Theo thông lệ mùa an cư, học luật để duy trì trật tự đời sống trong Tăng đoàn. Vì vậy, chúng ta không nghiên cứu sâu mà chỉ nói những vấn đề lan man bên ngoài. Ngoài ở đây không phải sự đời, mà ngoài ở đây là nằm trong phạm vi của Luật, như việc dẫn Kinh, dẫn một vài sự tích hơi dài dòng một chút mà không thể cô đọng được.
Chương trình Luật Tỳ-kheo này sẽ trải dài trong bốn năm, chia làm hai phần: Yết-ma và Giới bổn.
Theo thông lệ mùa an cư, học luật để duy trì trật tự đời sống trong Tăng đoàn. Vì vậy, chúng ta không nghiên cứu sâu mà chỉ nói những vấn đề lan man bên ngoài. Ngoài ở đây không phải sự đời, mà ngoài ở đây là nằm trong phạm vi của Luật, như việc dẫn Kinh, dẫn một vài sự tích hơi dài dòng một chút mà không thể cô đọng được.
Mục đích học luật
Cơ bản nhất, chúng ta phải hiểu rằng Tăng là gì? Tổ chức Tăng-già là gì? Hoặc khi người ta nói cộng đồng Tăng lữ, Giáo đoàn Tăng – đệ tử của Phật, thì chúng ta phải hiểu đó là một tổ chức như thế nào? Thí dụ, Phật có bốn chúng đệ tử chia làm hai chúng: Tại gia và xuất gia. Tại gia, chúng ta không nói đến tổ chức, nhưng xuất gia là một tập thể Tăng lữ thì phải có tổ chức. Quy tắc để tổ chức đó là Luật. Tất nhiên, luật là đặt ra cho phàm phu chứ không phải đặt ra cho bậc Thánh. Điều này được nói rất rõ trong kinh điển, nhất là trong các A-hàm và Nikaya.
Ý nghĩa chế luật
Sau khi Phật thành đạo, lần đầu tiên thuyết pháp cho năm vị Tỳ-kheo, Ngài không nói tới luật, cho đến khi độ các anh em Ya-xá cũng không nói tới luật. Phải một thời gian sau, khi chúng Tỳ-kheo đã đông, lúc đó mới bắt đầu có luật. Vì sao? Tại sao khi Phật chưa chế luật, thì chúng Tăng thanh tịnh hòa hợp và không có người phạm giới, nhưng càng đặt luật thì số người vi phạm càng đông? Phật nói rõ: Khi mà Chánh pháp được truyền bá rộng rãi, khi mà Quốc vương, Đại thần và các cư sĩ phú gia biết tới Phật pháp thì hữu lậu bắt đầu xen vào, nhiều người xuất gia vì mục đích y thực chứ không vì giải thoát. Song với ý nghĩa từ bi, Phật không bỏ ai cả, mà chỉ với điều kiện là khi xuất gia phải chấp hành đúng những gì Phật dạy, rồi từ đó huấn luyện. Luật được quy định để điều phục hạng người như vậy.
Nếu xét về tư cách của một tổ chức, khi gia nhập tổ chức mà không đúng với mục đích thì người đó không bao giờ được tổ chức chấp nhận cả. Nhưng vì ở đây, tất cả đều là phàm phu, chúng ta không biết ai là phàm, ai là Thánh, ai là thật, ai là giả, nhưng tin rằng giáo lý Phật cao siêu và thích hợp, nên người nào bước chân vào Thánh đạo chắc chắn sẽ được thay đổi; nếu không thay đổi được người xấu thành người tốt thì Phật pháp không có giá trị thiết thực. Cũng giống như người vào bệnh viện; với bất cứ bệnh gì, nếu bệnh viện giỏi thì thảy đều trị được. Tất nhiên cũng có người bệnh hết phương chữa trị, bệnh viện phải trả về. Trong đạo Phật cũng vậy, có những người không thể chấp trì giới luật xuất gia thì cũng phải đuổi về đời, không cho ở trong Tăng đoàn nữa. Vào bệnh viện mà bệnh không chữa trị được, hoặc bệnh nhẹ trở thành bệnh nặng, người không bệnh cũng thành bệnh luôn thì đó không phải là bệnh viện, bệnh viện đó không thể tồn tại. Phật pháp cũng vậy. Đây là điểm mà chúng ta phải lưu ý.
Khi ngài Xá-lợi-phất hỏi về tính cách tồn tại của Pháp và tại sao phải đặt luật thì được Phật trả lời: Phật pháp cũng giống như những đóa hoa rải rác, nếu không có luật xâu nó lại, chỉ cần một ngọn gió nhẹ cũng có thể thổi bay hết. Và Ngài đã kể chuyện về sáu vị Phật trong quá khứ; có những vị vừa thuyết pháp và vừa giảng cả luật để ràng buộc đời sống Tăng chúng nên cộng đồng Tăng lữ sống có trật tự, sau khi đức Phật ấy nhập Niết-bàn thì Chánh pháp tồn tại được lâu dài. Còn các vị Như Lai chỉ thuyết pháp mà không đặt luật nên Chánh pháp tồn tại không được bao lâu sau khi Phật nhập Niết-bàn. Xá-lợi-phất thỉnh cầu Như Lai chế luật, đức Phật trả lời rằng: “Hãy chờ! Như Lai sẽ biết thời.” Tức là Phật sẽ chế luật khi thích hợp. Đó là ý nghĩa và nguyên tắc chế luật: tùy phạm tùy chế.
Nguyên nhân chế luật
Trước khi hỏi rằng: “Luật là gì?” chúng ta đặt câu hỏi: “Tại sao có luật?”
