BẢN ĐỒ TU PHẬT – HT THÍCH THIỆN HOA
Tập 1: CHỌN ĐƯỜNG TU – TRÍCH: BẢN ĐỒ TU PHẬT
Lời tựa
Từ lâu không biết bao nhiêu người, ở ngoài đời cũng như trong đạo, rất bỡ ngỡ về vấn đề tu hành. Như một kẻ bộ hành ngơ ngác, lạc lõng giữa ngả ba đường, họ băn khoăn tự hỏi : Tu làm sao đây ? Tu phương pháp gì ? Và phải hạ thủ công phu làm sao mới đúng ?
Họ có cảm tưởng như lạc vào rừng rậm, tìm không được lối ra, mặc dù trong số ấy có nhiều người đã quy y lâu ngày hay đã ở chùa nhiều năm. Lại có người lại đơn giản hóa sự tu hành : họ chỉ thực hành qua loa một vài việc cho có lệ, và cho như thế là tu rồi. Có người chấp nhặt ở một phương pháp tu hành này, rồi bài xích tất cả phương pháp khác mà họ cho là quấy. Thậm chí có người hiểu nghĩa chữ “tu” một cách mơ hồ hay sai lạc, rồi dựa vào đó mà thực hành một cách mù quáng, sai đường, và đôi khi lại còn trở lại công kích những kẻ đi đường khác !
Đứng trước tình trạng buồn thảm ấy, ai lại chẳng đau lòng ! Vì thế chúng tôi bạo dạn soạn loạt bài này, để cống hiến cho quý vị nào còn bỡ ngỡ trên bước đường tu hành, một “bản đồ” chỉ đường tu về cõi Phật.
Trong loạt bài này chúng tôi in thành từng tập sách nhỏ, chúng tôi sẽ tuần tự đề cập đến những điểm quan trọng sau đây :
1/ Thanh toán những quan niệm chật hẹp sai lầm, những sự bài xích lẫn nhau của các tôn phái về chữ “tu”.
2/ Giải thích và phân tách rành rõ về nghĩa chữ “tu”.
3/ Nhấn mạnh vào sự cần yếu của sự tu hành, đối với hết thảy mọi người, mọi giai cấp trong xã hội, và chỉ rõ về cách “tu” của quảng đại quần chúng.
4/ Trình bày về lối tu thông thường, nhưng cần yếu của giới Phật tử, xuất gia và tại gia từ xưa đến nay.
5/ Trình bày về lối tu chuyên môn riêng biệt của các tôn phái Phật giáo (mười tôn). Các lối tu này nhằm mục đích đi sâu vào đạo, nên các tu sĩ xuất gia rất cần biết rõ.
6/ Trình bày cách tu rộng lớn của Đại thừa Bồ tát trong mọi ý nghĩ, lời nói, cử chỉ và hành động, v.v…
7/ Cuối cùng, giải rõ về lối tu của năm thừa, phân biệt so sánh lối tu của Đại thừa và Tiểu thừa để quy về Nhất thừa.
Chúng tôi trông mong, sau khi đọc xong loạt bài này, quý vị độc giả sẽ có một ý niệm rõ ràng về ý nghĩa của sự tu hành, một quan niệm tổng quát, chính xác về các lối tu, và sẽ lựa một đường lối tu hành thích hợp với hoàn cảnh, khả năng, hoài bảo của mình, và sẽ vui vẻ tự bảo : “Từ đây về sau chắc chắn không còn sợ lạc đường nữa, vì ta đã có trên tay một bản đồ chỉ rành rẽ đường tu về cõi Phật”.
Sa-môn Thích Thiện Hoa
PHẦN MỞ ĐẦU
THANH TOÁN NHỮNG QUAN NIỆM
SAI LẦM VÀ CHẬT HẸP VỀ CHỮ “TU”
Chữ “tu” có lẽ là một chữ đã có từ lâu lắm trong danh từ của người Trung Hoa và Việt Nam. Thế mà cho đến ngày nay còn không biết bao nhiêu người, cả trong giới Phật tử lẫn người ngoài còn quan niệm chữ “Tu” một cách sai lầm, chật hẹp, mập mờ…
Ít ai hiểu được một cách đúng đắn, toàn diện chữ “Tu”. Người đứng ở khía cạnh này của chữ “Tu” công kích người đứng ở khía cạnh kia, người cho mình tu như thế này là đúng, kẻ khác bảo như thế là sai. Người này chấp nhặt quan niệm thế này là phải, kẻ nọ chấp nhặt quan niệm trái ngược lại, cuối cùng không ai biết đâu là phải, đâu là trái, đâu là chánh, đâu là tà, đâu là hay, đâu là dở.
Những quan niệm sai lầm hay chật hẹp của người đời về chữ “Tu” không thể kể xiết được. Dưới đây chúng tôi chỉ xin nêu lên một số quan niệm sai lầm hay chật hẹp thông thường nhất, cần đả phá mà thôi. Đại loại chúng ta thường nghe phát biểu những ý kiến sau đây :
1/ Trong thời khoa học, văn minh và vật chất này mà tu cái gì ?
Người nói như thế là có ý nghĩ rằng, chỉ trong thời đại dã man, lạc hậu người ta mới tu, chứ không ngờ rằng càng văn minh, người ta càng tu và càng tu người ta càng tiến bộ. Cũng có thể những người phát biểu ý kiến như trên, nghĩ lầm rằng thời đại này là thời đại chỉ để dành cho vật chất, là thời đại độc quyền của vật chất chứ tinh thần không có chỗ đứng nữa. Nhưng xét cho đúng, thì không có thời đại nào có thể gọi là văn minh mà không chú trọng đến tinh thần. Vật chất càng phát triển mạnh, thì tinh thần càng phải được đề cao, để giữ cán cân thăng bằng cho xã hội nhân loại, nếu không thì sự sụp đổ không thể tránh khỏi được.
2/ Già mới tu, chứ còn trẻ mà tu cái gì ?
