>>> NGUỒN GỐC LỄ VU LAN BÁO HIẾU | TT. Thích Thiện Hạnh
9 BÀI CẢM NIỆM VU LAN – BÁO HIẾU
LỜI BẠT
Lễ Vu Lan bắt nguồn từ một bản kinh ngắn của Phật giáo Đại Thừa “Phật Thuyết Kinh Vu Lan Bồn”, do ngài Trúc Pháp Hộ dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán vào đời Tây Tấn, khoảng thế kỷ III sau Công Nguyên và được truyền từ Trung Hoa vào Việt Nam.
* Chữ Vu Lan, phiên âm từ tiếng Sanscrit: Ullambana, Hán dịch là “Giải đảo huyền” hay “Cứu đảo huyền”. Nhiều bản dịch Việt là: “Cứu nạn treo ngược”, nhưng đúng phải dịch là: Cứu cái khổ khó chịu giống như nạn người bị treo ngược – cũng là nỗi khổ chung của tất cả chúng sinh trên trần gian này chứ không chỉ riêng dưới địa ngục…
Kinh Vu Lan không phải là dành cho những người còn ở dưới địa ngục mà chú trọng chuyển hóa những nhận thức của chúng ta về thân phận của con người trong cuộc đời & hiểu rõ nghiệp duyên.
Mỗi khi Vu Lan về, đa phần chúng ta nghe những bài giảng hay câu thơ về Ơn cha nghĩa mẹ. Khiến lòng mình phải là ăn năn, khóc lóc, dằn vặt… với những lầm lỗi, tiếc thương mà mình đã gây tạo cho cha mẹ người thân, mà là biết chuyển hóa, sửa đổi thân tâm, trân trọng, hiếu nghĩa với những bậc cha mẹ, người thân còn hiện hữu bên mình một cách trọn vẹn nhất; tạo nên cuộc sống an lạc, tốt đời – đẹp đạo. Vì, Vu Lan – mùa Báo hiếu không phải chỉ có trong tháng 7 âm lịch – mà Việc báo hiếu là chuyện hằng ngày & chuyện cả đời…
* Như Ngài Trí Húc đại sư (1599-1655), tự Ngẫu Ích, người đời Thanh. Từng chú giải về kinh Vu Lan: “Kinh này lấy Pháp cúng làm tên, lấy tự tánh Tam Bảo làm thể, lấy Hiếu từ làm tông, lấy sự cứu khổ ban vui làm dụng, lấy Đại thừa làm giáo tướng. Tất cả những Phước điền ở thế gian không gì hơn Tam Bảo, đạo Pháp xuất thế không gì hơn Hiếu từ; muốn Báo đáp thâm ân không gì cần yếu hơn là sự cứu khổ ban vui, muốn thành tựu được việc tế độ không gì lớn lao bằng Pháp vu Lan”.
Kinh Vu Lan là kinh điển thuộc hệ Phương đẳng, thể hiện trọn vẹn tinh thần Đại thừa. Vì Đạo Phật là đạo của Từ bi & Trí tuệ. Nếu giảng kinh Phật về chữ Hiếu không, thì vô hình chung mình kéo ngang hàng đạo Phật với Khổng giáo.
* Hiếu từ chia làm ba bậc.
– Sanh duyên Hiếu từ: Thể hiện lòng Từ bi đối với chúng sinh.
– Pháp duyên Hiếu từ: Lòng Từ bi đối với các Pháp.
– Vô duyên Hiếu từ: Là lòng Từ bi Vô duyên, tức là lòng Từ bi không cần đợi nhân duyên mới thể hiện – đây chính là lòng Từ bi của chư Phật.
Chùa Tự Tâm – Tp. Ban Mê Thuột sưu tầm & biên tập 10 bài cảm niệm Vu Lan Báo Hiếu. Kính chia sẻ với đại chúng.
Nam mô Vu lan Duyên khởi Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ tát tác đại chứng minh.
BBT CHÙA TỰ TÂM
Chuatutam.net
Thảo luận về post