Con xin thành tâm đảnh lễ Đức Thế Tôn – người đã khai sinh trang sử Giác ngộ, Giải thoát.
Thánh tích Lumbini, nơi Đức Phật đản sanh
Lâm Tỳ Ni là phiên âm của tiếng Phạn Lumbini. Thị trấn Lumbini tọa lạc gần biên giới giữa Ấn Độ và Nepal, từ vùng biên giới đến Lumbini chỉ 27 km, cách thành Kapilavathu (Ca Tỳ La Vệ) 30 km, Lumbini nằm dưới chân núi phía Nam của rặng Churia thuộc dãy Hy mã lạp sơn. Đây là nơi Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni đản sanh, chư Thiên xuất hiện rải hoa cúng dường và đỡ chân Thái tử Siddhattha (Tất Đạt Đa) khi Ngài mới chào đời. Theo tục lệ xưa, Hoàng hậu Maya trở về quê nhà để an dưỡng chờ ngày lâm bồn. Trên đường đi Hoàng hậu ghé vào vườn Lumbini thưởng ngoạn mùa hoa đang nở, và khi ấy Hoàng hậu đã hạ sanh Thái tử.
Khoảng hơn 200 năm sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, vua Asoka (A Dục) trong chuyến thăm viếng các Thánh tích Phật giáo, ông đã cho xây dựng 4 Bảo tháp tại 4 nơi trong vườn Lumbini nầy. Một, nơi chư Thiên đỡ Thái tử khi Ngài vừa Đản sanh; Hai, nơi Long thần xuất hiện; Ba, nơi hai dòng nước nóng và lạnh xuất hiện và bốn, nơi Thái tử Siddhattha tắm. Ngoài ra ông còn cho dựng một trụ đá trên đỉnh là một tuấn mã, nhưng đến thế kỷ thứ VII, đỉnh trụ đá bị gẫy vì sấm sét. Trên trụ đá ngày nay vẫn còn nhưng hàng chữ Brahmi thuở xưa, nghĩa lời: “Sau 20 năm lên ngôi, vua Piyadasi (vua A Dục), người con yêu mến của chư Thiên đã thân hành viếng thăm, cúng dường và lễ bái. Bởi vì Đức Phật, Thánh nhân dòng họ Thích đã được sanh ra nơi đây, dân làng Lumbini được giảm thuế và chỉ đóng 1/8 thuế lợi tức.
Đền thờ hoàng hậu Mada
Lâm Tỳ Ni đã bị bỏ quên trong nhiều thế kỳ. Năm 1895, Feuhrer, một nhà khảo cổ học nổi tiếng người Đức đã phát hiện các trụ cột lớn tại đây trong khi ông đi đến các vùng đồi thấp của dãy núi Churia. Tiến hành thăm dò và khai quật khu vực xung quanh người ta phát hiện một ngôi đền bằng gạch và đá sa thạch điêu khắc những cảnh sinh thành của đức Phật.
Các giả thuyết được đưa ra rằng ngôi đền của hoàng hậu Mada đã được xây dựng trên nền tảng của một ngôi đền trước lớn hơn nhiều. Về phía nam của ngôi đền này có một cái hồ nổi tiếng thiêng liêng được biết đến như Puskarni. Người ta tin rằng hoàng hậu Mada đã tắm trong hồ này trước khi hạ sinh đức Phật. Vào năm 1996 một phát hiện khảo cổ quan trọng về một hòn đá mà vua A Dục vào năm 249 TCN đã dùng để đánh dấu vị trí nơi sinh của đức Phật vào 2600 năm trước. Nếu đúng vậy phát hiện này sẽ đưa Lâm Tỳ Ni nổi bật hơn trên bản đồ cho hàng triệu người hành hương trên thế giới theo đạo Phật.
Phát hiện
Những thế kỷ sau đó, Lâm Tỳ Ni thực sự trở thành niềm ao ước và điểm đến của những hành giả và học giả Phật giáo. Hai vị danh tăng Trung Hoa là Pháp Hiển (337-422) và Huyền Trang (602-664) – ít nhiều đã ghi lại những dấu tích về Lâm Tỳ Ni trong các tác phẩm để đời của các Ngài sau những lần chiêm bái quê hương Đức Phật. Và cũng nhờ vào các bộ “ký sự” của hai vị sư này, vào năm 1896 nhà khảo cổ người Nepal đã khai quật và phát hiện “sắc dụ Asoka” (trụ đá A Dục) trên vùng đất có tên “Rummindei” sau gần mười thế kỷ Lâm Tỳ Ni hoang phế, điêu tàn và rơi vào quên lãng, kể từ ngày các thánh địa Phật giáo bị tàn phá, khủng bố dưới bàn tay những kẻ cuồng tín Hồi giáo xâm chiếm Ấn Độ vào cuối thế kỷ thứ 11 đầu thế kỷ thứ 12.
