>>> [Video] Phật Quang Sơn – Cuộc Đời & Sự Nghiệp HT. Tinh Vân
I. LỜI BỘC BẠCH CHÂN THÀNH – NHẮN NHỦ SAU CÙNG CỦA TÔI
>>> Nhân cách và phong cách của Đại sư Tinh Vân (Hsing Yun)
Cùng các vị Phật tử hộ Pháp, thưa quý bạn hữu, các vị đồ chúng đệ tử
Tôi [mượn những dòng chữ này để] có đôi lời bộc bạch chân thành gửi đến quý vị.
Trong cuộc đời tôi, ai cũng nghĩ tôi rất giàu có, nhưng sự thực nghèo kiết xác mới là bản hoài, chí hướng của tôi. Thuở nhỏ, gia đình tôi nghèo xơ xác, song chưa bao giờ tôi cảm thấy rằng bản thân là một đứa trẻ nghèo khổ, trái lại tôi cảm nhận nơi nội tâm tôi một sự giàu có. Đến khi tuổi tác chất chồng, mọi người thấy tôi nắm nào là bao nhiêu trường học, cơ sở văn hóa, nhà xuất bản, rồi quỹ học bổng, nên cho rằng tôi là một người giàu có, lắm của nhiều tiền. Trong khi đó, từ thâm tâm mình tôi lại thấy mình chẳng nắm lấy một thứ gì cả, bởi vì tất cả những thứ [mọi người nhìn thấy tôi cầm nắm] đó đều là của thập phương đại chúng, không phải của cá nhân tôi. Trên thế giới, tuy tôi xây dựng không ít chùa chiền tự viện, nhưng tôi chưa từng xây cho mình gian phòng hay ngôi nhà nào, tôi cũng chưa từng mua thêm cho mình cái bàn, sắm thêm cho mình cái ghế. Có thể nói bản thân tôi, trên không một miếng ngói che thân, dưới không một tấc đất để làm của, phẩm vật của đại chúng, của giáo đoàn là của cúng dường từ thập phương tín thí, lấy đâu ra hai chữ “cá nhân”? Dẫu vậy, từ trong nội tâm mình, tôi lại như cảm thấy mình có được cả thế giới.
Cả một đời, tôi chưa từng dùng đến bàn làm việc, cũng chưa từng có cái tủ riêng nào. Tuy môn hạ đồ chúng có lòng, cũng chuẩn bị sắp xếp cho tôi đầy đủ cả, nhưng quả thật trước nay tôi chưa từng sử dụng tới. Cả một đời tôi cũng chưa được mấy lần xuống phố mua sắm này nọ; cả một đời tôi chưa từng có tài khoản ngân hàng, tất cả những gì mà mọi người đang thấy tôi có được, đều là của đại chúng, đều là của Phật Quang Sơn, mọi thứ đều trả về cho xã hội, tôi cũng hy vọng môn nhân đồ chúng của tôi nên học lấy hạnh “phụng sự Phật giáo bằng cả thân tâm”, sống trọn vẹn một kiếp sống tùy duyên.
Suốt cuộc đời tôi, ai cũng cho rằng tôi khéo quy phục người khác, kỳ thực nội tâm tôi lại rất lặng lẽ an nhiên, không có người tôi thích nhất và cũng không có người tôi ghét nhất. Người ta nhìn thấy tôi có rất nhiều đệ tử, tín đồ, nhưng có bao giờ tôi xem họ là của tôi đâu, tất thảy đều là bạn cùng tu trong Pháp giới, tôi chỉ hy vọng ai trong mỗi chúng ta cũng đều có một nơi để quay về nương tựa trong lòng Phật giáo mà thôi.
Về vật chất, tôi chẳng có gì để phân chia cả, không có tiền bạc, không có đất đai, nhà cửa, phòng ốc, đến như những thứ gọi là vật kỷ niệm cá nhân cũng chẳng có gì để chia hay để tặng. Nếu bạn cần, bao nhiêu là sách vở đó, chẳng khó khăn gì để bạn tìm được một quyển, xem đó như là vật kỷ niệm vậy. Còn như bạn đã không cần, dù tôi có nói bao nhiêu lời hay ý tốt đi nữa thì chúng cũng trở nên vô nghĩa mà thôi. Tôi chỉ có Phật Pháp ngay giữa lòng nhân gian này tặng bạn để cùng tu học, tôi cũng chỉ có các đạo tràng để các bạn cùng hộ trì mà thôi.
