(Trích từ Kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm)
Hán dịch: đời nhà Đường Sa môn Thiên Trúc BẤT LA MẬT ĐẾ
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Tịnh
LỜI TỰA
Kinh Điển gọi là nội điển, nó là hướng nội, chính là tự tánh, tâm tánh, hoàn toàn là từ ngay trong tâm tánh mà cầu, mới có thể triệt ngộ chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Việc này chúng ta trước tiên phải làm cho rõ ràng, làm cho tường tận. Học tập là mãi mãi không có gián đoạn. Ở trên Kinh Phật mỗi câu mỗi chữ đều là dạy chúng ta học tập.
Hiện tại, năm Kinh và một Luận in chung lại cũng chỉ là một cuốn mỏng, thuận tiện cho việc thọ trì. Số lượng Kinh Điển tuy là không nhiều, nhưng nghĩa thú trong đó thì rất phong phú, không chỉ Thích Ca Mâu Ni Phật 49 năm nói ra tất cả pháp đều bao gồm trong đó, thậm chí đến mười phương ba đời tất cả Chư Phật nói ra tất cả pháp, đều không ngoài năm Kinh một Luận, cho nên nghĩa lý rất sâu, rất rộng.
Pháp đích chỉ Tịnh Độ ba Kinh là Kinh Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, Phật Thuyết A Di Đà Kinh. Ở Trung Quốc, Tổ Sư Đại Đức đời sau lại đem Hạnh Nguyện Phẩm cùng Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương để vào phía sau ba Kinh cho nên hiện tại chúng ta đều biết rõ là Tịnh Độ năm Kinh. Lại thêm vào Vãng Sanh Luận của Bồ Tát Thiên Thân. Đây là Bồ Tát Thiên Thân báo cáo tâm đắc tu học Tịnh Độ, không luận là lý luận, phương pháp, cảnh giới đều rất đáng được chúng ta làm tham khảo. Đây là toàn bộ Kinh Điển Tịnh Tông hiện tại, gồm năm Kinh một Luận.
Tiêu chuẩn của thiện là gì? “Phát tâm Bồ Đề”, đây là thiện. Không phát tâm Bồ Đề thì không thiện. Tâm Bồ Đề là gì? Là tâm giác ngộ, chân thật giác ngộ. Tâm Bồ Đề chưa phát, thì tâm của bạn là mê. Hay nói cách khác, tâm Phật cùng tâm phàm phu khác nhau ở mê và ngộ. Giác ngộ rồi thì là tâm Phật, mê rồi thì là tâm phàm phu. Then chốt của việc tu học chính là chuyển mê thành ngộ.
Hòa Thượng Ân Sư – Pháp Sư Tịnh Không
ĐẠI THẾ CHÍ BỒ TÁT NIỆM PHẬT VIÊN THÔNG CHƯƠNG
Đại Thế Chí Pháp Vương Tử cùng với những năm mươi hai vị Bồ Tát đồng chí hướng với Ngài, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, mà bạch Phật rằng:
Con nhớ xưa kia trong hằng hà sa kiếp, có Phật xuất thế, tên là Vô Lượng Quang. Mười hai vị Như Lai nối tiếp nhau xuất hiện trong một kiếp. Đức Phật sau cùng tên là Siêu Nhật Nguyệt Quang. Đức Phật ấy dạy con Niệm Phật Tam Muội.
Ví như có người, một người chuyên nhớ, một người chuyên quên, hai người như thế dù gặp cũng như không gặp, dù có thấy cũng như không thấy. Hai người nhớ nhau, hai người nhớ nghĩ nhau sâu xa, như thế cho đến từ đời này sang đời khác, giống như hình với bóng.
Mười Phương Như Lai nghĩ thương chúng sanh như mẹ nhớ con. Nếu con trốn đi, dù nhớ làm gì được? Nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con, mẹ con đời đời chẳng trái xa nhau. Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật, sẽ trong hiện tại hay trong tương lai, nhất định thấy Phật cách Phật chẳng xa, chẳng nhờ đến phương tiện, tâm được tự khai.
Như người nhiễm hương, thân có mùi thơm. Đó gọi là Hương Quang Trang Nghiêm Nhân Địa của con, dùng tâm niệm Phật, nhập Vô Sanh Nhẫn. Nay trong cõi này, nhiếp người niệm Phật quay về Tịnh Độ Phật hỏi viên thông, con không chọn lựa.
Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc Tam Muội, ấy là bậc nhất.
Thảo luận về post