>>> Cao Tăng Dị Truyện – Sa Môn Ca-Diếp Ma-Đằng
KINH AN BAN THỦ Ý LƯỢC GIẢI
THÍCH ĐẠT ĐẠO biên soạn
LỜI GIỚI THIỆU
Kinh AN BAN THỦ Ý là một trong những bản kinh được xuất bản sớm nhất ở Viễn Đông và đã góp phần vào việc phổ biến Phật giáo qua việc giảng dạy cách thức thiền tập trong nhiều tầng lớp thành phần xã hội khác nhau. Vì thế, nó có một vị trí hết sức quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Trung Quốc. Đối với Phật giáo Việt Nam chúng ta, bản kinh này là bản kinh được chú giải lần đầu tiên so với lịch sử chú giải kinh điển Phật giáo ở Viễn Đông, cụ thể là Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Trung Quốc. Điểm đặc biệt là bản chú giải này do một vị tăng sĩ được Phật giáo Việt Nam nuôi dưỡng, giáo dục và đào tạo: đó là Khương Tăng Hội (? – 280).
Do vậy, kinh AN BAN THỦ Ý có một vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong lịch sử Phật giáo dân tộc. Nhưng cho đến nay chưa được nghiên cứu và phổ biến rộng rãi. Kinh AN BAN THỦ Ý chính văn cùng với lời chú giải trong truyền bản hiện nay được ghép và in chung vào trong tập Đại Tạng Kinh số15, trang 163. No. 602, và việc tách rời hai dạng văn này cũng không phải dễ dàng gì. Chúng tôi mới bắt đầu cho nghiên cứu tổng quát bản kinh này và xuất bản bản dịch chính văn.
Nay Thượng toạ Thích Đạt Đạo đã dành thời gian dài nghiên cứu, sưu tầm, phát huy ý nghĩa của bản kinh nói trên và phát nguyện in ấn bản kinh nầy gồm những nghiên cứu liên hệ đến bản Kinh An ban thủ ý, cùng các kinh điển đề cập đến vấn đề chủ yếu của Kinh Tứ niệm xứ, Kinh Nhập tức xuất tức niệm, Kinh thân hành niệm do HT. Thích Minh Châu dịch để giúp các giới phật tử và những ai quan tâm đến Phật giáo hiểu rộng hơn về giáo lý của đức Phật và lịch sử văn hóa Phật giáo mà tổ tiên cách đây gần 2000 năm đã tiếp nhận và truyền bá. Tôi xin tán thán công đức và trân trọng giới thiệu đến giới Phật tử và chư độc giả.
Quý Đông, Vạn Hạnh ngày Phật thành đạo – PL.2547
GS.TS.LÊ MẠNH THÁT
Phó Viện Trưởng,
VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VN
LỜI TRI ÂN
Mục đích của Phật giáo là đưa đến một quả vị giác ngộ tối thắng, giải thoát viên mãn. Truyền thống chứng ngộ của ba đời chư Phật đều đề cập đến sự tu tập thiền định và vận hành lý nhân duyên. Cần khẳng định thêm rằng Tứ Niệm Xứ là linh hồn của Phật giáo, dù Như Lai thiền hay Tổ Sư thiền, dù ở góc độ nào đều lấy Tứ Niệm Xứ làm nền tản để tìm đến sự an tịnh mà làm sạch bản tánh chơn tâm. KINH AN BAN THỦ Ý LƯỢC GIẢI ngoài việc sưu tầm khảo cứu về giá trị lịch sử và vấn đề truyền bản, chúng tôi còn quan tâm đến một giáo lý tuyệt vời như vậy.
Hoàn thành bản khảo luận này, người viết thành kính dâng lên cố Đại lão Hòa Thượng tôn sư thượng TRÍ hạ THỦ; đức Hòa Thượng thượng MINH hạ CHÂU và Hòa Thượng thượng ĐỨC hạ CHƠN – Người Thầy đã dạy dỗ và đặc biệt rất quan tâm khích lệ đến việc tu học của chúng tôi. Không những thế, trong những tháng ngày được sống bên Người, người viết được thấm nhuần từ lời nói, cử chỉ và cánh sống tỏa sáng của Người hết sức khiêm cung, đã khiến người viết tâm đắc và kính phục. Xin ghi lại lòng thành kính tri ân vô hạn.