Với tất cả mọi người, tôi không thiên vị người này, cũng không ghét bỏ người kia. Trong thường trụ, có những thiết chế riêng cả, nên việc cất nhắc, sẽ có những tiêu chuẩn nhất định, nhưng pháp thế gian khó mà có thể công bằng một cách tuyệt đối được, việc cất nhắc thường sẽ dựa vào công việc, trình độ học hành, đạo hạnh, công trạng… mà xem xét lớn nhỏ, cao thấp; trong mỗi trường hợp lại có những tiêu chuẩn khác nhau, mọi thứ đều có sự liên hệ với nhân duyên, phúc đức. Vậy nên việc mọi người trong chúng có được cất nhắc hay không, không phải dựa trên quan điểm cá nhân tôi mà quyết được. Do đó, tôi muốn ngỏ lời xin lỗi sâu sắc đến toàn thể đại chúng vì điều này, đôi khi tôi không thể góp một tiếng nói để mọi việc được vuông tròn [như mọi người mong đợi]. Dẫu vậy, tôi cũng mong muốn mọi người nên học lấy hạnh nguyện đón nhận sự bất công đến với mình trong cuộc đời này, việc cất nhắc một cá nhân, một tổ chức sẽ do Ban Tôn giáo dựa vào công trạng và quyết định, song đạo hạnh của một người xuất gia, tự có Phật Pháp cân bằng, đừng lấy cái nhìn của thế gian mà luận dài bàn ngắn.
Từ nay về sau, điều mà tôi quan tâm chính là việc điều động các huynh đệ trong tông môn đảm đương Phật sự. Phật Quan Sơn không phải là một tổ chức nhà nước, nhưng vì có nhiều đơn vị phụ trách sự vụ, nên cũng phải có một hệ thống tuyển chọn và cắt cử nhân sự. Bộ phận Truyền đăng sẽ làm hết sức mình để đảm bảo sao cho việc lựa chọn và bố trí nhân sự được hợp lý nhất có thể. Song cũng nên biết, cách nhìn nhận về sở trường, về cách nghĩ, cách làm của mỗi người đều có sự khác biệt rất lớn, vậy nên mong đại chúng hãy nhẫn nại. Nếu công bằng là một việc bất khả ở thế gian, vậy thì chúng ta hãy chuyển hóa nó thành hòa bình, thành những điều tốt đẹp trong cuộc sống, cố nhiên cũng phải xét xem sự bình đẳng ấy là từ góc độ nào. Sau này, nếu có chỗ bất đồng ý kiến, mọi người nên y cứ vào “Sổ tay đệ tử Phật Quang Sơn” để giải quyết, cũng có thể sửa đổi nếu đã được toàn thể đại chúng thống nhất thông qua.
Trong cuộc đời tôi, mọi người cho rằng tôi khai sơn rất là gian nan, trên thực tế tôi lại thấy mọi việc rất đơn giản, bởi vì việc khai sơn là của đại chúng và tôi là chỉ một trong số đó, dốc hết sức mà làm, kết quả tự nhiên tùy duyên mà hiện. Không ít người nhận định tôi là người giỏi làm công tác quản lý, kỳ thực tôi chỉ biết mỗi một việc là dùng “vô vi” để xử lý công việc. Cảm ơn mọi người đã phối hợp cùng nhau, ngoài giới luật và pháp luật ra, chúng ta không có bất cứ quyền gì để quản lý người khác cả. Đối với tất cả các pháp ở thế gian, đã không vì đến mà vui thì cũng sẽ chẳng vì đi mà tiếc nuối. Vẫn luôn cho rằng, kiếp người nên cứ tiêu dao thoải mái, tùy duyên mà tự tại, có thể tương ứng với đạo tương hợp với Pháp, ấy đã là một kiếp sống giàu có lắm rồi.
Cả đời, tôi luôn tâm nguyện với triết lý “CHO/TẶNG”, mang lời đẹp mà tặng cho người, giúp cho mọi người được thỏa nguyện. Vậy nên, tôi đã tạo lập tôn chỉ cho Phật Quang Sơn: tặng người niềm tin, tặng người niềm vui, tặng người hy vọng, tặng người sự thuận tiện. Nhận thức được sự tầm quan trọng của việc gieo duyên, kết duyên, nên lúc nào trong lòng tôi cũng tâm niệm rộng kết nhân duyên với tất cả mọi người, đến đâu tôi cũng mang tâm nguyện gieo trồng hạt giống Phật Pháp. Tôi lập chí xây dựng các cơ sở giáo dục, bởi vì ngày còn nhỏ, tôi chưa từng được học hành một cách chính quy bài bản ở một cơ sở giáo dục nào, trong khi học tập chính là một trong những phương pháp tối ưu để hoàn thiện bản thân và nâng cao khí chất của mình. Tôi cũng phát tâm viết sách lập thuyết, nguồn nước Pháp từ chỗ Thế Tôn chảy dài theo năm tháng, tôi không thể không mang mạch nước đã được kế thừa trong lòng tôi ấy chia sẻ đến rộng khắp mọi người.
