- [TIN LIÊN QUAN]
- >>> Trường ca Phật sử
- >>> Lễ Phật thành đạo | Hòa thượng Thiền Sư Thích Thanh Từ
- >>> Nhân sự kiện Đức Thế Tôn Thành đạo: Thánh cầu hay phi Thánh cầu?
- >>> [PDF] PHẬT THUYẾT KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP | Nói về sự tích đản sinh, xuất gia, thành đạo… của đức Phật & nhân duyên các vị đệ tử về qui y được Phật hóa độ
- >>> Bộ tranh lược sử cuộc đời đức Phật Thích Ca
- >>> Lịch sử Đức Phật Thích Ca qua 108 bức tranh vẽ | Chùa Tự Tâm
- >>> [PDF] Bộ tranh Lược sử cuộc đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni | Chùa Tự Tâm soạn tập thiết kế
- >>> TIẾN TRÌNH TU CHỨNG VÀ THÀNH ĐẠO CỦA ĐỨC PHẬT
- >>> Phim Phật Giáo Ấn Độ Nổi Tiếng | Cuộc Đời Đức Phật Thích Ca | Shakyamuni Buddha | Trọn bộ 55 tập
Đức Phật thành đạo là sự kiện lịch sử vô cùng quan trọng với toàn thể nhân loại, đánh dấu bước ngoặc vĩ đại về quan niệm con người và thế giới, mở ra khung trời mới cho hết thảy chúng sinh đang khổ đau trong đêm trường u tối. Hằng năm, đến ngày mùng 8 tháng 12 âm lịch, những người con Phật khắp năm châu đều hướng về Bồ Đề Đạo Tràng để kỷ niệm ngày Đức Phật Thành Đạo. Sự kiện Phật thành đạo có ý nghĩa lớn lao với Phật giáo. Bởi từ đây đã chính thức xuất hiện bậc Đại giác ngộ Thích Ca Mâu Ni Phật dẫn dắt chúng sanh đến bờ an vui giải thoát.1 Nhân kỷ niệm lễ Thành đạo, chúng ta thử đi vào tìm hiểu ý nghĩa và các giá trị của sự kiện này.
Ý NGHĨA THÀNH ĐẠO
Sự chứng ngộ tự thân
Thái tử Tất Đạt Đa thuộc giai cấp Sát Đế Lợi, dòng họ Thích Ca, con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da. Khi trưởng thành, thái tử tìm cách thoát ra ngoài cung vàng điện ngọc… để cảm nhận cuộc sống đương thời và nỗi thống khổ chung về sanh, lão, bệnh, tử mà con người phải gánh chịu. Sau quá trình học đạo với những đạo sĩ trứ danh của Ấn Độ đương thời, Ngài vẫn không thỏa mãn với những gì mà Ngài đạt được từ những vị đạo sư truyền dạy. Ngài quyết định từ bỏ các vị thầy, đến Khổ Hạnh Lâm cùng tu với năm anh em Kiều Trần Như. Suốt sáu năm khổ hạnh ép xác, bấy giờ thân thể Ngài chỉ còn lại da bọc xương, tinh thần mỏi mệt như một đống lửa sắp tàn. Nhận thấy lối tu này không mang lại kết quả gì cả, Ngài quyết định từ bỏ. Từ đó, Ngài trở lại ăn uống bình thường để duy trì sức khỏe, tiếp tục cuộc hành trình vĩ đại của mình. Sau khi quyết định, Ngài nhận lấy bát sữa của nàng Tu Xà Đa (Suyata) dâng cúng, sức khỏe và tinh thần giờ đây trở lại bình phục, Ngài đến bên bờ sông Ni Liên Thiền, dưới gốc cây Tất Bát La trải cỏ ngồi thiền và phát đại nguyện lớn. Suốt 49 ngày đêm tư duy thiền định, quán sát không gián đoạn, vào đêm cuối cùng khi sao mai mọc, Ngài chiến thắng ma quân, xóa tan màn vô tri đêm tối, chứng được Tam minh, Lục thông thành Phật với danh hiệu Thích Ca Mâu Ni, năm ấy Ngài 35 tuổi.
Đức Phật thành đạo mang lại ý nghĩa rất lớn. Ngày nay, chiêm nghiệm lại cuộc đời của Đức Phật, ta mới cảm nhận hết giá trị của ngày lịch sử Ngài được thành tựu Chánh Đẳng Chánh Giác[1]. Sự chứng ngộ của Đức Phật là cả một quá trình nỗ lực tu tập, bằng sự tinh tấn kiên trì Ngài đã chiến thắng cả nội ma lẫn ngoại chướng để thành tựu đạo quả. Suốt quãng đời giáo hóa, Ngài không ngớt nhắc nhở chúng ta qua bao lời dạy mà kinh điển đã ghi lại: “Các con hãy tự mình cố gắng, Đức Như Lai chỉ là bậc Đạo Sư”[2]. hay “Hãy tự mình làm hòn đảo, hãy tự mình làm nơi nương tựa cho chính mình”[3]. và “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”.