Vào thế kỷ thứ XIV, 1314, vua Ripu Malla đến đây chiêm bái và khắc tên mình lên trụ đá. Từ đó dường như Lâm Tỳ Ni đi vào quên lãng. Mặc dù đã bị bỏ hoang từ nhiều thế kỷ trước nhưng Lumbini vẫn còn là một nơi chiêm bái cho những người Phật tử. Sau khi được khai quật trở lại nhân vào Đại hội Tăng Già Thế Giới lần thứ tư 1958, vua Hahendra đã cúng dường hơn 100.000.000 Rúp để trùng tu Lâm Tỳ Ni và biến chương trình nầy thành một vấn đề Quốc tế. Tháng 10/11978 Đại hội Phật tử Thế giới tại Nhật đã tuyên bố Năm 1979 là năm của Lâm Tỳ Ni.
Lâm Tỳ Ni, nơi thiêng liêng mà Phật giáo bắt đầu vào năm 623 BC, một lần nữa đã trở thành một những Thánh tích tôn giáo lớn nhất thế giới.
Phật tại thế thời ngã trầm luân Kim đắc nhân thân Phật diệt độ Áo não thử thân đa nghiệp chướng
Bất kiến Như Lai kim sắc thân.
Nhìn hồ nước nơi hoàng hậu Maya tắm sau khi lâm bồn nay đã đóng nhiều rêu phong, lớp bụi của thời gian dường như đã phủ lên mặt hồ làm cho nước trở nên vẩn đục hơn xưa. Cây cỏ nơi đây vẫn còn tươi tốt, dấu chân chào đời của Đức Phật vẫn còn in trên đá mà khi đến đó chúng ta vẫn thấy rõ ràng.
Mỗi năm cứ đến hai mùa thu – đông (Ấn Độ) là lúc các Phật tử trên khắp Năm châu đi chiêm bái các Thánh tích Phật giáo. Tất cả như muốn dâng trọn lòng biết ơn của mình lên Đức Thế Tôn, Người đã khai sinh trang sử vàng son của Phật giáo. Họ đến Lâm Tỳ Ni, nên thơ và hy vọng, đến Bồ Đề Đạo Tràng hoành tráng và tâm linh, đến Lộc Uyển cổ tích về tôn giáo, Câu Thi Na cô tịch và hồi tưởng v.v… Đó là 4 Thánh tích ghi lại những sự kiện trọng đại trong đời Đức Phật mà hàng Phật tử chúng ta nên ngày đêm cầu nguyện để được chiêm bái. Trong Kinh Niết Bàn Đức Phật dạy: Này Ananda, có bốn Thánh tích kẻ tinh tấn cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. Thế nào là bốn? Đó là chỗ Như Lai đản sanh, đó là chỗ Như Lai chứng ngộ Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, đó là chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng, đó là chỗ Như Lai diệt độ nhập Vô dư y Niết bàn. Này Ananda với những ai trong khi chiêm bái những Thánh tích từ trần với thân tâm hoan hỷ, thời những vị ấy sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh cảnh giới chư Thiên. Đây là một trong những lời dạy của Đức Thế Tôn về giá trị của Tứ Thánh tích trước khi nhập Vô Dư Niết bàn.
Năm 1997, UNESCO chính thức liệt kê Lâm Tỳ Ni trở thành di sản văn hoá thế giới, tiếp tục khai quật, trùng tu và tôn tạo Lâm Tỳ Ni.
Lâm Tỳ Ni hiện giờ chỉ có thể xây dựng các tu viện không cho xây dựng các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng. Hiện nay, khu này được chia thành hai khu là khu phía Tây và khu phía Đông. Phía Đông có các tu viện của Phật giáo Nam Tông, phía Tây có các tu viện của Phật giáo Bắc Tông.
Lâm Tỳ Ni hiện giờ đã là tàn tích so với năm xưa bao gồm một cây bồ đề, một hồ tắm xưa, một trụ cột do vua A-dục vương dựng nên và đền thờ hoàng hậu Mada.
Thảo luận về post