Cả một đời, tôi đều thể theo nhân sinh quan của bản thân tôi mà thực hành “lấy lùi lám tiến, lấy đại chúng làm bản thân, lấy không làm có, lấy không làm niềm vui”, phàm là đệ tử xuất gia của tôi, nên nương theo tâm xuất ly, lấy tư tưởng xuất thế làm sự nghiệp nhập thế, cuộc sống thường nhật nên thật đơn giản, không nên trụ tâm vào chỗ tích cóp. Ngày xưa, một bát ba y, mười tám vật của người tu hạnh đầu-đà, tất cả đều là truyền thống tốt đẹp, phù hợp với giới luật, mọi người phải luôn ghi nhớ. Đệ tử Phật Quang Sơn không quyên tiền, không cậy thế nhờ vả, không tạo sản nghiệp riêng, không làm đồ ăn riêng, không thu đồ chúng riêng, không tích lũy tiền bạc riêng, không kiến tạo đạo tràng riêng, không lôi kéo tín thí riêng, những điều ấy nếu gìn giữ được thì pháp phái Phật Quang Sơn mới có thể miên trường, quang huy rực rỡ. Nên biết “tiếng tốt là nhờ hạnh Thế Tôn, thành tựu là nhờ đức đại chúng, lợi ích là của xã hội, công đức thuộc về tín chúng”, mọi người nên khéo phụng hành.
Phải khéo hay rằng “Phật đạo khắp hư không, chân lý tròn Pháp giới”, mọi thứ trong Pháp giới là của ta, nhưng vô thường trên hình tướng, mọi thứ lại không phải là của ta, đừng nên quá lưu luyến với thế tục. Tuy nói Phật đạo không xa rời thế gian, nhưng nên như “người gỗ ngắm hoa cỏ chim muông” vậy, đừng quá dính mắc, đừng quá trụ tâm phân biệt. Lúc nào cũng nên lấy đại chúng làm tự thân, lấy giáo pháp làm bản mệnh mà an thân lập mệnh trong Phật đạo.
Phàm là đệ tử của tôi, chỉ cần có Phật Pháp là đủ rồi, tiền tài vật chất cứ nên rộng đường gieo duyên với mọi người, bởi lẽ tất thảy những thứ ấy cũng chỉ là vật chất của thế gian tặng cho. Đối với tiền tài vật chất, nhất nhất đều quy về của chung, mọi thứ trong đời sống vật chất của mỗi chúng ta đều là của thập phương thường trụ, không nên tranh giành cũng chẳng nên chiếm hữu, chỉ cần mọi người giữ vững niềm tin một lòng hướng đạo, tin rằng đời sống thường nhật sẽ không phải là vấn đề cần phải quá lo nghĩ. Cũng mong rằng đại chúng đừng quá chú tâm vào cái ăn cái mặc của thế gian mà tạo thành chướng ngại, đó không phải là nếp sống đạo của kẻ tu hành.
Tôi luôn mong rằng tịnh tài của thường trụ nên dùng vào việc của thập phương, không nên tích lũy, đó mới chính là con đường bình an trong tương lai cho Phật Quang Sơn. Ngoài một khoảng chi phí sinh hoạt cần thiết nhất định, còn lại nên dùng cả cho các hạng mục văn hóa, giáo dục, từ thiện. Phật Quang Sơn nhận của thập phương cúng dường lại cho thập phương, chúng ta nên tương trợ những trường hợp hoạn nạn, khó khăn; nên quan tâm giúp đỡ những người neo đơn cô quả, hoặc giả là góp công góp sức làm những công tác thiện nguyện cụ thể nào đó cho những người nghèo khó. Tai nạn, khốn khó là nỗi bất hạnh của thế gian, vậy nên việc cứu trợ là điều đương nhiên, không nhiều thì ít nhất định phải làm cho được.
Đất đai kiến tạo Phật Quang Sơn, Phật Đà Kỷ Niệm Quán cũng như các phân viện khác của Phật Quang Sơn đều không phải tài sản của nhà nước, cũng không phải tài sản thuê mướn, tất cả đều là tịnh tài của thường trụ chung tay mua được. Vậy nên tất cả đều thuộc sở hữu của thường trụ Phật Quang Sơn, không hề có sự hùn hạp, liên doanh hay vay mượn. Có thể nói, từ ngày thường trụ khai sơn đến nay, chưa từng phải vay mượn từ bên ngoài.
Đối với các phân viện đạo tràng luôn cần phải có sự tư vấn, tu bổ thường xuyên nhằm tạo sự thuận tiện cho Phật tử. Nếu tình hình thực tế không còn đủ sức để duy trì, cần thông qua Ban tôn giáo và Ban Phật tử để được đồng thuận, sau đó chấm dứt hoạt động, tịnh tài thu thập lại để bổ sung vào cho các hoạt động văn hóa, giáo dục, quỹ công ích. Tuyệt đối không được phân chia, tư lợi cá nhân. Đối với giới Phật giáo, bạn cùng tu học tuyệt đối không được có mối liên hệ tiền bạc, nếu có thì đó phải là hoạt động bố thí, không có ban thưởng, không có vay trả để tránh tình trạng tranh chấp sau này.
