BẢN ĐỒ TU PHẬT – HT THÍCH THIỆN HOA
Tập 10: Con Đường Tu Của Năm Thừa
LỜI NÓI ĐẦU
Như quý đọc giả đã biết, Phật ra đời mang một nhiệm vụ duy nhất là hướng chúng sanh chóng thành Phật quả. Kinh Pháp Hoa có dạy : “Phật ra đời vì một nhân duyên lớn, là khai thị cho chúng sanh tỏ ngộ Phật tánh ở nơi mình”. Như thế thì con đường đi từ chúng sanh đến Phật quả, chỉ có một hướng, chỉ có một chiều, chỉ có một mục tiêu, như trăm sông đều hướng về biển cả, nhưng nếu trong thực tế, không có con sông nào giống con sông nào, có con lớn, con nhỏ, có con sâu, con cạn, có quanh co, khúc khuỷu, có con bằng phẳng, thẳng tắp vì địa cuộc, thì con đường tu của chúng sanh, cũng vì căn cơ sai khác, mà có con đường lớn đường nhỏ, đường cao đường thấp, đường thẳng đường cong…
Những con đường ấy, nếu phân loại một cách có hệ thống, từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao thì chỉ còn lại có năm, tức là “Ngũ Thừa Phật Giáo”.
Nếu phân loại một cách rốt ráo hơn nữa thì chỉ còn có ba, tức là “Tam Thừa Phật Giáo”.
Nhưng nếu tóm tắt hơn nữa thì chỉ còn hai thừa tức là “Đại Thừa” và “Tiểu Thừa” và rốt cuộc chỉ còn một, đó là “Nhất Thừa” hay “Tối Thượng Thừa”, cũng gọi là “Phật Thừa”.
Tập sách này có nhiệm vụ hệ thống hóa, và giản dị hóa các con đường đưa đến Phật quả nói trên, để độc giả có một ý niệm tổng quát về sự tu hành của Phật pháp.
A. NĂM THỪA, HAY NĂM NẤC THANG
Giáo lý của Phật tuy nhiều đến thiên kinh, vạn quyển, pháp môn của Phật tuy có đến tám muôn bốn ngàn loại, chung quy cũng không ngoài năm thừa, hay năm nấc thang chính để tiến tới địa vị Phật.
Năm nấc thang này, đối với những căn cơ chậm lụt thời cứ tuần tự mà bước, hết nấc này đến nấc khác. Còn đối với những căn cơ thông lợi thì có thể bước hai ba nấc một lần cũng được. Mỗi nấc đều có những phương pháp tu hành riêng biệt và quả vị khác nhau. Nấc thấp thì phương pháp tu hành dễ dàng, giản dị, và quả vị cũng tầm thường. Càng lên cao thì việc tu luyện mất nhiều công phu hơn, và do đó, quả vị cũng cao xa hơn. Nhưng dù cao, dù thấp, dù nhanh, dù chậm, quả vị cuối cùng cũng là Phật quả. Do đó, mà Đức Phật bảo đảm một cách chắc chắn rằng: “Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành”. Người tu hành luôn luôn nên nhớ câu nói ấy, để vững tâm tiến bước trên đường đạo.
Trước tiên hãy nói đến nấc thang thứ nhất, hay là:
I. CON ĐƯỜNG TU CỦA NHÂN THỪA
Con đường này, tương đối dễ dàng nhất trong các con đường tu hành; do đó quả vị cũng không vượt quá cõi người. Phương tiện tu hành để được sống trong cõi người là “Ngũ giới”. Ngũ giới tức là năm điều ngăn cấm mà người tu hành, sau khi thọ giới xong, cần phải triệt để tuân theo.
1. Giới thứ nhất là không sát sanh: Nếu giữ giới này một cách triệt để thì hành giả không được sát hại một sinh vật nào, dù nhỏ bao nhiêu. Nếu chưa có thể giữ được một cách triệt để, thì ít nhất cũng không được giết người, hay các sinh vật mà mình thấy không cần thiết phải giết. Muốn cho sự giữ giới này được thi hành một cách không quá khó khăn, hành giả nên luôn luôn nghĩ đến đức tánh “Từ bi” thương xót tất cả chúng sanh, tự đặt mình vào địa vị của những sinh vật sắp bị giết, để thấy những khổ đau của chúng. Riêng đối với người, riêng đối với người, hành giả không bao giờ nên nuôi cái ý niệm sát hại, dù đó là kẻ thù của mình đi nữa.
Nếu cõi đời này mà những hành vi giết hại không hiện ra nữa, thì những nỗi khổ đau, những dòng lệ và tiếng kêu thương sẽ được giảm đi rất nhiều vậy.
2. Giới thứ hai là không tham lam trộm cắp: Sau thân mạng là tiền, tài sản. Người ta thường nói : “đồng tiền là huyết mạch”. Do đó mà khi mất tiền của, người ta thấy khổ đau vô cùng. Có nhiều người đã phát điên khùng, có nhiều người đã tự tử vì tiếc của. Nói như thế để nhận thấy cái giá trị, cái mãnh lực của đồng tiền, đối với đại đa số người đời. Cho nên người giữ giới, phải triệt để loại tánh tham lam ra khỏi lòng mình. Về tánh tham vừa làm khổ cho mình, vừa làm khổ cho người. Người mất của đã khổ, mà người đêm ngày toan tính để cướp của, trộm cắp, lừa gạt của người cũng không tìm được một cuộc đời an vui. Vả lại, của phi nghĩa không thể bền lâu được. Tục ngữ có câu: “của đánh bạc để ngoài sân, của phù vân để ngoài ngõ”. Luật nhân quả không bao giờ sai chạy: mình lấy của người, thì người khác lấy của mình, cái vòng lẩn quẩn không bao giờ dứt. Do đó mà Phật cấm ngặt không được trộm cắp, dù vật nhỏ nhặt bao nhiêu.
3. Giới thứ ba là không tà dâm: Sự dâm dật làm đảo lộn luân thường, đạo lý, làm rối loạn gia cang. Người đã mê sắc dục, khó có thể thành công trên đường đời, vì những mưu toan, những ý nghĩ đen tối cứ khuấy rối tâm hồn, không bao giờ để cho người trong cuộc, có thì giờ làm những công việc hữu ích, đẹp đẽ hơn. Trong báo chí hằng ngày, những tin tức về những cuộc đâm chém, bắn giết nhau vì ghen tuông không thể kể xiết. Một gia đình, trong ấy người vợ cũng như người chồng, có một đời sống đàng hoàng, trong sạch, sẽ được người chung quanh kính nể, và gia đình được êm ấm hòa vui; còn trái lại, thì gia đình là một địa ngục trần gian.
4. Giới thứ tư là không nói dối: Nói dối tức là có ý làm sai lạc sự thật vì tư lợi, tư thù, hay khoe khoang, kiêu mạn, nghĩa là vì những dục vọng riêng tư không đẹp đẽ. Cho nên nói dối tức là dùng một cái bình phong giả dối để che đậy một sự thật, không được tốt đẹp. Sự nói dối, bởi lẽ ấy, là một sự khuyến khích người ta đi sâu vào dục vọng, làm cho người ta tiếp tục làm quấy mà không sợ trừng phạt, vì nghĩ rằng tội lỗi của mình sẽ được che giấu. Trong một gia đình, nếu những người thân thuộc dối trá nhau, thì khó có thể giữ được lòng tin yêu, yếu tố căn bản của hạnh phúc gia đình. Trong xã hội nếu mọi người xử dụng sự dối trá với nhau, thì xã hội dễ bị tan rã, vì thiếu sự tín nhiệm, yếu tố căn bản của mọi sự hợp tác trong cuộc sống chung.