Quan điểm phổ thông nhất là khi con người thành hình xã hội do một sự cố nào đó, hoặc là do đấu tranh với thiên nhiên, hoặc là tập hợp thành một cộng đồng để chống lại thú dữ, chống lại nạn lũ lụt; hay vì bất cứ một lý do gì để bảo vệ nhau mà con người cần phải hợp quần lại thành một khối hoặc 10 người, hoặc 20 người…, tức là gồm nhiều gia đình hợp lại. Khi tập hợp như vậy thì bắt buộc phải có những giao ước như ai làm việc gì và phải làm như thế nào, v.v…, gọi là phân công giao ước. Sự giao ước như vậy là cơ sở để hình thành chế độ luật pháp. Những giao ước xã hội nguyên thủy có thể nói là những hợp đồng giữa thần linh và loài người. Trong đó, thần linh có nhiệm vụ bảo vệ con người; đối lại, con người phải dâng phẩm vật hiến tế thần linh theo quy định. Nếu con người vi phạm hợp đồng thì thần linh trừng phạt. Trong những giai đoạn như vậy, khi hợp quần, bắt buộc phải có luật, và bầu cử người làm thủ lãnh để điều hành. Đây là khái niệm cơ bản nhất về sự xuất hiện của luật. Luật như vậy, chia làm hai phần: 1.- luật do tự nhiên hay do tập tục và 2.- luật thành văn.
1.- Luật do tự nhiên, do tập tục.
Trong thời kỳ săn bắt hái lượm, một nhóm người sống gần nhau, từng gia đình một, do huyết thống tạo thành một tập quán săn bắt hái lượm quan hệ với nhau; mối quan hệ này tạo thành một tập quán, và tập quán này tạo thành luật. Cộng đồng ngày càng một mở rộng ra thì tập quán ngày càng được củng cố và càng thêm chi tiết cho phù hợp với sự phát triển của cộng đồng. Luật này gọi là luật tập quán.
Chúng ta thấy rõ ngay hiện tại, một đám trẻ con chơi với nhau một lúc, rồi tự nhiên chúng đặt thành luật cho trò chơi. Nếu có người nào gian dối tức là vi phạm luật thì lúc đó có luật xử trị. Đây gọi là vi phạm luật cộng đồng, luật tập quán.
2.- Luật thành văn
Đây là luật do tập thể quy định. Thí dụ, do sự cố, đoàn người tập hợp lại để chống kẻ thù. Khi bầu người lên làm chỉ huy thì họ sẽ áp đặt luật lệ, nghĩa là, người lãnh đạo, chỉ huy sẽ đưa ra những nguyên tắc và mọi người phải tuân thủ những nguyên tắc đó, như sai người đi tới đâu, trấn thủ chỗ nào để chống lại kẻ thù, và trong tập thể mọi người phải quan hệ với nhau như thế nào. Có những luật đặt ra nhiều khi có tính cách tạm thời, tức là hết giai đoạn của người lãnh đạo này thì người khác lên thay và họ lại đặt ra luật lệ khác. Đây là luật thành văn trong từng quốc gia và thay đổi tùy theo triều đại hay chế độ. Luật tập quán, tức luật theo truyền thống, nhiều khi kéo dài cả mấy nghìn năm.
Quan hệ giữa người với người tạo thành một tập hợp văn minh. Xã hội tập hợp tạo thành nền văn minh thì bao giờ cũng có luật. Đó là những điểm cơ bản trong luật. Vị nào học chuyên luật thì nên đi sâu vào. Còn chúng ta mượn những khái niệm như vậy để hiểu luật của Phật.
Nguồn gốc Luật theo Phật giáo
Trong quan điểm của Phật giáo, luật có từ lúc nào và tại sao có luật? Trong các kinh điển khi nói về nguồn gốc của loài người và sự tiến hóa của loài người, có kinh Aggaññaa Sutta (Pali), Hán dịch tương đương là Khởi thế nhân bổn kinh (起世因本經). Kinh này nhiều bản dịch, nhiều tên khác nhau, ở đây không thể nói hết. Pali gọi là Aggañña, có chữ Agga là đệ nhứt, là tối sơ. Khởi thế nhân bổn là nói về nguồn gốc con người và xã hội con người.
Nói chung, tôn giáo nào cũng nói tới khởi nguyên của vũ trụ. Chúa sáng tạo ra vũ trụ bằng cách nào? Phật không nói đến khởi nguyên tối sơ của vũ trụ, vì tri thức hữu lậu hạn chế của chúng sanh không thể nhận thức được bản tế tối sơ của sanh tử. Nhưng khởi thủy của từng chu kỳ thì có. Đó là chu kỳ thành, trụ, hoại, không. Chuyện mà Kinh kể đây chỉ trong một chu kỳ nhỏ của một tiểu thế giới, chưa phải là một tiểu thiên thế giới. Nói cụ thể, đó là khởi thủy của quả đất này và sinh vật trong đó.
Chúng ta bắt đầu từ chỗ thế giới mới thành hình, không có gì cả, không có một sinh vật nào, chỉ là thế giới trống rỗng. Bấy giờ, có một chúng sanh trong cõi Quang Âm thiên, phi hành trong ánh sáng và sống bằng hỷ lạc. Sống trong ánh sáng và phi hành theo tốc độ ánh sáng, đó có thể là một loại vi sinh vật. Loại chúng sanh này khi bay ngang qua trái đất, bị mùi vị của trái đất hấp dẫn, nên đã nếm thử. Sau khi nếm mùi vị trái đất thì thân thể phì đại ra, không bay được nữa. Nghĩa là từ một vật thể gì đó ngoài trái đất, đã kết hợp với mùi vị của trái đất và từ đó sự sống bắt đầu phát sinh.
Sinh vật từ cõi Quang Âm thiên, sau khi bị hấp dẫn bởi mùi vị của trái đất, bị rớt xuống trái đất, rồi thân thể phì đại ra, trong này chưa nói thân thể nam hay nữ. Qua một thời gian sau, chúng sanh nào tham quá ăn nhiều, thân thể to lớn nhiều trở nên xấu hơn, còn người ăn ít thì thân thể đẹp, lúc bấy giờ sinh ra chuyện đố kỵ người này đẹp người kia xấu, và tự nhiên tham ái từ đó phát sinh.