Kế đến kính dâng lên những bậc Thầy tôn kính, đã giáo dưỡng cưu mang chúng tôi trong suốt quá trình tu học từ khi còn là một chú tiểu.
Tôi chân thành cám ơn GS.TS. Thích Trí Siêu-Lê Mạnh Thát đã giúp đỡ chúng tôi hoàn thành công trình khảo cứu KINH AN BAN THỦ Ý LƯỢC GIẢI, về những ý kiến của GS đề nghị, về việc GS chịu khó đọc lại bản thảo. Trong phần cuối của cuốn sách, chúng tôi có trích dẫn nguyên văn bản kinh Niệm Xứ, kinh Nhập Tức Xuất Tức Niệm và kinh Thân Hành Niệm trong Trung Bộ kinh (Dìgha Nikàya tập III) đối chiếu bằng tiếng Pàli đã được Hoà thượng Thích Minh Châu chuyển dịch sang Việt ngữ do Nha Tu Thư Vạn Hạnh xuất bản năm 1972. Cuối cùng, cám ơn Sư cô Thành Chánh, đệ tử Nhuận Bi và cư sĩ Thanh Nguyên đã giúp chúng tôi sưu tầm các bản kinh đồng thời thực hiện bản đánh máy vi tính này.
Chùa Bát Nhã, ngày 18-01-2004.
Tỳ kheo Thích Đạt Đạo
LỜI TỰA CHO KINH AN BAN THỦ Ý.
An Ban (anapanna), ấy là xe lớn của chư Phật để cứu chúng sanh nổi trôi. Nó có sáu việc nhằm trị sáu tình. Tình, có trong ngoài. Mắt, tai, mũi, miệng, thân, tâm gọi là trong. Sắc, tiếng, mùi, vị, trơn thô, tà niệm gọi là ngoài.
Kinh nói: “Các biển mười hai việc”. Là nói sáu tình trong ngoài nhận lấy hạnh tà, như biển nhận sông, kẻ đói mơ cơm, ấy là vì không bao giờ thỏa đủ.
Tâm vươn tràn lan, không nhỏ gì là không chen vô, lẹ làng phảng phất ra vào không ngớt, trông không thấy hình, lắng không nghe tiếng, đón không có trước, tìm không có sau, sân niệm nhỏ nhặt, tóc tơ chẳng dáng. Trời thần tiên thánh không thể hiểu rõ. Lặng nẻo ở đây, hoá mọc chỗ kia, người phàm chẳng thấy, nên gọi là ấm. Giống như nhà nông khù khờ gieo cải, vung tay liệng hạt, có tới vạn ức. Người đứng bên không thấy dáng, kẻ gieo không biết số. Một hạt mục dưới đất thì muôn cây mọc trên mặt. Trong khoảnh khắc, tâm chín trăm sáu mươi lần chuyển, một ngày một đêm mười ba ức ý. Ý có một thân, mà tâm không tự biết, như kẻ gieo giống kia. Cho nên, thiền định thì cột ý vào hơi thở, đếm một đến mười. Đếm mười không lầm thì định ý ở đó. Tiểu định ba ngày, đại định bảy ngày, vắng không niệm khác, yên lặng như chết. Ấy gọi nhất thiền.
Thiền bỏ là bỏ mười ba ức ý niệm dở, đã đạt được định bằng đếm, chuyển niệm qua tùy, vứt bỏ tám món thì chính có hai ý. Ý định ở tùy do việc đếm số. Bẩn dơ tiêu hết, tâm hơi trong sạch gọi là nhị thiền.
Lại vứt đi một ý, chú ý vào đầu mũi, thì gọi là chỉ. Hành thiền đạt chỉ thì ba độc, bốn đường, năm ấm, sáu tối, mọi dơ đều dẹp. Tâm sáng rõ ràng hơn chân minh nguyệt, dâm tà dơ tâm, như gương ở bùn, cấu dơ quấy bẩn, đưa lên chiếu trời, úp xuống thấy đất, thông suốt thấy rõ tới muôn cõi. Tuy trời đất có lớn, thì không một cái to lớn nào có thể thấy. Sở dĩ như vậy là do nó bị bẩn dơ. Cái bẩn làm dơ tâm, còn hơn gương kia. Nếu có được thầy giỏi cạo gội lau chùi đến nổi bụi mỏng hơi che cũng sạch không còn, thì cầm lên để soi, lông tóc nét mặt không nhỏ gì là không thấy ấy là vì bẩn hết cho nên khiến được sáng vậy. Tình tràn thì ý lan, niệm muôn, mà không biết một, giống như ở chợ buông lòng nghe theo rộng thấu mọi tiếng nói, lui về ngỏ mà nhớ lại, không biết lời nói của một người. Tâm buông ý tan thì bẩn che chỗ thông. Nếu mình ở chỗ vắng, tâm lặng lẽ suy, chí không ham tà, nghiêng tai lắng nghe thì muôn câu không sót, một lời vẫn nhớ. Ấy là do tâm lắng, ý trong. Thiền định ngừng ý treo ở đầu mũi, đó gọi là tam thiền.