5. Giới thứ năm là không uống rượu: Uống rượu, riêng nó không phải là một cái tội. Nhưng tai hại là ở hậu quả, ở ảnh hưởng của rượu đối với người uống. Rượu làm cho lý trí bị rối loạn, con người không tự làm chủ được mình nữa. Người nghiện rượu không thể có được trí huệ sáng suốt, mà trí huệ, đối với đạo Phật là một yếu tố căn bản để đạt đến Phật quả. Rượu làm cho người vốn đã si mê, lại càng si mê thêm. Rượu làm cho xã hội, vốn đã rối loạn, càng rối loạn thêm. Do đó, mà Đức Phật cấm uống rượu, để cho con người được tỉnh táo mà tu hành, xã hội bớt được nhiều kẻ điên cuồng, náo loạn.
Năm giới này, nếu người tu hành không phạm đến, đời sau sẽ được sanh làm người; do đó mà con đường tu hành này, có tên là “Nhân thừa”. Nhưng chưa nói đến tương lai vội, ngay trong hiện tại, nếu người đời tuân theo năm điều răn dạy này, thì cõi người mới xứng đáng với cái danh hiệu ấy, con người mới xứng đáng được gọi là “Người”. Còn nếu không, thì cõi đời này là địa ngục và con người chỉ có cái tên, cái lốt mà thôi.
II. CON ĐƯỜNG TU CỦA THIÊN THỪA
Thiên thừa tức là con đường đưa đến cõi Trời. Cõi Trời theo nghĩa đạo Phật, không phải là cõi của đức Chúa Trời, hay Thượng Đế. Cõi Trời là cõi cao hơn, tương đối sung sướng, trong sạch hơn cõi người. Nhưng sống trong cõi này, cũng chưa phải là vĩnh viễn, tự tại giải thoát, mà còn bị luật nhân quả luân hồi và luật vô thường chi phối. Tuy thế, tiến từ cõi Người lên cõi Trời cũng là một sự tiến bộ, mà nhiều người mong ước.
Muốn được sanh vào cõi này, hành giả phải tu theo Thập thiện. Thập thiện là 10 điều lành sau đây:
1. Không tham lam: Tham lam là nguồn gốc của mọi sự khổ đau. Vì tham mà sanh giận, vì tham mà thành si mê, vì tham mà sát sanh, vì tham mà trộm cắp, vì tham mà dâm dật, vì tham mà nói dối, nói lời ác độc, nói hai lưỡi, nói thêm bớt thêu dệt. Trừ được tham là trừ được một phần lớn những hành vi, ngôn ngữ, ý nghĩ xấu xa. Người có nhiều tham dục, chắc chắn không bao giờ thấy được hạnh phúc trong cõi đời này, chứ chưa nói đến thấy được cõi Trời.
2. Không hờn giận: Người ta thường nói: “giận mất khôn”. Thật vậy, người giận dữ là người điên cuồng, không biết đâu là phải, đâu là trái, đâu là hay, đâu là dở. Sự giận hờn không chỉ gây tai hại cho người, mà còn gây tai hại rất lớn cho mình. Người giận dữ chẳng khác gì đang ôm ấp một lò than đỏ, đang tự thiêu đốt mình.
3. Không si mê: Đạo Phật là một đạo giác ngộ, lấy trí huệ làm phương tiện giải thoát, cho nên còn say đắm, si mê mà muốn được giải thoát, thì chẳng khác gì người bộ hành muốn đi về phương tây, mà cứ nhằm phương đông bước tới.
4. Không sát sanh.
5. Không trộm cướp.
6. Không tà dâm.
7. Không nói dối.
Bốn giới này đã nói ở phần ngũ giới, xin không nhắc lại nữa.
8. Không nói lời hung ác: Ta có câu ca dao: “Lời nói không mất tiền mua; lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Thật vậy, lời nói êm dịu không cần phải mua kiếm khó khăn mới được, mà chỉ cần chú ý một chút, giữ gìn một chút là được. Thế mà trong xã hội này, người ta đã sử dụng quá nhiều những lời hung ác, chửi rủa, lăng mạ, phỉ báng làm cho xã hội thật là ngạt thở, và xem nhau như những kẻ thù nghịch. Thật là đáng tiếc, đáng buồn, đáng tủi nhục.
9. Không nói lời hai lưỡi: (lưỡng thiệt). Ai cũng biết con người chỉ có một cái lưỡi, nhưng vì cách sử dụng mỗi khi mỗi khác, đến đây nói thế này, đến kia nói trái lại, nên người ta có cảm tưởng như người có hai lưỡi, ba lưỡi, nhiều lưỡi không biết đâu mà kể cho xiết. Thật đúng như câu chuyện ngụ ngôn của Esope: cũng một cái lưỡi mà khi tốt thì không gì tốt bằng, mà khi xấu thì cũng không gì xấu hơn. Với cách sử dụng miệng lưỡi như thế, chắc chắn xã hội loài người sẽ trở thành xã hội không phải loài người, chỉ lừa đảo phỉnh phờ lẫn nhau, không ai còn tin ai hiểu ai nữa.
10. Không nói thêu dệt: (ỷ ngữ). Nói thêu dệt, ở đây có nghĩa là nói thêm bớt, “ít mà xít cho nhiều”, mà mục đích là nịnh bợ ton hót để kiếm lợi riêng.
Để đối trị với mười tánh xấu này, trong kinh Thập thiện Phật dạy đệ tử phải trau dồi 10 đức tính sau đây:
1) Không sát hại các loài vật, mà phải phóng sanh;
2) Không theo tà hạnh, mà phải tu phạm hạnh (hạnh trinh chánh);
3) Không trộm cướp, mà phải bố thí;
4) Không nói dối, mà phải nói lời thành thật;
5) Không nói thêu dệt, mà phải nói lời đúng đắn;
6) Không nói hai lưỡi, mà phải nói lời hòa nhã;
7) Không nói lời hung ác, mà phải nói lời dịu dàng;
8) Không tham dục, mà phải quán bất tịnh;
9) Không giận dữ, mà phải quán từ bi;
10) Không si mê, mà phải quán nhân duyên.
Mười điều thiện này là căn bản để tiến dần đến sự giải thoát, cho nên trong kinh Thập thiện, Phật có dạy:
“Này Long Vương ! ví như cõi đất lớn, tất cả thành, ấp, làng, xóm, đều nương nơi cõi đất ấy mà được an trụ, tất cả cỏ cây đều nương nơi cõi đất ấy mà được sanh trưởng.
Mười nghiệp lành này cũng như vậy; tất cả nhơn thiên đều nương nơi mười nghiệp lành này mà an lập, tất cả giác ngộ của Thanh văn, Duyên giác, tất cả Bồ tát hạnh và Phật pháp đều nương nơi mười nghiệp lành này mà được thành tựu, nên các người phải tu học”.
III. CON ĐƯỜNG TU CỦA THANH VĂN THỪA
Hai con đường nói ở trên, Nhân thừa và Thiên thừa, chỉ là những con đường ngắn ngủi dành cho những người sơ cơ, tầm thường : con đường thứ nhất, ngăn đón chúng ta khỏi rơi vào các thế giới đen tối (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh), đưa chúng ta trở lại cõi Người trong kiếp sau; còn con đường thứ hai đưa ta đi xa hơn, đến cõi Trời, sung sướng, trong sạch hơn, nhưng ở đấy, nếu không tiếp tục tu hành, thì sau khi hưởng hết quả báo tốt, lại rơi xuống cõi người.
Bởi thế, hành giả cần nên bước trên một con đường dẫn dắt đi xa hơn, rộng hơn hai con đường trước, đó là con đường của Thanh Văn, nghĩa là con đường đưa hành giả đến bốn quả vị Thanh Văn.
Muốn đến quả vị này, phải tu theo pháp Tứ Diệu Đế. Tứ Diệu Đế là bốn sự thật rõ ràng, hiển nhiên, đúng đắn không gì hơn.