Những người thốt ra câu nói này đã hiểu lầm chữ “Tu”. Họ xem nhà chùa như một nhà dưỡng lão, dành riêng cho ông già, bà cả không còn đủ sức để vật lộn với đời, nhựa sống sắp héo khô, hay mùi đời đã nếm trải, chán chường rồi, không còn thấy có sinh thú nữa. Họ cho rằng tu hành là một cách an hưởng cảnh già trong khi chờ chết, chứ người trẻ trung ai lại đi tu. Còn hạng thanh niên thì phải tranh đấu với đời, để tận hưởng những lạc thú, chứ sao lại lo chuyện tu hành ?
Họ không ngờ rằng, người già hay trẻ gì cũng cần phải tu, và sự trẻ trung hăng hái cũng cần cho sự tu hành như cho bao nhiêu việc khác ở đời. Vả lại, chắc gì chúng ta còn có một tuổi già để tu hành hay tử thần đã tàn nhẫn đến gõ cửa ngay khi chúng ta còn ở tuổi hoa niên ?
3/ Những người tật nguyền, bệnh hoạn, côi cút mới tu, chứ còn khỏe khoắn lành mạnh, làm ăn được mà tu cái gì ?
Nói như thế là quan niệm rằng, nhà chùa cũng giống như một bệnh viện, một dưỡng đường, một nhà thương điên hay một nhà tế bần để cho những kẻ bị đời sa thải, vào chùa để nương nhờ tấm thân. Họ không ngờ rằng tu cũng rất cần cho những người khỏe mạnh, có năng lực, có tài ba lỗi lạc, chứ không riêng cho hạng người tật nguyền, yếu đuối, côi cút…
4/ Tu là phải xuất gia như chư Tăng, ni, chứ ở tại gia, vợ còn, con đủ mà tu cái gì ?
Những người nói như thế là vì đã quan niệm một cách sai lầm rằng, tu là nhiệm vụ của những người thoát trần, lìa tục, dành riêng cho những hạng Tăng, ni là những người chán đời, yếm thế. Họ không hiểu rằng : Tu không phải chỉ có một hình thức là bỏ nhà đi ở chùa, mà chính ở đâu cũng tu được, và cũng không phải chỉ dành riêng cho hạng Tăng, ni mà tất cả mọi người đều cần phải tu.
5/ Tu phải ở núi, ở non, ở am, ở cốc, chứ ở chùa cao, Phật lớn, ngay giữa thành thị, đâu có phải là chơn tu ?
Người nói như thế, vì tưởng rằng tu là phải xa lánh đời, trốn đời, không còn liên lạc gì với xã hội nữa. Tu như thế là đứng về phương diện tiêu cực, chỉ lo riêng phần mình. Chứ còn tu một cách tích cực, thì phải nhập thế, độ sanh, hoằng truyền chánh pháp.
6/ Tu là phải ép xác, ăn chay nằm đất, ăn ngọ, ngủ ngồi…v.v, mới là chơn tu ?
Nói như thế là hiểu nghĩa chữ tu một cách phiến diện, hình thức, lấy những hình tướng không quan trọng hay sai lạc mà cho là chính yếu. Phật đâu có dạy tu là phải ép xác ? Chính ngài là người đầu tiên bài xích lối tu này nhất. Ăn chay như phái Đại thừa là một hình thức tu đã đành, nhưng không ăn chay, như phái Tiểu thừa, đâu phải là không tu. Ăn ngọ thì tốt, nhưng không ăn ngọ cũng không phải là không tu được. Còn ngồi để tham thiền, niệm Phật thì mới quý, chứ ngồi mà ngủ, thà là nằm ngủ còn khỏe hơn. Luật của Phật đâu có cấm nằm và bắt ngủ ngồi ? Nếu ngủ ngồi mà thành Phật được, thì hóa ra những kẻ ngủ gật đều thành Phật cả hay sao ?
7/ Có người nói : “Những người tuyệt cốc, chỉ ăn hoa quả, khoai, chuối mới là chơn tu ?”
Nếu cho người chỉ ăn hoa quả là chơn tu, thì những người ăn cơm là không chơn tu hay sao ? Thế thì đức Phật khi còn tại thế, mỗi ngày đều mang bình bát đi khất thực, làm sao thành Phật được ? Và tất cả các đệ tử của Ngài, từ Tổ Ca Diếp trở xuống, có một vị nào cử cơm đâu ? Vả lại xét cho cùng, ăn cơm hay ăn hoa quả cũng giống nhau cả, vì lúa cũng là một giống quả, cũng là loài thảo mộc. Cử một thứ quả này mà ăn một thứ quả khác, thì cũng chẳng khác gì nhau. Những người làm như hình thức trên, chẳng qua vì thiếu học, không biết nên tu như thế nào, vả lại có tánh lập dị, muốn cho những kẻ hiếu kỳ chú ý, nên mới làm như vậy.
8/ Có người nói : “Tu như ông đạo ớt, đạo sả… kia mới thật là chơn tu, vì chỉ độ ớt, ăn muối tiêu, muối sả… chứ tu gì mà còn ăn đồ ngon bổ ?”
Những người nói như thế, cũng như những người tu như thế, rõ ràng là không hiểu gì về chữ “Tu” hết. Nếu ăn ớt chẳng hạn là chơn tu, thì những con chim con sáo, chim nhồng chắc đã thành Phật cả rồi.
9/ Có người nói : “Tu sao còn đau, còn uống thuốc ?”
Nói như thế là hiểu lầm đạo Phật với đạo Tiên. Người tu theo đạo Tiên thường phô trương rằng họ có phép thuật trường sanh, dùng sức nội công, luyện thần khí làm cho thân không già, không bệnh. Những điều ấy chúng ta nghe cho biết vậy, chứ chưa có thể chứng thực được. Nhưng theo giáo lý đạo Phật thì thân này là giả tạm, vô thường chỉ tạm dùng trong một thời gian để tu hành, cũng như chiếc thuyền tạm dùng để đưa người qua sông, rốt cuộc rồi cũng phải hư hoại. Mọi sinh vật trên đời đều phải tuân theo luật vô thường : Sinh, lão, bệnh, tử. Chính xác thân của đức Phật cũng không vượt ra ngoài bốn trạng thái ấy, huống chi là những người thường như chúng ta ?
10/ Những người đi khất thực, đầu không đội nón, che dù, chân không đi giày dép, không ngồi ghế, chẳng nằm ván…v.v, mới thật là chơn tu.