Trở lại thân, từ đầu đến chân, xét kỷ nhiều lần, đồ dơ trong thân, lông tóc xồm xoàm, như thấy mủ chảy, theo đó xem rõ hết trời đất người vật, thịnh cũng như suy, không gì tồn tại mà không tiêu vong, tin Phật ba báu, mọi tối đều sáng, ấy gọi tứ thiền.
Đưa tâm về niệm, các ấm đều diệt, ấy gọi là hoàn. Dục dơ vắng sạch, tâm không còn tưởng, ấy gọi là tịnh.
Người đạt được hạnh an ban, thì tâm họ sáng, đưa mắt xem trông thì không gì tối mà không thấy, việc xưa vô số kiếp và sắp tới cùng người vật hiện tại đang đổi thay ở các cõi, trong đó có đức Thế Tôn giáo hoá đệ tử đọc theo, không xa gì là không thấy, không tiếng gì là không nghe, nhanh nhẹn nhẹ nhàng, còn mất tự do, lớn sánh tám phương, nhỏ gom đầu lông, ngăn trời đất, giữ mạng sống, hiếp đức thần, phá lính trời, rung vũ trụ, dời các cõi, có tám bất tư nghì, trời chẳng thể lường, thần đức vô hạn. Ấy do sáu hạnh vậy.
Đức Thế Tôn, xưa sắp giảng kinh này thì vũ trụ rung chuyển, trời người đổi nét mặt, ba ngày “an ban”, không ai có thể hỏi. Do đó, đức Thế Tôn hoá ra hai người, một người hỏi, một vị tôn chủ diễn thuyết, kinh này mới ra đời. Đại sĩ thượng nhân cử sáu chúng mười hai nhóm, không ai là không chấp hành.
Có Bồ tát An Thanh, tự Thế Cao, con của đích hậu vua An Tức, nhường nước cho chú, đi khỏi lánh xứ mình, phơi phới tiến lên, bèn tới Kinh đô. Con người này học rộng biết nhiều, nắm hết ý thần, gôm luôn bảy chính, phong thủy cát dung, núi đổ đất rung, các món châm cứu, xem mặt biết bệnh, chim thú kêu hót, không tiếng gì là không hiểu, mang lòng nhân rộng như trời đất, thương người dân đen tăm tối, nên trước khâu lỗ tai, mở đôi mắt, muốn cho họ thấy nghe rõ ràng, rồi từ từ mới diễn bàng sáu độ chính chân, dịch Kinh An Ban bí áo. Người học nổi lên ùn ùn, không ai là không bỏ nết bẩn dơ, mà đến đức trong trắng.
Tôi sinh muộn màng, mới biết vác củi, cha mẹ đều mất, ba thầy viên tịch, ngửa trông mây trời, buồn không biết hỏi ai, nghẹn lời trông quanh, lệ rơi lặng lẽ. Song phước xưa chưa hết, nên gặp được Hàn Lâm từ Nam Dương, Bỉ Nghiệp từ Dĩnh Xuyên và Trần Huệ từ Cối Kê. Ba vị hiền này tin đạo dốc lòng, giữ đức ngay thẳng, canh cánh lo lắng, lòng đạo không mỏi. Tôi đi theo xin hỏi, ý đồng lý hợp, nghĩa không sai khác. Trần Huệ chú nghĩa. Tôi giúp châm chước[1]. Không do thầy thì không truyền, không dám tự do. Lời nhiều thô lỗ, không diễn hết ý Phật. Các vị minh triết hiền năng, xin cùng đến xem. Nghĩa cũng suy suyển, thêm thánh sau định, để cùng làm rõ sự dung hợp thánh thần.
Thảo luận về post