Đạo Phật chú trọng ở thực chứng, chớ không lý thuyết suông, sáo rỗng vô ích hay cuồng tín và cầu nguyện che chở từ quyền uy tột bực của các đấng siêu nhiên. Nhìn lại hành trình Đức Phật đã đi qua, ta càng thấm thía giá trị của sự nỗ lực và thực hành trong Phật giáo. Sự thành đạo của Ngài là kết quả tự nhiên từ tinh thần tự tu, tự chứng, không mảy may chứa đựng bóng mờ của giao cảm với thần linh hay sự cứu rỗi của một đấng siêu nhiên nào. Hình ảnh gầy gò tiều tụy của Ngài trong sáu năm đằng đẳng nơi Khổ Hạnh Lâm là ấn tượng sâu đậm, nhắc nhở chúng ta tinh tiến khai quang tất cả sự nỗ lực của mình.
Đem lại ánh sáng chân lý cho nhân loại
Phật thành đạo không chỉ là một cuộc chinh phục vĩ đại, một chiến thắng vẻ vang đối với bản thân, mà còn là một sự khai sáng tuyệt vời cho hết thảy nhân loại. Chí nguyện xuất gia của Ngài là để tìm phương cứu chữa cho đời sống chúng sanh đang ngập chìm trong khổ đau, như chính lời Ngài bày tỏ với Xa-nặc lúc chia tay: “Chính vì đêm tối Ta mới đi tìm ánh sáng”[4].Trong khoảng thời gian 45 năm còn lại của đời mình, Ngài soi rọi Ánh Đạo Vàng đến khắp muôn phương và huấn thị rõ ràng: “Nếu cõi đời không đau khổ tối tăm, Đức Phật đã chẳng xuất hiện ở đời”. Động cơ cao thượng này khiến Ngài dấn thân quên mình, hy sinh tất cả, quyết tìm ra chân lý để cứu độ quần sanh.
Sự kiện Phật thành đạo càng có ý nghĩa hơn nữa nếu chúng ta nhìn nhận vào chính ngay trong lòng xã hội thời Đức Phật. Thời kỳ này nảy sinh quá nhiều tư tưởng triết thuyết, gần một trăm hệ phái thần học, triết học khác nhau. Xã hội vô cùng phức tạp, tình trạng tâm linh con người rất đen tối, sự xáo trộn về trật tự gia đình, xã hội, tín ngưỡng đã bộc phát một cách mãnh liệt ở ngay nội tâm và ngoại giới. Giữa hoàn cảnh bế tắc ấy, Đức Phật xuất hiện như mặt trời rạng rỡ buổi sáng mai, xua tan đi những bóng tối của đêm đen dày đặc đang che phủ cuộc đời.
Con người là chủ nhân của chính mình
Phật thành đạo là sự kiện đề cao giá trị nhân bản. Phật chứng quả ngay trong kiếp người, Phật là người giác ngộ; điều đó chứng tỏ con người có địa vị tối ưu để trở thành Phật như kinh Hoa Nghiêm dạy: “Nhân thị tối thắng, năng sinh nhất thiết chư thiện pháp cố”. Trong khi bao đạo giáo khác dạy con người phải hướng đến thần linh, phải trút bỏ đi kiếp người lỡ vương mang, thì Đức Phật đã trả lại giá trị đích thực của kiếp người.
Ngài lấy con người làm cứu cánh để giải quyết hết mọi vấn đề bế tắc của thời đại, cả về nhân giới, tâm giới và siêu giới. Con người tự chịu trách nhiệm với cá nhân và hạnh phúc chính mình, chứ không có vấn đề ban phúc giáng họa từ một đấng tối cao.
CÁC GIÁ TRỊ THỰC TIỄN
Đức Phật dạy phương pháp tu tập mang lại an lạc ngay trong hiện tại
Trong suốt 45 năm thuyết pháp độ sanh, Thế Tôn giáo hóa vô số chúng sanh thấm nhuần giáo lý thể nhập nguồn an lạc thanh tịnh hạnh phúc ngay trong đời sống hiện tại. Phật giáo nhận định đời là khổ, ở đây không phải là bi quan, yếm thế mà nói lên sự thật để rồi tích cực tìm cách thoát khổ. Đó là một thái độ dứt khoát, tích cực và lạc quan với mục tiêu là nhằm giải thoát dần những khổ đau của con người, tiến đến hạnh phúc an lạc. Lời Phật dạy cần được áp dụng trong cuộc sống hiện tại chứ không phải trong chờ vào một viễn cảnh xa xăm ở một tương lai nào đó. Vì vậy, trong suốt 45 năm thuyết pháp Đức Phật chỉ nói về khổ và con đường diệt khổ.