Về việc tu hành, Phật chế có đến 84.000 pháp môn, mà khất thực chỉ là một trong các hạnh. Nếu chỉ có hành khất là chơn tu, thì còn vô số pháp môn khác không phải là chơn tu hay sao ? Còn che du, đội nón, mang giày, guốc, ngồi ghế nằm ván, Phật đâu có ngăn cấm ? Trong 10 giới Sa di, hai trăm năm mươi giới Tỳ kheo, năm mươi tám giới Bồ tát, không có một giới nào Phật cấm che dù, đội nón, mang guốc, ngồi ghế và nằm ván cả. Chỉ trừ khi vào Phật điện hay nghe pháp.
11/ Ngoài ra còn có một số người hẹp hòi, chấp chặt pháp môn của mình tu là đúng, còn bao nhiêu pháp môn của người khác là sai.
Người tu pháp môn tịnh độ, họ cho chỉ có mình là theo đúng chánh pháp và tu như thế mới thành Phật được, ngoài ra những người tu theo bao nhiêu pháp môn khác hay làm các Phật sự khác đều cho là lạc đường, là không phải tu.
Người trì giới cho rằng trì giới mới là tu, còn các pháp môn khác đều không có hiệu quả. Người tu thiền chỉ cho có tu thiền mới chứng được Phật quả, còn bao nhiêu pháp môn khác đều vô bổ, chẳng đưa đến đâu cả. Người tu theo hạnh Bồ tát làm việc lợi tha, từ thiện xã hội,…v.v, cho như thế mới là tu, và bài xích các lối tu khác.
Các quan niệm, thái độ trên đều là hiểu phiến diện hẹp hòi, vì chưa hiểu rốt ráo toàn diện chữ “Tu”. Tình trạng này, trong Nhiếp Đại Thừa luận có thí dụ, như người mù rờ voi, rờ được phần nào thì cho phần ấy là con voi. Nếu tu chỉ có một pháp môn như họ chấp, thì đức Phật nói Tam tạng kinh điển, Ngũ thừa Phật giáo và 84.000 pháp môn để làm gì ?
12/ Cuối cung, có người cho rằng tu sẽ làm cho con người nhu nhược, dễ bị người lấn áp, bóc lột, nếu tất cả dân chúng trong nước đều tu, thì nước sẽ mất.
Nói như thế thì quan niệm người tu hành chẳng khác gì một cục đất, mặc tình cho ai muốn lăn đi đâu thì lăn, bóp méo vo tròn như thế nào cũng được. Thật ra, tu đâu có phải là khiếp nhược, đầu hàng, yếu đuối, mà trái lại là hùng lực, là dõng mãnh, là tin tấn, không sợ đau, không sợ chết, không sợ hy sinh. Đức Phật Thích Ca đã dám rũ bỏ tất cả để theo chí nguyện của mình, xuất gia tìm đạo, trải bao gian khổ, vượt bao trở ngại, đâu có nhu nhược, có bị ai lấn át được đâu ? Đời Lý, đời Trần, mà toàn dân đều theo Phật giáo, có phải là những thời đại yếu hèn đâu ? Nước Nhật Bản ngày nay mà phần lớn dân chúng là Phật tử lại là một nước đứng trong hàng ngủ những nước hùng cường nhất thế giới. Tóm lại, tất cả các quan niệm sai lầm hay chật hẹp nói trên, đêug do ở chỗ chưa rõ biết một cách đầy đủ, chính xác toàn diện chữ “Tu”.
Để quý vị độc giả có một ý niệm đúng đắn, toàn diện, hiểu rõ ràng về vấn đề này, chúng tôi xin lần lượt trình bày ở những chương sau, tất cả những ngành ngọn, từ dễ đến khó, từ cạn đến sâu, từ thấp đến cao, trong đường lối tu hành mà chúng tôi đặt dưới một đầu đề chung là “BẢN ĐỒ TU PHẬT”.
Với bản đồ này, quý vị độc giả, nhất là độc giả Phật tử sẽ nhìn thấy một cách tổng quát, toàn diện những đường lối tu hành đi đến cõi Phật, và nếu muốn, quý vị sẽ lựa chọn một lối đi thích hợp với mình, nên loạt bài này còn có tên thứ hai là “CHỌN ĐƯỜNG TU”. Hay nếu quý vị đã dấn bước trên một đường lối nào rồi, thì với bản đồ chỉ dẫn này, quý vị cũng có thể định hướng được vị trí mình đang đi, và còn bao xa nữa thì đến đích. Cuối cùng, cũng với bản đồ này, quý vị có thể biết rõ được ai là kẻ lạc lối, ai là kẻ đồng hành với mình, và ai là kẻ mặc dù không cùng đi với một đường, nhưng cuối cùng sẽ đến đích như mình, vì đường lối tu hành đến quả Phật không phải chỉ có một mà rất nhiều, chỉ khác nhau ở chỗ rộng hẹp, gần xa, cao thấp, mau chậm, dễ khó mà thôi.
TỊNH ĐỘ TÔNG – HT. THÍCH THIỆN HOA
CHƯƠNG I
GIẢI THÍCH NGHĨA CHỮ “TU”
“Tu” là một tiếng nguồn gốc chữ Hán, dịch nghĩa thông thường là “Sửa”. “Tu” có ba phương diện : tu tâm, tu thân và tu bổ. Nghĩa là sửa tâm cho tốt, sửa thân cho đẹp và sửa nhà cửa ruộng vườn… vv, cho được thạnh lợi.
Nghĩa chữ “Tu” rất rộng, có thể áp dụng cả về phương diện vật chất lẫn tinh thần, cá nhân lẫn đoàn thể, thông thường lẫn chuyên môn. Đã nói là “Sửa” thì bất luận những cái gì xấu xa hư dở đều phải sửa. Mà ở đời có cái gì là hoàn toàn, không hư không dở ? Nhất là đối với bản thân, mỗi chúng ta có biết bao nhiêu điều xấu xa hèn dở, cần phải sửa :
*Sửa cái dở thành hay : Như bỏ cờ bạc, rượu trà, đàng điếm, phóng túng, trở lại lo cho gia đình, xã hội là tu.
