Sở dĩ chúng ta rơi vào trạng thái lo âu phiền muộn là bởi thói quen bám vào quá nhiều thứ xung quanh, những thứ đó vô thường theo dòng thời gian, luôn thay đổi biến đổi hoặc mất đi, song chúng ta cứ nhìn nó với con mắt là sẽ tồn tại mãi,chúng “là của ta, là ta” đây chính là nguyên nhân phát sinh đau buồn, than vãn, đau khổ.
Thường nghe mọi người muốn trở lại tuổi thơ, đúng tuổi thơ rất vui vẻ và hồn nhiên, tuổi thơ có thể ta không có một chiếc điện thoại, nhiều tiền, ta không có một vườn hoa, hay nhiều bộ áo quần đẹp, lớn lên rồi ta có điện thoại, có tiền, ta có thể trồng nhiều hoa và những bộ áo quần đẹp, nhưng rồi vô thường của sự vật làm nó biến đổi hoặc mất đi, điện thoại có thể hư hay mất ta đau khổ, tiền của ta mất hoặc bị trộm ta lại càng uất hận, ta trồng hoa ai giẫm đạp lên ta lại sân si, bộ áo quần mới mang ra đường xe tạt nước phải trong lòng sinh sầu khổ; sỡ dĩ, đó ta đặt cái “tôi” lên những thứ đó, đặt cái tôi lên càng nhiều thì ta sẽ càng đau khổ.
Là của ta, của ta
Ta sinh ra đau khổ
Không phải là của ta
Tự nhiên thấy an bình.
Phật thuyết trong kinh:
“Ở đây, này các Tỷ-kheo, có kẻ vô văn phàm phu, không đi đến yết kiến các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không đi đến yết kiến các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, xem sắc pháp: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”, xem cảm thọ: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”, xem tưởng: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”, xem các hành: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”, xem cái gì được thấy, được nghe, được cảm xúc, được ý thức, được đạt tới, được tìm cầu, được ý suy tư: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”, và bất cứ kiến xứ nào nói rằng: “Đây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi chết, tôi sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không biến chuyển, tôi sẽ trú như thế này cho đến mãi mãi”, xem như vậy là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”. Vị này do quán sát như vậy, đối với sự vật chẳng thật có nên khởi lên lo âu, phiền muộn”.
Được nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
Có thể có cái gì không thực có ở ngoài, có thể gây lo âu phiền muộn?
Có thể có, này Tỷ-kheo, ở đây, có người nghĩ như sau: “Cái gì chắc chắn đã là của tôi, nay chắc chắn không còn là của tôi. Cái gì chắc chắn có thể là của tôi, chắc chắn tôi không được cái ấy”. Người đó sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đấm ngực, đi đến bất tỉnh. Này Tỷ-kheo, như vậy, có cái không thực có ở ngoài, có thể gây lo âu, phiền muộn.
Bạch Thế Tôn, có thể có cái gì không thực có ở trong, có thể gây ra lo âu phiền muộn?
Có thể có, này Tỷ-kheo, ở đây, này Tỷ-kheo, có người có tà kiến như sau: “Đây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi chết, tôi sẽ thường còn, thường hằng, thường trú không biến chuyển. Tôi sẽ trú như thế này cho đến mãi mãi”. Người này nghe Như Lai hay đệ tử Như Lai thuyết pháp để bạt trừ tất cả kiến xứ, cố chấp, thiên chấp, thiên kiến, tùy miên, sự tịnh chỉ mọi hành động, sự từ bỏ mọi sanh y, sự diệt trừ khát ái đưa đến ly tham, đoạn diệt, Niết- bàn. Người đó có thể nghĩ như sau: “Chắc chắn ta sẽ bị đoạn diệt, chắc chắn ta sẽ bị hoại diệt, chắc chắn ta sẽ không tồn tại”. Người đó sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đấm ngực, đi đến bất tỉnh. Này Tỷ-kheo, như vậy là có cái không thực có ở trong có thể gây ra lo âu phiền muộn.
Như vậy, kinh Phật lưu nhắc cho chúng ta rằng hết thảy mọi thứ trên cuộc đời, kể cả ý nghĩ của chúng ta, đều do nhân duyên mà có mặt, là giả hợp, không thực có, luôn luôn biến đổi, là vô ngã, ta không làm chủ được. Sự thật đã là như vậy thì không nên nuôi ảo tưởng muốn mọi thứ là thường hằng, tồn tại mãi mãi,không nên bám giữ ý nghĩ điên đảo cho rằng mọi thứ là của ta, là ta hay tự ngã của ta. Đây chính là cách thức loại bỏ tà kiến, điên đảo kiến hay lý luận vọng tưởng, dứt trừ tham dục, sân hận, tà kiến, nghi ngờ, ngã mạn, luyến ái hiện hữu, vô minh,thoát khỏi mọi lo âu phiền muộn, chấm dứt luận tranh, tranh chấp, đấu tranh, vọng ngữ, ly gián ngữ, chiến tranh. Nói cách khác, muốn thoát khỏi mọi lo âu, phiền muộn và khổ đau thì con người ta cần chấm dứt ngay lối suy nghĩ bám chấp mê lầm hay thói quen tư duy hữu ngã và tập nhìn mọi sự với cái nhìn buông xả, ly ngã, không xem mọi thứ là của ta, là ta, là tự ngã của ta.
Thảo luận về post