Khi ấy vua Ba Tư Nặc đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, lui ngồi một bên, bạch Phật: Thế nào Thế Tôn! Bà La Môn chết rồi trở lại sanh trong dòng Bà La Môn chăng? Sát Lợi, Tỳ Xá, Thủ Ðà la (tên các giai cấp) cũng thế chăng?
— Ðại Vương! Ðâu được như vậy. Ðại Vương nên biết có bốn hạng người:
Có người từ tối vào tối.
Có người từ tối vào sáng.
Có người từ sáng vào tối.
Có người từ sáng vào sáng.
Ðại Vương! Thế nào là hạng người từ tối vào tối?
– Có những người sanh ra trong nhà ty tiện hoặc nhà Chiên Ðà La (Candala), nhà làm lưới bẫy, nhà đương lát, nhà thợ mộc và các nghề nghiệp hạ tiện, nghèo cùng, chết yểu, thân thể xấu xa, mà lại làm những nghề hạ tiện, cũng bị người sai làm những việc hạ tiện, ấy gọi là tối.
Ở trong chỗ tối, người kia lại thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, do nhơn ấy thân hoại mạng chung sẽ sanh cõi ác đọa địa ngục. Ví như có người từ tối vào tối, từ nhà xí vào nhà xí, dùng máu rửa máu, xả ác thọ ác, người từ tối vào tối cũng như thế.
Thế nào là người từ tối vào sáng?
– Có những người sanh trong gia tộc ty tiện, cho đến làm nghề hạ tiện, ấy gọi là tối. Nhưng người kia ở trong chỗ tối này, thân hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện, do nhân duyên ấy thân hoại mạng chung, sanh vào cõi lành, được hóa sanh lên cõi trời. Ví như có người bước lên chõng từ chõng cưỡi ngựa, từ ngựa lên voi, từ tối vào sáng cũng như thế.
Thế nào là người từ sáng vào tối?
– Có những người sanh trong gia tộc giàu sang hoặc nhà Sát Lợi giàu sang, hoặc nhà Bà La Môn giàu sang, nhà trưởng giả và các gia đình giàu sang nhiều tiền của, tôi tớ, nhiều trí thức, thân tốt đẹp, thông minh trí tuệ, ấy gọi là sáng. Ở trong chỗ sáng này, thân hành ác, khẩu hành ác, ý hành ác, do nhân duyên ấy thân hoại mạng chung sanh cõi ác, đọa địa ngục. Ví như có người từ lầu cao xuống cưỡi voi, từ voi xuống lưng ngựa, từ ngựa xuống xe, từ xe xuống chõng, từ chõng xuống đất, từ đất rơi xuống hầm, từ sáng vào tối cũng như thế.
Thế nào là người từ sáng vào sáng?
– Có những người sanh trong gia tộc giàu sang cho đến hình tướng tốt đẹp. Ở trong chỗ sáng này tâm hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện, do nhân duyên này thân hoại mạng chung sanh cõi lành được hóa sanh cõi trời. Ví như có người từ lầu đẹp đến lầu đẹp, như thế cho đến từ chõng đến chõng, người từ sáng vào sáng cũng như thế. Khi ấy Thế Tôn nói bài kệ:
Người bần cùng khốn khổ
Không tin thêm sân hận
Sân tham tưởng ác tà
Si mê không cung kính
Thấy Sa Môn, Ðạo Sĩ
Người trì giới, đa văn
Chê bai, không khen ngợi
Chướng người trí kẻ thọ
Kẻ sĩ phu như thế
Từ đây đến đời sau
Sẽ đọa trong địa ngục
Từ tối vào nơi tối.
Nếu có người bần cùng
Tín tâm ít sân hận
Thường sanh tâm tàm quí
Bố thí lìa xan tham
Thấy Sa Môn, Phạm chí
Người trì giới, đa văn
Thấp mình và thăm hỏi
Tùy nghi khéo giúp đỡ
Khuyên người khiến bố thí
Khen thí và người thọ
Người tu thiện như thế
Từ đây đến đời sau
Cõi lành sanh lên trời
Từ tối vào nơi sáng.