Tôi suốt một đời kính tín Thế Tôn, một lòng xem Thế Tôn là bậc đạo sư là thầy dẫn đường. Sau này, trên bước đường tu học, tôi mong mọi người nên kính Thế Tôn và thập đại đệ tử của Ngài là tấm gương, xem chư vị Tổ sư của các môn các phái trong Phật giáo là những bậc mô phạm của chúng ta. Trên bước đường hoằng Pháp lợi sanh, ở tại các đạo tràng khắp nơi trên thế giới, nên cố gắng tối đa vấn đề bản địa hóa, mời những vị đồ chúng ở ngay địa phương chủ trì các hoạt động. Những lời dạy của tôi đối với Phật Pháp trong lòng nhân gian, nên truyền đạt rộng khắp để mọi người có cơ hội tiếp nhận.
Một đời của tôi, lấy việc hoằng dương Phật Pháp tại thế gian làm bản hoài, những điều Phật nói, những gì người cần, những gì cần tịnh hóa, những gì tốt đẹp, phàm những giáo pháp làm tăng hạnh phúc cho kiếp người đều là Phật Pháp tại thế gian. KHỔ, nên được xem là sức mạnh tăng thượng duyên của chúng ta; VÔ THƯỜNG, không phải là cái gì đó đóng khung định hình, trái lại là phương tiện thay đổi mọi thứ trong tương lai, khiến cho đời sống ngày một tốt đẹp hơn; KHÔNG, không phải là không có gì cả, nên hiểu cái không chính là vật liệu làm nên cái có, phải có cái không rồi mới có cái có, một đời người, tôi chẳng có gì cả [mà lại có tất cả], thế không phải là chân không sinh diệu hữu đó sao?
Tôi có niềm tin vững chắc, trong tương lai, Phật Pháp tại thế gian sẽ là một luồng ánh sáng cho thế giới, cho nhân loại. Nói lời tốt là CHÂN, làm việc tốt là THIỆN, trong lòng nghĩ tốt là MỸ, hãy để phong trào thực hành chân-thiện-mỹ bén rễ rồi cắm sâu vào lòng xã hội. TRÍ chính là Bát-nhã, NHÂN chính là Từ-bi, DŨNG chính là Bồ-đề, phải ra sức làm cho được, để cho hạt giống giới-định-tuệ lớn lên trong nội tâm của chúng ta, hành bồ-tát đạo ngay nơi thực tiễn, lấy đó để làm pháp tu hành của chúng ta ngay trong cõi người này.
Phật Pháp tại thế gian, khởi nguyên từ Thế Tôn, giờ đã thành phổ biến như thời tiết, như không khí vậy, vậy nên Phật Quang Sơn, Phật Quang Hội nhất định sẽ trở thành một đoàn thể chính phái của giới Phật giáo. Song, việc của con người trong thế gian này ai cũng có chỗ kiến chấp, từ nghìn xưa đến tận hôm nay, ở Ấn Độ đã có sự phân hóa Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ, truyền sang Trung Quốc lại sinh ra tám tông phái lớn, từ giáo nghĩa cho đến thực tiễn mỗi tông mỗi phái đều có sự khác biệt, cũng chẳng phải gì là to tác, nhưng nếu chúng ta cứ mãi so đo thị phi với người thì đó lại là điều hoàn toàn không khế hợp với tâm Phật.
Giả như các vị có lòng, muốn kết nối tín nhân tứ chúng tại Phật Quang, có thể học theo cách của cổ đức ngày xưa thành lập một tông phái, nhưng cái gọi là kiến tông lập phái đó, ắt phải trông vào chỗ hành trì của lớp hậu nhân, nếu lớp hậu nhân có những việc làm thiết thực cống hiến cho Phật giáo, lại được mọi người ủng hộ chung lòng hướng về, [khi ấy] [việc] có một tông phái mang hơi thở thời đại làm rường cột cho Phật giáo thì đó cũng không phải là một việc không thể.
Còn như đối với sự nghiệp hoằng dương giáo pháp Phật Pháp trong lòng thế gian, nếu có ai có sự không hài lòng với phương pháp làm việc, vào thế “chấp ngã dễ phá, chấp Pháp khó chuyển” không buông bỏ được chấp niệm mà [đi đến bước] phải thành lập môn hộ, chúng ta cũng nên lấy tâm vô ngại mà tiếp nhận việc phân lập này của Phật Quang. Chỉ cần không làm gì thương tổn đến sơn môn pháp phái, thì hãy bao dung họ chứ đừng bài trừ họ.