Khi sinh vật sinh ra rồi tiêu thụ một “lớp đất”, mà Hán dịch gọi là “địa bính”, là bánh đất. Nhưng theo nghĩa Pali thì đây như là loại bánh được làm bằng sữa trộn với bột. Có thể nó là lớp vi khuẩn, hay lớp men gì đó của trái đất. Sau khi sinh vật này ăn rồi bài tiết ra; do quá trình phản ứng hóa học hay phản ứng sinh học đã tạo ra một loại mới. Về sau khi sinh vật phát triển nhiều, nó ăn hết lớp này rồi ăn qua lớp khác, cuối cùng cây cối bắt đầu phát sinh; đây là quá trình sinh trưởng hệ sinh vật và thực vật. Tới một giai đoạn nào đó thì loài người xuất hiện. Loài người sống riêng lẻ, hoặc từng nhóm nhỏ. Điểm này, trong Kinh có hạn chế, vì theo kiến thức phổ thông ngày nay khởi thủy của xã hội loài người từ săn bắt hái lượm, qua giai đoạn du mục, rồi tới định cư nông nghiệp, nhưng trong kinh Phật thì bắt đầu từ giai đoạn nông nghiệp là con người sống có lúa gạo liền.
Chúng ta bỏ qua xã hội du mục, xã hội tiền nguyên thủy, nói tới giai đoạn định cư. Tức là, Kinh bắt đầu từ chỗ lấy xã hội nông nghiệp định cư làm thí dụ. Trong này, thực sự khi từ thời kỳ du mục qua định cư định canh thì cơ bản có một hình thức tổ chức làng xóm đơn giản, thành xã hội rồi, nhưng đây là nối liền giữa hai thời kỳ tiền nguyên thủy và nguyên thủy; thành ra chúng ta hiểu là du canh, du cư cũng được, du mục cũng được, mà nông nghiệp cũng được. Kinh mô tả có tính cách gợi ý, như là mẫu quan sát, chứ không phải ghi chép hiện thực. Đại khái là giai đoạn này loài người sống chưa có tài sản gì hết và có một loại lúa gọi là lúa tự nhiên, không do cày xới, gieo trồng. Đây là loại thực vật gì chúng ta chưa thể xác định, được diễn tả rằng trong giai đoạn đầu con người không có tư hữu mà chỉ có cây cối trên rừng và con người tự hái lượm lấy mà ăn. Thực phẩm chỉ chung ở đây được diễn tả là lúa.
Một thời gian sau, có một chúng sanh nghĩ rằng: “Mỗi ngày mình đều đi cắt lúa về ăn, vậy tại sao, hôm nay mình không cắt gấp đôi, để hôm sau nghĩ được một ngày.” Như vậy, đầu tiên ý niệm tích lũy xuất hiện.
Tích lũy là gì? Có nghĩa là tăng gia sản phẩm để cất chứa, dùng cho ngày mai. Do quỹ thời gian con người có giới hạn, phân phối thế nào để bớt thời giờ lao động, có thêm thời giờ nhàn rỗi. Tóm lại, xã hội đầu tiên vốn chưa có tư hữu; tới một giai đoạn nào đó con người mới nghĩ tới tích lũy; từ tích lũy mà có ý niệm tư hữu. Từ ý niệm tư hữu dẫn đến cạnh tranh tranh nhau để chiếm hữu. Vì rằng tài sản thiên nhiên có giới hạn; mà chi tiêu của con người thì vô cùng. Do hạn chế đó, do sự giành giựt nhau, nên lúc bấy giờ mọi người thỏa thuận, quyết định phân chia vạch định giới hạn, cái này của anh, cái kia của tôi… Vậy là lần đầu tiên phân chia ranh giới và tư hữu bắt đầu xuất hiện: ruộng của tôi, vườn của tôi, tài sản của tôi. Có thỏa thuận, có giao ước, đó là nguồn gốc của luật.
Thời gian sau khi phân chia tư hữu thì ruộng ai nấy làm, đất ai nấy gieo, vì lúc bấy giờ lúa cũng không còn mọc tự nhiên nữa. Bấy giờ, có một số hoặc do làm biếng, hoặc do khả năng kém nên dù ruộng đất có rồi mà lúa thóc vẫn thiếu, không đủ sống nên bỏ sang chỗ khác lấy trộm; vậy là tội trộm cắp bắt đầu phát sinh. Từ đó, càng lúc càng phát sinh nhiều sự xấu khác. Bấy giờ, mọi người mới họp lại bàn cách phân xử bằng cách bầu ra một người đứng đầu để phân xử mà Pāli gọi là Mahāsammato (Mahāsammatarājā, Hán: Đại bình đẳng vương) tức người do đại chúng bầu. Mọi người đồng ý trích một phần thâu hoạch của mình để cho ông này dùng, không phải làm gì cả mà chỉ đi giám sát và phân xử những vụ tranh chấp. Đó là hình thức chính quyền đầu tiên, và cũng là hình thức nạp thuế đầu tiên, kể từ khi loài người tập quần thành xã hội. Người này về sau được gọi là “Vua” mà Pāli gọi là rājā, và được định nghĩa là dhammena pare rājeñti, “làm vui lòng những người khác một cách như pháp.” Vậy ông vua là người làm vui lòng. Vua chỉ là một trọng tài hòa giải, vì người được bầu là để hòa giải những tranh chấp xã hội.
Trong này có hai điểm: Thứ nhất là bầu lên chính quyền. Thứ hai là đóng thuế. Nói rõ hơn, đầu tiên vua là người dân thuê lên để phân xử chứ không phải làm chủ, nhưng về sau khi có quyền lực, có tiền của do tích lũy, bấy giờ chiếm hữu, xem tất cả đều là sở hữu của vua.