Sự thật thứ nhất Khổ đế: Cõi đời là đau khổ. Dù cho danh vọng, giàu có, tài trí bao nhiêu cũng không thoát khỏi những cảnh đau khổ, già, chết, những cảnh khổ : thân yêu mà phải chia lìa, ghét bỏ mà phải sống bên nhau. Tóm lại, cõi đời là cõi khổ, mà không một ai thoát khỏi.
2. Sự thật thứ hai Tập đế: Những nỗi đau khổ nói trên, do từ lâu đời lâu kiếp kết hợp lại. Nghĩa là những quả khổ trong hiện tại, đều có nguyên nhân sâu xa trong quá khứ, chứ không phải bỗng nhiên mà có, hay do ai tạo ra. Nguyên nhân của mọi thứ phiền não khổ đau, chính là những “kiết sử”. Kiết là cột chặt, Sử là sai khiến, điều khiển. Các thứ cột chặt chúng sanh vào vòng sanh tử, sai khiến chúng ta hành động, chính là mười món sau đây :
1/ Tham, 2/ Sân, 3/ Si, 4/ Mạn, 5/ Nghi, 6/ Thân kiến (chấp đắm thân này là chân thật), 7/ Biên kiến (cố chấp sai lạc), 8/ Tà kiến (quan niệm không hợp chánh lý), 9/ Kiến thủ (bảo thủ kiến giải của mình), 10/ Giới cấm thủ (tin tưởng và thực hành những giới điều sai lầm).
Trong mười món kiết sử này, năm món đầu thì gọi là độn sử, nghĩa là những món phiền não sâu kín, tánh chất nặng nề; còn năm món sau gọi là lợi sử, nghĩa là những món phiền não có tính chất lanh lợi, thuộc về nhận thức. Năm món trên vì ăn sâu gốc rễ, nên khó trừ hơn năm món dưới.
3. Sự thật thứ ba Diệt đế: Diệt nghĩa là tiêu diệt. Diệt đế là chân lý nói về trạng thái thanh tịnh tự tại, giải thoát sau khi các phiền não đã bị tiêu diệt. Trạng thái này gọi là Niết Bàn. Niết (Nir) nghĩa là rơi rụng, không còn nữa, hay thoát khỏi; Bàn (Vana) nghĩa là mọc lên lăn xăn, lộn xộn, Niết Bàn là trạng thái xa lìa những lăn xăn, phiền não, luôn luôn an trú trong cảnh vắng lặng thường còn. Niết Bàn có ba tính chất sau đây:
a/ Bất sanh: không mọc lên, không sanh lại;
b/ Tịnh diệt: thanh tịnh, vắng lặng;
c/ Giải thoát: không còn bị trói buộc trong rừng mê, bể khổ hoàn toàn tự tại.
Niết Bàn tức là quả vị chứng được của các vị Thanh văn, sau nhiều năm tu luyện. Quả vị này có bốn tầng bậc, từ thấp đến cao:
a/ Tu đà hoàn hay Dự lưu: nghĩa là đã nhập vào dòng Thánh.
b/ Tư đà hàm hay Nhứt lai: nghĩa là chỉ còn một lần trở lại sinh vào Dục giới nữa thôi.
c/ A na hàm hay Bất lai: nghĩa là không còn trở lại Dục giới nữa.
d/ A la hán hay Bất sanh: nghĩa là không còn sanh tử trong ba giới và an trú vào cảnh vô dư y Niết bàn của Tiểu Thừa.
4. Sự thật thứ tư Đạo đế: Đạo là con đường. Đạo đế tức là con đường, là phương pháp dẫn đến quả vị Niết Bàn. Nói một cách khác, đây là những pháp môn tu hành của hàng Thanh Văn. Pháp môn này gồm tất cả là 37 món, trong ấy có “Bát chánh đạo”, thường được coi là pháp môn quan trọng nhất.
Bát Chánh Đạo gồm có:
a/ Chánh tri kiến: kiến giải đúng sự thật.
b/ Chánh tư duy: suy nghĩ chân chánh.
c/ Chánh ngữ: lời nói ôn hòa chánh đáng.
d/ Chánh nghiệp: hành động chân chánh.
đ/ Chánh mạng: đời sống chân chánh.
e/ Chánh tin tấn: siêng năng tu hành để tiến triển trên đường đạo.
g/ Chánh niệm: nhớ tưởng những việc chân chánh.
h/Chánh định: tập trung tư tưởng vào những vấn đề chân chính, để trí huệ được phát chiếu.
Ngoài “Bát chánh đạo”, còn những món trợ đạo khác để giúp hành giả tiến triển trên đường Đạo như: Tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực v.v…
IV. CON ĐƯỜNG TU CỦA DUYÊN GIÁC THỪA
Con đường tu này lấy pháp môn “mười hai nhân duyên” làm phương tiện tu hành. Con đường này đi xa hơn Thanh văn thừa, và do đó, quả vị chứng được cũng cao hơn. Hành giả đi hết con đường này, đến tuyệt đích tức là đến quả vị Bích chi Phật, quả vị giác ngộ cao nhất của Tiểu Thừa.
“Mười hai nhân duyên” là một pháp môn chỉ bày cho người tu hành thấy rõ được nguyên nhân của sự sinh tử luân hồi của chúng sanh để mà dứt trừ. Mười hai nhân duyên được trình bày, như là một cái vòng lẩn quẩn, gồm có 12 giai đoạn nối tiếp theo nhau và giam giữ chúng sanh trong biển khổ trần gian.
Mười hai nhân duyên là:
1. Vô minh: Nghĩa là mê lầm, không hiểu rõ được bản chất của sự vật và tâm mình, lấy giả làm thật, lấy quấy làm phải. Thí dụ : thân ta là vô thường mà cho là thường; tâm ta là vô ngã mà cho là tự tại. Vô minh được hình dung như một tấm vải đen, che mắt người bộ hành, làm cho người bộ hành đi lạc và rơi vào hố sâu tăm tối.
2. Hành: Là hành động, gây tạo ra những việc bất thiện, sai lầm, tạo nghiệp.
3. Thức: Là vọng thức phân biệt, chấp trước có năng và sở, nội tâm và ngoại cảnh riêng biệt. Do sự chấp trước này nên sanh lòng bảo thủ cái ta, tìm cầu một thân mạng, để phát triển cái ta ấy.
4. Danh sắc: Danh là chỉ cho phương diện tinh thần, Sắc là chỉ cho phương diện vật chất. Danh sắc tức là chỉ tổng báo, thân của loài hữu tình, khi còn ở trong thai tạng.
5. Lục nhập: Lục nhập tức là sáu giác quan (mắt, tai, mũi, thân, ý) của cái thai, dần dần được thành hình và phát triển, để sửa soạn tiếp xúc với ngoại cảnh, khi ra đời.
6. Xúc: Là xúc chạm, tiếp xúc với ngoại cảnh. Đây là nói khi cái thai thoát khỏi bào thai và tiếp xúc với ngoại cảnh. Trong giai đoạn này, các giác quan của hài nhi còn thô thiển, chưa bén nhạy, tinh vi, nên chỉ có “tiếp xúc” mà thôi.
7. Thọ: Là nhận lãnh. Đây là giai đoạn khi đứa bé đã bắt đầu có lý trí, biết phân biệt vui và khổ, thấy vui trước những cảnh vừa lòng, buồn trước những cảnh trái ý.
8. Ái: Là tham ái. Khi đã biết vui buồn, thương ghét, thì tất nhiên sẽ sinh lòng tham ái, đắm trước đối với những gì tốt đẹp, thích thú, và ruồng bỏ những gì xấu xa, nhàm chán.
9. Thủ: Là nắm giữ lấy. Khi đã ưa thích những gì tốt đẹp, quý báu thì sẽ sanh lòng giữ gìn những thứ ấy. Cái mà chúng sanh quý nhất là thân mạng.