Quan điểm của chúng tôi không đặt nặng vào chỗ thành tựu tự thân, mà là khả năng truyền thừa Phật Pháp, không biệt tuổi tác, giới tính. Trên con đường lớn Phật Quang, tín nhân tứ chúng hiện nay đã có một quy mô [khá lớn], tăng ni Phật Quang Sơn phải giữ vai trò dẫn đầu, các nam nữ Phật tử của Phật Quang Hội cũng nên chọn những người tài năng, có thế mạnh để phát huy, tập hợp lực lượng đừng để chia rẽ phân hóa, tạo thành một vòng kết nối lớn, từ đó khiến cho Phật nhật ngày càng rạng rỡ, soi rọi đến khắp nơi, nguồn suối Pháp cũng được tuôn chảy hoài không đoạn tuyệt. Khuyến khích tối đa những hội viên thuộc Phật Quang Hội có nghề nghiệp, công việc thường ngày trong đời sống xã hội phù hợp với tinh thần của Bát chánh đạo, mọi người cùng chung tay nhau giúp đỡ nhau để cùng nhau phát triển.
Phật Quang Hội là hiệp hội luôn trực thuộc giáo đoàn Phật Quang Sơn, tăng ni tín chúng phải luôn hòa hợp, tựa như hai mặt của cùng một vật thể vậy, không được tranh chấp, đối đầu với nhau. Phật Quang Sơn đã phát động và lựa chọn theo chế độ dân chủ, từ nay về sau người lãnh đạo của cả Phật Quang Sơn và Phật Quang Hội sẽ luân phiên chọn người trong thường trụ, không được có sự tranh chấp, phải luôn lấy ý kiến của đại chúng làm đích đến cuối cùng.
Tôi vẫn luôn ủng hộ sự “bình đẳng”, luôn chắc tin rằng dù là nam-nữ hay giàu-nghèo đều có sự bình đẳng, không nên có sự kỳ thị. Chúng sinh đều có Phật tính, tình dữ vô tình đều có thể đồng viên chủng trí, vậy nên từ “tôn trọng nhân quyền” cho đến “kêu gọi quyền được sống” tôi đều luôn hy vọng có thể thực hành một cách triệt để tinh thần “chúng sanh bình đẳng”. [Mong rằng] tất cả mọi người đối với cây cỏ hoa lá trên núi nên có lòng yêu thương bảo vệ; đối với thôn dân dưới núi, với tất cả mọi người nên có sự quan tâm han hỏi; đối với các em nhỏ ở nhà trẻ phải thường xuyên động viên khuyến khích; đối với các cụ già đang an dưỡng trong các tinh xá nên thường xuyên ủy lạo hỏi thăm; đối với các bậc trưởng lão khai sơn phải luôn có lòng tôn kính.
Bản thân tôi xem Đài Loan và Đại Lục như một gia đình, nhìn thế giới ngũ châu như anh em thủ túc, tôi hy vọng có thể mang tất cả thiện duyên tặng lại cho cõi nhân gian, mang tình Linh Sơn pháp lữ tặng lại cho tín chúng thiện nhân, mang tất cả vinh quang dâng tặng cho hết thảy đại chúng trong Phật giáo, và chỉ xin mang hạt giống trong lòng giữ lại cho riêng mình. Nguyện cho khắp chúng sinh trong Pháp giới ai cũng đều tin sâu và nhân duyên và nhân quả, hy vọng mỗi vị nhân giả ai nấy đều chí thành thực hành từ bi hỷ xả, mang trọn tâm ý chí thành lưu lại giữa nhân gian.
Các hoạt động của Phật Pháp giữa lòng thế gian như kiến tạo và vận hành các trường đại học, phát thanh truyền hình, báo chí, biên tập xuất bản, xe sách lưu động, dưỡng lão nuôi trẻ…nói chung là những việc có ích cho xã hội, tất cả nên giao cho giáo đoàn gánh vác, trợ cấp, ủng hộ, đừng để gián đoạn; chương trình “Giọt nước ân tình” của Trích Thủy Phường nên làm cho ngày một tốt hơn. Đối với chốn Tổ của Phật Quang – chùa Đại Giác ở Nghi Hưng, nếu có đủ duyên, nên thường xuyên về đấy lễ bái. Bản thân tôi rất chú trọng đến văn hóa, giáo dục, phúc lợi công cộng, vậy nên có ủy thác để mở một quỹ học bổng giáo dục, hiện có hơn 1 tỷ đồng. Ngoài một khoản nhỏ được tín chúng chung tay, phần lớn còn lại có được từ xuất bản sách và thư pháp. Sau này, quỹ học bổng này nên do các trưởng lão ở Phật Quang Sơn duy trì, cũng mong rằng các nhân sĩ trong giới Phật giáo, những nhà từ thiện hảo tâm có cùng chí hướng, có thể chung tay góp sức cho nguồn quỹ này ngày một lớn hơn, làm lợi ích đến được toàn dân, tạo thành một dòng chảy tươi mát trong lòng xã hội, trong lòng đất nước.
Những giải thưởng như: Giải thưởng cống hiến trong việc truyền bá Chân-Thiện-Mỹ, Giải thưởng ba tốt trong trường học, Giải thưởng văn học Trung văn Tinh Vân toàn cầu, Giải thưởng giáo dục Tinh Vân… cũng như các giải thưởng khác sau này đủ duyên thành lập, chỉ cần điều kiện kinh tế cho phép, đều có thể thành lập và đưa vào hoạt động. Chúng ta phải luôn tiếp thêm nguồn năng lượng và dưỡng chất cho xã hội, đây là trách nhiệm không thể chối từ của mỗi người đệ từ Phật.