Như vậy, rõ ràng, trong Phật giáo từ đâu có luật? Đó là từ khi có xã hội loài người, có tích lũy, có tư hữu, thì có cạnh tranh và dẫn đến là có luật. Ý nghĩa mà Phật chế cho Tỳ-kheo – tổ chức Tăng-già, cũng cần được hiểu theo nguồn gốc lịch sử này.
Tư hữu phát sinh từ đâu?
Tư hữu dẫn đến cạnh tranh. Cạnh tranh dẫn đến mâu thuẫn xã hội. Vậy, cạnh tranh phát sinh từ đâu?
Xét trên phương diện triết lý, nó là biểu hiện thực tế của ngã và ngã sở. Trẻ con mới sinh ra chưa có ngã sở cũng chưa có khái niệm về ngã. Cho đến một lúc nào đó, nó biết đây là ba, đây là má, đây là tôi, đây là người khác, cái khác…; và một lúc nào đó nó biết rằng cái này là của nó, là của ba, của anh, của chị… thì nó bắt đầu phát sinh ý niệm chiếm hữu.
Càng lớn lên, ham muốn chiếm hữu càng phát triển. Khả năng ít thì chiếm hữu chỉ một gia đình nhỏ, khả năng lớn hơn thì chiếm hữu làm ấp trưởng, xã trưởng…, chiếm hữu lớn nữa thì làm một hoàng đế. Trong đời sống hằng ngày, nếu chúng ta không dứt trừ được ý niệm tư hữu là ý niệm gần gũi nhất, thì không bao giờ chúng ta đạt đến vô ngã được. Ngã và ngã sở là ý niệm trừu tượng không thấy nhưng nó cụ thể hằng ngày; đó là cái tích lũy tư hữu cho ngã và ngã sở. Sự tồn tại của tăng y trên đời sống không có tư hữu. Thực hành Thánh đạo cơ bản là đời sống không tư hữu.
Đây là nói theo ý nghĩa kinh tế, ý nghĩa xã hội học, chứ không đứng trên lập trường Thắng nghĩa đế của kinh điển mà nói. Nếu không dựa trên đời sống phi tư hữu thì cũng không thể có lục hòa được.
Bây giờ, chúng ta đã nói tổng quát tương đối đầy đủ về khái niệm luật, tại sao có luật? Luật không phải học những điều khoản cấm kỵ từ trên trời rơi xuống. Tất nhiên, chúng ta học để biết và tôn trọng luật. Ngày xưa, các Ngài có xu hướng giải thích, phàm những điều luật Phật đặt ra nếu vi phạm điều này thì đọa địa ngục, vi phạm điều kia thì đọa súc sanh… gọi đó là sự trừng phạt. Nhưng, như đã nói, vi phạm luật là vi phạm khế ước hợp đồng xã hội thì phải chịu hậu quả trừng phạt của xã hội, mà trừng phạt chỗ nào phải xác định cho rõ. Không có luật nào đặt ra mà không có sự xử trị và trừng phạt. Sự trừng phạt của chúng ta trong luật Tỳ kheo có hai phần: Phạm giới gọi là phạm học xứ (giới là học xứ) và phạm nghiệp. Phạm nghiệp nặng, thí dụ như giết cha, giết mẹ là phạm tội sát sanh; phạm giới như vậy thì bị trục xuất Ba-la-di. Nhưng có những vi phạm như phá hòa hiệp Tăng thuộc tội ngũ nghịch, nghiệp ngang bằng tội nghiệp giết cha nhưng trong học xứ chỉ là Tăng-già-bà-thi-sa. Cần phải nhớ, phạm Tăng-già-bà-thi-sa ngang tội giết cha, giết mẹ, là đoạn thiện căn, theo nghiệp mà bị đọa địa ngục, không bao giờ tồn tại được trong tăng, phải bị trục xuất. Phá hòa hiệp tăng như Đề-bà-đạt-đa ngang với tội giết cha, giết mẹ lại không bị trục xuất khỏi giáo hội, mà chỉ phạm Tăng-già-bà-thi-sa, sám hối được. Đó là sự khác nhau giữa phạm giới (học xứ) và phạm nghiệp. Phạm Ba-la- di là phạm luật của tăng, Tăng xử. Thí dụ, phạm Ba-la-di ăn trộm, có ảnh hưởng đến quyền lợi xã hội, mang tính xã hội. Ăn trộm mà phạm tới mức Ba-la-di thì không thể chấp nhận được, vì với người ăn trộm, án tù có thể hết nhưng lý lịch ăn trộm thì không thể xóa đi trong tâm trí người đời. Tăng không thể bao che một vết bẩn mà với người đời không bao giờ tẩy sạch. Nhưng phạm giới dâm đối với Tỳ kheo còn tàm quý thì cho thọ lại học giới, vì đây là phạm nghiệp có thể đọa địa ngục nhưng không làm ảnh hưởng đến Tăng trọn đời chúng như tội ăn cắp mức đại hình. Rõ ràng hai cái khác nhau, tội nghiệp tuy bằng nhau. Thậm chí tội hành dâm còn nặng hơn vì là pháp chướng đạo nhưng không làm ảnh hưởng đến tiếng xấu của Tăng chúng suốt đời, trong khi tội ăn cắp ảnh hưởng khó tẩy xóa đến cả tập thể Tăng chúng, nên phải đuổi. Như vậy, đối với sự phạm giới, chúng ta phải nhận xét là phạm nghiệp hay phạm học xứ.