10. Hữu: Là có. Ở đây muốn nói do lòng tham ái, và ý muốn giữ gìn (thủ) mà tạo ra thân hậu hữu, tiếp nối cuộc đời sau.
11. Sanh: Là sanh mạng, là khởi đầu một cuộc sống khác.
12. Lão tử: Là già và chết. Khi đã có sống, tất phải có già và chết.
Trong 12 giai đoạn nối tiếp cuộc sanh tử luân hồi này, nếu đem phân tích theo thứ tự thời gian trong ba đời (quá khứ, hiện tại và tương lai) thì sẽ thấy như sau:
Vô minh và hành là thuộc nghiệp nhân quá khứ, nghĩa là hai món này làm nhân trong quá khứ để kết thành quả báo trong hiện tại là : thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ.
Còn ái, thủ và hữu là nghiệp nhân trong hiện tại để tạo những quả báo trong tương lai là : sanh và lão tử.
Như thế, chúng ta thấy mười hai nhâ duyên này nối tiếp chặt chẽ, làm nhân quả, từ quá khứ đến hiện tại, từ hiện tại đến tương lai không một lúc nào gián đoạn.
Hành giả tu theo pháp môn này, trước tiên phải quán sát cho rõ ràng hành tướng của mười hai nhân duyên này; khi đã thấu rõ tường tận hành tướng của mỗi nhóm, hành giả phải tìm một nhược điểm nào trong vòng dây mười hai nhân duyên ấy, để cắt đứt nó ra, không cho nó tiếp tục làm nhân làm quả nữa.
Nhược điểm trong vòng dây ấy, là “Ái” (tham ái, đắm mê). Vậy hành giả phải nhắm đối tượng là “ái”, để tấn công vào, như ông tướng hành quân, sau khi dò la mặt trận của địch, biết được chỗ yếu, liền đổ dồn lực lượng tấn công vào đấy. Muốn tiêu diệt được “ái”, hành giả phải luôn luôn tự kiểm soát lòng mình, không để cho nó say mê, đắm trước vào những sắc tướng, giả ảnh bên ngoài. Một khi đã kiềm chế, tiêu diệt được “ái” rồi, thì nguyên nhân của “thủ” không có nữa. Thủ đã không có thì “hữu” cũng không thể do đâu mà phát sinh. Hữu không có, thì “sanh”, “lão tử” cũng không xuất hiện được.
Các vị Duyên giác sau khi đã đoạn trừ những nghiệp nhân lậu, chấm dứt được vòng lẩn quẩn sanh tử luân hồi, sẽ chứng được quả vị Bích chi Phật là quả vị cao nhất của Tiểu Thừa.
V. CON ĐƯỜNG TU CỦA BỒ TÁT THỪA
Đây là con đường rộng rãi, xa xăm nhất trong năm con đường hướng đến cõi Phật. Chỉ những người căn cơ vững chắc, chí nguyện lớn lao, ý chí dũng mãnh mới dám dấn bước trên con đường vạn dặm này. Cho nên những người nào muốn đi trên con đường này, trước tiên phải tự lượng sức mình, xem thường mọi sự gian khổ trên đời này, xem thường tài sản và tính mạng; phải có một quan niệm rộng lớn : cho rằng mình và chúng sanh không khác, chúng sanh đau khổ là mình đau khổ, mình sung sướng thì cũng phải làm cho chúng sanh sung sướng như mình, và nhất là phải phát Bồ đề tâm, nghĩa là phát tâm rộng lớn vô cùng tận, mà nội dung, gồm trong bốn lời khuyên sau đây:
1/ Chúng sanh không số lượng, thệ nguyện đều độ hết. – Chúng sanh tức là tất cả loài hữu tình, có sự sống trên thế giới này. Số lượng của chúng sanh nhiều như cát sông Hằng, không thể đếm được. Chúng sanh lại gồm rất nhiều chủng loại, mỗi chủng loại lại gồm nhiều căn cơ, nhiều nghiệp duyên, nhiều hoàn cảnh khác nhau. Nhưng mặc dù chúng sanh số lượng nhiều không thể kể xiết và tánh chất phức tạp như thế, người theo hạnh Bồ tát thừa cũng nguyện độ cho tất cả.
2/ Phiền não không tận, thệ nguyện đều dứt sạch. – Từ vô thỉ đến nay, chúng sanh gây tạo không biết bao nhiêu phiền não; những phiền não này tính chất cũng lại phức tạp, từ thô thiển cho đến vi tế, từ nông cạn cho đến sâu kín trong lòng, thật là vô cùng tận. Nhưng người tu theo hạnh Bồ tát thừa, cương quyết thệ nguyện sẽ trừ diệt cho thật sạch.
3/ Pháp môn không kể xiết, thệ nguyện đều tu học. – Chúng sanh đã vô lượng, phiền não đã vô cùng, thì pháp môn để đối trị, tất nhiên cũng phải nhiều vô số kể. Do đó, có thành ngữ “ba vạn sáu ngàn pháp môn”, để chỉ rõ số lượng lớn lao của các pháp môn, mà Đức Phật đã chế ra. Mặc dù pháp môn nhiều không xiết kể, nhưng một khi hành giả tu theo Bồ tát thừa cũng nguyện tu học cho hết.
4/ Phật đạo không gì hơn, thệ nguyện được viên thành. – Thành tựu được quả vị Phật tức là một quả vị cao thượng nhất, nhưng cũng khó khăn nhất. Tuy thế, người tu theo hạnh Bồ tát thừa, quyết đi đến chỗ viên mãn hoàn toàn, chứ không chịu dừng nghỉ khi chưa đến đích cùng tột.
Hành giả mỗi ngày, mỗi lúc phải luôn luôn nhớ nghĩ, tụng đọc bốn lời thệ nguyện ấy, không bao giờ được xao lãng. Có được một sự phát tâm rộng lớn như thế rồi, hành giả mới có đủ sức để vượt qua muôn ngàn gian khổ, khó khăn đang chờ đợi mình trên con đường hành đạo, để đi đến quả vị viên mãn, cao thượng cùng tột nói trên.
Pháp môn tu luyện của Bồ tát nhiều không xiết kể, trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ xin nói đến pháp môn mà các vị tu theo Bồ tát thừa, thường hạ thủ công phu nhiều nhất, tức là pháp Lục độ. Lục độ hay Ba la mật, nghĩa là vượt qua, đi đến chỗ hoàn toàn. Chúng sanh sống trong cảnh Dục giới, chẳng khác gì những nạn nhân bị chìm tàu, đang lặn hụp ngoi ngóp trong biển khổ tối tăm. Pháp môn này như con thuyền có công năng cứu vớt được những nạn nhân sắp chết đuối ấy, để đưa vào bờ sáng sủa, yên vui, xa lìa mọi nguy hiểm tối tăm, trong biển đời đau khổ. Lục độ ấy là :
1. Bố thí: Bố thí là đem công, của, tất cả những gì mình có, ban bố cho mọi người.
Thấy người thiếu cái gì mà mình có, thì liền đem cho, không kể đó là thân hay sơ, bạn hay thù, đồng một chủng tộc hay khác chủng tộc.
Bố thí có ba loại:
a/Tài thí: Bố thí bằng tiền tài, vật dụng, thân mạng.
b/Pháp thí: Bố thí bằng chánh pháp, nghĩa là đem chánh pháp phá trừ mê muội, tà kiến, chấp trước của chúng sanh.
c/Vô úy thí: Bố thí bằng cách đem lại cho người khác sự không sợ hãi, sự bình tâm, tỉnh trí trước mọi nguy nan, tai biến.