Về phương diện giáo dục, chi tiêu nhiều nhất chính là các trường đại học và trung học được tạo dựng từ thập phương thường trụ, [vậy nên] nếu có đủ duyên, sẽ hiến tặng vô điều kiện cho những người quản lý nào hữu duyên, [tuyệt đối] không được mua bán; nếu mang trường học đi bán, thì chúng ta sẽ phải ăn nói thế nào với những vị đã chung tay góp sức kiến tạo nên trường học? Đó là việc làm gây mất uy tín của Phật Quang Sơn, mang lại điều tiếng không hay [cho tự viện]. Đối với các đoàn thể hỗ trợ việc phát triển văn hóa, giáo dục của Phật Quang Sơn, nếu có hợp tác nên khéo lượng sức mà làm, [phải đảm bảo] sao cho người có lòng ngày một được cố kết hơn. Nếu có lời góp ý xây dựng, thậm chí là phê bình, chỉ cần xuất phát từ thiện chí thì đều nên đón nhận bằng tinh thần “nghe xong vui vẻ”, chúng ta nên lắng nghe và tiếp thu ý kiến của mọi người thì mới sẽ lại được mọi người tin tưởng và ủng hộ.
Tôi vẫn thường nhìn thấy các đệ tử trong Ban vườn xén cỏ tỉa hoa, nhìn thấy Ban bảo vệ môi trường thu gom và phân loại rác, nhìn thấy Ban kỹ thuật sửa chữa này nọ, Ban Giám viện làm công tác phục vụ, rồi các vị Điển tọa trong các khu tăng xá lớn, cho đến các vị hương đăng tri khách…ai cũng tận tâm tận lực, không ngại lao nhọc không lời than vãn, quả thật đó mới chính là nguồn động lực to lớn để tạo nên sự thành công của sơn môn, tôi rất cảm động và vô cùng biết ơn các vị. Nếu không có sự phát tâm ấy của mọi người, làm sao có được Phật Quang Sơn của ngày hôm nay? [Vậy nên], từ nay về sau, đối với các công tác tiếp đãi khách thập phương, công tác kêu gọi tín đồ, công tác tổ chức làm công quả đều nên có sự huấn luyện bồi dưỡng, sao cho công tác được ngày một tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn.
Cho nên, tinh thần sáng tạo tập thể phải được kiên trì mãi mãi, không oán thán, không hối tiếc, đó chính là tâm nguyện cả một đời của tôi. Bởi lẽ, chẳng ai có thể tồn tại độc lập, mọi người phải kính trọng nhau và giúp đỡ nhau, cùng nhau thành tựu, đó mới chính là tinh thần cốt lõi của việc học và hiểu Phật Pháp, thà chịu thiệt hoặc hy sinh bản thân chứ không để tổn thất cho đại chúng, cho thường trụ.
Vị tiền bối đồng hương của tôi là Đại sư Giám Chân thời Đường đã vượt qua biết bao nhiêu là gian nan nguy hiểm để đến được đất nước Nhật Bản hoằng dương Phật Pháp, truyền bá văn hóa. Đến năm Ngài 75 tuổi, tự biết không thể nào về lại được quê hương nên đã viết lại di kệ:
Sơn xuyên dị vực,
Nhật nguyệt đồng thiên.
Ký chư Phật tử,
Cộng kết lai duyên.
(Sông núi tuy khác biệt,
Nhật nguyệt chung bầu trời.
Nhắn cùng quý Phật tử,
Sẽ lại có duyên thôi.)
Trong dòng chảy của cuộc đời, tựa hồ như trăm sông đổ về biển vậy, cuối cùng rồi cũng sẽ có một ngày quay trở lại, ngẫm đời người, chặng đường này vừa kết thúc, thì sẽ lại có một chặng đường khác mở ra.
Loài người không thể độc cư giữa thế gian này, cuộc sống cần có sự phối hợp hài hòa giữa sĩ-nông-công-thương cũng như cuộc sinh tồn cần có sự trợ duyên của đất-nước-lửa-gió vậy. Trong thế giới tự nhiên, mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú, sông hồ núi non, tất cả đều là sự sống của chúng ta. Vậy nên chúng ta phải biết yêu thương, gìn giữ trái đất này – nơi mà chúng ta đang sống, đồng thời còn phải biết giúp đỡ tất cả những chúng sinh đang sống trên trái đất này. Bởi lẽ, họ là những người đã từng cho ta, đã từng giúp đỡ ta, là người ban ân huệ cho chúng ta. Tất thảy chúng ta đều là những con người sống trong nhân quả nhân duyên, vậy nên phải biết nương tựa nhau, giúp đỡ nhau.