Ở đây, Tôi muốn nhắc lại là không có luật nào mà không có phép xử trị. Nhưng chúng ta học luật xử trị theo luật cộng đồng. Phạm một điều luật đã được qui định cho cộng đồng, nó phá vỡ những giao ước với cộng đồng trong cuộc sống, tất phải bị cộng đồng trừng phạt bằng cách loại trừ, còn nghiệp làm thì cá nhân phải chịu, nặng nhẹ tùy theo mức độ hành động của mình. Phạm nghiệp thì không thể sám hối được; vì không ai có thể xóa nghiệp xấu của một người, nhưng Tăng cho sám hối là để dắt dẫn người phạm tự nỗ lực tu tập cho tới khi chứng quả A-la-hán, bấy giờ tất cả nghiệp đó có thể giải. Nghĩa là, theo đức từ bi của Phật, Tăng luôn luôn tìm cách để cứu vớt người phạm dù người đó rơi xuống tận địa ngục A-tỳ. Nghiệp đã làm thì không có cách sám hối nào hết được mà phải trả thôi. Nghiệp đã làm như đã chặt ngón tay thì không có cách sám hối nào cho ngón tay mọc lại được hết, nhưng biết cách băng bó chữa trị thì vẫn còn cơ hội cứu vãn.
Thành ra trong pháp sám hối, vấn đề rất tế nhị. Tuy cùng phạm một tội nhưng tùy trường hợp hoặc cần ra trước tập thể sám hối, có khi không cần.
Đây là phần thứ nhứt nói tổng quát về nguồn gốc của luật và tại sao có luật? Vừa rồi, chúng ta có nói tới Giới và Luật, nhân đây chúng ta phân biệt thêm.
Luật là gì?
Từ luật và luật pháp trong thế gian, như chúng ta đã nghe nhiều. Luật trong Phật giáo một cách tổng quát cũng cùng ý nghĩa như thế gian nhưng vì mục đích khác cho nên nội dung cũng phải khác. Mục đích của Phật đặt ra luật là gì? Là để tạo điều kiện cho một Tỳ-kheo, một Phật tử, đạt đến Thánh đạo, chứng quả Niết-bàn. Mục đích luật của thế gian là gì? Là lập trật tự cộng đồng, để cho thịnh vượng và hạnh phúc, để hưởng thụ vật dục trong thế gian. Mục đích khác nhau nhưng bên nào cũng cần luật. Từ luật, mỗi nơi sử dụng khác nhau nhưng ý nghĩa của luật là phổ quát. Luật là luật pháp. Trong Phật giáo chữ Luật trong Kinh điển gọi là vinaya (âm Tì-nại-da, hay tì-ni), do gốc động từ vi-nī: vinayati, dắt dẫn, hướng dẫn. Vinaya, nghĩa cơ bản là dắt dẫn, hướng dẫn, từ đó hiểu qua nghĩa bóng là huấn luyện; chữ Hán dịch là điều phục. Điều phục chính là huấn luyện; mà huấn luyện thì phải có kỷ luật. Như người học nghề v.v…, nghề nghiệp nào cũng cần có kỷ luật. Tất cả đều có luật của nó để hướng dẫn việc làm. Thành ra theo ý nghĩa trong kinh, luật là điều phục, mà điều phục đây đương nhiên là điều phục tâm. Nhưng trong điều phục của luật có hai phần: Điều phục tập thể và điều phục cá nhân. Tổng quát Phật chế luật với 10 mục đích, gọi là “Thập cú nghĩa” (Pali: dasa atthavase paṭicca). Trong những mục đích này, cơ bản là tạo sự hòa thuận giữa Tăng (Pl.: saṅghasuṭṭhuyāya) và đem lại sự an lạc cho Tăng (saṅghaphāsutāya), tức nhân và quả thành hai điều.
Thứ nhất là tạo sự hòa thuận, đây là một trật tự hòa thuận. Hòa thuận là gì? Nghĩa là Tăng chúng thì phải có trật tự. Một Tỳ-kheo và các Tỳ-kheo sống trong một cộng đồng, khi đi đứng nằm ngồi, ra vào phải có khuôn phép trật tự chứ không thể tự tiện. Có luật thì có trật tự, Tăng chúng mới ổn định được. Ngoài ra, người ta vẫn thường nói “con sâu làm rầu nồi canh”. Trong một tập thể mà có một thầy Tỳ-kheo sống nghênh ngang thì uy tín của Tăng nhất định bị ảnh hưởng. Thời Phật, hai Tỳ kheo A-thấp-bà và Phú- na-bà-sa (Pl. Assaji-Punabha- su), sống trong một tụ lạc mà quan hệ với thế tục không theo khuôn phép của Tăng, nên khi ngài Xá-lợi-phất dẫn đệ tử đến không được ở đó có thiện cảm, không ai cúng dường gì cả, nên khất thực mà bưng bình bát không trở về. Ngài biết rằng, ở đó có vị Tỳ-kheo nào đó sống ô-tha-gia, làm ác hành, sống không đúng tư cách nên tuy rằng đạo đức như ngài Xá-lợi- phất ôm bình bát đi khất thực mà không ai đặt bát cho. Sau đó sự việc được biết rõ, Phật khiến các Tỳ-kheo tác pháp đã đuổi hai ông ấy đi chỗ khác. Chính là phải có những quy luật như vậy để ràng buộc thì mới có trật tự trong Tăng. Điều đó có nghĩa Luật tạo trật tự trong cuộc sống của tăng. Có trật tự thì mới có an lạc, tức là Tăng an lạc. Mà có an lạc thì các Tỳ-kheo trong tập thể đó mới có điều kiện tu hành. Trong một tập thể nào mà trong đó Tăng chúng thuần tịnh, đi đứng có nề nếp, giờ giấc tu hành nghiêm chỉnh thì cá nhân Tỳ-kheo mới yên ổn tu tập được, mặc dù mỗi người tu theo cách riêng của mình. Đây là ý nghĩa điều phục tập thể. Điều phục này có nghĩa là luật ràng buộc để tạo trật tự, đem lại sự an ổn và an lạc trong Tăng.