*Sửa cái xấu trở lại cái tốt : Như bỏ sát nhơn hại vật, trộm cướp, xéo xắt, cân non, đong thiếu, lấy thừa… dâm loạn, nói dối (nói những lời hung dữ, hổn ẩu, nói cộc cằn thô tục, nói thêm bớt, nói đâm thọc, thèo lẻo, dua nịnh…) trở lại nhơn từ, lễ nghĩa, ngay thẳng, chân thật, bố thí, giúp người, là tu.
*Sửa tà theo chánh : Như bỏ mê tín, dị đoan, xin xăm, bói quẻ, đốt giấy tiền vàng mã, lên đồng, xuống bóng, trở về chánh đạo là tu.
*Sửa quấy trở lại phải : Như bỏ ngổ nghịch với bề trên, bất hiếu với cha mẹ, dâm nộ, hung ác…vv, trở lại thuận hòa, hiếu đạo…vv, là tu.
*Sửa vọng thành chơn : Như bỏ tánh xảo quyệt, dối trá, lường gạt trở lại chơn thật, trung chính là tu.
*Sửa vọng thức thành Bốn trí : Như nhận thấy được vì tám món vọng thức mà chúng sinh phải trầm luân mê muội, và chư Phật được tự tại giải thoát là do chuyển tám thức ấy thành Bốn trí. Nay chúng ta cũng noi theo Phật, chuyển vọng thức thành trí tuệ : sửa thức thứ tám trở lại Đại vien cảnh trí, sửa thức thứ bảy trở lại Bình đẳng tánh trí, sửa thức thứ sáu thành Diệu quán sát trí và sửa năm thức trước trở lại Thành sở tác trí, như thế là tu.
*Sửa phiền não thành Bồ đề : Như bỏ tham lam, sân hận, si mê, tật đố, thất tình, lục dục trở lại thành Bồ đề thanh tịnh, là tu.
*Sửa sanh tử trở lại Niết bàn : Như ngược dòng sông mê sanh tử luân hồi về nguồn Niết bàn tịch tịnh, là tu.
*Sửa triền phược trở lại thành giải thoát tự tại : Như bỏ thê thằng tử phược, cảnh hồng trần hệ lụy, bước lên đường giải thoát, tự tại như Thái tử Tất Đạt Đa, là tu.
*Sửa phàm thành Thánh : Như bỏ tư tưởng, hành vi và tánh tình ô nhiễm của phàm phu, trở lại trong sạch như thánh hiền, là tu.
*Sửa chúng sanh thành Phật : Như chuyển cái tánh vô thường, chấp ngã, bất tịnh, phiền não thành ra bốn đức Niết bàn : Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, là tu.
Tóm lại, tu là sửa cái hư vọng dối trá trở lại “Chơn”, sửa những cái xấu xa tồi tệ mục nát trở lại “Mỹ”, sửa cái tội ác tàn bạo trở thành “Thiện”. Tu không có cầu kỳ và rất thực tế như vậy, thì ở thời đại nào, xứ sở nào, hạng người nào lại chẳng nên tu ?
THIỀN TÔNG (Quyển Nhất) – HT. THÍCH THIỆN HOA
CHƯƠNG II
CON ĐƯỜNG TU THÔNG THƯỜNG
CỦA QUẢNG ĐẠI QUẦN CHÚNG
Người đời, dù sống trong hoàn cảnh nào, ai cũng ước ao đạt được chân, thiện, mỹ. Do lòng ước ao đó mà chữ “Tu” đối với mọi người rất cần thiết. Chưa nói đến những hạng người đi theo một tôn giáo này hay một tôn giáo khác mới gọi là tu, những người thường không theo tôn giáo nào cũng có cách tu của họ.
1/ Trong phạm vi cá nhân, đối với họ, “tu” cả ba phương diện : Đức, Trí và Thể.
Đức : Họ chú trọng sửa chữa những tật xấu của tâm tánh như : tham lam, sân hận, khinh mạn, cống cao, nghi ngờ, dối trá, nịnh bợ, bỏn sẻn, khó khăn, lười biếng, buông lung, nhỏ mọn, tiểu nhơn…vv. Họ cố bài trừ những tánh xấu ấy và thay thế vào những đức tánh tốt đẹp như : từ bi, hỷ xả, nhu hòa, nhẫn nhục, tin tưởng, ngay thật, vị tha, cần mẫm, hăng hái, quảng đại, quân tử…vv. Họ cố kiềm hãm, ngăn chận những hành vi tội lỗi như sát nhân, hại vật, trộm cướp, tà dâm và thay thế bằng những hành vi đẹp đẽ như cứu người, độ vật, bố thí, trung trinh…vv, như thế là tu về Đức.
Trí : Về phương diện trí dục, họ cố gắng trau giồi trí tuệ, mở mang kiến thức, phá tan thành kiến hẹp hòi, thêm nhiều sáng kiến để có thể phán đoán các việc hay dở, lợi hại…vv, vượt qua mọi trở ngại khó khăn, cùng bí, như thế là tu về Trí.
Thể : Về phương diện thân thể, họ cố gắng luyện tập cho thân thể được khỏe mạnh, nở nang, dẻo dai, để có thể chịu đựng bền bỉ trước những sự tấn công của bệnh tật, lao nhọc, những cuộc vật lộn với đời để mưu sống, như thế là tu Thể.
Không những mỗi người chỉ cần lo tu dưỡng thân tâm, mà còn phải tu bổ những vật sở hữu của mình nữa. Họ sửa sang nhà cửa hư dột, may vá lại quần áo rách nát, (tu bổ) vun xới lại ruộng vườn hoang phế (sửa), tu bổ lại đường sá cầu cống hư sập…vv, như thế đều gọi là “Tu” cả.
Tóm lại, mỗi cá nhân, bất luận lớn bé, già trẻ, trai gái, giàu nghèo, sang hèn, đều phải lấy việc tu luyện thân tâm (tu tâm, tu thân), sửa sang (tu bổ) những vật sở hữu làm trọng. Nếu xem thường vấn đề này, thì cuộc đời của những kẻ ấy chẳng bao lâu sẽ trở thành mục nát xấu xa và sẽ bị đào thải một cách mau lẹ ra khỏi cuộc sống.
2/ Trong phạm vi đoàn thể : Nếu muốn tồn tại và tiến triển, thì tu luyện cũng phải được xem là vấn đề chánh yếu.