Có sĩ phu giàu vui
Không tin nhiều sân hận
Sân tham, tật tưởng ác
Tà si không cung kính
Thấy Sa Môn, Phạm chí
Chê bai không khen ngợi
Chướng ngại người bố thí
Cũng đoạn người thọ thí
Sĩ phu ác như thế
Từ đây đến đời sau
Sẽ sanh địa ngục khổ
Từ sáng vào trong tối.
Nếu có sĩ phu giàu
Tín tâm không sân hận
Thường khởi tâm tàm quí
Huệ thí lìa sân đố
Thấy Sa Môn, Phạm Chí
Người trì giới, đa văn
Trước kính đón thăm hỏi
Tùy nghi cấp chỗ cần
Khuyên người khiến cúng dường
Khen thí và thọ thí
Kẻ sĩ phu như thế
Từ đây đến đời sau
Sanh tam thập tam thiên
Từ sáng vào nơi sáng.
Phật nói kinh này rồi, vua Ba Tư Nặc nghe Phật nói hoan hỷ tùy hỷ làm lễ rồi lui đi.
————————-
HT. Thích Thanh Từ trích kinh (phần trên) và bàn thêm (phần sau đây):
Ðọc qua bài kinh Nhân Quả trên, chúng ta thấy lý nhân quả của đạo Phật rất rộng rãi và phóng khoáng. Bởi một số đông người trong thế gian lầm chấp: Hể người chết sanh cõi người, trời chết sanh cõi trời, thú vật chết sanh thú vật v.v… Họ đâu biết cuộc sống của chúng ta là một dòng chuyển biến, chuyển biến liên tục từng sát na. Từ khi chào đời đã chịu quả báo nghiệp nhân của quá khứ. Dần dần thành một con người là nó đã tạo thêm nghiệp mới. Nếu gặp duyên lành ở trong hoàn cảnh tốt, gần thiện tri thức dạy điều lành, điều tốt thì nó sẽ tiến lên các cõi lành. Trái lại gần người ác, hoàn cảnh xấu xa nhiễm theo nghiệp ác, nó sẽ đọa xuống các cõi dữ. Như thế cứ tiếp tục thăng trầm từ đời này sang kiếp khác, không bao giờ dứt (gây nghiệp trả quả báo, trả quả báo rồi gây nghiệp v.v…)
Vì thế ở đây Phật nêu lên bốn hạng người:
– Người từ tối vào tối.
– Người từ tối vào sáng.
– Người từ sáng vào tối.
– Người từ sáng vào sáng.
Hạng người thứ nhất là người kém phước đức. Ðời trước đã gieo nhân bất thiện, nên hiện nay gặp quả báo sanh chỗ xấu ác. Thế mà cũng chẳng biết làm thiện để chuyển đổi nghiệp nhân đau khổ, họ đành chịu quả khổ mãi mãi (như từ tối vào tối).
Hạng người thứ hai, cũng ở trong hoàn cảnh xấu ác (của nghiệp qua khứ), nhưng họ biết chuyển nghiệp dữ thành nghiệp lành, tức họ hết khổ đau (như từ tối vào sáng).
Hạng người thứ ba là hạng người có phước đức, do đời trước tạo nhân tốt, đời này hưởng quả lành, nhưng họ không biết tu tiến, cứ tha hồ thụ hưởng dục lạc, gây tạo ác nghiệp để rồi phải gặt hái quả khổ đau (như từ sáng vào tối).
Hạng người thứ tư, người này vừa có phước đức lại biết huân tu nghiệp lành, tránh xa nghiệp ác. Người này mỗi ngày một tiến lên, tâm trí sáng ngời, tương lai họ sẽ lên quả giải thoát (như từ sáng vào sáng).
Tóm lại trong bốn hạng người nói trên, có hai hạng biết cầu tiến (hạng thứ hai và thứ tư) và hai hạng không biết cầu tiến (hạng thứ nhất và thứ ba). Như thế việc tu hành có tiến hay thối đều do chúng ta có chịu chuyển đổi nghiệp nhân hay không, chứ không phải do ai định đoạt. Và nghiệp nhân cũng không phải cố định thiện ác, mà tùy chúng ta chuyển đổi đó thôi. Biết được lẽ này, chúng ta mới nỗ lực tu thiện, đoạn ác, và không kẹt vào hai chấp “thường” và “đoạn” của ngoại đạo.
Thảo luận về post