Thứ hai là điều phục cá nhân. Điều phục này gọi là trừng trị những kẻ ngoan cố, tức là điều phục những kẻ chưa điều phục và kẻ đã được điều phục thì làm cho phát triển. Tức là những người sống vô kỷ luật khi vào Tăng chúng được khép vào kỷ luật. Chính điều này cũng quan trọng, bởi vì khi độ người xuất gia chúng ta đâu biết rằng người ấy là Thánh hay phàm, chân hay giả, mà chỉ biết sự chân thành ở mặt ngoài thôi. Ngay trong thời Phật cũng có kẻ xuất gia chỉ vì mục đích kiếm ăn hay trà trộn vào để phá Tăng. Người ấy sau khi xuất gia, bị bắt buộc học Luật trong tất cả mọi oai nghi đi đứng, nằm, ngồi, quan hệ, tọa thiền v.v… trong tất cả mọi sinh hoạt tu học, một thời gian sau quen với đời sống đó, hiểu đời sống đó, thì từ một con người xấu xa, gian xảo quỷ quyệt được trà trộn vào để kiếm ăn hay phá hoại, cuối cùng cũng trở thành con người tốt. Đó là sự cảm hóa vi diệu của Chánh pháp.
Luật đặt ra cũng nói đến quan hệ giữa tập thể Tỳ-kheo và cộng đồng ngoài đời. Tỳ-kheo bỏ nhà bỏ cửa sống đời sống không tư hữu nhưng vẫn phải ăn, vẫn phải mặc. Người đời không ai cho không những thứ họ làm ra bằng trí óc hay thể lực; thành ra phải có sự trao đổi theo những giao ước xã hội đã trở thành truyền thống, văn hóa. Sự trao đổi đó nói rằng, một tập thể Tăng dù đã thoát ly khỏi ràng buộc xã hội vẫn phải có nhiệm vụ gián tiếp đối với xã hội; nhìn một mặt là gián tiếp nhưng mặt khác vẫn là đóng góp trực tiếp trong sự phân công xã hội. Ở đây phân biệt một Tỳ-kheo quan hệ với người đời có mấy tư cách? Tỳ kheo sống dựa vào sự chu cấp của xã hội, cho nên phân thành bốn hạng.
Thứ nhất, Tỳ-kheo ăn của tín thí như bọn ăn trộm. Đó là Tỳ-kheo sống phá giới phạm trai. Trong cái gọi là khế ước phân công xã hội, người đời cần có những tấm gương đạo đức làm mẫu mực. Nhìn vào những gương đạo đức để sống và có một trật tự xã hội. Một xã hội mà không có những tập thể sống mẫu mực như vậy để cho mọi người bắt chước thì xã hội sẽ loạn. Nếu người xuất gia mà không đáp ứng được điều đó, không phải là những chuẩn mực đạo đức cho xã hội và như vậy là vi phạm hợp đồng. Phật nói, những người xuất gia như vậy là hạng người sống bằng sự ăn trộm của xã hội.
Thứ hai, Tỳ-kheo sống mà ăn như đầy tớ. Đó là những người sống giữ giới luật nhưng là phàm phu, chưa chứng quả Thánh. Họ sống như người làm thuê cho tục gia. Thí chủ cúng cho mình một bát cơm, mà trong hiện tại, là muốn nuôi dưỡng chuẩn mực cho trật tự xã hội, và cũng muốn phước báo đời sau nữa. Ăn cơm của người ta và cầu nguyện cho người sống lâu, cho được giàu sang, cũng như tôi tớ lao động để làm giàu cho chủ, phải cày cuốc, làm ruộng vườn để được chủ trả lương ăn hằng ngày.
Thứ ba, Tỳ-kheo sống ăn như người vay nợ. Đây là chỉ cho những vị đã chứng quả Thánh từ Tu-đà-hoàn trở lên. Ngay trong đời này và ít nhất là trong bảy đời nữa vị đó sẽ chứng quả A-la-hán. Ở đây nói ăn như vay nợ, nghĩa là các vị chứng Thánh đạo giống như người có tài sản, có đất đai muốn kinh doanh nhưng thiếu vốn nên phải vay nợ và thế chấp bằng đất đai để buôn bán, một thời gian sau khi trở thành người giàu có, thành ông chủ thì trả nợ lại. Cũng vậy, bây giờ tạm thời các vị Tu-đà- hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm đi vay nợ ăn để nuôi thân mình cho tới khi chứng quả A-la-hán mới thôi. Thứ tư, Tỳ-kheo sống ăn như người chủ, giống như ông chủ ngân hàng, đó là những vị đã chứng quả A-la-hán, là bậc ứng cúng, xứng đáng được thọ nhận cúng dường. Đây là quan hệ giữa người xuất gia và những người sống ngoài đời thường; còn sống còn ăn là còn có quan hệ về quyền lợi và nghĩa vụ. Chính điều này đã đặt ra luật.
Lần đầu tiên khi Phật thuyết pháp tại Ma-kiệt-đà, ngay sau đó đã có nhiều người từ bỏ gia đình theo Phật xuất gia, trong đó phần lớn là thanh niên. Bấy giờ hầu như cả thành phố bối rối và lo sợ. Dân chúng phản đối rằng, Sa-môn Cồ-đàm đến đây phá hoại, vì sao? Vì bấy giờ, những người trụ cột trong gia đình hoặc là cha, hoặc là chồng, hoặc là con đều bỏ đi xuất gia theo Phật hết. Đó là mâu thuẫn đầu tiên giữa Giáo đoàn đệ tử Phật và xã hội thế tục. Một người sống ở ngoài đời thì họ có nhiệm vụ với đời, nên khi họ đi tu thì xã hội bị một khoảng trống. Khi xã hội bị khoảng trống như vậy, người ta phải bù đắp lại một cái gì đó. Dù muốn dù không, người xuất gia vẫn phải bị ràng buộc với khế ước phân công xã hội, nghĩa là vẫn phải có nghĩa vụ, hay trách nhiệm nào đó đối với xã hội để được người đời chu cấp, nuôi dưỡng.