2. Trì giới: Trì giới là giữ gìn, không phạm những điều bất thiện, như không nghĩ các điều ác, không làm các việc ác.
Giới luật rất nhiều, nhưng có thể phân chia làm ba loại:
a/ Nhiếp luật nghi giới: là giữ gìn các giới luật oai nghi của Phật đã chế, để ngăn ngừa những tội lỗi về thân, khẩu, ý.
b/ Nhiếp thiện pháp giới: là thực hành những việc thiện, có lợi ích cho mình và người, như thực hành 10 điều thiện, bố thí, ái ngữ v.v…
c/ Nhiêu ích hữu tình giới: là hóa độ, cứu khổ cho toàn thể loài hữu tình trong thế gian.
Tóm lại, có thể nói chung rằng : trì giới tức là ngăn ngừa các điều ác, không cho phát sanh và thi hành các điều thiện. Nhờ sự trì giới mà ba nghiệp được thanh tịnh, các thiện công đức phát sanh, chúng sanh được lợi lạc.
3. Nhẫn nhục: Nhẫn nhục là giữ cho lòng mình bình lặng, trước mọi hoàn cảnh, không phẫn uất trước nghịch cảnh, không bị lôi cuốn trước thuận cảnh, an nhiên trước thành công hay thất bại.
Nhẫn nhục có thể chia làm bốn loại:
a/ Thuận sanh nhẫn: là không kiêu căng tự đắc trước sự thán phục, cung kính của chúng sanh.
b/ Nghịch sanh nhẫn: là không bực tức, thù ghét trước sự chửi mắng, đánh đập của chúng sanh.
c/ Nội pháp nhẫn: là nhẫn nhục đối với những phiền não bên trong. Không để cho lòng mình bị xao động vì những tính xấu xa, như tham, sân, si v.v…
d/ Ngoại pháp nhẫn: là xem thường không than phiền, phẫn uất trước những cảnh đói rét, những sự đánh đập, áp bức thân thể.
Tóm lại, nhẫn nhục là chịu đựng, bình tỉnh đối với tất cả mọi trường hợp, dù nghịch hay thuận, dù được khen hay bị chê, dù từ bên trong phá ra, hay từ bên ngoài đưa đến, dù tinh thần hay vật chất.
4. Tinh tấn: Tinh là tinh thuần, không ô nhiễm, Tấn là đi tới luôn luôn. Tinh tấn nghĩa là luôn luôn nhất tâm tiến tới mục đích giải thoát và giác ngộ, không để cho các nhiễm ô chi phối, không bao giờ sờn lòng, nhụt chí dù cho gặp nghịch cảnh khó khăn bao nhiêu.
Tinh tấn có thể chia làm bốn loại:
a/ Đối với các điều ác chưa sanh, tinh tấn giữ gìn không cho phát sanh.
b/ Đối với các điều thiện chưa sanh, tinh tấn làm cho mau phát sanh.
c/ Đối với các điều ác đã sanh, tinh tấn diệt trừ.
d/ Đối với các điều thiện đã sanh, tinh tấn làm cho mau tăng trưởng.
Tóm lại, tinh tấn có công năng làm cho các điều ác bị diệt trừ, làm cho các điều thiện tăng trưởng, để hành giả đến đạo quả giải thoát và giác ngộ.
5. Thiền định: Thiền là quán sát để diệt trừ các vọng duyên điên đảo; Định là để tâm chuyên chú vào một cảnh sở quán. Thiền định là chuyên tâm chú ý vào một cảnh nhất định, để tìm ra sự thật rồi dựa vào đó mà tu hành.
Thiền định, gồm nhiều pháp quán, như:
a/ Quán sổ tức: là chuyên tâm quán sát hơi thở không để cho vọng niệm xen vào.
b/ Quán bất tịnh: là quán sát sự xấu xa, dơ bẩn trong mọi sự vật ở đời, chẳng hạn như quán sát thân thể chúng ta, thấy mọi cơ quan trong người đều không có gì là đẹp đẽ, trong sạch, và càng về già lại càng xấu xa, và khi chết thì lại không có gì thối tha nhơ nhớp bằng.
c/ Quán từ bi: là chuyên tâm nhớ nghĩ đến tình thương; lan trải lòng từ bi trên mọi loài, mọi vật, như tình mẹ đối với con cái.
d/ Quán nhân duyên: là quán sát tất cả các pháp trong thế gian, từ vi trần đến sơn hà đại địa, đều do nhiều nhân duyên hòa hợp mà thành, chứ không phải do một đấng tạo hóa nòa sinh ra. Bởi do nhân duyên hòa hợp, nên cũng do nhân duyên mà tan rã, chứ không có gì là vĩnh viễn trường tồn.
e/ Quán niệm Phật: là chuyên tâm tưởng niệm đến chư Phật, tưởng niệm đến những đức tướng của Phật, để bắt chước và để cho tâm khỏi tán loạn theo vọng niệm.
Tóm lại, các môn quán trên này, có công năng rất lớn. Nhờ các pháp quán mà hành giả có thể kềm chế được tham dục, giữ cho tâm khỏi loạn động, trừ nóng giận, tăng tình thương, thêm trí huệ.
6. Trí huệ: Trí huệ tức là sáng suốt, nhận chân đúng đắn sự thật, biết phân biệt tà, chánh, hư thật, phá trừ được màn vô minh dày đặc, đã lâu đời lâu kiếp che kín thực thể của vũ trụ nhân sinh.
Trí huệ có thể phát triển được, do:
a/ Văn huệ: nghĩa là chuyên nghe, học hỏi chánh pháp, chánh lý;
b/ Tư huệ: nghĩa là suy nghiệm, tư duy về chánh pháp, chánh lý;
c/ Tu huệ: nghĩa là thực hành, tu luyện theo chánh pháp, chánh lý. Tóm lại, trí huệ là trí sáng suốt, có công năng diệt trừ vô minh, soi sáng sự thật. Trí huệ này do chuyên nghe, suy nghiệm và thực hành đúng theo chánh pháp mà phát chiếu.
Như chúng tôi vừa trình bày ở đoạn trên, trong các pháp môn tu luyện của hàng Đại thừa Bồ tát, Lục độ, hay sáu pháp Ba la mật là pháp môn thường được áp dụng một cách có hiệu quả nhất. Chư Phật và Chư Bồ tát viên mãn được công hạnh tư lợi và lợi tha phần nhiều đều lấy pháp Lục độ này làm căn bản.
B. BA THỪA HAY BA CỔ XE
Như chúng ta đã thấy ở đoạn trên, Phật giáo có chia làm năm thừa, như năm cấp bậc để người tu hành dễ bước lên.
Người không có chí nguyện cao xa, chỉ muốn được làm người, thì bước lên cấp thứ nhất; người muốn vượt cao hơn cõi người, lên cõi trời thì bước lên cấp thứ hai; người muốn thành A la hán, không còn bị trôi lăn trong cõi sanh tử luân hồi nữa thì bước lên cấp thứ ba; người muốn thành một vị Duyên giác, hay Bích chi Phật thì bước lên cấp thứ tư, người muốn thành một vị Bồ tát, cứu đời giúp người, hóa độ chúng sanh, thì bước lên cấp thứ năm.
Năm cấp này, nếu giản dị hóa lại thì chỉ còn có ba bậc, tức là Ba thừa, nghĩa là Tiểu thừa, Trung thừa và Đại thừa.
Chữ Thừa, hay Thặng, có nghĩa là cái xe. Tiểu thừa, tức là cái xe nhỏ; Trung thừa là cái xe vừa; Đại thừa tức là cái xe lớn. Người đi đường, muốn đở mệt và mau đến đích, tức phải dùng đến chiếc xe. Xe có chiếc nhỏ, chiếc vừa và chiếc lớn. Xe nhỏ thì chỉ chở được một người, xe vừa thì chở đôi ba người, xe lớn thì chở được nhiều người.
I. TIỂU THỪA
Thừa này gồm Nhân, Thiên và Thanh văn thừa. Như trên đã nói.
