CÁI TẬT CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ
Nói thẳng luôn, đó là gần gũi người tu nhiều quá rồi sinh tâm ngã mạn. Chùa nào cũng có vài người như vậy. Thật ra thì chùa lúc nào cũng nhiều việc, mấy chùa đông tăng chúng thì đỡ, chùa ít tăng chúng thì phải cần cư sĩ Phật tử đến hỗ trợ, làm công quả, giúp đỡ việc chùa. Nhưng riết rồi, quên mất mình là Phật tử.
>>> 7 LỜI KHẤN NGUYỆN CHO NGÀY MỚI BÌNH AN
>>> KINH ĐẠI PHÚC ĐỨC (Mahamangala Sutta) – HT. Thích Huyền Diệu (dịch)
Nói thẳng luôn, đó là gần gũi người tu nhiều quá rồi sinh tâm ngã mạn.
Chùa nào cũng có vài người như vậy. Thật ra thì chùa lúc nào cũng nhiều việc, mấy chùa đông tăng chúng thì đỡ, chùa ít tăng chúng thì phải cần cư sĩ Phật tử đến hỗ trợ, làm công quả, giúp đỡ việc chùa. Nhưng riết rồi, quên mất mình là Phật tử.
Theo quan sát của riêng tôi, Phật tử đến chùa có ba kiểu.
Kiểu thứ nhất là chỉ đến chùa tu, tụng kinh, học hỏi giáo lý, xong rồi về, đúng nghĩa đến chùa để tu, gọi tắt là tu trí. Những người này cũng đáng được tuyên dương bởi tinh thần tu học cũng rất cao, khóa tu nào cũng thấy mặt, nắng mưa gì cũng chịu tu.
Kiểu thứ hai là đến chùa chỉ biết làm công quả, thấy việc thì làm, việc gì tới tay thì không ngại, làm hết phần người ta. Gọi dễ hiểu là tu phước. Sẵn sàng chịu thiệt thòi không cần tụng kinh lễ bái, đứng sau lưng phục vụ cho những khóa tu, hộ pháp tích cực mỗi khi chùa có lễ.
Còn kiểu thứ ba là đến chùa để làm mẹ thiên hạ.
Thông thường đi khi chùa người ta thường trải qua ba giai đoạn.
Giai đoạn đầu, từ ghế đá tới chánh điện. Mới đi chùa còn nhiều bỡ ngỡ, rón ra rón rén, ngày đầu tới chùa chỉ biết ngồi ngoài ghế đá, tới giờ tụng kinh thì mặc áo vào chánh điện. Vào được chánh điện rồi, làm gì cũng nhìn trước nhìn sau, sợ tội, làm gì cũng sợ tổn phước, chỉ biết ông Phật với quyển Kinh. Thời khóa xong thì về, chả can dự việc ai, kiểu tu trong hòa bình an lạc.
Giai đoạn hai, từ chánh điện tới nhà trong. Đi chùa được vài tháng, quen biết nhiều người, rồi mỗi khi chùa có việc, xung phong làm công quả, việc gì cũng nhận, kiểu người nhiệt tâm thích phục vụ. Cái rồi ông thầy trụ trì thấy làm việc được, giỏi giang, nói chung là có tâm, sạch sẽ, giao cho vài việc quan trọng, lần sau vào chùa không cần biết ông Phật ở đâu, đi thẳng vô nhà trong, chỉ biết việc trụ trì giao, thế giới chả quan tâm. Riết rồi cứ ngửa mặt lên trời mà đi.
Giai đoạn ba, từ nhà trong vô tới phòng trụ trì. Làm việc giỏi, thành tâm quá, cái giao cho mấy việc hệ trọng, ví dụ như khui thùng Tam Bảo, đếm tiền. Hay trụ trì đi đâu giao chìa khóa chùa, nắm cái chìa khóa gì trong tay như nắm visa thông hành, kiểu ai đi đâu làm gì phải thông qua. Mấy thầy mấy cô hay nhờ đi mua đồ, hở miệng trên miệng dưới là tui làm việc cho quý thầy, tui làm việc cho quý cô. Riết rồi trở giọng trên trước, coi không ai ra gì.