Cho đến thời hiện đại, chúng ta thấy chuyện này lại càng rõ hơn. Như hiện tại trẻ em sinh ra được nhà nước, người quản lý và giám sát nghĩa vụ chấp hành khế ước xã hội chăm lo. Nhà nước chăm lo bằng sự đóng thuế của dân. Vì thế, một thành viên của xã hội thì lớn lên phải có nhiệm vụ hoàn trả. Nếu nửa chừng mà đi tu, từ chối mọi trách nhiệm và nghĩa vụ thế gian, tức là cướp công của xã hội, thì phải bù lại cho xã hội cái gì đó. Cái duy nhất mà người xuất gia có thể bù lại cho xã hội như là bồi hoàn món nợ, đó chính là đạo đức, là giềng mối duy trì trật tự ổn định của xã hội, nền tảng của hạnh phúc và thịnh vượng theo nghĩa thế tục. Cho nên, quan hệ giữa tập thể xuất gia, nhìn mặt ngoài tuy thấy lỏng lẻo nhưng là mối quan hệ tự bản chất không thể phân ly.
Điểm nữa, khi tạo thành một tập thể, tuy rằng mục đích của người xuất gia cao thượng không tranh chấp gì với thế gian nữa, nhưng đã tạo thành cộng đồng, thì cộng đồng này sẽ xung đột với những cộng đồng khác. Thí dụ, cộng đồng Phật giáo sẽ xung đột với những cộng đồng không phải Phật giáo như cộng đồng Bà-la-môn, cộng đồng Hồi giáo… Ngay trong thời Phật tại thế cũng vậy, khi Phật đi đến nơi nào thì nơi đó Phật giáo mỗi ngày một thịnh hành và các nhóm khác như Kỳ-na giáo hay như Lục sư ngoại đạo tất nhiên bị giảm quyền lợi, mất sự tôn trọng và cúng dường của dân chúng, do đó họ sanh ra đố kỵ, ghen ghét cho rằng: “Ngày xưa mình sống ở đây, mọi mgười chung quanh kính trọng cúng dường. Bây giờ, Sa-môn Cồ-đàm đến nói pháp nên mọi người không cúng dường nữa”. Cho nên, nhiều chỗ đức Phật thuyết pháp trước một đám đông có cả đạo sĩ, phạm chí, những người xuất gia ngoại đạo như trường hợp với Phạm chí Nigroda. Sau khi thuyết pháp xong, Phật nói ông Phạm chí và các đệ tử của ông ấy rằng: Các ngươi tưởng rằng Ta đến đây nói pháp để giành quyền lợi vật chất hay sao? Không, quyền lợi vật chất của các ngươi vẫn còn y nguyên là của các ngươi, Ta không đụng chạm gì đến. Ta đến đây thuyết pháp không phải vì mục đích để cho người khác cúng dường… Vấn đề rõ ràng là Ngài thuyết pháp không phải vì mục đích để tranh giành quyền lợi. Và Ngài nói rằng, những gì các ông lâu nay cho rằng phải, là thích hợp, thì hãy cứ giữ nguyên như thế; đức Phật không bác bỏ, nhưng khi nhận thấy cái gì hay, cái gì thích hợp thì theo.
Dù Ngài đã thuyết pháp và xác định rõ như vậy, nhưng các ngoại đạo vẫn phân biệt và cho rằng do Sa-môn Cồ-đàm nói pháp như vậy như vậy nên quần chúng của mình bỏ đi theo hết, hay như người cư sĩ Ni-kiền Tử sau khi quy y Phật thì không còn sẵn sàng cúng dường cho nhóm Ni-kiền-tử nữa. Có rất nhiều chuyện xảy ra như vậy. Như một vị cư sĩ tại gia sau khi quy y Phật rồi nói rằng: Con đã quy y Phật rồi, từ nay cấm không cho đám Ni-kiền-tử tới nữa. Phật dạy rằng: Từ xưa tới nay, ông là nguồn suối của những người xuất gia Ni-kiền-tử thì nay ông cũng cứ nên tiếp tục như vậy. Mặc dù vậy, vẫn xảy ra nhiều âm mưu chống đối, phá hoại của các ngoại đạo như thường. Cho nên, đại đệ tử Mục-kiền-liên bị ngoại đạo phục kích đánh chết và nhiều đệ tử khác của Phật cũng bị hành hung, ngay cả Phật nhiều khi cũng bị bao vây không cho đi và vu khống, đặt điều xuyên tạc đủ thứ để triệt hạ uy tín. Nghĩa là, dù đức Phật đã tuyên bố như vậy, đã khuyên cả những phú hộ giàu sang sau khi quy y Phật tiếp tục ủng hộ những người ngoại đạo trước đó đã từng ủng hộ, chứ không nhất thiết chỉ ủng hộ đức Phật và chúng đệ tử, nhưng vẫn xảy ra tranh chấp nhiều khi dẫn đến bạo lực mà các đệ tử Phật luôn luôn là nạn nhân.
Thành ra một tập thể Tăng, cơ bản nhất là cộng đồng tôn giáo này sẽ tranh chấp với cộng đồng tôn giáo khác, nên cần phải có luật ứng xử thế nào để tránh những tranh chấp này. Nếu không như vậy, xung đột, đấu tranh và mâu thuẫn quyền lợi hoặc vật chất hoặc tinh thần vốn là quy luật phát triển của xã hội, thay vì cộng đồng Tăng lữ xuất hiện là để đem lại trật tự cho xã hội, mà khi đi vào xã hội lại làm cho xã hội rối loạn thêm nữa. Đó là sai ý nghĩa mà Phật thiết lập lập tổ chức Tăng-già.