Một gia đình có tu thì được hòa thuận, yên vui hạnh phúc. Trái lại, một gia đình thiếu tu, thì cha mẹ thường xung đột, con cái bất hòa, anh em ly cách, chồng vợ chia lìa, nghĩa là gia đình sẽ trở thành địa ngục trần gian. Một xã hội có tu, thì dân chúng được an cư lạc nghiệp, nhà không cần đóng cửa, của rớt ngoài đường không mất, phong tục được thuần lương, nước nhà được thạnh trị. Trái lại, một xã hội không tu thì trộm cướp hoành hành, mạnh hiếp yếu, khôn lấn dại, giàu bóc lột nghèo, nước nhà loạn lạc. Một thế giới có tu, thì hòa bình được thực hiện, thế giới được đại đồng, trần gian sẽ trở thành Cực Lạc. Trái lại, thế giới không tu thì giặc giã hoành hành, thế giới bất bình đẳng và trần gian sẽ trở thành địa ngục.
Vấn đề tu quan trọng như thế, cho nên không thể không tu, mặc dầu mình không theo một tôn giáo nào cả. Đã sống là phải tu, hoặc tu cách này hay cách khác. Không tu thì không thể sống được, không tu thì xem cuộc sống như đồ bỏ, và cuộc sống sẽ trở thành đồ bỏ thật sự, vì có ai săn sóc tới nữa đâu ?
Để tóm tắt đoạn này, chúng ta hãy nhớ lại câu nói của thánh nhơn sau đây :
“Tâm có tu thân mới tốt, thân có tu thì gia đình mới được chỉnh đốn, gia đình có tu quốc gia mới thạnh trị, quốc gia có tu thì thế giới mới hòa bình an lạc”.
(Tâm chánh nhi hậu thân tu, thân tu nhi hậu gia tề, gia tề nhi hậu quốc trị, quốc trị nhi hậu thiên hạ bình).
Vậy muốn thế giới hòa bình an lạc thì bắt đầu từ mỗi cá nhơn của chúng ta cần nghĩ và thực hành ngay việc tu dưỡng thân tâm. Xem qua đoạn này, quý vị hãy nhận xét kỹ về lối tu này có thực tế và cần thiết cho chúng ta không ?
THIỀN TÔNG (Quyển Nhì) – HT. THÍCH THIỆN HOA
CHƯƠNG III
CON ĐƯỜNG TU THÔNG THƯỜNG CỦA PHẬT TỬ
(Tu phước Hữu lậu và Vô lậu)
Đoạn trước đã nói đến sự cần thiết của sự tu đối với người thế gian. Đến đây xin nói đến sự tu của người Phật tử. Pháp môn của Phật nhiều không kể xiết, thì sự tu hành của người Phật tử cũng nhiều không kể xiết. Chúng tôi sẽ tuần tự nói đến các lối tu, từ thấp đến cao của người Phật tử. Trong bài này xin nói trước đến con đường tu thông thường mà bất luận ở tầng bậc nào, khi đã tự xưng là Phật tử, đều không thể bỏ qua được. Con đường tu này là một con đường tu phổ thông cho cả Phật tử tại gia lẫn xuất gia, Tiểu thừa lẫn Đại thừa, sơ cơ lẫn thuần thục. Nó gồm các sự tướng chính yếu sau đây : Quy y, thọ giới, thờ Phật, lạy Phật, cúng Phật, ăn chay, niệm Phật, tụng kinh, trì chú, sám hối, làm chùa, tạo tượng, đúc chuông, bắc cầu, làm đường, bố thí…vv, làm các việc này đều gọi là tu cả.
Vẫn biết đã là Phật tử thì phải thực hành các điều nói trên, nhưng không phải người nào cũng thực hành với một tâm lý, một ý nghĩa, hay một mục đích giống nhau, mà trái lại với nhiều tầng bậc, rộng hẹp, cao thấp khác nhau, và do đó, lợi ích của sự tu hành cũng chia làm hai loại : Phước hữu lậu và vô lậu. Dưới đây chúng tôi sẽ tùy theo trình độ hiểu biết và tâm lý của hành giả mà chia ra hai hạng Phật tử khác nhau, trong khi thực hành lối tu thông thường này.
1/ Quy y là một phương pháp tu : (bỏ mê theo ngộ hay bỏ tà về chánh)
a/ Có người quy y với tâm lý là ký bán cho thánh thần, để tánh mạng được phò hộ, bảo đảm, hay để cầu được mạnh khỏe ăn chơi. Có người quy y vì sự truyền thống của ông bà đã mấy đời theo đạo Phật, hoặc vì sự quyến rủ của bạn bè, hay sợ vì mất cảm tình với người thân. Có người quy y vì tuân theo một phong trào, hoặc một thị hiếu nhất thời, hay vì thời cuộc hoàn cảnh bắt buộc, thấy chung quanh mình ai cũng quy y thì mình cũng quy y cho luôn.
Những người quy y như trên, vì do một tâm lý tầm thường, nên chỉ được hưởng phước báu ở cõi nhơn thiên, thuộc về phước hữu lậu thế gian, chỉ hưởng có hạn định trong một thời gian mà thôi.
b/ Hạng người thứ hai này, vì hiểu đạo lý phát tâm mộ đạo cầu giải thoát mà quy y. Họ không cầu mạnh giỏi, không vì tập tục của gia đình, không vì cảm tình, không vì để làm vui lòng người thân, không vì thời thế, hoàn cảnh, không vì thị hiếu mà quy y. Họ chỉ có một mục đích là trở về với Phật tánh sáng suốt, Pháp tánh từ bi, bình đẳng, với tự tánh Tăng thanh tịnh hòa hiệp của mình. Hạng người quy y này, vì tâm trong sạch với mục đích cao thượng, nên hưởng phước vô lậu xuất thế gian, không có cùng tận.
2/ Thọ giới là một phương pháp tu : (Ngăn ngừa các tội lỗi)
a/ Có người thọ giới vì bắt buộc, không thể tránh được, có người thọ giới vì tự ái hay kiêu hãnh, tự bảo những người kia thọ giới được, thì ta lại thua họ, không thọ giới được hay sao ? Có người thọ giới với tâm lý vì danh lợi, vì địa vị v.v… thọ mà không giữ giới.