Muốn đến cõi Người, thì phải đi xe Người, tứ là Nhân thừa; nghĩa là hành giả phải giữ Ngũ giới.
Muốn đến cõi Trời, thì phải đi xe Trời, tức là Thiên thừa; nghĩa là hành giả phải tu Thập thiện.
Muốn đến cảnh giới Thanh văn, thì phải đi xe Thanh văn, tức là Thanh văn thừa; nghĩa là hành giả phải tu pháp Tứ diệu đế. Sở dĩ liệt Nhân, Thiên và Thanh văn vào làm một, gọi là Tiểu thừa, là vì ba hạng này tu chỉ mong cứu độ cho mình mà thôi, cũng như chiếc xe nhỏ chỉ chở một vài người.
II. TRUNG THỪA
Trung thừa là chiếc xe vừa, có thể chở được 5,7 người. Muốn đến cảnh giới Duyên giác, hành giả phải đi xe Duyên giác, tức là Trung thừa (xe vừa) nghĩa là phải quán 12 nhân duyên, lưu chuyển và hoàn diệt. Bởi thế nên thừa này cũng gọi là Duyên giác thừa. Duyên giác thừa được gọi là Trung thừa, vì nó rộng hơn, cao hơn Thanh văn thừa, nhưng còn thấp hơn, hẹp hơn Bồ tát thừa. Đây là một nấc thang trung gian, để cho hàng Tiểu thừa dễ bước lên hàng Đại thừa. Quả vị của thừa này là Bích chi Phật cũng gọi là Duyên giác hay Độc giác. Vị này đã hoàn toàn giác ngộ được phần mình, nhưng chưa giác ngộ được nhiều cho chúng sanh.
III. ĐẠI THỪA
Đây là con đường rộng nhất, cao xa nhất trong ba Thừa, tức là Bồ tát thừa. Muốn đến quả vị Bồ tát, hành giả phải đi xe Bồ tát, nghĩa là tu Lục độ vạn hạnh. Sở dĩ thừa này được gọi là Đại, vì đã cung cấp cho chúng sanh một phương pháp tu hành rộng lớn, có thể độ cả mình lẫn chúng sanh đi đến bờ giác ngộ hoàn toàn.
Tóm lại, ba Thừa này cũng như ba loại xe. Tiểu thừa là loại xe nhỏ như xe đạp, chỉ chở được một người, nếu rán lắm là thêm một người nữa là cùng. Trung thừa là loại xe vừa, như xe hơi, có thể chở được 3,4 người. Đại thừa là loại xe lớn như cam nhông, xe lửa, tàu thủy v.v…có thể chở một lúc từng trăm, ngàn người.
C. HAI THỪA HAY HAI CỔ XE
Kẻ tu hành, muốn chóng đến đích và đỡ mệt, tất phải dùng các loại xe, hoặc Tiểu thừa hoặc Trung thừa hay Đại thừa. Các xe, xe nào cuối cùng rồi cũng đến đích là thành Phật. Nhưng Tiểu thừa thì đi chậm và chỉ độ được cho một ít hành giả mà thôi. Còn Trung thừa thì đi mau hơn và độ được năm bảy người; đến như Đại thừa thì đi nhanh hơn nữa và độ được nhiều người trong một lúc, nghĩa là tự độ và độ tha.
Bây giờ, để đi sâu vào nội dung vấn đề, chúng ta hãy tuần tự so sánh, những sự sai khác và giống nhau, giữa hai thừa như thế nào.
Những điểm dị, đồng giữa Tiểu thừa và Đại thừa.
I. TƯ TƯỞNG
1. Quan niệm về nhân sanh và vũ trụ: Quan niệm về nhân sanh, Đại thừa hay Tiểu thừa gì cũng cho rằng cõi đời là khổ. Biển khổ mênh mông ấy bắt nguồn từ vô minh, từ vô thỉ, chứ không phải do một đấng nào tạo ra. Đối phó với cái khổ ấy, Tiểu thừa tìm cách để xa lánh cõi đời, rời bỏ gia đình, chối từ công danh, sự nghiệp cho rằng mọi sự vật trong đời này không đáng bận tâm đến. Chỉ cốt làm sao tự tu tự luyện để giải thoát cho mình.
Đại thừa cũng nhận thấy cõi đời là khổ, cần phải dứt trừ. Nhưng họ không xa lánh cõi đời, trái lại lăn lộn trong bể khổ ấy để cứu vớt chúng sanh. Họ thấy có thể dùng mọi phương tiện sẵn có trong cõi đời để tự giác và giác tha, chứ không cần phải trốn tránh cõi đời, đi tìm một nơi am thanh cảnh vắng để tu luyện. Cõi đời là khổ, nhưng cảnh khổ ấy chẳng khác gì trong giấc mộng; hết mộng là hết khổ. Bởi vậy, không cần trốn lánh cõi đời, mà chỉ cần chuyển đổi cảnh mê thành ngộ. Cho nên cảnh giới Ta bà này cũng có thể là cảnh giới thanh tịnh đối với kẻ biết sống, với người đã giác ngộ. Do đó, có câu: “biển khổ mênh mông, nhưng quay đầu lại thì liền thấy bờ bến”.
Tiểu thừa và Đại thừa đều cho vũ trụ là mênh mông, vô bờ vô bến, vô thỉ vô chung, và không do một đấng nào sáng tạo cả. Nhưng trong khi Tiểu thừa cho rằng vũ trụ ấy có thật, ngoài tâm, thì Đại thừa cho rằng vũ trụ như huyễn, như hóa, và cảnh với tâm không thể rời nhau mà có, nghĩa là tâm cảnh chỉ là một, bất khả phân.
2. Quan niệm về Phật: Theo quan niệm của Tiểu thừa, thì chỉ có một Đức Phật duy nhất, xuất hiện cách đây 2.508 (kể đến năm 1964 d.l.) tại Ấn Độ là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trước đó, không có Đức Phật nào cả, và sau này cũng chẳng có Đức Phật nào nữa.
Theo quan niệm của Đại thừa, thì Đức Phật Thích Ca chỉ là một trong vô số vị Phật đã xuất hiện trong pháp giới này. Trước Ngài đã có nhiều vị Phật, sau Ngài sẽ có nhiều vị Phật khác ra đời. Đức Phật Thích Ca là ứng thân của Phật, thị hiện trong cõi Ta bà này để cứu độ chúng sanh. Ngài cũng là hóa thân của Phật, cần có mặt ở cõi đời này để làm Giáo chủ trong hiện tại, cũng như bảy Đức Phật (thất Phật) của thế giới trong quá khứ và Đức Phật Di Lặc sẽ là vị Phật trong tương lai.
Ngoài ra, nói một cách tổng quát, mỗi chúng sanh đều có Phật tánh, thì nếu tu hành viên mãn, đều sẽ thành Phật cả.
II. HÌNH THỨC
1. Tiểu thừa : Phái này thường cũng được gọi là Nguyên thủy, nghĩa là giáo phái giữ đúng những hình thức, giới luật mà Đức Phật đã quy định từ ngàn xưa, lúc Đức Phật còn tại thế. Các tu sĩ đắp y vàng, để hở vai và cánh tay phải, không ăn quá ngọ, không giữ tiền bạc trong người. Họ đi khất thực, và trong người chỉ có tám vật dụng cần thiết là: bộ y, cái quạt để che nắng, đôi dép, bình bát, cái gậy, cái đảy lọc nước, cây kim để may vá.
Nói chung, về phương diện hình thức, Tiểu thừa không chủ trương biến cải cho hợp thời đại, hợp trào lưu, không mượn hình thức làm một phương tiện để hóa độ và truyền bá Phật pháp.