Tăng-già là một cộng đồng đệ tử xuất gia của Phật phải sống giữa cộng đồng xã hội có nhiều phe phái, nhiều tổ chức chính trị, nhiều đoàn thể; mỗi tổ chức có mục đích riêng, quyền lợi vật chất riêng và họ luôn luôn có xu hướng tranh chấp với mình. Chúng ta nói rằng người xuất gia không có mục đích như thế gian, nhưng cơ bản nhất vẫn phải có miếng ăn, có cái để mặc, mà ăn và mặc thì làm thế nào để có? Dù sống khổ hạnh, mỗi ngày chỉ ăn một bữa, nhưng cơm vẫn là khẩu phần, mà một tập thể tăng vẫn tiêu thụ mất một khoản ruộng lúa nào đó. Khi đám ruộng lúa đó thuộc về Tăng thì những nhóm khác sẽ bị mất khiến thế gian phải tranh chấp để dành lại dưới hình thức thu nhập nào đó, hoặc vật chất hiện tại, hoặc bằng điều gọi là phước báo cho đời sau.
Cho nên, mục đích chế luật của Phật là để đệ tử xuất gia không tranh chấp với thế gian mà vẫn có thể tồn tại được. Nếu không có luật thì chúng ta không thể tồn tại vì chỗ nào, đi đến đâu, cũng vẫn là đất đai của người đời; bất cứ vật dụng gì mà người xuất gia cần cũng là sở hữu của người đời. Trong cả thế gian này, không có cái gì là sở hữu của người xuất gia cả, thậm chí cho đến một khoảng đất trống để tọa thiền.
Thật sự, chúng ta nói rằng mình không tranh chấp nhưng nhìn vào đâu cũng thấy có tranh chấp khốc liệt. Từ khi con người có tư hữu thì có sự tranh chấp khốc liệt cho nên luật cần thiết là chỗ đó. Vì vậy, học luật cần phải nhìn thấy rõ điểm này.
Trong Luật chúng ta học cũng còn nhiều điều khó lý giải theo kiến thức phổ thông hiện nay, có thể là do giới hạn hiểu biết của chúng ta và cũng do giới hạn của thời đại lịch sử nữa. Tức là những điều luật được lưu truyền đã trải qua một thời kỳ quá xa xưa, qua nhiều quốc độ mà phong tục, tập quán khác biệt nhau, khiến cho ý nghĩa nhiều khi thoạt xem không thể chấp nhận theo giá trị đương đại. Chính vì vậy mà có nhiều người cho rằng luật ngày xưa cổ hủ và đòi thay đổi. Thế nhưng, tự bản chất, không có gì là cổ hủ cả hay lỗi thời trong các điều luật Phật chế. Luật ngày xưa gắn liền với những xung đột mà những xung đột đó cho đến hôm nay vẫn còn nhưng dưới hình thức khác. Xung đột của con người vẫn là những xung đột về tài sản vật chất, tranh chấp ruộng vườn, nhà cửa, v.v…
Theo đó mà nói, Luật Phật chế nếu nhìn sâu trong bản chất thì không chỗ nào lạc hậu hết, trừ khi xã hội loài người xóa tan không còn tranh chấp nữa thì bấy giờ, hẳn nhiên luật Phật mới không còn cần thiết hay thích hợp. Còn tranh chấp thì luật vẫn còn, tranh chấp từ thời thái cổ, thượng cổ cho tới bây giờ. Tức là bắt đầu từ thời giành nhau từng bó lúa trong kinh Khởi thế nhân bổn, thì quy luật tranh chấp cho tới bây giờ vẫn còn đó, chỉ có điều xã hội phức tạp quá do nhân số tăng gia nhảy vọt nên cần có nhiều luật lệ. Ngày xưa chỉ là buôn bán trong làng trong xóm, còn bây giờ thì buôn bán rộng cả thế giới; ngày xưa dùng vỏ sò, rồi tiền vàng, tiền bạc… còn bây giờ thì đủ loại tiền, nên xung đột xã hội có khác nhưng bản chất thì giống nhau. Nhìn ra được bản chất đó thì luật Phật không có gì là lạc hậu, chỉ là do chúng ta không thấy mà cho là luật Phật lạc hậu rồi tìm cách thay đổi. Điều chắc chắn là xã hội còn thay đổi, liên tục thay đổi; đừng nói 200 năm nhiều khi 100 năm hay 50 năm sau xã hội vẫn liên tục thay đổi nữa, theo đó mà thay đổi Luật Phật, rồi cuối cùng mọi thứ thay đổi, không còn đâu là lời Phật. Chúng ta sẽ biến chánh pháp thành tà pháp lúc nào mà không hay. Thật sự, xã hội thay đổi liên tục nhưng cơ bản tự bản chất của con người không có gì thay đổi. Quan hệ giữa con người gốc từ tham sân si, từ ngã và ngã sở không hề thay đổi, không có gì thay đổi, cho đến khi chuyển phàm thành Thánh, thì luật Phật cũng sẽ không bao giờ thay đổi. Phải nhìn thấy bản chất của nó. Đây là chỗ mà chúng ta phải học để nhận thấy.
Vậy, chúng ta học Luật để thấy những gì mình làm đúng hay sai, những gì chấp trì được và những gì không kham, để cầu mong thấy rõ bản tâm của mình, là nhân tố thiết yếu để giác ngộ và giải thoát. Không phải học Luật, với mớ hiểu biết hạn hẹp, với trí tuệ thiển cận, và bằng sự si ngốc do bị chi phối bởi danh vọng hão huyền thế gian, rồi tự cao và tự tiện sửa đổi Luật Phật, do bởi sự dốt nát của mình, cho phù hợp hợp tâm lượng phàm phu và tham vọng mù quáng.
[Tập san Pháp Luân số 28, 29, 30]
Thảo luận về post