Thọ giới trong những trường hợp, hay với những tâm nhiễm ô như trên, chưa phải là thọ giới một cách đúng đắn. Nếu vì hoàn cảnh bắt buộc mà thọ giới, thì sự thọ giới ấy chỉ gây thêm khổ sở cho người thọ giới mà thôi. Nếu vì tự ái, ngã mạn hay khinh thường mà thọ giới, thì sự giữ giới khó được lâu bền được. Vì những lý do đó mà hạng người thọ giới nói trên chỉ hưởng được phước báu nhỏ nhoi, hạn cuộc phước hữu lậu thế gian mà thôi.
b/ Hạng người sau này vì mục đích tránh tội lỗi, cầu giải thoát mà thọ giới. Với hạng người này sự giữ giới là một bổn phận, là một sự cần thiết. Họ hiểu rằng người có giữ giới thì mới tránh được tội lỗi, khỏi bị pháp luật trừng phạt trong hiện tại, khỏi bị quả báo xấu xa trong tương lai. Giới chẳng qua là những điều răng dạy, ngăn ngừa các tội lỗi, là những kỷ luật, mà một cá nhân hay một đoàn thể, nếu muốn yên ổn, tiến bộ, đều phải tuân theo, cá nhân có giữ giới thì cá nhân được tự tại giải thoát, gia đình có giữ giới thì gia đình mới hạnh phúc, quốc dân có giữ giới thì quốc dân mới thạnh trị, nhơn loại có giữ giới thì thế giới mới hòa bình an lạc.
Người Phật tử thọ giới và giữ giới với tâm niệm trong sạch, chơn chánh và cao thượng như thế, thì sẽ hưởng được phước vô lậu xuất thế gian, không có cùng tận.
3/ Thờ Phật là một phương pháp tu : (Phật giả ngự trị tại nhà để nhớ, Phật thật thường ngự trị tại tâm. Phật tử ra vào trông thấy, để tập theo đức tánh của Phật).
a/ Có người thờ Phật với tâm lý như thờ một vị thần linh để cầu ban ơn, giáng phước. Thấy nhà kia thờ ông mạng, nhà nọ thờ bà Mẹ sanh để cầu cho trong gia đình được mạnh giỏi bình an, lại thấy nhà khác thờ ông Thổ thần để giữ gìn đất đai, phò hộ cho được mua may bán đắc, đất đai được yên ổn, con cái được ăn chơi. Hoặc có người vì thời cuộc, vì hoàn cảnh bắt buộc hoặc vì tự ái, thấy nhà bên cạnh thờ Phật thì mình lại chịu thua hay sao ? Thế là họ thỉnh Phật về thờ, nhưng chỉ được vài tháng đầu, rồi về sau không ngó ngàng gì đến nữa. Thờ Phật với tâm lý và mục đích tầm thường như thế, thì hưởng phước báu cũng tầm thường mà thôi, nghĩa là chỉ được hưởng phước báu hữu lậu của cõi người như mạnh giỏi, yên ổn tạm thời chứ không được phước vĩnh viễn.
b/ Có người thờ Phật vì cảm phục đức cao dày, quý trọng trí tuệ sáng chói muôn đời của đấng Giác ngộ mà thờ, chứ không phải vì mục đích danh lợi. Họ hiểu rằng thờ Phật là thờ chân lý cao siêu, thờ cái gương cao quý sáng chói của những đức tính tốt đẹp như từ bi, bình đẳng, trí tuệ, thanh tịnh, tinh tấn, để hàng ngày cố gắng tập luyện noi theo cho được như thế.
Người thờ Phật với quan niệm trong sạch đúng đắn, với mục đích cao thượng như thế, sẽ được phước báu vô lậu, không bao giờ hết.
4/ Lạy Phật là một phương pháp tu : (Diệt trừ ngã mạn, cống cao và tỏ lòng tri ân đức Phật).
a/ Có người lạy Phật với tâm lý cầu cạnh, van xin Phật ban ân giáng phước cho gia đình được bình an, khỏe mạnh, buôn may, bán đắc, một vốn mười lời. Có người lạy Phật để cầu mong Phật gia hộ cho mau thăng quan tấn chức, v.v…
Lạy Phật với những tâm niệm nhiễm ô như thế, nếu có được toại nguyện, thì sự toại nguyện ấy cũng chỉ hạn cuộc, về phước báu hữu lậu của thế gian, nghĩa là chỉ hưởng nhất thời mà thôi, chứ không có thể được phước rộng rãi lâu dài.
b/ Người lạy Phật với quan niệm trong sạch chơn chánh thì xem như đó là một phương pháp sửa mình, biết phục thiện, nép mình dưới đức độ cao dày của đấng Giác ngộ, chứ không ngã mạn, cống cao. Lạy Phật còn là để tỏ lòng tri ân sâu xa của mình đối với đấng cha lành đã cứu độ biết bao sinh linh ra khỏi trầm luân khổ hải. Người đã hiểu biết ý nghĩa lạy Phật, thì không bao giờ bạ đâu lạy đó, không lạy bình vôi, ông táo, không lạy ma quỷ, không lạy những kẻ cường bạo vô luân.
Người lạy Phật với tâm niệm thanh tịnh cao cả vì mục đích sửa mình, chứ không vụ lợi thiển cận không vì phiền não nhiễm ô thúc đẩy như trên, sẽ hưởng được phước báu xuất thế gian vô lậu.
5/ Cúng Phật là một phương pháp tu : (Tu phước)
a/ Có người cúng Phật như đi lễ một ông quan, (cầu lợi) với tâm lý lo lót, hối lộ hay chuộc tội và tưởng rằng lễ mình càng to bao nhiêu thì Phật lại càng vui lòng bấy nhiêu.