2. Đại thừa: Phái này, trái lại, không có tính cách bảo thủ, nhất là bảo thủ hình thức. Tùy theo địa phương, hoàn cảnh, thời đại mà hình thức được thay đổi cho thích hợp. Từ ngôi chùa, y phục, cho đến cách sinh hoạt, Đại thừa đều khác Tiểu thừa. Tu sĩ Đại thừa không đi khất thực, mà thọ trai tại chùa, họ chế nhiều loại y phục màu sắc khác nhau, tùy theo mỗi xứ, mỗi nước. Mỗi chùa đều có ruộng đất để nuôi sống tăng chúng. Họ bày ra nhiều lễ lược, nhiều nghi thức để làm phương tiện hóa đạo, truyền bá chánh pháp.
Nói một cách tổng quát, Đại thừa có tính cách tích cực nhập thế, nên dùng nhiều phương tiện để hóa độ chúng sanh. Họ không câu nệ hình thức; mọi hình thức có lợi cho đạo, đều có thể chấp nhận được cả. Nhờ thế mà họ theo kịp sự tiến triển của thời đại, và có thể bành trướng đạo pháp bất luận ở đâu và lúc nào.
III. PHƯƠNG PHÁP TU HÀNH
1. Tiểu thừa: Pháp môn tu hành của Tiểu thừa gồm có: Ngũ giới, Thập thiện, Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyên, các pháp thiền quán, như quán Sổ tức, quán Bất tịnh, quán Từ bi, quán Vô thường, quán Vô ngã v.v…
2. Đại thừa: Đại thừa tuy vẫn học hỏi, tu tập những pháp môn của Tiểu thừa nói trên, nhưng họ thấy chừng ấy chưa đủ để tiến xa trên đường giải thoát và đạt đến quả vị Phật, nên ngoài các Pháp môn trên, họ còn tu pháp Lục độ, Tứ nhiếp pháp, Ngũ minh v.v… Cũng vì thế, các vị Tổ sư lại còn dựa vào những kinh điển của đức Phật để phát huy, lập ra những pháp môn như Tịnh độ tông, Thiền tông, Duy thức tông, Hoa nghiêm tông v.v…Nhờ sự phát huy này mà giáo lý Đại thừa rất sung mãn, đủ mọi khía cạnh, thích hợp cho mọi căn cơ, đáp ứng cho mọi xu hướng tu luyện của mọi xứ sở, mọi xã hội, mọi giai tầng.
IV. QUẢ VỊ TU CHỨNG
Giáo lý và pháp môn của hai thừa tuy không khác nhau ở căn bản, nhưng vì có thấp, có cao không đồng, nên kết quả tu chứng cũng không giống nhau:
1. Tiểu thừa: Tiểu thừa chú trọng đến cá nhân hơn đoàn thể, tự độ hơn độ tha, nên quả vị tu chứng cũng thấp hơn, hẹp hơn quả vị của Đại thừa. Như chúng ta đã thấy trong phần nói về quả vị của năm thừa, quả vị thấp nhất là sanh lại làm người (Nhân thừa) và quả vị cao nhất của Tiểu thừa là A la hán. Các vị này chỉ chứng được cõi Hữu dư y Niết bàn, nghĩa là cõi Niết bàn chưa hoàn toàn rốt ráo.
2. Đại thừa: Đại thừa vì có nhiều giáo lý, pháp môn cao thâm hơn, nên quả vị chứng được cũng rốt ráo hoàn toàn. Đó là quả vị Bồ tát, chứng được quả Vô dư y Niết bàn. Cùng tột hạnh nguyện của Bồ tát, hành giả sẽ chứng quả Phật, là quả vị cùng tột trong đạo Phật.
V. ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẠI THỪA VÀ TIỂU THỪA TRONG CÁC NƯỚC
Đại thừa và Tiểu thừa hiện nay là hai giáo phái lớn nhất của đạo Phật. Hai giáo phái này đều phát triển và thịnh hành song song, nhưng có thể chia làm hai khu vực rõ ràng :
1. Tiểu thừa hay Nam tông: Sở dĩ Tiểu thừa cũng gọi là Nam tông, vì ảnh hưởng của phái này được mạnh mẽ nhất ở các nước miền Nam Á châu như: Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cao Miên.
2. Đại thừa hay Bắc tông: Nếu Tiểu thừa phát triển mạnh ở phía Nam, thì Đại thừa trái lại được thịnh hành ở phía Bắc. Do đó mà có danh từ Bắc tông để gọi Đại thừa. Những nước thuộc Đại thừa như là: Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, v.v…
VI. KẾT LUẬN VỀ HAI THỪA
Thật ra, giáo phái của Đức Phật chỉ có nhất vị, không phân chia Đại thừa và Tiểu thừa gì cả. Chẳng qua những lời dạy của Ngài, tùy theo căn cơ của người nghe mà có sâu có cạn, có rộng, có hẹp. Và người nghe, thấy giáo lý nào hợp với mình, thì theo giáo lý ấy mà tu hành. Bởi thế, Bác sĩ Mura kami, một nhà nghiên cứu Phật học uyên thâm, có nói :
“Đức Phật không phải Đại thừa hay Tiểu thừa, vì những danh từ này được đặt ra về sau. Sự thật, Đức Phật Nguyên thủy không có phân biệt Đại thừa hay Tiển thừa”.
Thật ra, đây chỉ là hai nấc thang mà các vị Tổ muốn đặt ra để cho Phật tử dễ bước và tùy sức mình mà bước. Nếu thấy mình mạnh, chân mình dài, thì bước hai nấc một lần; còn nếu thấy mình không đủ sức thì cứ bước dần từng nấc một, vừa ít tốn sức mà vừa chắc chắn.
Để kết luận đoạn này, chúng tôi xin trích lại đoạn văn sau đây của Giáo sư Macda: “Lời dạy của Đức Phật Thích Ca như hạt giống, lời dạy của Tiểu thừa như cành cây và lá, và lời dạy của Đại thừa như hoa và quả. Sau khi hạt giống đã được che đậy và khi thời gian chín mùi, các kết quả hiện ra”.
D. NHẤT THỪA HAY TỐI THƯỢNG THỪA CŨNG GỌI LÀ PHẬT THỪA
Như chúng tôi đã nói trong lời mở đầu, Đạo Phật dù có bao nhiêu pháp môn, bao nhiêu con đường, nhưng rút lại chỉ còn một con đường chung, dẫn đến một mục đích cuối cùng. Đó là con đường này cũng gọi là Tối thượng thừa, nghĩa là con đường cao nhất, đưa đến tột đỉnh.
Chúng ta nên nhớ rằng, dù chúng ta có kẻ tu theo Nhân thừa, có kẻ tu theo Thiên thừa, có kẻ Thanh văn, Duyên giác hay Bồ tát thừa, nhưng chúng ta đều nhắm về một hướng, cùng đi một chiều, như trăm sông, lớn nhỏ, sâu cạn, đục trong, khác nhau, nhưng cũng đều chảy ra biển Đại dương. Những con sông ấy, không thể đi ngược chiều được. Bộ hành tùy theo phương tiện, sức khỏe, hoàn cảnh, có kẻ đi chậm, người đi nhanh, có kẻ đi xe người đi bộ, có kẻ đi hết mỗi chặng đường, lại dừng lại nghỉ ngơi, có kẻ mong cho mau đến đích nên đi một mạch, dù khó nhọc bao nhiêu cũng không dừng nghỉ. Nhưng dù sao, cũng không thể đi ngược chiều nhau mà tự bảo rằng: “Chúng tôi đều đi về phương Đông, phía mặt trời mọc” được. Họ chỉ có thể khác nhau ở phương tiện, không thể khác nhau ở mục đích cuối cùng. Mặc dù họ là người quốc tịch nào đi nữa, khi muốn đi vào nước Phật, thì phải có một giấy thông hành giống nhau, cùng đóng một khuôn dấu giống nhau, đó là “Tam pháp ấn”, nếu đặc biệt Đại thừa thì “Nhất thật tướng ấn”. Không thể tự xưng là phật tử mà không chấp nhận sự vô thường, vô ngã, tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật và thật tướng.
