Người tu niệm danh hiệu Bồ-tát thì phải có tín, hạnh, nguyện. Tín có nghĩa là tin thần lực nhiệm mầu của Bồ-tát Quán Thế Âm, có đủ khả năng giúp chúng sinh tai qua nạn khỏi, đạt được kết quả như ý muốn. Nhưng tại sao có người nhờ niệm Quán Âm mà vượt qua hoạn nạn tai ương, cũng có người khi niệm chẳng thấy linh ứng và hiệu nghiệm tại sao? Người phát tâm trì niệm danh hiệu Bồ-tát điều đầu tiên, phải có lòng chân thành khẩn thiết và tinh chuyên ròng rặc miên mật. Ai đặt hết niềm tin tưởng và thành khẩn cầu sự cứu độ của Bồ-tát Quán Thế Âm thì được cảm ứng không thể nghĩ bàn “có cầu tất ứng”.
Hạnh có nghĩa là thực hành niệm danh hiệu Bồ-tát một cách tinh chuyên, ròng rặc, miên mật, thường xuyên mỗi ngày không lơ là giải đãi. Chúng ta chí tâm chí thành niệm danh hiệu Bồ-tát trong mọi hoàn cảnh, trong bốn oai nghi, đi đứng nằm ngồi mà không bị ngoại cảnh chi phối làm thất niệm. Cuộc sống thế gian vốn nhiều đau khổ bất an, tham lam, thù hận đố kỵ, tranh chấp xung đột, sợ hãi và sẵn sàng triệt tiêu lẫn nhau vì quyền lợi. Nếu chúng ta không thường xuyên cung kính niệm Bồ-tát, chờ đến khi gặp hoạn nạn mới khẩn cầu thì e rằng sẽ không có kết quả như nguyện. Vì lúc này tinh thần không sáng suốt khủng hoảng, sợ hãi, mất bình tỉnh, thì làm sao cầu sự gia hộ của Bồ-tát có hiệu quả được.
Nguyện ở đây có nghĩa là chí nguyện độ sinh, cứu vớt chúng sinh tai qua nạn khỏi, vượt thoát khổ đau và luôn đem niềm vui đến với tất cả muôn loài. Bồ-tát sau khi thành tựu đạo quả, nguyện dấn thân đi vào đời để lợi ích chúng sinh, cùng đồng hành, làm việc, đóng góp, cùng gánh vác, sẻ chia, chia vui và sớt khổ với tất cả chúng sinh. Chúng ta phải thường xuyên quán chiếu thế gian lúc nào cũng đầy dẫy khổ đau bất hạnh, như đang sống trong nhà lửa, chịu sự nóng bức của phiền não trong từng phút giây.
Tu và học theo hạnh nguyện của Bồ-tát Quán Thế Âm như nhịp cầu nối kết yêu thương, sẻ chia cuộc sống, luôn giúp mọi người sống gần gũi gắn bó với nhau, thương yêu và hiểu biết, dấn thân và phục vụ, bao dung và độ lượng, cảm thông và tha thứ, sẻ chia và giúp đỡ, nhưng không thấy ai là người thù, chỉ có người chưa thông cảm với nhau mà thôi. Bồ-tát nghìn tay là tượng trưng cho sự dấn thân làm việc không biết mệt mỏi, không biết nhàm chán vì lợi ích chúng sinh. Con mắt trong mỗi bàn tay tượng trưng cho trí tuệ thấy biết đúng như thật, nhờ vậy Bồ-tát hiểu biết và thương yêu, giúp đỡ chúng sinh một cách bình đẳng, không phân biệt người thân hay kẻ thù.
Thảo luận về post