Có người cúng Phật với tâm lý khoe khoang (cầu danh) để mọi người chung quanh đều biết mình giàu có, rộng rãi, chứ không có một chút thành tâm nào cả. Câu chuyện đứa bé đem đất sét cúng Phật mà được Phật độ, cũng đủ chứng tỏ sự cúng bái chú trọng ở lòng thành, chứ không phải ở vật thực. Người cúng Phật với tâm niệm nhiễm ô nói trên, tất nhiên chỉ hưởng phước báu giàu sang thuộc về hữu lậu ở trần gian mà thôi, chứ không được phước thanh tịnh vô lậu.
b/ Người cúng Phật với tâm niệm trong sạch chơn chánh, không mục đích lo lót cầu đảo, (vì lợi) cũng không cần ai biết đến lễ vật của mình. Họ cúng Phật cốt để tỏ lòng thành kính tri ân. Câu chuyện một bà lão chỉ cúng Phật một dĩa dầu nhỏ mọn, mà thấp suốt đêm không hết, hay người ăn xin cúng gói muối, bà Hoàng hậu cúng ba xe vàng…vv, cũng đủ chứng tỏ rằng, với lòng thành kính thì dù là vật hèn hạ nào cũng trở thành quý báu cả.
Người cúng Phật với một tấm lòng trong sạch thành kính như thế, sẽ được phước báo xuất thế gian vô lậu thanh tịnh.
6/ Ăn chay là một phương pháp tu : (Trừ tâm sát hại, nuôi lớn lòng từ bi).
a/ Có người ăn chay để đổi bữa cho ngon miệng, có người ăn chay để cho được mạng khỏe hay vì bệnh hoạn, thầy thuốc cấm ăn mặn, có người ăn chay để cầu tài, cầu lợi, cầu danh vọng, địa vị hoặc trả lời nguyện…vv, có người ăn chay vì tự ái, không muốn thua sút người khác đang ăn chay…vv. Sự ăn chay vì những lý do trên, tuy vẫn có lợi ích, nhưng chưa phải ăn chay theo quan niệm chính đáng, cao thượng, nên chỉ được phước báo hữu lậu ở cõi trần gian này mà thôi.
b/ Có người ăn chay vì lòng từ bi, không muốn sát hại sinh vật, không muốn sinh vật phải đau khổ vì miếng ăn của mình. Sự ăn chay vì lý do này, rất lợi ích cho sự tu hành, vì nó làm tăng trưởng lòng nhân từ, làm hiện rõ đức tánh bình đẳng giữa muôn loài, và phù hợp với bản tâm thanh tịnh. Chỉ có lối ăn chay này mới có ý nghĩa và bền lâu. Chứ nếu vì sức khỏe, vì trả lời nguyện hay vì khoe khoang, tự ái mà ăn chay, thì khó có thể giữ được lâu bền, một khi sức khỏe đã bình phục, lời nguyền đã xong, hay tánh khoe khoang, tự ái được thỏa mãn. Người ăn chay với quan niệm cao cả trong sạch vì lòng từ bi bình đẳng, sẽ được phước vô lậu thanh tịnh, không bao giờ hết.
7/ Niệm Phật là một phương pháp tu : (Trừ tâm tán loạn, trở lại được thanh tịnh).
a/ Có người niệm Phật với tâm lý ích kỷ tiêu cực, hẹp hòi, chỉ cầu cho được lợi ích riêng mình, vì thế phước báu cũng ít ỏi, nhỏ nhoi, hữu hạn thuộc về hữu lậu.
b/ Người niệm Phật đúng cách, bao giờ cũng hiểu rằng niệm Phật như thế là để ghi nhớ những đức tướng của chư Phật, chư Bồ tát, là để xóa lấp dần những ý nghĩ, những nhớ tưởng thấp thỏi, xấu xa của chúng sinh và thay thế vào đó những tư tưởng, đức tánh cao đẹp của chư Phật. Người hiểu cao hơn một bậc nữa, thì niệm Phật là để nhắc nhở cho mình nhớ lại tánh Phật (khả năng thành Phật) sáng suốt ngự trị sẵn trong mỗi chúng ta, như một viên ngọc quý, và cần phải trau chuốt, mài giũa hằng ngày cho nó sáng chói ra. Người niệm Phật với quan niệm cao thượng tốt đẹp như thế là hợp với bản tâm thanh tịnh của mình nên được phước vô lậu thanh tịnh, không bao giờ dứt tuyệt.
8/ Tụng Kinh là một phương pháp tu : (Tụng kinh là để cho ba nghiệp được thanh tịnh).
a/ Có người tụng kinh để cầu phước, cầu an, cầu tài, cầu lộc, cầu lợi, cầu danh. Có người tụng mà không để ý mình tụng gì, cứ nghêu ngao cho hết giờ, hết buổi, miệng đọc, tay quạt, mắt láo liên hết chỗ này qua chỗ khác, thiếu hẳn lòng thành kính. Tụng như thế chỉ được phước hữu lậu ở cõi trần gian này mà thôi.
b/ Người tụng kinh đúng đắn, trước tiên phải có lòng thành kính, chú tâm vào những câu kinh mà mình đang tụng. Họ tụng để nhớ những lời Phật dạy và để cho những người chung quanh cùng nghe lời Phật dạy, cho nên họ cố gắng tụng một cách rõ ràng, nghiêm chỉnh, đúng đắn, không lầm lẫn. Họ tụng để cầu thanh tịnh ba nghiệp (thân, khẩu, ý) để thâu nhiếp vọng tâm, sanh định và phát huệ. Người tụng kinh với tâm thanh tịnh như thế, sẽ được phước vô lậu xuất thế gian, hưởng hoài không hết.
9/ Trì chú là một phương pháp tu : (Để tiêu nghiệp chướng và làm cho thân tâm được thanh tịnh).
a/ Có người xem trì chú như là một phép thuật thần bí, chỉ cốt để trừ tà, trị bệnh, cầu tiêu tai giải ách. Với những quan niệm trì chú như thế, người tu hành sẽ được lợi lạc ở trần gian thuộc về phước hữu lậu.
b/ Người trì chú đứng đắn, nhận thức rằng đây là một phương tiện tu để đoạn hoặc hiển chơn. Nhờ trì chú mà tâm được định, nhơn định mà phát huệ, nhờ huệ mà phá trừ hết vô minh, phiền não. Người trì chú với quan niệm trong trắng như thế, xứng với bản tâm thanh tịnh của mình, không xen lộn vào một chút gì phiền não ô nhiễm, nên được phước báu vô lậu thanh tịnh, hưởng mãi không cùng.