Mỗi người chúng ta, ai cũng “trắng tay mà đến lại tay trắng mà đi”. Nhìn lại cuộc đời của chính mình, tôi không biết mình đã mang gì đến cho cõi nhân gian này, nhưng tôi biết rõ rằng tôi sẽ mang đi từ cõi nhân gian này biết bao nhiêu là vui vẻ, biết bao nhiêu là thiện duyên. Tôi khó lòng mà quên được sự hỷ xả, sự ủng hộ của biết bao là thiện tín đối với tôi, biết bao nhiêu là lời chúc phúc của các vị đồng môn; tôi cũng không bao giờ quên được biết bao nhiêu là sự trợ duyên của quý vị dành cho tôi. Một đời này, tôi thọ ơn Phật, nhận lấy tình yêu thương của mọi người quả thật to lớn vô cùng, vậy nên tôi phải sống một cách thật có giá trị giữa dòng đời này. Tôi nguyện đời đời kiếp kiếp kính tín Thế Tôn, phục vụ chúng sinh, lấy đó để mà báo đáp tứ trọng ân.
Bây giờ, tuy tôi sắp phải đem theo sự tôn trọng của quý vị dành cho tôi mà ra đi, sắp phải đem theo nhân duyên, sự quan tâm, tình cảm của quý vị dành cho tôi mà ra đi, song, trong tương lai tôi sẽ bồi thường gấp đôi lại cho quý vị. Trong đời, tôi từng nói rằng:
“Tập thể sáng tác,
Chế độ lãnh đạo,
Phi Phật bất tác,
Duy Pháp sở y”
(Sáng tạo của tập thể, lãnh đạo theo chế độ, không phải việc Phật quyết không làm, duy chỉ lấy giáo Pháp làm nơi nương tựa), hay như trong bài kệ khi truyền Pháp:
“Phật Quang bồ-đề chủng,
Biến sái ngũ đại châu,
Khai hoa kết quả thời,
Quang chiếu hoàn vũ châu”
(Giống bồ-đề Phật Quang,
Gieo khắp cả năm châu,
Ngày khai hoa kết trái,
Chiếu rạng khắp toàn cầu.)
Kính mong mọi người ghi nhớ và thực hiện. Thường nghe rằng “có Phật pháp sẽ có giải pháp”, phàm những người mà tôi tin tưởng nhất định phải ghi nhớ thực hành từ bi, hỷ xả, gieo duyên, báo ơn, hòa nhã, đoan chính, phục vụ, chuẩn mực, chính trực, kiên nhẫn, công bằng, hy sinh, phát tâm, thực hành Phật quả…tất cả những điều ấy đều là Phật Pháp, làm trọn vẹn những điều ấy, tự nhiên mọi việc [khó khăn] đều có giải pháp.
Tôi sinh ra vào thời ly loạn, nên suốt cả một cuộc đời thử thách trùng trùng, dẫu vậy nhưng tôi vẫn cảm thấy cuộc sống này vô cùng hạnh phúc, tôi tận hưởng cả trong khổ nạn, bần cùng, trống rỗng và cả trong sự phấn đấu không ngừng; Tôi chiêm nghiệm được “tứ đại giai hữu”, tôi thấu hiểu được cuộc đời bốn mùa thảy đều rộ những mùa hoa, Thế Tôn và tín chúng cho tôi nhiều quá. Tuy nói xuất gia là đã chú định từ bỏ tất cả sự hưởng thụ, nhưng thật ra bản thân tôi lại hưởng thụ được trọn vẹn niềm vui vi diệu của sự từ bỏ. Tôi tự cảm thấy bản thân đã hưởng thụ trọn vẹn niềm vui “thiền duyệt Pháp lạc” bất tận trong giáo Pháp rồi.
Còn như đoạn cuối cùng của kiếp người, tôi không có xá lợi đâu, [nên] mọi lời ca tụng trướng liễn xin miễn hết cho, nếu có phải viết gì đó thì cũng chỉ viết vài chữ đơn giản thôi, còn như có ai đó nhớ nghĩ đến tôi, có thể hát cho tôi nghe bài hát “Nhân gian âm duyên” thường nghe trong nhạc Phật giáo. Chỉ cần trong lòng đại chúng lúc nào cũng ý niệm về Phật Pháp trong lòng nhân gian, mỗi giờ mỗi phút thực hành các pháp về Phật Pháp tại thế gian, tôi nghĩ đó mới là cách nhớ nghĩ về tôi hay nhất và cũng là cách mà tôi mong đợi nhất tự đáy lòng mình.
Cuối cùng, điều tôi còn suy nghĩ, ngoài hạnh phúc và an vui cho môn nhân tín chúng, còn phải chú trọng đến việc xây dựng đại học ở các nơi trên thế giới, đó cũng là gốc rễ của chúng ta. Đại chúng trên Phật Quang Sơn, đặc biệt là thầy trò trong các học viện của chốn tùng lâm, các vị chính là hạt giống bồ-đề của Phật Quang Sơn, các vị phải tự hoàn thiện mình, phải phát đại nguyện thì Phật Pháp tại thế gian mới có thể đồng hành cùng trời đất, thường trụ với đại chúng.
