CHUYỆN VỀ ĐẠI SƯ THIỆN ĐẠO
Trích: Đại Sư Thiện Đạo Lược Truyện
Người Dịch: Thích Nữ Hòa Ý
Người Đọc: Chánh Pháp – Diệu Hương
—————-
1. Hồi ký thiếu niên, ban đầu gặp gỡ
Đại sư Thiện Đạo sinh vào niên hiệu Đại Nghiệp thứ 9, đời Tùy (613), họ Chu, người Tứ Châu, An Huy. Lúc Đại sư còn nhỏ, vua Tùy Dạng Đế ba lần thân chinh đánh Cao Ly thất bại, chiến tranh nổ ra liên miên khắp nơi, triều Tùy nhanh chóng bị diệt vong. Năm 11 tuổi, Đại sư tận mắt chứng kiến nỗi đau khổ thế gian, đạo tâm rời xa cõi trần tự nhiên manh nha, thế là đường xa đến Pháp sư Minh Thắng ở Sơn Đông, Mật Châu xin cắt tóc xuất gia. Pháp sư Minh Thắng là tông chủ của Tam Luận tông, ngài rất thích đứa trẻ có phong thái bất phàm này, nên đặt tên là “Thiện Đạo”, dốc lòng hướng dẫn cậu nghiên cứu học tập các kinh luận Đại thừa như kinh Pháp Hoa, kinh Duy-ma-cật, v.v..
Một lần cơ duyên ngẫu nhiên, Đại sư nhìn thấy một bức tranh “Tây phương biến tướng đồ”, bức tranh mô tả thắng cảnh đẹp đẽ vi diệu của thế giới Cực Lạc của Phật A-di-đà. Đại sư nhìn đến thần trí hướng về, tự nhiên nảy sinh chí nguyện vãng sanh Cực Lạc.
Năm 20 tuổi Đại sư thọ giới Cụ túc, trở thành một vị Tỳ-kheo chính thức. Sau đó, ngài đi khắp thiên hạ, tầm sư học đạo, khổ nhọc tìm cầu cách vãng sanh Cực Lạc. Có lần, Đại sư và một vị tăng tên là Diệu Khai cùng đọc quyển kinh Quán Vô Lượng Thọ, biết rằng có thể thông qua quán tưởng Phật A-di-đà và sự trang nghiêm của thế giới Cực Lạc để thành tựu tâm nguyện vãng sanh Cực Lạc. Thế là, khi Đại sư 23 tuổi đã đến chùa Ngộ Chân, núi Chung Nam ở gần Trường An, môi trường thanh nhã yên tĩnh trong chùa rất thích hợp cho việc tĩnh tu. Đại sư y theo phương pháp quán tưởng trong Quán kinh, trải qua nhiều năm tinh tấn chuyên cần dụng công, chứng được Quán Phật tam muội, trong định cảnh sâu lắng vi diệu mà nhìn khắp thế giới Cực Lạc, tựa như thấy vật ở ngay trước mắt, rõ ràng sáng tỏ. Mới hơn 20 tuổi mà có thể chứng ngộ Quán Phật tam-muội trong hoàn cảnh không có ai hướng dẫn, sự thành tựu của Đại sư có thể nói là “vô tiền khoáng hậu”, điều này cũng không quá khó hiểu khi vì sao tổ sư khai sơn của Luật tông là Luật sư Đạo Tuyên ghi tên của Đại sư Thiện Đạo—người nhỏ hơn mình 17 tuổi vào trong Tục cao tăng truyện.
…………………………..
Là tổ sư khai tông của Tịnh Độ tông, lẽ ra ơn huệ của Đại sư phải lưu đến muôn đời, nhưng điều đáng tiếc đó là, vì Pháp nạn Hội Xương vào cuối đời Đường, cùng với chiến tranh loạn lạc thời Ngũ đại Thập quốc, tổ điển căn bản khai tông lập giáo của Tịnh Độ tông. Quán kinh tứ thiếp sớ, và gần như hầu hết các trước tác đều đã bị thất truyền ở Trung Quốc, truyền thừa chánh tông của Tịnh Độ tông ngay đây bị gián đoạn.
Hơn 1000 năm sau đời Tùy, đông đảo người tu hành Tịnh Độ bị thiếu sót tông chỉ lý luận thuần chánh, pháp môn Tịnh Độ chỉ đành dẫn dụng các quan niệm tu hành tự lực của những tông khác phái khác, để giải thích nương vào gia trì Phật lực, dẫn đến hoàn toàn trái ngược, đau xót đánh mất lợi ích vãng sanh.
Mãi đến cuối thế kỉ 20, các trước tác của Đại sư Đàm Loan, Đạo Xước, Thiện Đạo mới được Pháp sư Huệ Tịnh, Pháp sư Tịnh Tông chỉnh lý biên soạn từ trong Đại chánh tạng, xuất bản lưu thông rộng khắp, và dưới sự dốc lòng tuyên giảng của các ngài, Tịnh Độ tông do Đại sư Thiện Đạo sáng lập lần nữa tỏa sáng rực rỡ, dẫn dắt người tu Tịnh Độ hết lớp này đến lớp khác bước đi trên con đường ánh sáng nhất định vãng sanh.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
Thảo luận về post