Triết gia Osho cho rằng, Đức Phật không phải là một triết gia mà Ngài là một vị lương y luôn chữa trị tâm bệnh. Vì rằng, “một triết gia là người cứ liên tục nói về màu sắc và ánh sáng cho người mù, cứ làm cho anh ta càng lẫn lộn và bối rối, vì người mù không có khả năng hiểu gì về ánh sáng cả. Đức Phật không định triết lý hóa về ánh sáng, mà chỉ cho anh ta một phương thuốc để chữa lành mắt. Thế là anh ta có thể tự nhìn thấy[5]. Khi đã có phương pháp, hành giả nên bắt tay ngay vào việc tu tập một cách miên mật để nhằm loại dần những phiền não lậu hoặc làm cho tâm trở nên an tịnh thuần khiết. Khi đó, họ thực sự là người có hạnh phúc an lạc.
Như vậy, giáo pháp của Đức Phật là để áp dụng thực hành chứ không phải dùng để trưng dẫn. Người thực sự hành trì giáo pháp mới nếm được hương vị của sự an lạc giải thoát, bằng không thì chỉ như chiếc thìa để trong tô canh chẳng bao giờ thưởng thức được vị ngon của canh.
Đức Phật – nhà cách mạng đầu tiên về nhân quyền và bình đẳng
Đức Phật là nhà cách mạng nhân quyền và bình đẳng đầu tiên của nhân loại. Ngài dõng mãnh phá bỏ truyền thống phân chia giai cấp lâu đời dưới hệ tư tưởng Bà La Môn giáo. Ngài dạy: “Không có giai cấp trong dòng nước mắt cùng mặn và dòng máu cùng đỏ”. Chủ nghĩa bình đẳng được thể hiện rõ trong tinh thần giới luật và đời sống Tăng đoàn, tiêu biểu nhất là sáu phép Lục hòa, đây là thước đo trung thực nhất về tính bình đẳng nhất quán được áp dụng trong đời sống sinh hoạt của Tăng đoàn.
Trong giáo pháp của Như Lai, tất cả mọi người đều có quyền bình đẳng như nhau, ai cũng có thể tu tập và chứng ngộ, ai cũng có thể dự được phần an lạc, giải thoát nếu thực hành đúng theo lời dạy của Ngài. Từ người thông minh như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, đến hạng thiển trí như Châu Lợi Bàn Đà; từ vua quan cao sang quyền quý, đến thứ dân như: Nan-đà, A-nan, Đề-bà cho đến Ưu-ba-li, Liên-hoa-sắc… tất cả đều được thâu nhận và khi đi vào trong giáo pháp ấy họ đều chứng đắc Thánh quả, họ không còn mang tên của giai cấp cũ nữa, mà họ đều là đệ tử của Như Lai.
Giáo pháp của Đức Phật có giá trị miên viễn
Trước khi Đức Phật nhập Niết bàn, Ngài hỏi tất cả các Tỳ kheo có còn thắc mắc vấn đề gì trong giáo pháp nữa không? Chư Tỳ – kheo im lặng, Tôn giả A Nậu Lâu Đà đại diện đại chúng bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn tất cả đại chúng im lặng vì không có Vị nào còn nghi ngờ hoặc chưa hiểu giáo lý. Thế Tôn, cho dù mặt trăng trở nên nóng và mặt trời trở thành lạnh; giáo pháp Thế Tôn thuyết giảng cũng không bao giờ thay đổi giá trị và nghĩa lý”.
Thật vậy, theo dòng thời gian, đã hơn 25 thế kỷ qua, nhưng chân lý được Bậc giác ngộ tự thân chứng tri, tự thân liễu tri vẫn sáng ngời. Cho nên, nó không có sự ngăn ngại của không gian và thời gian. Khi nào và ở đâu thì tinh thần khế lý, khế cơ và khế thời cũng đầy đủ. Đó là giáo pháp mang tính miên viễn từ sơ thiện, trung thiện và hậu thiện.
Tóm lại, quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác của Đức Phật, cuộc đời của Đức Phật là một minh chứng hùng hồn, một cảm hứng tuyệt vời cho tất cả chúng ta nương theo để tu tập. Ngài là một bậc Đạo sư lớn của trời người, một nhà triết học và là một nhà tư tưởng vĩ đại của nhân loại. Qua kho tàng kinh điển của Phật giáo, ta thấy rằng Đức Phật không đơn giản chỉ là một nhà lãnh đạo tôn giáo kiệt xuất, một triết gia, một nhà giáo dục, mà còn là một thầy thuốc thiên tài trong trường đời, có khả năng chữa khỏi mọi căn bệnh khổ đau cho hết thảy chúng sanh.
Chú thích:
* Đại đức Tiến sỹ Thích Trung Định, Ủy viên Ban văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chánh Thư ký Phân ban Hoằng pháp Hải ngoại – Ban Hoằng Pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
1. Thích Nữ Liên Chương, Ý nghĩa thành đạo, trang Buddhatoday/Viet/Phatphap/116, Thành đạo.
[1] Dhamma-pada (Kinh Pháp Cú), câu 153-154.
[2] Pháp cú, 276.
[3] Kinh Đại Niết Bàn, tập 2, tr.20
[4] Võ Đình Cường, Ánh Đạo Vàng, tập 4.
[5] Đoàn Văn An, Tìm hiểu tư tưởng triết học tánh không trong kinh Kim Cương, Nxb. Hà Nội, tr.54.
Thảo luận về post