KỶ NIỆM TUẦN LỄ PHẬT ĐẢN & CÚNG RẰM THÁNG 4 TẠI TỰ TÂM GIÀ LAM – TP. BMT
KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN – (Phật Lịch: 2568 – Dương Lịch: 2024).
[BÀI VIẾT LIÊN QUAN]
“Hạnh phúc thay, đức Phật giáng sinh
Hạnh phúc thay, giáo pháp cao minh
Hạnh phúc thay, chúng Tăng hòa hợp
Hạnh phúc thay, tứ chúng đồng tu”.
(Kinh Pháp Cú 194)
Một mùa Phật đản lại về với người con Phật. Hòa trong không khí hân hoan với lòng biết ơn của những người con Phật khắp nơi trên thế giới, cùng nhau hướng tới kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện tại vườn Lâm Tỳ Ni cách đây hơn 2568. Cũng như đền đáp tứ trọng thâm ân – là truyền thống ngàn đời. Tự Tâm già lam tổ chức Lễ cúng ngày Rằm tháng 4 – năm Giáp Thìn, nguyện cầu âm siêu dương thái.
Đồng kính chúc quý vị đạo hữu xa gần, cùng gia đình luôn được thuận duyên, thân khoẻ tâm an, vạn sự cát tường, tinh tấn tu tập & hộ trì Tam bảo.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Xưng Tán Đức Phật Đản Sinh
Trong hằng hà sa số chúng sinh ấy, có bao nhiêu sự ra đời còn được xưng tụng sau mấy ngàn năm? Con số đếm được thật quá ít ỏi.
Tại sao? Rất đơn giản. Vì đó không phải là sự ra đời của một hữu tình đến rồi đi theo kiểu của thi hào Lý Bạch:
“Sinh vi quá khách, tử vi quy nhân, thiên địa nhất nghịch lữ, đồng bi vạn cổ trần.”
(Sinh ra là khách qua đường,
chết đi là về cố hương,
trời đất là quán trọ,
bụi muôn đời xót thương!).
Vì đức Phật ra đời đã để lại cho nhân loại một di sản vô giá. Đó là khởi đầu của một hành trình chấm dứt khổ và sống an lạc, là bình minh rực sáng của trí giác nhìn rõ bộ mặt thật của mọi sự vật, là nguyện vọng cao quý mà mọi chúng sinh đều muốn thành đạt! Di sản ấy cho đến ngày nay, sau trên hai ngàn năm trăm năm, loài người vẫn trân quý vì nhận thấy rằng nó không chỉ thích đáng cho mưu cầu hạnh phúc của đời sống cá nhân mà còn là giải pháp kiến hiệu cho sự xây dựng và phát triển nền hòa bình của toàn thế giới.
Nhân cách, trí tuệ và lòng từ bi đặc biệt của đức Phật đã cảm hóa không biết bao nhiêu người, bao nhiêu chúng sinh.
Một vị trưởng giả giàu có bậc nhất thời đức Phật ở thành Vương Xá, nước Ma Kiệt Đà, là ông Cấp Cô Độc (Anathapindika), vì cảm nhận ân đức và trí tuệ của ngài đã tán thán đức Phật rằng:
“Hay thay, bạch đức Thế Tôn, cũng như một người dựng dậy những gì bị ngã xuống, vén mở những gì bị che đậy, chỉ đường cho kẻ lạc lối, rọi đèn vào chỗ tối tăm để những ai có mắt có thể thấy; cũng vậy, Chánh pháp được đức Thế Tôn giảng dạy bằng nhiều thí dụ.” (trích theo Tuệ Sỹ, Dẫn Vào Thế Giới Văn Học Phật Giáo).
Giá trị của di sản đức Phật để lại không phải chỉ nằm trong những con chữ được lưu giữ trong ba tạng Kinh, Luật và Luận mà đích thị là nằm trong ích lợi cụ thể và sống động khi được đem ra thực hành trong từng cá nhân hay cộng đồng xã hội. Không hành trì, di sản đó sẽ trở thành món đồ cổ chỉ dùng để chưng trong các tủ kính, trong các tàng kinh cát, ngắm nghía một hồi mỏi mắt rồi bỏ đi. Hành trì sẽ biến nó thành lương dược chữa lành bệnh tật cho mình và cho tha nhân.
Thế giới càng khổ, chiến tranh càng hung tàn, bạo lực càng gia tăng, đói khát càng hoành hành, thiên tai nhân họa càng thường trực, con người càng nhận chân được giá trị thiết thực của di sản mà đức Phật đã để lại. Vì trong di sản đó chứa đựng nhiều giải pháp cứu chữa hữu hiệu đối với thảm trạng của nhân gian mà con người là nạn nhân trực tiếp.
Chính vì vậy, sự ra đời của đức Phật quả là có ý nghĩa cho con người khổ đau ở mọi thời đại, mọi xử sở.
Một số hình ảnh kỷ niệm tuần lễ Phật đản tại bổn tự (Mùng 8al đến Rằm tháng 04 – Pl. 2568 – Dl. 2024):
Nam Mô Lâm Tỳ Ni Viên Vô Ưu Thọ Hạ Thị Hiện Đản Sanh Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Chùa bé bé xinh xinh nơi phố núi Ban Mê
Chuatutam.net
Thảo luận về post