10/ Sám hối là một phương pháp tu : (Ăn năn các lỗi lầm đã qua và ngăn ngừa tội lỗi sắp đến).
a/ Có người sám hối với tâm niệm cầu xin tha thứ tội lỗi của mình với Phật như với một quan tòa. Và khi sám hối xong, họ có cảm tưởng được tha tội, vui vẻ trở về với nếp sống cũ, và rồi lại gây tạo tội lỗi nữa như trước ! Có người sám hối để trả lễ. Có người sám hối vì thói quen, theo lệ, chứ chẳng có thành tâm thiện chí hối cải gì hết. Sám hối như thế được phước báu hữu lậu, lợi ích rất ít cho việc tu hành của mình.
b/ Người sám hối đúng nghĩa, trước tiên phải rất thành thật với mình. Họ trịnh trọng đến trước Phật để xin Phật chứng minh cho sự ăn năn, hối cải của mình, cho lời thệ nguyện quyết tâm bỏ lỗi trước và không tái phạm về sau, chứ họ không đến trước Phật vì lòng mong ước được Phật ân xá hay giảm tội, vì đức Phật không phải là một vị thần linh có nhiệm vụ cầm cân nẩy mực cho những tội phước ở đời. Theo thuyết nhơn quả thì không có người thưởng phạt, mà trong mỗi nguyên nhân đã ngầm chứa một mầm thưởng phạt, nguyên nhân lành thì kết quả tốt, nguyên nhân dữ thì kết quả xấu. Sám hối là cốt để đừng quá thắc mắc, quá ưu tư với lỗi trước, làm loạn động sự yên tỉnh của lòng mình và nhất là để đừng phạm lại lỗi ấy về sau nữa. Nói một cách giản dị, thì sám hối cốt để diệt trừ tội lỗi và làm cho ba nghiệp được thanh tịnh. Sám hối với tâm niệm chơn chánh như trên thì được phước vô lậu, hưởng mãi đến vô tận.
Các lối tu thông thường trên đây, như đoạn đầu đã nói, không phải chỉ dành riêng cho những người Phật tử sơ cơ, mà cho tất cả mọi Phật tử. Chỉ khác là đối với hàng sơ cơ thì thời gian thực hành ít hơn người đã ở lâu năm trong đạo. Sự thực hành nhiều hay ít còn tùy theo hoàn cảnh, sức lực và lòng phát nguyện. Nhưng điều quan trọng là cần phải hiểu rõ ý nghĩa của lối tu đó, rồi phát tâm Bồ đề rộng lớn mà tu hành, thì kết quả mới rộng lớn và tốt đẹp. Muốn hiểu rõ ý nghĩa và phương pháp tu thông thường này, quý vị nên đọc “Phật học phổ thông” khóa thứ nhất. Mỗi khi thực hành các lối tu đó, nếu chúng ta nhằm mục đích cao thượng, tâm niệm trong sạch, có những ý nghĩa rộng rãi, vị tha, từ bi, bình đẳng…vv thì mặc dù chúng ta thực hành ít mà phước báo vẫn nhiều và lâu dài (phước vô lậu). Trái lại, nếu chúng ta không hiểu rõ ý nghĩa đúng đắn của các lối tu đó hay nếu chúng ta đem một tâm lượng nhiễm ô, hẹp hòi, vị kỷ, nhắm một mục đích thiển cận mà tu hành, thì lẽ dĩ nhiên, chúng ta vẫn hưởng được phước báu, nhưng phước báu này không được lớn lao và lâu bền (phước vô lậu).
Chúng tôi xin tóm tắt ở đoạn này. Nếu chúng ta đem tâm niệm phiền não nhiễm ô (tham, sân, si…) mà tu hay làm các việc phước thiện, thì sẽ được phước báo hữu lậu, chỉ giàu sang phú quý ở trần gian. Trái lại, nếu chúng ta đem tâm niệm trong trắng, tốt đẹp, thanh tịnh, cao thượng (từ bi, trí huệ…vv) mà tu, hoặc làm các điều phươc thiện, thì sẽ được phước báu vô lậu thanh tịnh, hưởng hoài không hết. Vậy, nếu quý vị là một độc giả đang đi tìm hiểu đạo Phật và muốn trở thành một Phật tử, thì chúng tôi mong quý vị hãy đọc lại kỹ ý nghĩa của các lối tu thông thường này, rồi phát tâm rộng lớn, cao thượng mà tu hành. Chúng tôi tin chắc rằng nếu quý vị làm theo lời khuyên của chúng tôi, thì mặc dù là người mới bước chân lên đường đạo, nhưng quý vị sẽ tiến rất nhanh và gặt được quả tốt đẹp rất sớm. Nếu quý vị là một Phật tử đã thực hành, lâu năm các lối tu hành đó, thì quý vị hãy đối chiếu xem xét lại trong các lối tu hành nói trên, quý vị thuộc vào hạng người thứ nhất hay thứ hai, thì quý vị sẽ thấy mình được phước hữu lậu, giàu có sang trọng…vv ở trần gian hay phước vô lậu thanh tịnh thuộc về xuất thế gian. Nếu trong cả các lối tu đó, quý vị thuộc vào hạng người thứ hai, thì chúng tôi xin bái phục quý vị, vì quý vị sẽ được giải thoát trong nay mai, nếu không thì cũng chắc chắn sẽ vãng sanh Tịnh độ. Nếu trong các lối tu đó, phân nửa quý vị thuộc về hạng người dưới (b), thì quý vị là một Phật tử trung bình. Nếu quý vị là một Phật tử nằm dưới mức trung bình quá thì quý vị mau mau cải đổi lại tâm niệm tu hành của mình. Nhưng xin đừng hoảng hốt. Quý vị còn đủ thời giờ để cải đổi. Đức Phật có dạy: “Biển khổ mênh mông, nhưng nếu chúng ta quay đầu lại, thì bờ giác ngộ ở đấy rồi”.
Quý vị còn đủ thì giờ để làm cái cử chỉ quay đầu đó.
Trước khi ngừng bút, tôi xin quý vị hãy suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi trả lời câu hỏi sau đây: Con đường tu hành thứ hai trong BẢN ĐỒ TU PHẬT này có xa thực tế không ? và đối với chúng ta có cần thiết không ?
Thảo luận về post