hằn sâu hạnh phúc gắn liền với vật chất thì ta không bao giờ có được Hạnh Phúc.
Vì hạnh phúc đến từ bên trong…
Chúng ta cần đưa tâm trở về với bình yên. Ðó là trạng thái tỉnh lặng, nhẹ nhàng của tâm. Ðức Phật được bình yên vì Ngài đã được hoàn toàn thanh tịnh. Tâm Ngài mát mẻ an vui vì đã giải thoát ra khỏi mọi phiền não ô nhiễm.
Là người con Phật, chúng ta cần phải sống theo cách hướng dẫn của Ngài, đó là có thực hành bố thí, trì giới và tham thiền, niệm Phật… để được hạnh phúc bình yên.
Lửa tham ghê lắm ai ơi!
Hận sân cũng vậy, đốt người, đốt ta!
Lưới nào bằng lưới si mê,
Sông nào sánh được ái hà sông sâu?
(Kinh Pháp Cú, câu 251)
Trở về với bình yên, không phải là chúng ta sống một cách thụ động, bạc nhược. Không phải chúng ta vì sợ hãi mà tránh né cuộc đời. Tuy nhiên, muốn được an tịnh tỉnh lặng, chúng ta cần phải cẩn thận suy xét xem những việc làm và lời nói của mình có đưa lại sự bình an cho tâm không.
Và muốn trở về với bình yên, chúng ta cần thấy rõ những điều bất toàn và đau khổ của thế gian mà chúng ta đã nhiều lần phải trải qua.
Ồ, thế gian này là bất toàn! Chúng ta không bi quan đâu! Chúng ta chỉ can đảm nhìn nhận sự thật đó thôi. Đó là một kiếp nhân sinh chẳng có gì ngoài tấm thân tàn tạ và con tâm mang đầy những lằn sẹo đau thương.
Nhìn kia! thể xác mê hồn
Một đống thịt thối, một hòm đớn đau!
Bận tâm tính chuyện đâu đâu
Có chi bền vững mà cầu trường sanh?
Thân này sẽ bị suy già
Thường hay tật bệnh, lại hòa uế nhơ.
Mỏng manh mạng sống từng giờ
Tử thần bên cửa, đợi chờ mang đi.
(Kinh Pháp Cú, câu 147-148)
Chỉ khi nào thấy rõ những điều bất toàn ấy, chúng ta mới quyết định làm một cái gì đó để thay đổi nó đi. Chúng ta sẽ từ chối nghe và thấy những gì bất thiện bên ngoài. Và sự hạnh phúc vĩ đại, sâu dày ấy chỉ được tìm thấy ở tâm định tỉnh, an lạc, và trí tuệ sáng suốt trong Thiền.
Lời kết:
Muốn có đạt hạnh phúc trong tâm thực sự hãy tập cách sống tùy duyên. Vạn vật, vạn việc đến ta cứ giải quyết cứ nghĩ nhưng đừng lo và đừng vướng mắc. Và khi giải quyết rồi thì cứ để nó trôi đi đừng tiếc nuối nó.
Adidaphat !
Thảo luận về post