Mục đích thành Phật là mục đích cao nhất, là mục đích tối thượng; do đó mà có danh từ “Tối thượng thừa” để chỉ con đường đi đến quả vị Phật. Các vị Bồ tát mặc dù có đủ thần thông diệu dụng, đã tự giác và tự tha, có chí nguyện cứu độ tất cả chúng sanh, nhưng chưa thể gọi được là Phật. Chỉ có thể gọi là Phật, các đấng đã tự giác, giác tha và sau khi giác hạnh đã viên mãn. “Giác hạnh viên mãn” là một điều kiện vô cùng khó khăn, mà ngoài các vị Phật, không ai có thể thực hiện được. Tất nhiên, để có được giác hạnh viên mãn, cần phải trải qua không biết bao nhiêu thời gian đời kiếp. Nhưng dù sao, đối với các vị Phật, thời gian cũng trở thành vô nghĩa. Vì quan niệm về thời gian, cũng như về không gian, chỉ có đối với chúng sanh, chứ không có đối với Phật, Đức Phật là những vị đã thể nhập với bản thể, vượt ra ngoài sự tương đối, không thể dùng ngôn ngữ, danh từ, hay một hình thức nào trong cõi đời tương đối này mà hình dung một cách rốt ráo được. Chỉ có thể ý niệm một cách khái quát rằng : quả vị Phật là một quả vị cao nhất đối với các ngoại đạo. Đến địa vị này, tức là được hoàn toàn giải thoát, hoàn toàn giác ngộ, có đầy đủ thần thông, tự tại, có đủ bốn đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.
TỔNG KẾT
VỀ TOÀN BỘ BẢN ĐỒ TU PHẬT
Đây là tập sách cuối cùng trong toàn bộ, 10 tập của “Bản đồ tu Phật”. Chúng tôi thành tâm cảm tạ và tán thán tinh thần cần học của quý độc giả, đã theo dõi chúng tôi để tìm hiểu Phật giáo qua 10 tập sách của “Bản đồ tu Phật”. Tuy 10 tập này chỉ có tính cách như những tập bài giảng, không có gì là đồ sộ lớn lao, nhưng người đọc, dù có trí nhớ bao nhiêu, cũng khó có thể nhớ hết tất cả. Vả lại, những con đường tu của Đạo Phật, như đã trình bày, nhiều vô số, có cái ngắn, cái dài, cái ngang, cái dọc, cái rộng, cái hẹp, cái thẳng, cái cong, cái ẩn, cái hiện. Do đó, người đọc có thể bị lòa mắt, khi mới nhìn vào. Và dù có thấy rõ từng cái một, cũng khó có thể nhớ tất cả. Nhất là đối với những người chưa quen đọc Bản đồ, chưa nắm được phương pháp đọc Bản đồ, thì khi đi đường, cũng cứ bị lạc như thường.
Bởi ý nghĩ đó, trước khi tạm rời quý vị độc giả thân mến, chúng tôi thấy có bổn phận ôn lại một cách tổng quát những con đường mà chúng tôi đã giới thiệu từ tập đầu cho đến tập cuối, và giản dị hóa Bản đồ tu Phật. Đã gọi là ôn lại, thì chẳng có gì mới lạ cả. Tuy thế, nó sẽ giúp cho quý vị độc giả có một cái nhìn tổng quát, quán xuyến để nhận định vị trí của mình. Đã gọi là giản vị hóa, tất nhiên những chi tiết rườm rà, phức tạp sẽ bị loại bỏ, nhưng chính như thế mà quý độc giả sẽ thấy được rõ ràng những nét đại cương, những con đường chính, hay đại lộ.
Những đại lộ này có thể chia làm các loại như sau:
– Con đường tu của quảng đại quần chúng: Con đường này, đúng ra, chẳng phải riêng của Đạo Phật. Những ai có ý muốn sửa đổi tâm tánh, ăn ở lương thiện, có đạo đức, biết phải trái, đều có thể đi vào con đường này.
– Con đường tu thông thường của Phật tử: Đây là con đường dành cho những ai đã có biết đến Phật, đi chùa, thọ tam quy ngũ giới, làm những việc thông thường của một Phật tử tại gia.
– Con đường tu chuyên môn của các tu sĩ: Con đường này dành riêng cho những vị đã xuất gia. Nó có tính cách biệt, chuyên môn, thiên về một khía cạnh nào đó, một bộ môn nào đó trong các kinh điển. Loại đường này có nhiều sắc thái kỳ lạ, mà người sơ cơ không thể hiểu nổi, hay có thể bị lạc đường, nếu dấn thân vào; con đường này gồm có nhiều ngành như sau:
1/ Luật tôn
2/ Tịnh độ tôn
3/ Thiền tôn
4/ Duy thức tôn
5/ Mật tôn
6/ Pháp hoa tôn
7/ Hoa nghiêm tôn
8/ Tam luận tôn
9/ Câu xá tôn
10/ Thành thật tôn
– Con đường tu của các thừa: Con đường này là con đường thường được Phật tử biết đến nhiều nhất. Nó gồm năm giai đoạn, từ thấp lên cao, từ dễ đến khó, mà mục đích cuối cùng là hướng đến Phật quả. Năm giai đoạn đó là:
1/ Nhân thừa, mà mục tiêu là sanh lại làm người kiếp sau.
2/ Thiên thừa, mà mục tiêu là sanh lên cõi trời.
3/ Thanh văn thừa, mà mục tiêu là chứng được A la hán.
4/ Duyên giác thừa, mà mục tiêu là chứng quả Độc giác hay Bích chi Phật.
5/ Bồ tát thừa, mà mục tiêu là chứng quả Bồ tát.
Năm giai đoạn này, nếu phân chia một cách tóm tắt thì chỉ còn lại ba bực hay Tam thừa là:
1/ Tiểu thừa
2/ Trung thừa
3/ Đại thừa
Nếu đem phân loại một cách tóm tắt hơn nữa thì chỉ còn có hai bực hay Nhị thừa là:
Tiểu thừa và Đại thừa.
Nhưng Tiểu thừa hay Đại thừa thì mục đích cuối cùng cũng là hướng đến quả Phật. Mọi Phật tử dù khởi hành từ một điểm nào đi nữa, thì rồi cuối cùng cũng gặp nhau ở một điểm duy nhất là quả vị Phật.
Do đó, sau khi loại ra tất cả những sự dị biệt, những màu sắc sai khác, Phật giáo chỉ còn một con đường rộng lớn duy nhất là Phật thừa.
Thưa quý độc giả, “Bản đồ tu Phật” đến đây đã hoàn thành. Quý vị đã thấy rõ tất cả những con đường trên bản đồ đó, từ nhỏ đến lớn, từ dễ đến khó, từ thấp đến cao. Quý vị không thể lầm lạc được nữa. Giờ đây là giai đoạn quyết định của quý vị. Quý vị hãy lựa chọn lấy con đường mà quý vị muốn đi. Tất nhiên quý vị phải hết sức thận trọng, suy xét, cân nhắc cho kỹ lưỡng, xem con đường nào sẽ thích hợp với căn cơ, khả năng, ý thích của quý vị. Sau đó, quý vị hãy chuẩn bị tư lương, hành lý rồi mạnh dạn cất bước lên đường. Có nhìn thấy rõ trước con đường mình sắp đi, và chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với mọi sự bất trắc thì cuộc hành trình xa vạn dặm mới khỏi dở dang.
Cầu chúc quý vị gặp may mắn trên đường và chóng đến đích tốt đẹp.
SOẠN GIẢ HT. THÍCH THIỆN HOA
– HẾT-
Thảo luận về post