Chưa hết, vào tới phòng trụ trì rồi cứ tưởng mình hơn mọi người, coi người ta quét sân hay làm dưới bếp ngoài vườn như không có, chỉ biết mỗi ông trụ trì. Vô chùa cái là chạy thẳng xe vô trong nhà, đâu như ngày xưa khép nép trước cổng xuống xe tắt máy, đâm thẳng vô phòng mấy thầy, không cần gõ cửa luôn, ngủ hay làm gì mặc kệ. Mà gặp mấy vị cũng hiền, không muốn nói, nói sợ giận, la làng lên, con làm bao nhiêu việc vì thầy, vì chùa mà bây giờ thầy nói con thế này thế nọ. Rồi nhắn tin đòi bỏ chùa, ở nhà tự tu.
Còn nữa, mấy vụ này chắc chắn chùa nào cũng có. Gần người tu nhiều quá, rồi coi như bạn. Ngày xưa mới đi chùa một tiếng dạ hai tiếng vâng, nói chuyện trước ngực lúc nào cũng chắp tay, đầu khi nào cũng cúi. Như bà tiên ông bụt. Còn bây giờ, gặp người tu trong chùa tiếng chào cũng không có, mấy nhỏ tuổi teen thì giơ hai ngón tay chào, mấy vị sồn sồn gọi thẳng tên mấy thầy, nói chuyện thì trống không chả đầu chả đuôi, nay cần gì gọi thầy gọi cô, gọi thẳng ông này ông kia, bà này bà kia, tay nay hết chắp mà chống để dưới hông, như nói chuyện với bạn bè.
Không cần biết phòng đó thầy nào, đồ đạc xài luôn, ghế trụ trì leo lên ngồi, chén muỗng để riêng cũng lấy ăn, dép thầy để cũng đút chân vô xỏ… ôi thôi kể không biết sao mới hết. Đó gọi là đi chùa để làm mẹ thiên hạ.
Thiện tai đó!
Được gần gũi các vị xuất gia là cái phước của mình. Có nhiều người đi chùa muốn gặp ông thầy để chia sẻ học hỏi cũng còn khó, mình được gần gũi rồi sanh tâm ngã mạn. Gần Phật kêu Phật bằng anh. Cảm thấy thân cận để giúp đỡ quý thầy công việc, hay tạo nhân duyên học hỏi, chỉ mình cái lỗi sai, học theo hạnh các vị đó, thì là việc nên làm. Chứ kiểu vung tay quá trán thì tốt nhất nên ở nhà. Nói thật. Đi chùa kiểu đó chỉ tổn phước thêm.
Đây phải gọi là cái bệnh phổ biến, không kể gì lớn nhỏ, xem chùa như nhà, xem tăng thành bạn. Người tu, không phải không dám nói, mà sợ, sợ dạy lại người tu luôn. Tháng đầu đi chùa như con, tháng sau đi chùa như bạn, tháng tiếp đi chùa như mẹ.
Xin phép chỉ nói vài trường hợp như thế để gọi là góp ý, chứ không phải chỉ chung mà đọc bài xong rồi nhảy lên vô bình luận phân tích đúng sai. Phật tử mình để ý để nhắc nhở nhau khi đi chùa, lấy sự khiêm hạ làm nền tảng. Được thân cận phụng sự Tam Bảo là phước duyên, không phải ai cũng có. Cung cách thể hiện được sự tu tập của bản thân, làm sao khi đi chùa người ta thấy mình có chuyển hóa, chứ càng tu càng như La Sát cũng chả ai ham đến chùa.
Phước tổn hết rồi kiếp sau không gặp được Tăng mà gần gũi. Phật dạy rồi, gặp được chư Tăng là khó, nên phải biết trân trọng, thân cận để học tập đạo lý, vừa làm hộ pháp để người xuất gia yên tâm mà tu tập.
Có đụng chạm ai thì cũng hoan hỉ, thương mới nói, tu mà để phước giảm đọa lạc thì chả ai muốn tu. Bao nhiêu gạch đá xin được nhận.
Chào thân ái và đoàn kết những bà mẹ khi đi chùa.
— Sư Giác Nguyên —
Thảo luận về post