Triết lý Phật giáo có thể giúp đỡ bạn trong hành trình làm cha mẹ nhiều khó khăn, vất vả, đầy thử thách và áp lực. Một trong số đó là bố mẹ cho phép con trưởng thành về mặt tình cảm, điều đó giúp trẻ có khả năng phục hồi tình cảm, đồng thời giúp cuộc sống thường ngày của bố mẹ dễ dàng hơn nhiều.
1. Tâm trí tĩnh lặng là tâm trí mạnh mẽ
Theo Phật giáo, cuộc sống là một dòng chảy không ngừng. Vì vậy, sự ổn định của đời người không bao giờ đến từ hoàn cảnh bên ngoài. Thay vào đó, chúng ta có thể chọn cách trau dồi để có một tâm trí ổn định.
Hầu hết các trạng thái tinh thần của chúng ta đều lên xuống thất thường nhiều lần trong ngày dựa vào các sự kiện bên ngoài ảnh hưởng đến chúng ta ra sao. Này nhé, được ôm người thân trong tay, thì hạnh phúc; được khen ngợi, thì vui vẻ; được tặng thưởng, thì sung sướng; bị chỉ trích, thì bực bội; bị chán ghét, thì buồn bã; bị thất bại, thì thất vọng…
Phật giáo khuyến khích tất cả mọi người đón nhận và đối diện với tất cả bằng thái độ bình thản. Có nghĩa là, mỗi chúng ta có quyền lực trong việc chấp nhận mọi việc đến với chính mình như thế nào. Bố mẹ có thể dạy con điều này bằng cách làm gương. Thiền định cũng là một trong những cách để có được tâm trí tĩnh lặng và ổn định.
2. Mở cửa đón những khái niệm vô thường
Trong chương trình học ở trường của các con và trong cả những lúc nói chuyện, dạy con học, người lớn luôn có ý tránh né một sự thật rằng trong cuộc sống này, mọi thứ đang thay đổi liên tục. Chúng ta dạy trẻ con những thứ đơn điệu, tẻ nhạt và gieo vào đầu các con ý niệm mọi chuyện đang đứng yên, chẳng có gì thay đổi cả.
Con không mảy may lo nghĩ, ưu sầu nhưng khi biến cố đến hay chỉ cần một thay đổi rất nhỏ xảy ra, con sẽ hoảng loạn, sợ hãi, bối rối và không biết lý giải như thế nào.
Theo quan niệm Phật giáo, mọi thứ là vô thường, hãy mở rộng cửa để đón nhận những khái niệm về vô thường vào trong cuộc đời của mình; bởi lẽ, chúng ta sẽ không thể nào trốn tránh được nó.
Không phải nói đến cái chết là đụng chạm đến chuyện xui rủi, mà cái chết là một phần của sự sống. Tất cả các sinh vật đều sống rồi chết, đó chỉ đơn giản là chu kỳ tự nhiên của sự sống. Chúng ta nên dạy con điều đó không có gì đáng sợ cả, bằng cách thừa nhận và chỉ cho con thấy quá trình diễn tiến tự nhiên của sự sống: với những đóa hoa nở rộ rồi héo tàn, những chiếc lá xanh rồi vàng, rơi vào mùa thu, khô lại rồi mục rữa dưới gốc cây…
Từng ngày một, chúng ta và con học cách chấp nhận, chứ không sợ hãi sự thay đổi của cuộc đời. Bố mẹ hãy dạy con biết rằng, thay đổi là tự nhiên, và cách đối xử tốt nhất với vô thường không phải là oán giận mà là cám ơn, cám ơn vì nhờ đó mà mỗi ngày trôi qua luôn khác nhau và là duy nhất.
3. Học cách sống chung với sự lo lắng
Các Phật tử đều biết: bởi biết đến vô thường nên trong tâm mỗi người đều tiềm ẩn sự lo lắng. Lo lắng không phải là dấu hiệu của sai lầm, mà nó chỉ đơn thuần là kinh nghiệm khi chúng ta sống chung trong một thế giới vô thường. Đây là cảm giác không thể thay đổi trong lòng của bất kỳ ai.
Lo lắng là cảm xúc bình thường của mỗi con người và khi đánh mất gì đó, chúng ta sẽ đau khổ cho đến khi chấp nhận được sự mất mát.
Hãy dạy con cứ sống chung với sự lo lắng, nhưng đừng để nó đe dọa hay làm con hoảng sợ.
4. Chú ý đến cảm xúc của con, tất cả các cảm xúc
Phật giáo khuyến khích con người chú ý đến các biến động của cuộc sống và quan trọng hơn là cảm xúc của bản thân trước những biến động đó. Vì lý do này, cảm xúc không phải đơn thuần là “tốt” hay “xấu”; đó là những gì chúng ta cảm nhận được về chính mình và về cuộc sống.
Bởi lẽ cảm xúc sẽ tăng lên và rồi cũng sẽ mất đi, các bậc cha mẹ có thể dạy con mình xử lý những cảm xúc một cách tự nhiên nhất, ở hiện tại và khi cảm xúc đó đã bị thời gian đẩy lùi về phía sau. Cảm xúc chính là cảm xúc, đừng ép uổng hay sửa đổi gì ở con vì điều đó không cần thiết.
5. Tin tưởng rằng con mình rất kiên cường
Trong cuộc sống luôn có mất mát và có thất vọng. Tuy nhiên, xuất phát từ bản năng làm cha mẹ, người lớn luôn tìm cách bảo vệ con mình an toàn thoát khỏi những góc cạnh sắc nhọn của cuộc sống; điều này xuất phát từ tình thương, nhưng không phải là yêu thương đúng cách.
Cuộc đấu tranh với thất bại và thất vọng hiển hiện trong cuộc sống của một con người từ rất sớm. Đó là các bài tập về nhà, xung đột giữa anh chị em trong nhà, mối quan hệ với bạn bè rồi đến các luật lệ, việc làm… Khi trẻ được phép đấu tranh, con bắt đầu có khả năng giải quyết các vấn đề, xây dựng khả năng hồi phục của bản thân trước những thăng trầm của cuộc sống, và đương nhiên, bằng chính mình chứ không hề trông chờ vào sự xuất hiện và bảo bọc của bố mẹ.
Một vị tăng đã nói như thế này từ thế kỷ thứ tám: Khi bạn đi bộ nhiều, chân bạn sẽ bị đau. Nếu cứ tiếp tục đi, lớp da bàn chân sẽ dày lên, cứng cáp và giúp bạn đi đến bất kỳ đâu bạn muốn. Tuy nhiên, bạn cũng có thể mang một đôi giày để bảo vệ chân.
Các bậc bố mẹ luôn muốn là đôi giày êm ái và mềm mại cho bàn chân của con mình, giúp con an toàn trên mỗi bước đi, thay vì để con có được lớp da chân cứng cáp để tự vượt trở ngại. Câu hỏi đặt ra là, bố mẹ có thể bảo vệ con đến khi nào?
Vì một lúc nào đó con sẽ phải tự mình sống tiếp cuộc đời mình, bố mẹ hãy tin tưởng vào sự kiên cường của con.
Thảo luận về post