Cờ Pháp không thể nghiêng đổ, đèn Trí không thể lu mờ, ngưỡng nguyện khắp tất cả mọi người trong tương lai tiếp tục tinh tiến trên con đường lớn Phật Pháp tại thế gian, kính mong mọi người thường nhắc nhở nhau, sách tấn nhau, cùng nhau trân trọng chánh Pháp.
Lời cuối cùng tôi muốn lưu lại, đó chính là:
Tâm hoài độ chúng sinh bi nguyện,
Thân tự Pháp hải bất hệ chu.
Vấn ngã nhất sinh hà sở cầu,
Bình an hạnh phúc chiếu ngũ châu.
(Tâm từ thường nguyện độ chúng sinh,
Thân hóa thuyền theo Pháp hải lưu.
Nếu hỏi: một đời cầu chi đó?
Bình yên hạnh phúc khắp năm châu.)
Tinh Vân, viết tại liêu Khai Sơn, Phật Quang Sơn (2013)
Dã Hạc Cư, 06.02.2023
Sơn Dã chuyển ngữ sau khi được tin Đại sư viên tịch.
[Trích dịch từ sách 貧僧有話要說 – Bần Tăng có lời muốn nói, do Đại sư Tinh Vân khẩu thuật, nhóm pháp sư Diệu Quảng thuộc Ban thư ký Pháp Đường – Phật Quang Sơn ghi lại, nhà xuất bản Phúc Báo Văn Hóa thành phố Đài Bắc ấn hành vào năm 2015, tr.577-586]
II. Cử hành tang lễ Đại lão Hòa thượng Tinh Vân (Phật Quang Sơn)
Tang lễ của Đại lão Hòa thượng Tinh Vân được tổ chức một cách đơn giản theo truyền thống Phật giáo trong vòng 1 tuần lễ – Ảnh: PQS |
Gần trăm năm thị hiện trên đời
Tám mươi năm hoằng hoá
Tịnh độ nhân gian sáng ngời
Chiếu soi thời mạt pháp
Thuận vô thường, hoa tàn lá rụng
Cõi Phật kia mở cửa đón tiếp người.
Theo thông báo phát đi từ Phật Quang Sơn, lễ truy điệu Đại lão Hòa thượng Tinh Vân sẽ được tổ chức vào 9 giờ sáng ngày 13-2, sau đó thỉnh kim quan đến chùa Đại Tiên (Đài Nam) cử hành lễ trà-tỳ trước khi an táng xá-lợi vĩnh viễn trong vườn Trường Thọ, Phật Quang Sơn.
Tuân thủ di huấn của Đại lão Hòa thượng Tinh Vân, nhục thân của ngài khi viên tịch được đặt trong tư thế “tọa cang” (đặt ngồi kiết-già trong một cái vạc) theo truyền thống từng được các đại sư Trung Hoa thực hiện.
Kim quan được tôn trí tại lầu Vân Cư, Phật Quang Sơn trong 1 tuần lễ. Tang lễ của Đại lão Hòa thượng Tinh Vân được tổ chức một cách đơn giản theo truyền thống Phật giáo, không thành lập ban tang lễ, không phát đi cáo phó, không thực hiện lễ nghi. Các đệ tử sẽ luân phiên khâm trực quanh giác linh đài suốt thời gian tang lễ.
Trong thời gian này, từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều mỗi ngày, giác linh đường sẽ được mở cửa để Phật tử hữu duyên có thể vào viếng.
Đại lão Hòa thượng Tinh Vân sinh ngày 22-7-1927 tại tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), xuất gia năm 1938 với Đại lão Hòa thượng Trí Khai tại chùa Thê Hạ Sơn (Nam Kinh).
Ngài được biết đến là người đã có công khai kiến Phật Quang Sơn – quần thể kiến trúc Phật giáo đồ sộ tọa lạc tại Cao Hùng (Đài Loan). Đồng thời, ngài cũng là người sáng lập Hiệp hội Phật Quang Quốc tế với các hoạt động liên quan đến lĩnh vực văn hóa, giáo dục Phật giáo và xuất bản.
Năm 1978, Hòa thượng Tinh Vân khởi xướng công trình biên soạn bộ Phật Quang đại từ điển. Sau 10 năm, công trình này được hoàn thành, trở thành một trong những bộ đại từ điển Phật học quan trọng. Ngài cũng là tác giả của nhiều cuốn sách về triết lý Phật giáo và nhân sinh.
Sau thời gian thọ bệnh, Đại lão Hòa thượng Tinh Vân đã xả bỏ báo thân viên tịch vào chiều ngày 5-2-2023 (rằm tháng Giêng-Quý Mão), trụ thế 97 năm.
Thảo luận về post